Điểm tin y tế ngày 06/10/2018

07/10/2018 | 00:43 AM

 | 

I. THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

 

1. Bến Tre: Nỗi lo lớn về bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Là một trong những địa phương có tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, song những năm gần đây, việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại tỉnh Bến Tre liên tục bội chi với số tiền lớn, khiến việc kiểm soát Quỹ trở nên rất khó khăn.

6 tháng, bội chi quỹ BHYT lên đến 115 tỉ đồng 

Trong báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bến Tre tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam vừa qua, Giám đốc BHXH tỉnh Bến tre Huỳnh Kim Quân cho biết, hiện Bến Tre là một trong những địa phương có tỉ lệ tham gia BHYT cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2016, toàn tỉnh Bến Tre có 1,04 triệu người tham gia BHYT (tăng 14,7% so với năm 2015 và đạt tỉ lệ bao phủ 82,29% dân số). Năm 2017, có 1.154 triệu người tham gia, đạt tỉ lệ bao phủ 91,2% dân số. Tính đến hết tháng 6/2018, có 1.165 triệu người tham gia, đạt tỉ lệ bao phủ 92% dân số.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì tỉnh Bến Tre đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông Huỳnh Kim Quân cho biết: Mệnh giá thẻ BHYT ở Bến Tre quá thấp, tỉ lệ người tham gia BHYT phần lớn theo hộ gia đình và một số diện hỗ trợ khác, nên càng tham gia BHYT nhiều, thì nỗi lo bội chi quỹ BHYT càng lớn.

Theo thống kê, trong mấy năm gần đây, quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh Bến Tre liên tục mất cân đối do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đa tuyến đi quá lớn, khiến việc kiểm soát quỹ BHYT trở nên rất khó khăn. Năm 2016, quỹ BHYT tại Bến Tre được sử dụng (tính trên số thu) là 561,6 tỉ đồng, nhưng chi phí đa tuyến đi chiếm tới 256,397 tỉ đồng; tổng chi phí KCB mà quỹ thanh toán là 859,5 tỉ đồng, khiến quỹ bội chi 297,8 tỉ đồng. Năm 2017, quỹ BHYT được sử dụng là 732,3 tỉ đồng; vượt quỹ KCB gần 359 tỉ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2018, mất cân đối quỹ KCB BHYT đã lên đến 115 tỉ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tá Tỉnh - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - bày tỏ sự lo ngại khi quỹ BHYT trên địa bàn Bến Tre mất cân đối khá lớn, nhất là chi phí đa tuyến chiếm tỉ lệ khá cao. Điều đáng lo ngại nữa, đó là, trong 3 năm qua, ngân sách liên tục chậm chuyển đóng vào quỹ BHYT để tham gia BHYT cho một số nhóm đối tượng, gây rất nhiều khó khăn trong việc cân đối quỹ, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu và nguồn quỹ BHYT. Cụ thể, năm 2016, tổng số nợ BHXH, BHYT trên địa bàn là 159,5 tỉ đồng, thì ngân sách chậm chuyển lên đến 130,4 tỉ đồng. Năm 2017, ngân sách chậm chuyển 191,5 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 6/2018, ngân sách chậm chuyển 193 tỉ đồng.

Bên cạnh việc bội chi quỹ KCB BHYT, báo cáo của BHXH tỉnh Bến Tre cũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, đã có 163 cơ sở KCB BHYT trên địa bàn kết nối liên thông dữ liệu KCB với Hệ thống giám định BHYT. Tuy nhiên, một số cơ sở KCB chưa nghiêm túc trong việc liên thông dữ liệu ngay khi bệnh nhân ra viện, dữ liệu không đầy đủ về số lượng, chưa chính xác về chi phí, thông tin sai lệch phải điều chỉnh nhiều lần, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT.

Cần tăng cường công tác phối hợp

Trước thực trạng trên, Đoàn giám sát đã đề nghị các ngành liên quan, nhất là ngành Y tế và BHXH tỉnh Bến Tre cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để có giải pháp phù hợp. “Mỗi bệnh viện tự đấu thầu rất vất vả, trong khi một số nơi chưa có nhiều kinh nghiệm, nên có thể mua thuốc với giá cả và chất lượng không phù hợp. Do đó, đề nghị UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo tổ chức đấu thầu tập trung để tiết kiệm các chi phí không cần thiết. Đồng thời, các cơ sở y tế cần xem xét công tác điều trị, tránh tình trạng “chuyển tuyến quá lớn, việc nhập viện điều trị nội trú khá nhiều, chi phí tiền giường cao so với bình quân cả nước…” - thành viên Đoàn giám sát kiến nghị.

Thay mặt Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị tỉnh Bến Tre cần xem xét công tác đấu thầu thuốc tập trung. Đồng thời, cần kham khảo các thông tin liên quan, đặc biệt là những dữ liệu về giá thuốc của ngành BHXH. Nếu gặp khó khăn, cơ sở y tế có thể đề nghị ngành BHXH hỗ trợ thông tin, vì việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH hiện nay rất tốt. 

“Đối với công tác KCB và sử dụng quỹ BHYT, mặc dù còn có những quan điểm, góc nhìn khác nhau, nhưng ngành Y tế và ngành BHXH phải thực hiện đúng các quy trình, quy định, không được để xảy ra mất đoàn kết. Việc đóng góp ý kiến của các cơ sở y tế và cơ quan BHXH là rất quan trọng, Bộ Y tế cũng rất cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh, sửa đổi chính sách cho phù hợp”- ông Tuấn chia sẻ.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre  - ghi nhận những ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát, nhất là đã giúp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT của địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, UBND tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường chỉ đạo để việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT được thực hiện đúng quy định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. (1066)

 

2. Hà Nội: Hơn 1.600 ca tay chân miệng, nhiều ca biến chứng nặng

Tại Hà Nội tích lũy từ đầu năm đến nay ghi nhận 1600 ca mắc tay chân miệng. Trong đó, số bệnh nhân tiếp nhận tại BV Nhi Trung ương là đông nhất, với 770 trường hợp mắc từ đầu năm đến nay. Hiện tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) đang điều trị cho 12 ca bệnh, có biến chứng vào tim, phổi, não.

ThS.BS Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận 770 ca tay chân miệng. So với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do tay chân miệng tăng gấp 4. Thời điểm hiện tại, trong khoa cũng đang điều trị nội trú cho 12 trẻ.

Đáng nói, số bệnh nhân có biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỉ lệ này dưới 5%. Các ca có biến chứng kết quả xét nghiệm phần lớn nhiễm chủng EV71 nguy hiểm.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi.

Tuy nhiên số ca mắc không tăng đột biến do số ca mắc trung bình trong nhiều năm trở lại đây đều dao động từ 2.000 – 4.000 ca. Trong đó, mức 4.000 ca là đỉnh dịch năm 2011. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.

Trong cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phổ, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Bộ Y tế cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 25,3% số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh chóng trong các tuần gần đây như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

Tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy trong 2 tháng qua, tỷ lệ vi rút EV71 chiếm 25% số mẫu xét nghiệm bệnh tay chân miệng, trong đó tỉ lệ này trong 6 tháng đầu năm là dưới 1%. Sự gia tăng đột biến này cũng được ghi nhận trong vụ dịch năm 2011 (từ 32% trong 6 tháng đầu năm lên 56% từ tháng 7 đến tháng 9).

Đánh giá về các trường hợp tử vong tay chân miệng, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Paster TP Hồ Chí Minh, cùng kỳ năm 2015-2017 chỉ ghi nhận 0-4 trường hợp tử vong thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong.

"Đa số các bệnh nhân TCM tử vong trong năm nay không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện. Kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2011 cũng cho thấy 61% trường hợp tử vong là tự điều trị tại nhà", PGS Lân nói.

Do đó, chuyên gia này cảnh báo người dân không nên chủ quan trước bệnh TCM. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao không hạ, ói nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh, trẻ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút thì cần đưa trẻ khám ngay.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu bệnh TCM. Người dân cần phòng bệnh bằng ý thức vệ sinh, ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay xà phòng, cọ rửa đồ chơi của trẻ. (747)

 

3. Kiểm tra đột xuất 3 BV nhi đang đối mặt với tay chân miệng

BV Nhi đồng 2, TP.HCM mỗi ngày tiếp nhận 50 ca tay chân miệng và con số xuất viện cũng tương đương, có 2 trường hợp đã tử vong.

Chiều 5-10, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã đến BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) kiểm tra đột xuất công tác phòng chống bệnh lây nhiễm tại BV này.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết tính đến sáng 5-10, tại khoa Nhiễm đang điều trị 155 ca tay chân miệng, trong đó có 12 ca độ 3, hai ca độ 4 phải thở máy. Từ đầu mùa dịch đến nay, tại bệnh viện có một ca tử vong do tay chân miệng. Ngay từ đầu mùa dịch, bệnh viện đã tiến hành tập huấn cho 100% bác sĩ, điều dưỡng đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện máy móc điều trị.

“Bên cạnh đó, bệnh viện còn tập huấn cho bác sĩ chuyên khoa nhi của các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện các tỉnh khu vực phía Nam để phân luồng điều trị ngay từ tuyến dưới, tránh dồn hết bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên. Hiện tại, các bệnh viện tuyến quận, huyện đã có khả năng phát hiện và điều trị bệnh tay chân miệng độ 2A trở xuống”, BS Hùng cho biết.

Trước thông tin bệnh viện sử dụng căn tin cũ làm phòng bệnh, BS Nguyễn Thanh Hùng giải thích khu căn tin đã được di dời sang địa điểm mới và ngay từ đầu năm, bệnh viện đã chủ động sửa chữa, cải tạo lại khu vực này với đầy đủ chức năng như có phòng làm việc, giường bệnh, khu vệ sinh riêng, đảm bảo đủ điều kiện nhận bệnh. Hiện tại, ba phòng tại đây đang tiếp nhận các bệnh nhi bị tay chân miệng thể nhẹ. Ngoài tay chân miệng, bệnh viện hiện đang có khoảng 100 ca sốt xuất huyết, 60 ca sởi.

Liên quan tình hình bệnh tay chân miệng, tại BV Nhi đồng 2, số ca tay chân miệng cũng tăng đột biến trong 2 tuần cuối tháng 9. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 50 ca tay chân miệng, tuy nhiên số ca xuất viện cũng ở con số tương đương. Tính đến sáng 5-10, bệnh viện hiện có 116 ca điều trị nội trú về tay chân miệng, 3 ca mắc độ 4 và đã có 2 trường hợp tử vong.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng đang điều trị 50 ca tay chân miệng, dự kiến trong thời gian tới bệnh viện sẽ bố trí thêm một khu mới khoảng 40 giường để tiếp nhận bệnh nhi tay chân miệng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định mặc dù tổng số ca tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn đang ở mức giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng có hiện tượng tăng nhanh trong 2 tuần cuối tháng 9 trở lại đây. Do vậy, ông Bỉnh đề nghị các bệnh viện không được chủ quan. Ngoài tăng cường truyền thông, phát tờ rơi cho người dân trong các khu dân cư, khu vực trường học, các bệnh viện cần phân loại bệnh ngay từ tuyến dưới để phân tán khối lượng bệnh nhân cho phù hợp, không dồn hết về các bệnh viện tuyến cuối vừa gây quá tải vừa khó khăn trong kiểm soát lây nhiễm.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chuẩn bị một khoa dự phòng để có thể tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp Bệnh viện Nhi đồng1, Nhi đồng 2 quá tải. (638)

 

4. Xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non, có 27 trẻ nhỏ cùng mắc bệnh

Mới đây, một ổ dịch tay chân miệng ở trường mầm non được phát hiện khi thống kê có đến 27/383 trẻ nhỏ dương tính với bệnh tay chân miệng.

Ngày 5/10, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, sau khi có thông tin về ổ dịch tay chân miệng tại Trường mầm non Hồng Yến ở quận 12, Trung tâm y tế dự phòng đã khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xử lý, ngăn ngừa lây lan. 

Trả lời Pháp luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Yến cho biết trường có 383 trẻ đang theo học, tính đến thời điểm hiện tại. Hiện có 27 trường hợp dương tính với bệnh tay chân miệng.

Trước đó, ngày 18/9 trường đã phát hiện ca bệnh đầu tiên và sau đó phát hiện thêm 26 trường hợp khác mắc. Bà Ngọc cho biết, khi có trẻ mắc bệnh, trường đã tiến hành cho các học sinh mắc bệnh nghỉ học, khử trùng, sát khuẩn trên đồ dùng, vật dụng mà trẻ tiếp xúc trong trường theo hướng dẫn của Trung tâm y tế quận 12.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận 12, trên địa bàn quận có hơn 28.000 trẻ đang theo học tại các trường mầm non và mẫu giáo. Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn quận ghi nhận 51 trẻ đang theo học tại ba trường mầm non mắc tay chân miệng. 

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện. Bệnh tay chân miệng đã khiến 6 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, theo Dân trí.

Tại các tỉnh phía Nam, trong tháng 8 và 9 số ca bệnh tăng đột biến, 50% so với các tháng trước đó. Tại TP HCM mỗi tuần có hơn 300 ca nhập viện, các biệt có tuần lên đến gần 300. (389)

 

5. Đồng Nai tập trung phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi

PGS – TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), Trưởng đoàn công tác đã yêu cầu Đồng Nai tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch, tránh lây lan rộng thêm, bởi nếu để dịch bùng phát như những năm trước sẽ gây ra những tổn thất lớn cả về người và của.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh này có hơn 4 nghìn ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, TP .Biên Hòa hơn 1,5 nghìn ca, đã có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở Thành phố này. Trước tình hình này, các ngành chức năng và người dân tỉnh Đồng Nai đã phối hợp xử lý 841/846 ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa phương.

Cùng với sốt xuất huyết, số ca mắc bệnh tay chân miệng đến thời điểm này ở Đồng Nai cũng đã lên tới hơn 6,1 nghìn ca. Các địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao như: TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc. Đã ghi nhận một trường hợp tử vong tại huyện Định Quán. Đồng Nai cũng đang là địa phương có số ca mắc sởi lớn nhất trong số các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam với 137 ca. Bên cạnh đó, dịch tay chân miệng cũng đang lan rất nhanh.

Ông Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, số ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tỉnh này hiện nay đã đến mức báo động. Do vậy, ngoài công tác dự phòng, điều trị của ngành y tế, các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách vệ sinh nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ. Các cơ sở giáo dục mầm non cần hướng dẫn trẻ cách vệ sinh chân tay bằng cách rửa tay bằng xà phòng, đổ hết các dụng cụ chứa nước mà muỗi có thể đẻ trứng, đồng thời thường xuyên rửa sạch đồ chơi cho trẻ, cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ bình thường để tránh lây bệnh…

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều đã xuất hiện bệnh sởi. Địa phương có số ca mắc sởi cao nhất là huyện Nhơn Trạch, chiếm 50% tổng số ca, tiếp đến là các huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai nâng cao hơn nữa các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để phục vụ tốt công tác điều trị bệnh sởi. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên y tế tham gia chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, nhất là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị.

Trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong tháng 8 và 9 vừa qua, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã thành lập các đoàn điều tra ổ bệnh tại 8 cụm dân cư tại tỉnh Đồng Nai. Qua điều tra cho thấy 7/8 ổ dịch xuất phát từ khu nhà trọ, bệnh nhi có cha mẹ làm công nhân, do bận công việc nên không đưa con đi tiêm chủng đầy đủ. Tại thời điểm điều tra cho thấy có 73% trẻ được tiêm mũi 1 phòng sởi, 60% trẻ được tiêm đủ 2 mũi.

Để có thể khống chế dịch, theo các chuyên gia y tế, tỉnh Đồng Nai cần có biện pháp tạo miễn dịch trong cộng đồng, tiêm vaccine đầy đủ cho những trẻ trong độ tuổi, tiêm bổ sung với các đối tượng có nguy cơ, đồng thời phải phát hiện và điều trị sớm các ca bệnh. Với những cơ sở y tế tập trung đông bệnh nhi như bệnh viện nhi đồng cần phải tiêm phòng cho cả nhân viên y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi để tránh lây lan cho những bệnh nhi khác. Những gia đình có con nhỏ dưới 9 tháng tuổi thì cha mẹ, người thân cũng nên tiêm vaccine phòng sởi. Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, có biện pháp chủ động phòng chống dịch ngay tại gia đình.

Trước tình hình các loại dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã về làm việc tại tỉnh.

Theo đó, PGS – TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), Trưởng đoàn công tác đã đề nghị ngành y tế Đồng Nai khẩn trương rà soát để quản lý đối tượng trẻ trong độ tuổi, tiến hành chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ trong phạm vi toàn tỉnh, tránh bỏ sót đối tượng. Đồng thời, tiến hành cấp phát thuốc khử trùng đến các cơ sở giáo dục mầm non, trường học, hướng dẫn cán bộ, giáo viên nhà trường tiến hành tiêu độc, khử trùng nhà vệ sinh, đồ chơi, bàn ghế…, sớm cách ly nếu phát hiện trẻ bị bệnh để điều trị kịp thời, hạn chế lây lan dịch bệnh. Hiện dịch tay chân miệng và sởi đang ở mức đáng báo động, vì vậy lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo để các sở, ngành, địa phương, người dân nâng cao ý thức, khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch, tránh lây lan rộng thêm, bởi nếu để dịch bùng phát như những năm trước sẽ gây ra những tổn thất lớn cả về người và của./..(1032)

6. Việt Nam nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa

Theo thông tin tại buổi Họp báo thường kỳ Quý 3 của Bộ KH&CN, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vắc xin cúm đại dịch A/H5N1.

Cụ thể, ngày 25.9 tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PATH - một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu, Cơ quan Nghiên cứu Phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Mỹ, đã tổ chức công bố kết quả dự án nâng cao năng lực phát triển vắc xin cúm tại Việt Nam. Theo đó, IVAC đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vắc xin cúm đại dịch A/H5N1.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sản xuất lâu dài của IVAC dưới sự hỗ trợ của ngân sách KH&CN và sự tài trợ của Quốc tế: WHO, PATH, BARDA-Hoa kỳ. Từ năm 2003, khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước tập trung trí tuệ và nguồn lực để nghiên cứu phát triển vắc xin cúm A/H5N1 phòng bệnh cho người.

Năm 2005, Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi” do Bộ KH&CN giao Viện Pasteur TP.HCM chủ trì đã khởi động việc nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm ở Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, Cơ quan Nghiên cứu và phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ đã tài trợ kinh phí thông qua tổ chức PATH hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ IVAC sản xuất vắc xin cúm đạt chuẩn WHO-GMP, thử nghiệm lâm sàng, nâng cao năng lực quản lý chất lượng (QMS), hoạt động cảnh giác Dược (PV).

Từ năm 2014, trong khuôn khổ Chương trình sản phẩm quốc gia, Bộ KH&CN và Bộ Y tế đã tiếp tục hỗ trợ Dự án “Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở qui mô công nghiệp”, đến nay nhiệm vụ đã nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.

Hai loại vắc xin cúm A/H5N1 (IVACFLU-A/H5N1) và vắc xin cúm mùa (IVACFLU-S) do IVAC sản xuất đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đúng qui định của Bộ Y tế, có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức độc lập Quốc tế; được các Hội đồng đạo đức cơ sở và Hội đồng đạo đức Quốc gia nghiệm thu; Cục KHCN & ĐT, Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm lâm sàng, đang hoàn thiện khâu đăng ký lưu hành để đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng.

Trong buổi Họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật cho biết, đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sản xuất lâu dài của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) dưới sự hỗ trợ của ngân sách KH&CN và sự tài trợ của quốc tế như WHO, PATH, BARDA (Hoa Kỳ).

Theo ông Hậu, hiện nay, đối với sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người, không phải chỉ riêng bệnh cúm mùa mà đã có 12 dự án đã được phê duyệt, trong đó có rất nhiều loại vắc xin khác đang triển khai có hiệu quả. Hàng năm, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Y tế, thống nhất danh mục cũng như kinh phí hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các tổ chức nghiên cứu. Có thể khẳng định, trong thời gian qua, trong các thành tựu về y tế nói chung và về vắc xin nói riêng, có sự đóng góp rất lớn từ các nhà khoa học, sự tham gia rất tích cực của KH&CN. (698)

 

7. Chỉ cảm cúm, mẹ Hà Nội chiến đấu cùng con suốt 14 ngày qua 3 bệnh viện

Cô con gái 23 ngày tuổi ban đầu chỉ hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó rơi vào trạng thái suy hô hấp, viêm phổi, cấp cứu qua 3 bệnh viện.

Vài tuần trở lại đây, sự bùng phát của virus hợp bào hô hấp (RSV) khiến hàng loạt trẻ phải vào BV Nhi TƯ thở máy, dù các triệu chứng ban đầu chỉ giống cảm cúm, hắt hơi.

Cứ ngỡ câu chuyện trên báo đài, tivi ở đâu xa xôi lắm, cho đến khi chính cô con gái 23 ngày tuổi của mình nhiễm virus này phải nằm viện, điều trị qua 3 bệnh viện trong suốt 14 ngày, chị Nguyễn Hoa (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) mới thấy thấm thía.

Chị Hoa gọi đây là hành trình “khủng khiếp” và chia sẻ lại câu chuyện chiến đấu cùng con chống lại virus RSV để giúp các bậc cha mẹ cẩn thận hơn khi chăm sóc con.

3 ngày đầu cảm cúm bình thường

Cho Hoa cho biết, Katie là con gái thứ 2. Khi Katie được 23 ngày tuổi, bé bắt đầu có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi nhưng tình trạng khá nhẹ. Suốt 2 ngày đầu chỉ hắt hơi 5-6 lần và ho 2-3 lần/ngày.

Đến ngày thứ 3, hơi lo lắng, chị Hoa gọi điện hỏi bác sĩ, thông báo các triệu chứng của bé và nhận được chỉ dẫn tiếp tục theo dõi, nếu có biểu hiện sốt, khó thở, bú kém phải đưa vào BV điều trị. 

Từ đêm ngày thứ 3, bé Katie vẫn bú và ngủ bình thường nhưng triệu chứng khó thở ngày một tăng. Đến 6h sáng ngày thứ 4, khi bé dậy, tình trạng mệt rõ ràng hơn. Chị Hoa lập tức đưa con đến BV Hồng Ngọc khám.

Trong thời gian rất ngắn di chuyển đến BV, tình trạng bé tiếp tục nặng thêm, được chuyển ngay vào khoa cấp cứu với chẩn đoán viêm phổi, khó thở và yêu cầu chuyển gấp qua BV Xanh Pôn gần đó.

Tại BV Xanh Pôn, bé cũng được chuyển vào phòng cấp cứu với chẩn đoán viêm phổi, phải điều trị bằng kháng sinh, tách mẹ, 3 tiếng gặp con 1 lần để cho bú.

Trong vòng 3 tiếng, khi gặp lại con, chị thấy Katie khó thở nặng thêm, bú rất ít. Thấy tình trạng của con tăng nặng, xung quanh lại nhiều trẻ mắc bệnh khác cùng nằm chung trong phòng 40m2 nên 15h ngày thứ 4, vợ chồng chị quyết định chuyển con sang BV Nhi TƯ điều trị.

Chuyển viêm phổi chỉ sau 1 ngày

Khi từ Xanh Pôn chuyển qua BV Nhi, bé Katie đã bắt đầu bị suy hô hấp, phải thở oxy, độ bão hoà oxy giảm từ 100 xuống còn 84 (độ bão hoà oxy ở người bình thường từ 95-100).

Nhập viện được 1 tiếng, bác sĩ chuyển bé Katie lên khoa hồi sức sơ sinh để khám và chẩn đoán bệnh. Bác sĩ kết luận bé bị viêm phế quản, phổi, yêu cầu mẹ tách rời con để bác sĩ cấp cứu.

Ngay sau đó, một sinh viên y khoa chạy vào báo bác sĩ: Bệnh nhân bị sốc. Vợ chồng chị Hoa lo lắng, tái mét mặt nhưng may mắn, một lúc sau bé đã về trạng thái ổn định dù vẫn thở oxy. 

Chiều tối cùng ngày, bác sĩ thông báo kết quả chính thức, bé bị nhiễm virus RSV, hiện chưa bị viêm phổi, kháng sinh không có tác dụng với virus này.

Ngay sau đó bé được ghép mẹ. Ngày thứ 2 ở BV Nhi, bé vẫn bú tốt dù khó thở, phải thở gắng sức. Sang ngày thứ 3 ở viện, bé bắt đầu quấy khóc, đặt xuống là khóc và bế lên là nín vì mũi bị ngạt, không thể nằm.

Dù chị Hoa đã tích cực cho bé thở khí dung và hút mũi, rửa mũi, hút đờm cho con nhưng kết quả vẫn không cải thiện, bé ho liên tục. Khi hỏi bác sĩ, chị Hoa nhận được câu trả lời rằng đây là biểu hiện bệnh đang ở giai đoạn nặng nhất, nếu vượt qua được giai đoạn này, con sẽ ổn.

Chiều tối ngày thứ 3, bé Katie bắt đầu khó thở, độ bão hoà oxy giảm còn 80. Bác sĩ ngay lập tức đưa bé trở lại phòng cấp cứu.

30 phút sau, bác sĩ thông báo con đã bị viêm phổi và phải điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ lấy máu xét nghiệm thêm, nếu có sẽ gọi người nhà ngay trong đêm.

“Lúc đó không biết nghĩ gì thêm, chỉ cầu trời khấn phật rằng con sẽ không sao cả”, chị Hoa chưa hết bàng hoàng kể lại.

Cứ thế hàng ngày, cách mỗi 3 tiếng, chị Hoa mang sữa cho con và đợi bác sĩ thông báo vào 10h30-12h hàng ngày.

Trong 2 ngày đầu tách mẹ, tình trạng đờm dãi, xuất tiết ở phổi tiếp tục tăng lên, bé phải thở bằng ống thông, có nguy cơ phải thở máy, ăn ngày 8 bữa, mỗi bữa 70ml.

2 ngày kế tiếp, tình trạng của bé tiến triển tốt dần lên, không cần thở bằng ống thông. Ngày thứ 8 ở BV Nhi, chị Hoa được ở cùng con, ngày thứ 9, bác sĩ thông báo sắp được xuất viện.

Tuy nhiên chiều tối cùng ngày, bé Katie đột ngột sốt cao trên 38 độ, phải nhét thuốc hạ sốt 3 lần/ngày trong suốt 2 ngày kế tiếp.

“Mình lo nhất là con có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện. Tất cả các loại bệnh có thể truyền nhiễm ở bệnh viện còn nặng hơn rất nhiều so với virus RSV. Nhất là khi bác sĩ đưa con đi lấy máu làm xét nghiệm và cấy máu tìm nguyên nhân bệnh, mỗi lần vậy lại đứng tim, lo không biết con bị thêm bệnh gì không”, chị Hoa nhớ lại.

Bác sĩ thông báo bé có nguy cơ nhiễm khuẩn, sẽ xét nghiệm lại vào hôm sau. Tuy nhiên may mắn, kết quả xét nghiệm lại cho thấy các chỉ số đã bình thường trở lại, dù chưa rõ nguyên nhân sốt là gì, xét nghiệm nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm trùng máu cũng đều cho kết quả âm tính. Bác sĩ kết luận con chỉ bị sốt do nhiễm virus thông thường.

Kết thúc chuỗi ngày căng thẳng, nhiều lúc như nín thở tại bệnh viện, chị Hoa lưu ý các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến sức khoẻ của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh do diễn biến cực kỳ nhanh và nguy hiểm, chỉ sau 1 ngày đã bị viêm phổi. (1136)

 

8. Ngập nước ở TP HCM: Cẩn trọng phòng bệnh do ô nhiễm

Cơn mưa lớn kéo dài suốt hơn 1 giờ vào tối 3-10 kết hợp với triều cường đang lên đã khiến cho một số tuyến đường ở TP.HCM bị ngập sâu suốt 3 ngày. Tình trạng ngập úng như thế này chính là điều kiện để bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Thông tin từ trang Zing cho biết, sau cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ tối 3-10, một số tuyến đường ở TP.HCM bị ngập sâu. Nhiều người phải vất vả đẩy xe chết máy về nhà.

Lúc 19h ngày 3/10, cơn mưa lớn đổ xuống hầu như khắp các quận ở TP.HCM. Nhiều tuyến đường thấp trũng trên địa bàn thành phố tiếp tục ngập sâu trong nước.

Theo ghi nhận của PV, đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp, quận Tân Bình) ngập nặng. Có đoạn nước ngập bánh xe máy khiến khiến nhiều phương tiện chết máy.

Một số hộ dân có nền nhà thấp bị nước kéo theo rác, đất, cát… tràn vào nhà gây mất vệ sinh, hư hỏng đồ đạc.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiền (54 tuổi, ngụ ngụ quận Tân Bình) cho biết khoảng 3 năm trở lại đây, bà không hiểu vì sao đường Phan Huy Ích bị ngập nhiều và sâu như vậy.

Mưa tạnh lúc 21h nhưng đường Phan Huy Ích vẫn còn ngập nặng. Một số tuyến đường khác như Nguyễn Văn Quá (quận 12), Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp)… cũng ngập khiến giao thông hỗn loạn. 

Một thông tin khác trên báo Dân trí cho biết, ghi nhận tại hiện trường, các tuyến đường trong khu dân cư đều bị ngập nước, có nơi sâu đến gần 1m. Bên trong nhà dân, nước ngập đến quá đầu gối, người dân phải hì hục thu dọn, cứu tài sản suốt đêm.

Ông Vũ Anh Đức - Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân (quận 12) cho biết: Nguyên nhân sự cố có thể do nắp cống Cán Dù tại khu phố 1 của phường Thạnh Xuân bị trục trặc, tuột khỏi bản lề lúc triều cường đang lên khiến nước tràn vào khu dân cư gây ngập.

Đến chiều 4-10, một số đoạn trên đường số 1, đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) vẫn trong tình trạng ngập sâu do ảnh hưởng của một số trận mưa lớn kết hợp triều cường đang lên khiến nước ngập ở khu vực này 3 ngày qua chưa thể rút cạn.

Thời gian gần đây, TP.HCM đã không ít lần lần rơi vào cảnh “ngập như sông” thế này. Tình trạng mưa lũ, ngập úng thường xuyên, kéo dài chính là điều kiện để bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân.

Theo BS Vũ Văn Khang (chuyên khoa Da liễu, Nguyên giám đốc Bệnh viện Phong Hà Nam), bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bão lũ. Các bệnh thường gặp vào mùa mưa lũ này bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân mà dân gian thường gọi là "nước ăn chân"; mẩn ngứa; viêm da.

Theo đó, nhiễm khuẩn da chủ yếu lây do nguồn nước bẩn. Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên tắm và rửa mặt bằng nước sạch ngay sau khi đi mưa về. Nhất là với tình trạng ngập ở Hà Nội, một khi ngập sẽ kéo theo nước ô nhiễm ở cống, hồ tràn lên, là nguồn lây nhiễm bệnh cực nguy hiểm.

Theo BS Đặng Văn Quế (Giám đốc Bệnh viện mắt DND), đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mùa mưa.

Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ ngay trong giai đoạn mưa lũ, chuyên gia khuyên mọi người hãy sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt thường xuyên ngày 3 lần cho các thành viên trong gia đình. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc amíp, Giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

Điển hình hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ lụt là bệnh tiêu chảy. Đứng hàng đầu trong bệnh tiêu chảy là tiêu chảy cấp tính. Bệnh tiêu chảy cấp tính có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng chiếm vị trí hàng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholera).

Ở những vùng, miền xảy ra mưa, lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả thì căn nguyên gây tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy gặp ở vùng mưa, lũ, lụt liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống).

Do đó, chúng ta cần cẩn trọng cao độ trong việc ăn chín uống sôi, trước khi ăn cần đảm bảo rửa tay thật sạch. Bảo quản thức ăn cẩn thận, tránh ruồi muỗi bâu vào…

Bệnh sốt vàng da

Bệnh sốt vàng da, chảy máu sau mưa, lũ lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra: Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước.

Trong và sau mưa, lũ lụt, nếu con người ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người. Do đó cần di chuyển ra khỏi nước lũ càng sớm càng tốt và tắm tráng sạch sẽ bằng nước sạch.

Bệnh sốt xuất huyết

Sau mưu lũ các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét. Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người. Do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt.

Diệt bọ gậy bằng cách: thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước để cá diệt bọ gậy. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ và gáo dừa, lốp xe...; đậy kín các dụng cụ chứa nước như: bể nước, chum, vại, lu khạp; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hay nhỏ dầu hỏa vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), thường xuyên thay rửa lọ hoa (bình bông). Phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nơi ở...(1351)

 

9. Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho các nhóm đặc biệt: Nhóm tiền hôn nhân

Những người trước khi xây dựng gia đình (tiền hôn nhân hay trước khi quyết định có con) rất cần có được sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về nhiều mặt để có một gia đình hạnh phúc.

Hiện còn nhiều bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong giai đoạn ngay trước, trong thời gian mang thai, trong đó có một số bệnh hoàn toàn có khả năng phòng được bằng vắc-xin. Bên cạnh đó, ở nhóm đối tượng này, miễn dịch có được nhờ các mũi tiêm cơ bản lúc trẻ đã bắt đầu giảm đi hoặc đã suy giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và làm giảm nồng độ kháng thể truyền cho con khi mang thai. Trong khi đó, nhiều vắc-xin (trừ vắc-xin cúm) chống chỉ định dùng cho người mang thai.

Các vắc-xin khuyến cáo sử dụng

Vắc-xin sởi, quai bị, Rubella (MMR): Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản hoặc liều nhắc lại theo quy định vắc-xin MR/MMR. Liều nhắc lại có thể tăng cường miễn dịch cho phụ nữ khi bước vào tuổi sinh đẻ, truyền kháng thể cho con của họ khi mới sinh ra. Bệnh Rubella nếu xảy ra trong thời kỳ mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra sảy thai hoặc các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Vắc-xin HPV (Human papillomavirus): Nên thực hiện lịch tiêm cơ bản gồm 3 mũi cho nữ vị thành niên và người trẻ tuổi, từ 10-25 tuổi (vắc-xin Cervarix) hoặc từ 9-26 tuổi (vắc-xin Gardasil). Mục đích dự phòng nhiễm virut Human papillomavirus (HPV) gây ra ung thư cổ tử cung và những bệnh có liên quan đến HPV bao gồm viêm loét hậu môn sinh dục.

Vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (Td/Tdap): Cần thực hiện liều tiêm nhắc để dự phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà cho phụ nữ khi bước vào thời kỳ sinh đẻ, trước khi có thai, nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh cho mẹ, đồng thời truyền kháng thể thụ động cho con của họ để bảo vệ cho trẻ trong những tháng đầu khi sinh ra.

Vắc-xin viêm gan B: Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản vắc-xin VGB cho những người chưa tiêm đủ, hoặc tiêm một liều nhắc lại theo quy định nếu đã dùng lịch tiêm cơ bản và theo chỉ định của bác sĩ để chủ động phòng nhiễm virut viêm gan b.

Vắc-xin thủy đậu: Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản vắc-xin thủy đậu cho những người chưa tiêm đủ hoặc 1 liều nhắc lại nếu đã dùng lịch tiêm cơ bản để phòng bệnh thủy đậu cho phụ nữ khi bước vào thời kỳ sinh đẻ, trước khi có thai, nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh cho mẹ, đồng thời truyền kháng thể thụ động cho con của họ để bảo vệ cho trẻ trong những tháng đầu khi sinh ra.

Vắc-xin cúm mùa: Nên tiêm nhắc lại theo quy định vắc-xin cúm mùa hàng năm vào trước mùa dịch, nhằm phòng ngừa bệnh cúm do các virut cúm mùa týp A, B. Đây là một bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi và có thể ảnh hưởng tới thai nhi nếu phụ nữ nhiễm cúm trong thời kỳ mang thai, đặc biệt vào 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.

Lưu ý: Có thể tham khảo thêm ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện mỗi liều tiêm chủng.(597)

 

10. Chuyên gia lo ngại dịch sởi quay lại theo chu kỳ 4 năm?

Trước tình trạng các ca mắc sởi liên tiếp gia tăng, miễn dịch sởi trong cộng đồng giảm, chuyên gia lo ngại dịch sởi quay lại theo chu kỳ 4 năm.

Bé Nguyễn Thanh Tùng (2 tháng tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị sốt 4 ngày, nổi ban đỏ khắp người và xét nghiệm dương tính với virus sởi do bị lây từ bố mẹ. Sau khi khám tại Bệnh viện E, bé đã được các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

“Khi bé được hơn 1 tháng thì cháu bị viêm phổi, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Xanh Pôn khoảng 10 ngày. Bố cháu chăm cháu ở viện về thì bị sốt, nổi ban khắp người, sau khi làm các xét nghiệm thì bác sĩ chẩn đoán bố cháu bị sởi, sau đó đến mẹ cháu cũng bị. Tôi nghĩ bố mẹ cháu đã bị lây chéo ở trong viện nên khi về nhà đã lây sang cho cháu”- bà Hán Thị Hà, bà của cháu bé nói.

Cũng có con bị mắc sởi đang điều trị tại khoa Truyền Nhiễm, chị Nguyễn Thị Vê  (ở Hà Tĩnh) cho biết, ban đầu thấy bé sốt, gia đình chị nghĩ bé sốt mọc răng. Sau đó con bị sốt cao liên tục không hạ nên gia đình đã đưa bé vào bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây không tìm ra nguyên nhân nên gia đình đưa bé ra Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi cấp cứu. Sau 2 ngày thấy bé nổi ban khắp người, các bác sĩ nghi bé bị sởi nên đã cho vào phòng cách ly.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những năm trước, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca sởi/năm. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2018, số ca mắc sởi nhập viện điều trị là khoảng 250 ca. Hiện có khoảng 20 trẻ mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

“Cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi tiếp nhận điều trị cho 1 bệnh nhi sơ sinh mới 14 ngày tuổi mắc sởi cùng với mẹ. Không chỉ những trẻ từ 9 tháng tuổi mắc sởi do không được tiêm phòng mà ngay cả với những trẻ chưa đến tuổi tiêm cũng mắc bệnh. Điều này cho thấy, miễn dịch trong cộng đồng và trong nhóm tuổi của bà mẹ sinh đẻ đang giảm xuống”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, năm nay bệnh sởi diễn biến rải rác trong năm mà không tập trung vào một thời điểm nào. Vị chuyên gia này lo ngại, đây có thể là thời điểm chu kỳ bùng phát dịch sởi quay lại sau 4 năm.

Mỗi đêm, bạn sẽ bị mất 1kg, nếu bạn làm điều này trước khi ngủ

 “Tại thời điểm này con số nằm viện có cao hơn so với các tháng trước là 20 bệnh nhân (trong khi các tháng trước chỉ 8 – 10 bệnh nhân), vì vậy những người làm công tác quản lý y tế cần có sự chuẩn bị. Đặc biệt là công tác truyền thông đến cộng đồng, các bậc phụ huynh về phòng chống dịch sởi, nhằm hạn chế tối đa số ca mắc sởi trong năm nay”- PGS.TS Trần Minh Điển nêu rõ.

Theo các chuyên gia y tế, virus sởi lây lan rất mạnh, bởi vậy, khi có người mắc sởi, cần cách ly người bệnh để phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh. Trong đó cần đẩy mạnh việc phòng chống phơi nhiễm tại bệnh viện.

PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo, trong cộng đồng, cần đảm bảo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ. Khi phát hiện trẻ bị sốt phát ban, cần chú ý và có biện pháp phòng tránh vì sởi có tốc độ lây nhiễm mạnh. Điều quan trọng là các cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng theo lịch hẹn và theo đúng lứa tuổi.

“Hiện nay chúng ta đang quy định trẻ 9 tháng tuổi sẽ tiêm phòng sởi. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng của chúng ta đang giảm xuống nên chúng tôi cũng đang có đề nghị với Bộ Y tế để tiến hành tiêm chủng phòng sởi cho các cháu sớm hơn, có thể là tiêm khi 6 tháng tuổi. Đối với các bà mẹ đang trong lứa tuổi sinh đẻ, trước khi có thai nên đi tiêm phòng Sởi và Rubella. Đây là một trong những biện pháp miễn dịch bệnh cho bà mẹ, và khi con sinh ra đã có miễn dịch từ mẹ truyền sang nên 9 tháng đầu cháu có thể không bị mắc sởi” ông Điển cho biết./.

Vaccine phòng bệnh Sởi- Rubella sẽ được đưa vào Chương trình TCMR

VOV.VN -Từ tháng 4/2018, vaccine Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR. (853)

 

 

11. Y bác sĩ ăn mì gói để kịp cấp cứu nhiều bệnh nhi tay chân miệng

Xong hồ sơ 5 trẻ nhập viện cùng lúc, điều dưỡng Huệ có được chút thời gian cho bữa tối là tô mì gói khi đồng hồ chỉ 23h.

Hơn 20 năm làm việc tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), điều dưỡng Phạm Kim Huệ đã quen dần với những đợt cao điểm dịch chồng dịch. "Đợt này bệnh đông, vừa vô là bé nào cũng nặng, có những trường hợp mình trở tay không kịp", chị Huệ nói trong lúc tất bật bàn giao hồ sơ sổ sách cho đồng nghiệp sau ca trực đêm 5/10, giữa nhiều tiếng khóc ồn ào của trẻ bệnh.

Khoảng 2 tuần nay, các y bác sĩ quay cuồng trong guồng công việc khi bệnh nhi tay chân miệng, sởi ồ ạt nhập viện. Ngày 5/10 khoa điều trị cho hơn 230 trẻ, trong đó 130 trường hợp tay chân miệng, 19 bé bệnh sởi. Có những ngày cao điểm, số bệnh nhi tay chân miệng tăng vọt lên hơn 220. Trong 20 trẻ bệnh nặng đang ở phòng cấp cứu, có 12 bé phải theo dõi vì tay chân miệng. Khoa tăng cường thêm 6 phòng bệnh, chuyển đổi công năng phòng nghỉ nhân viên, căng tin bệnh viện thành nơi điều trị trẻ.

"Nhập viện đông, xuất viện đông nên hầu như không ngơi việc, lúc nào cũng luôn sẵn sàng mắt nhìn, tai nghe, tay làm, chân chạy", chị Huệ chia sẻ. Thời gian nghỉ trưa, nghỉ tối cũng được sử dụng để kịp hoàn thành hồ sơ, truyền thuốc, theo dõi sinh hiệu bệnh, dặn dò người nhà bệnh nhân, không dám lơ là để xảy ra sai sót. Nhiều đêm trực đến tận 10-11h mọi người mới bắt đầu chia nhau dùng bữa tối.

Bệnh tay chân miệng không thể xét nghiệm, thử máu để tiên lượng nặng nhẹ như một số bệnh nhiễm khác. Điều này đòi hỏi các bác sĩ, điều dưỡng phải liên tục theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở. Có những trường hợp cứ 1-2 giờ phải kiểm tra các dấu hiệu một lần. Trở nặng của tay chân miệng cũng nhanh hơn, nhiều trẻ đang tỉnh táo nhưng nhanh chóng diễn tiến nặng.

Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan có hai con mới một và 3 tuổi. Cường độ công việc trong mùa dịch tăng cao, chị cũng như nhiều đồng nghiệp có con nhỏ, vừa phải đảm đương việc chăm bệnh nhi ở viện, vừa lo đảm bảo toàn cho con ở nhà. "Ai cũng tăng cường tối đa nguyên tắc bảo hộ, thay quần áo, rửa sạch tay chân trước khi rời viện. Vừa về tới nhà phải lo chạy vô phòng tắm trước khi ôm con", bác sĩ Đan tâm sự.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết những ngày qua bệnh viện đã hỗ trợ mì gói, xúc xích, sữa cho các y bác sĩ dùng thêm trong đêm trực. Hơn 50 điều dưỡng, 13 bác sĩ của khoa phải tăng cường công suất làm việc, hạn chế nghỉ phép tối đa. Lịch làm việc của bác sĩ Khanh cũng xáo trộn vì phải đi hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh, hội chẩn các ca bệnh nặng, nghi ngờ bệnh nhiễm từ các khoa khác.

"Mùa chống dịch dạy các y bác sĩ trẻ lớn thêm, nhạy bén hơn, sức chịu đựng tăng dần, nhưng vài người quá sức phải ngừng cuộc chiến. Ai cũng nói to hơn vì bệnh vô liên tục, trong phòng nhiều tiếng khóc, bước nhanh hơn vì nhiều bé cần làm gấp, tư duy nhanh hơn vì cần phối hợp hội chẩn, mượn thuốc, xin dụng cụ, bàn giao bệnh", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết từ 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện ở thành phố gia tăng nhanh, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước. 9 tháng đầu năm thành phố ghi nhận 3.568 trường hợp tay chân miệng, 111 ca mắc sởi. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, tháng 8-9 hàng năm là thời điểm tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên dịch bệnh năm nay bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71. Đây là chủng đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011. Việt Nam hiện chưa có văcxin phòng bệnh.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết ngày 5/10 khoa có khoảng hơn 100 bệnh nhi tay chân miệng điều trị nội trú, 25 trẻ mắc bệnh sởi. Trong số đó có 10% bệnh nhi đang nằm trong khu cấp cứu. Trong tháng 9, số trẻ bị tay chân miệng tăng gấp 5 lần, bệnh sởi và sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với tháng 8. Khoa đã tăng cường thêm các bác sĩ và điều dưỡng từ các khoa khác để hỗ trợ (865)

 

12. Có thể 170 học sinh Hà Giang nhập viện do thịt lợn ôi thiu

Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang đang nghi ngờ nguyên nhân gây ngộ độc là do thịt lợn làm thịt băm bị nhiễm khuẩn do để ôi thiu.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần, chiều 5/10, bệnh nhân cuối cùng trong tổng số 170 bệnh nhân trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại trường Tiểu học Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã được xuất viện về nhà. Sức khỏe của tất cả học sinh đều đã ổn định.

Ông Nguyễn Như Chưởng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang cho biết: Mẫu thức ăn gồm xôi, thịt lợn băm đã được lấy để xét nghiệm, nuôi cấy từ 5 - 7 ngày mới có kết quả. Tuy nhiên, Chi cục đang đặt nghi ngờ có khả năng nguyên nhân gây ngộ độc là do thịt lợn làm thịt băm bị nhiễm khuẩn do để ôi thiu.

Trước đó, vào khoảng từ 6 giờ đến 6 giờ 30 phút ngày 3/10, Trường Tiểu học Xín Cái, huyện Mèo Vạc đã tổ chức bữa ăn sáng cho 279 học sinh cùng ăn. Thức ăn gồm: Xôi, thịt băm, ruốc. Sau khi ăn sáng, đến 8 giờ 20 phút, 10 học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng và nôn. Tính đến 17 giờ cùng ngày, 170  học sinh có các triệu chứng: Đau bụng, nôn, một số có biểu hiện tiêu chảy. Trong đó, 103 em được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc và 67 em được theo dõi và điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Xín Cái, không có  trường hợp nào tử vong.

Nhận được thông tin, Thường trực Huyện ủy, UBND và các ngành chức năng của huyện Mèo Vạc đã vào xã Xín Cái để kiểm tra vụ việc và đưa học sinh đi điều trị tại các cơ sở y tế. Sau khi khám sàng lọc, tiên lượng bệnh nhân, các ngành chức năng đã đưa 98 bệnh nhân đến bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực.

Để cấp cứu, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân, lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang đã có mặt trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc và y tế tuyến xã khẩn trương xử lý cấp cứu, điều trị theo phác đồ chống độc; đồng thời lấy mẫu thức ăn và bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xét nghiệm tìm nguyên nhân.

170 bệnh nhân đã được đưa tới bệnh viện theo dõi xử lý cấp cứu kịp thời, điều trị tích cực theo phác độ chống độc, hiện tất cả các bệnh nhân đều ổn định. (492)

 

13. Ninh Bình: Hơn 200 học sinh tiểu học nhập viện nghi ngộ độc sau bữa ăn bán trú

Khoảng 200 học sinh tiểu học ở Ninh Bình đã phải nhập viện cấp cứu nghi bị ngộ độc thực phẩm.               

Tối nay, lãnh đạo, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 250 đến 300 cháu học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng vào kiểm tra, điều trị nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình Vũ Văn Cẩn cũng xác nhận vào khoảng 14h hơn chiều nay, nhiều học sinh tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (phường Bích Đào, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, sốt…nghi ngộ độc thực phẩm.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với nhà trường cùng các cơ quan chức năng đưa hơn 150 cháu học sinh vào Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình để điều trị. Hơn 40 cháu học sinh khác vào Trung tâm Y tế Dự phòng điều trị.

Theo ông Vũ Văn Cẩn, để đáp ứng số lượng học sinh nhập viện lớn, Sở Y tế đã cho triển khai tất cả các giường gấp tạm thời khi tiếp nhận bệnh nhân. Đến chiều tối cùng ngày, các cơ sở y tế đã tập trung cấp cứu ổn định cho các cháu. Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình đang phân loại các cháu học sinh đưa lên khoa điều trị theo mức độ nặng nhẹ.

“Một số cháu bênh cạnh biểu hiện bồn nôn, chóng mắt đã xuất hiện sốt. Chúng tôi đang tích cực theo dõi các cháu này tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình”, ông Cẩn thông tin thêm.

Ông Phạm Cầm Kỳ,  Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cho biết, hiện các bác sĩ bệnh viện đang tập trung chuyên môn để điều trị của các cháu. Hiện bệnh viện tiếp nhận khoảng 250 đến 300 cháu học sinh. Hiện các cháu đã ổn định sức khỏe, không có cháu nào nguy hiểm đến tính mạng. Phí bệnh viện không nắm được các cháu ăn vào thời điểm nào. Khi các cháu nhập viện có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm.

Ông Đỗ Văn Tự, Hiệu trưởng trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng lên tiếng: Hôm nay nhà trường tổ chức ăn bán trú cho hơn 900 cháu bữa trưa. Ăn xong thì nhiều cháu có biểu hiện buồn nôn, chóng mặt, chủ yếu là học sinh khối 1. Sau khối 1, các khối khác cũng xuất hiện tình trạng tương tự nhưng ít hơn.

Thực đơn trưa nay ăn trong bữa cơm bán trú của nhà trường baogồm: Cơm trắng, tôm chiên, ruốc gà, canh cà chua.

Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc tập thể trên. (481)

 

14. TPHCM: Phi hành, tỏi bằng dầu cặn... màu nâu

Ập vào kiểm tra 2 cơ sở chế biến hành phi và 3 cơ sở mua bán dầu ăn tại Củ Chi và Hóc Môn, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục ngàn lít dầu cặn có màu nâu, hàng chục tấn hành phi được chế biến từ loại dầu cặn này.

Ngày 4/10, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phối hợp với các cơ quan liên quan đồng loạt kiểm tra 5 cơ sở sản xuất thực phẩm tại Củ Chi, Hóc Môn nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn. Cả 5 cơ sở bị kiểm tra đều vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm khi sản xuất, kinh doanh dầu ăn và hành phi.

Cụ thể, khoảng 9h ngày 4/10, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất hành, tỏi phi của bà Đ.T.H.Nga (39 tuổi ngụ ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, Củ Chi). Tại thời điểm kiểm tra, 10 công nhân đang sử dụng những loại dầu cũ không đảm bảo vệ sinh để phi hành, tỏi. Kiểm tra thêm, lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 80 can dầu cặn màu nâu được dùng để phi hành, tỏi. Khi bị kiểm tra, đại diện cơ sở trên cho biết cũng không rõ nguồn gốc số dầu này xuất phát từ đầu. Số dầu trên cơ sở này mua của một thương lái với giá 13.000 - 14.000 đồng/kg.

Không dừng lại ở đó, quản lý của cơ sở trên còn cho biết trộn thêm củ cải trắng vào hành, tỏi phi để tăng số lượng. Cạnh máy xay củ cải ruồi nhặng bu đầy và quanh thành máy xay cặn bẩn bám kín. Thùng nước dùng để ngâm củ cải cũng đậm màu và có mùi hôi. Được biết, cơ sở này đăng ký hoạt động từ năm 2009 với ngành nghề chế biến nông sản thực phẩm (củ hành phi, củ tỏi phi). Mỗi ngày cơ sở này tung ra thị trường hàng trăm kg hành tỏi phi.

Cùng thời điểm, lực lượng chức năng cũng phát hiện một cơ sở đang sử dụng dầu ăn tái chế để sản xuất hành tỏi phi tại ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 125 can (loại 24 lít/can) dầu thực vật đã qua sử dụng và 1.898 kg hành phi thành phẩm chờ đưa đi tiêu thụ.

Phía trước cơ sở này có một con kênh nhỏ dùng để tập kết và rửa hành, tỏi trước khi đem đi chế biến. Xung quanh cơ sở có nhiều đống hành xếp cao đang thối rữa bốc mùi hôi thối. Theo chủ cơ sở, ông mua 125 can dầu trôi nổi trên thị trường để làm hành phi và phân phối hành phi tại Chợ Lớn cũng như các chợ trên địa bàn.

Tiếp tục kiểm tra một cơ sở sản xuất hành, tỏi phi của bà Hoa tại xã Tân Thời Nhì, Hóc Môn, lực lượng chức năng cũng phát hiện cơ sở này đang sử dụng dầu ăn tái chế để sản xuất. Mỗi ngày cơ sở này cũng tung ra thị trường hàng trăm, thậm chí hàng ngàn kg hành phi không đảm bảo vệ sinh.

Tại căn nhà của bà Hoa, lực lượng chức năng thu giữ 10 can dầu cũ (loại can 25 lít) và một bồn chứa dầu loại 3.000 lít. Ngoài căn nhà trên, tại nhà kho của bà Hoa còn chứa hàng chục thùng phuy dầu, 150 can dầu không rõ nguồn gốc. Theo chủ cơ sở, mỗi ngày cơ sở thu mua trên địa bàn từ 200 - 300 lít với giá 8.000 đồng/lít.

Tiếp tục kiểm tra 2 cơ sở mua bán dầu cũ của bà Nguyễn Thị Mầu (56 tuổi, ấp Thống Nhất 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, em bà Hoa) và cơ sở của ông Nguyễn Minh Hiếu (ấp Nhị Tân 1, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn). Trong cơ sở của bà Mầu chứa khoảng 4.000 lít dầu chưa rõ nguồn gốc được thu mua từ 9.000 - 10.000 đồng/lít. (700)

 

15. Phạt tiền người bán đồ ăn chín không đeo găng tay: Quan trọng vẫn là ý thức

Ngày 20/10 tới đây, những người bán thức ăn nhưng không che đậy ngăn chặn bụi bẩn, bán thức ăn chín không đeo găng tay sẽ bị phạt. Kể từ khi thông tin xử phạt được đưa vào thực hiện đã nhận được sự ủng hộ của người bán lẫn người mua. Bởi theo người dân, đây là một việc làm quan trọng để hạn chế tình trạng mất an toàn thực phẩm như hiện nay.

Cụ thể, theo Nghị định 115/2018, mức xử phạt với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố có thể lên tới 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Mức phạt này sẽ được áp dụng với một trong các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố,...

Khảo sát tại các khu phố, các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, dễ dàng nhận thấy điểm chung ở hầu hết các quán bán thực phẩm chín là quá trình sử dụng tay không vẫn đang diễn ra thành vòng tròn xuyên suốt. Người bán hàng vừa chế biến thực phẩm, thức ăn cho khách, vừa thu, trả tiền, lau bàn và cứ thế tiếp diễn mà không biết đến sự tồn tại của găng tay nilon.

Đáng nói, chính những hành động đó là nguyên nhân, mầm mống gây ra các căn bệnh ung thư với số lượng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Bộ Y tế thì hiện nay có khoảng 70 % số thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả,…

Trước thực trạng mất an toàn thực phẩm vốn vẫn đang tồn tại từ lâu nay, với mức xử phạt được quy định cụ thể tại Nghị định 115, đa phần người dân đều đồng tình ủng hộ quy định này. Họ mong muốn mức xử phạt sẽ được triển khai rộng khắp không chỉ ở các thành phố lớn mà hầu hết các vùng quê nông thôn.

Cô Trịnh Thị Thu (Mỹ Đức – Hà Nội) chia sẻ: “Nếu thực hiện xử phạt đúng theo Nghị định thì chúng tôi rất vui, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Mong rằng các cấp chính quyền sẽ giám sát, kiểm tra để xử phạt nghiêm những người bán hàng còn vi phạm. Đặc biệt ở các vùng quê luôn là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm lớn nhất. Bởi ở thành phố vẫn được các đoàn kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm, giám sát,.. còn ở quê như chúng tôi cả năm cũng không có đoàn nào kiểm tra và dân muốn kêu cũng không biết phải phản ánh với ai”.

Đồng quan điểm, anh Phan Văn Sơn (Hà Đông) cho hay: Quy định này nên làm từ lâu rồi chứ không phải đợi tới bây giờ. Trước giờ vẫn có những người bán hàng đeo găng tay nhưng cũng có người không biêt đến việc sử dụng găng tay trong lúc chế biến, lấy đồ ăn cho khách. Hy vọng sau quy định này, người bán hàng sẽ thực hiện đồng loạt thay vì việc tự phát, nhỏ lẻ như trước.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng: Quy định đưa ra chưa thật chặt chẽ và vẫn còn hình thức. Không phải cứ đeo găng tay là an toàn, trên thực tế thậm chí không đeo găng tay nhưng nếu họ tuân thủ tốt các quy trình vẫn đảm bảo an toàn. “Quy định đó là một dạng quy định mang tính hình thức mà không trực tiếp, dễ dẫn đến không có tác dụng, không có khả năng thực thi.

Nếu đã quy định thì cần rõ ràng hơn, găng phải sử dụng một lần, không bị thủng,... Nhưng để kiểm tra những yếu tố đó cơ quan chức năng cũng sẽ gặp khó khăn. Khi quy định triển khai, người bán sẽ không để bị phạt, cuối cùng để tuân thủ quy định họ sẽ thực hiện bằng cách đối phó”, PGS Thịnh chia sẻ.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, việc đeo găng tay phải được thực hiện bằng sự tự giác. Do đó, quan trọng hãy giáo dục cho người dân tự giác rằng họ phải đeo găng tay dùng một lần để đảm bảo vệ sinh, nâng cao uy tín của nhà hàng, cần nâng cao ý thức cộng đồng. Chứ dùng quy định biện pháp xử phạt để bắt buộc thì thất bại đặc biệt quy định này vẫn còn lỏng lẻo thiếu chặt chẽ, chưa cụ thể. (938)

 

16. Vì sao cùng một mẫu thực phẩm nhưng kết quả kiểm nghiệm lại khác nhau?

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (ATTP) Quốc gia, hiện nay trong lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm còn có tình trạng cùng một sản phẩm nhưng kết quả khác nhau, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và mất niềm tin của người tiêu dùng.

Tại hội nghị khoa học kiểm nghiệm thực phẩm năm 2018 do Bộ Y tế tổ chức trong 2 ngày 4 và 5-10, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, theo quy định mới hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, dù tự công bố nhưng các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo hàm lượng, chỉ tiêu, giới hạn an toàn, dưới hoặc tối đa bằng mức quy định của Bộ Y tế đưa ra. Tức để tự công bố, doanh nghiệp vẫn phải kèm một phiếu kiểm nghiệm kết quả sản phẩm.

“Từ kết quả tự công bố, các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP sẽ tiến hành hậu kiểm, tức là lấy mẫu các sản phẩm lưu thông trên thị trường để phân tích, kiểm tra bản công bố đó có đảm bảo đúng quy định, an toàn cho người sử dụng hay không. Việc hậu kiểm này phụ thuộc yếu tố số 1 là kết quả của các phương pháp kiểm nghiệm”- ông Nguyễn Thanh Phong phân tích.

Vì thế, thời gian qua, hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam đã được chú trọng đầu tư từ tuyến Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, những trang thiết bị hiện đại, chính xác vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến Trung ương.

Hơn nữa, kết quả kiểm nghiệm thực phẩm phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài phương pháp thử, trang thiết bị, con người, vấn đề lấy mẫu, vận chuyển và bảo quản mẫu vô cùng quan trọng và cần thiết.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm ATTP Quốc gia, trong lĩnh vực thực phẩm, các phòng thí nghiệm được áp dụng các phương pháp kiểm nghiệm khác nhau dẫn tới cùng một sản phẩm nhưng kết quả đánh giá chất lượng an toàn khác nhau. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý và mất niềm tin của người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Hồng Hảo cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cần nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương bằng nhiều hình thức. Cùng đó, phải thống nhất phương pháp kiểm nghiệm đối với tất cả các phòng thí nghiệm với nhau để với mỗi sản phẩm, nhà quản lý ở các vị trí khác nhau đều nhìn thấy chất lượng an toàn giống nhau ở kết quả kiểm nghiệm. (472)

 

17. 55 đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm đạt tiêu chuẩn ISO

Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị kiểm nghiệm thực phẩm 2018 diễn ra tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm của Việt Nam hiện nay về cơ bản đã tiếp cận được với thế giới. Riêng hệ thống kiểm nghiệm trong ngành y tế có 15 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu.

Hiện Việt Nam có 55/63 đơn vị kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025 về thực hiện, thực hành phòng kiểm nghiệm tốt. 

Trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm, ông Phong nhấn mạnh, kết quả kiểm nghiệm phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó ngoài phương pháp thử, thiết bị, con người thì quan trọng nhất đó là vấn đề lấy mẫu. Bộ Y tế đã ban hành Thông 14 quy định về người lấy mẫu phải được tập huấn, cấp chứng chỉ chứ không phải ai cũng có thể đi lấy mẫu gửi kiểm nghiệm.

Việc lấy mẫu cần tuân thủ các tiêu chí: phương pháp lấy mẫu phải đúng, đảm bảo tính đại diện, tính khách quan; phương pháp vận chuyển mẫu, bảo quản mẫu và phải đảm bảo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, những trang thiết bị hiện đại, chính xác vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến Trung ương. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương bằng các hình thức cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm nghiệm…

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho biết, kiểm nghiệm thực phẩm là công cụ duy nhất, là bằng chứng khoa học trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Trong lĩnh vực thực phẩm, các phòng thí nghiệm được áp dụng các phương pháp kiểm nghiệm khác nhau dẫn tới cùng một sản phẩm nhưng kết quả đánh giá chất lượng an toàn khác nhau. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý và mất niềm tin của người tiêu dùng. Cần phải thống nhất phương pháp kiểm nghiệm đối với tất cả các phòng thí nghiệm với nhau để với mỗi sản phẩm, nhà quản lý ở các vị trí khác nhau đều nhìn thấy chất lượng an toàn giống nhau ở kết quả kiểm nghiệm”, bà Hảo nêu ý kiến.

Trong khuôn khổ hội nghị, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã ban hành cuốn sách “Phương pháp kiểm nghiệm chất lượng và an toàn thực phẩm” nhằm từng bước hướng tới thống nhất các phòng kiểm nghiệm và phương pháp kiểm nghiệm thực phẩm trên toàn quốc. Nội dung cuốn sách với gần 100 phương pháp, hướng đến các chỉ tiêu quan trọng của nhóm sản phẩm dinh dưỡng.

Để đáp ứng với vấn đề kiểm nghiệm thực phẩm trong thời kỳ mới, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, cần phải đẩy mạnh đào tạo cán bộ kỹ thuật có chuyên môn sâu, thành thạo trong kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh. Đặc biệt, phải sớm sửa đổi, bổ sung và cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công tác kiểm nghiệm thực phẩm theo hướng hội nhập thế giới. (599)

 

18. Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm Dạ Dầy Mộc Hoa

Sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dầy Mộc Hoa tiềm ẩn nhiều nguy cơ và không có cá nhân hay tổ chức nào chịu trách nhiệm

Theo tin từ Bộ Y tế, ngày 3/10/2018 đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mộc Hoa Đường, địa chỉ: Số nhà 07, Lô L2, dự án khu nhà thấp tầng Hải Ngân, thôn Thượng, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra bà Vũ Thị Khuyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mộc Hoa Đường khẳng định: sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dầy Mộc Hoa được Cục An toàn thực phẩm xác nhận nội dung quảng cáo số 006000/2018/ATTP- XNQC ngày 11/6/2018, website http://chuyengiadaday.com không phải là website của Công ty, Công ty không thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dầy Mộc Hoa trên website http://chuyengiadaday.com và không chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với website này.

Trước đó bạn đọc phản ánh, trên các website có tên http://dactridaday.com/, http://ddmochoa.tapchiyhoc.org/, http://www.thaoduocdaday.com, https://thaoduoctridaday.com/, http://www.thaythuocdaday.com/, sản phẩm Dạ Dày Mộc Hoa được ngang nhiên quảng cáo, tung hô như thuốc có khả năng chữa bệnh.

Để quảng cáo cho Thực phẩm chức năng Dạ dày Mộc Hoa, phía doanh nghiệp đã sử dụng nhiều dạng mô típ chung về bài chia sẻ, tin nhắn cảm ơn của khách hàng.

Cụ thể, trong bài viết “Sau 8 năm sống chung với dạ dày, giờ đây tôi đã điều trị dạ dày thành công chỉ sau 4 tuần”, dẫn ý kiến của bệnh nhân: “Cái sau bà thím mới chỉ mình uống thuốc nam, thím mình nói chồng thím trước cũng bị đau dạ dày mãn tính, đau tới gần chục năm, mà uống cái thuốc này có 1 tháng là hết luôn...."

Hay như bài quảng cáo “1 năm đau khổ mệt mỏi vì đau dạ dày khiến cô ấy không bao giờ tự tin” với nội dung: “Đây là Liên, 30 tuổi sống tại Thành phố Hòa Bình. Cô ấy đã từng có một câu chuyện rất buồn!..... Trong 1 năm qua cô đã tìm đến khắp nơi chữa, cứ ai bảo khám ở đâu uống gì tốt là cô đều thử . và không ăn thua!...

Khi gặp người quen uống nước thảo dược Dạ Dày Mộc Hoa và hiệu quả rất tốt, cô đã tìm hiểu về sản phẩm Dạ Dày Mộc Hoa. Liên đã uống dạ dày Mộc Hoa 1 tháng nay và giờ cô cảm thấy khỏe mạnh không còn tiều tụy như trước mọi người thấy cô trẻ hơn tự tin hơn.”

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dầy Mộc Hoa quảng cáo trên website http://chuyengiadaday.com. (504)

 

19. Người tiêu dùng có thể "dính" hàng rởm khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên trang quảng cáo

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng và đưa ra cảnh báo tình trạng nhiều trang web quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng nhưng không đảm bảo an toàn.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng không mua, sử dụng Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Mộc Hoa được quảng cáo trên website http://chuyengiadaday.com

Theo đó, ngày 3.10, đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Mộc Hoa Đường (số nhà 07, Lô L2, dự án khu nhà thấp tầng Hải Ngân, thôn Thượng, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, bà Vũ Thị Khuyên, Giám đốc Công ty TNHH Mộc Hoa Đường khẳng định sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Mộc Hoa được Cục An toàn thực phẩm xác nhận nội dung quảng cáo số 006000/2018/ATTP- XNQC ngày 11/6/2018, website http://chuyengiadaday.com không phải là website của Công ty.

Công ty không thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Mộc Hoa trên website http://chuyengiadaday.com và không chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với website này.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Mộc Hoa quảng cáo trên website http://chuyengiadaday.com

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này vẫn đang liên tục thực hiện việc thanh kiểm tra, rà soát hoạt động quảng cáo, kinh doanh, sản xuất của các công ty sản xuất các thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhằm phát hiện các nguy cơ, sai phạm, xử lý để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình (Bộ TT&TT), công khai thông tin các sản phẩm vi phạm, cũng như xử lý các trang web quảng cáo sản phẩm sai phạm, để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm trên trang các web đó.

Cũng theo TS Nguyễn Thanh Phong, với những sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ bị phát hiện có sai phạm về quảng cáo trên một số website, mạng xã hội nhưng doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó không thừa nhận, Cục An toàn thực phẩm sẽ đưa các sản phẩm vi phạm này vào “danh sách đen”.

Với những sản phẩm đã bị đưa vào “danh sách đen” thì sẽ bị lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, sẽ bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn và khi phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nặng hơn.

Ngoài chuyện phạt tiền, thu hồi bản công bố sản phẩm… thì việc công khai tên các cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm cùng các hình phạt bổ sung như trên sẽ có hiệu quả rất lớn, thậm chí có khi hiệu quả còn cao hơn xử phạt hành chính bởi không ít doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền phạt rồi lại vi phạm. (561)

 

20. Đề xuất sửa đổi phương án thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có điều khoản liên quan tới các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh. 

Cụ thể, các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 31 của Luật BHYT, gồm: Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến), nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; trường hợp kho dữ liệu thẻ không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ BHYT, ghi sai thời điểm hưởng 5 năm liên tục, cơ sở y tế thu tiền và xuất chứng từ cho người bệnh; trường hợp cấp cứu không xuất trình thẻ, sau đó chuyển viện tới cơ sở y tế khác. (212)

 

21. Cần quan tâm đến công tác thanh tra y tế dự phòng và môi trường y tế

Đó là kiến nghị của Thanh tra Bộ Y tế đối với Sở Y tế Đắc Nông tại kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về y tế dự phòng và môi trường y tế.

Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Sở Y tế Đắk Nông và một số đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh. Kết quả thanh tra cho thấy, các đơn vị còn nhiều tồn tại. Tại Sở Y tế tỉnh, công tác thanh tra chuyên ngành về y tế dự phòng và môi trường y tế còn hạn chế, chưa được triển khai một cách chủ động, toàn diện.

Kết quả thanh tra tại 3 đơn vị trực thuộc Sở Y tế cũng chỉ rõ. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lò đốt chất thải y tế chưa đảm bảo các chỉ tiêu quan trắc khí thải theo QCVN 02:2012/BTNMT. Hệ thống xử lý nước thải y tế chưa đảm bảo các chỉ tiêu quan trắc nước thải sau xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT. Bên cạnh đó, khu lưu trữ chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn thông thường đang sử dụng không đạt yêu cầu. Việc ghi nhãn của các trang thiết bị tại phòng xét nghiệm chưa đầy đủ theo quy định. Ngoài ra, bệnh viện không có quy định ra, vào phòng xét nghiệm được lãnh đạo đơn vị phê duyệt.

Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nơi lưu giữ chất thải rắn không có biển báo, không có cửa, nền và xung quanh không đảm bảo đúng quy định. Không có thùng đựng chất thải nguy hại.

Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải không được bảo dưỡng thường xuyên và hệ thống nước khử trùng không đảm bảo. Phòng theo dõi sau tiêm xuống cấp, sàn nhà ẩm mốc, mối mọt, góc trong trên trần nhà bị thấm nước mưa ẩm mốc.

Tại Trung tâm Y tế huyện Krông Nô, phòng theo dõi sau tiêm bị xuống cấp, góc tường bị ẩm mốc. Chưa dán phác đồ chống sốc tại phòng tiêm theo quy định. Không ghi rõ ngày, tháng, năm trên bảng giá dịch vụ tiêm chủng. Chưa cập nhật đầy đủ các thông tin về tiêm chủng trên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia.

Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị đã được thanh tra xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại đã được phát hiện qua thanh tra. Đồng thời kiến nghị Sở Y tế Đắk Nông đưa nội dung thanh tra về y tế dự phòng và môi trường y tế vào kế hoạch thanh tra hằng năm, tổ chức thực hiện thanh tra theo kế hoạch về công tác y tế dự phòng và môi trường y tế trên địa bàn tỉnh. (485)

 

22. Sở Y tế Lâm Đồng xin không thu hồi 55,9 tỉ đồng đã chi phụ cấp

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng xin không thu hồi  55,9 tỉ đồng phụ cấp ưu đãi đã chi cho các đối tượng chưa phải công chức, viên chức ngành y tế.

Ông Trịnh Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, khẳng định trong buổi họp giao ban báo chí chiều 5.10 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức: “Mặc dù Thanh tra tỉnh Lâm Đồng có kết luận, tuy nhiên Sở Y tế khẳng định việc chi trả phụ cấp ưu đãi nghề của 25 đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã chi cho người lao động yên tâm công tác, không có ai tư túi cá nhân”.

Trong đó, Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng có 236 người được chi 9,3 tỉ đồng, Bệnh viện Đa Khoa II Lâm Đồng (TP.Bảo Lộc) chi cho 187 người với số tiền 7 tỉ đồng...

Ông Quyết cho biết thêm, sau khi Thanh tra tỉnh Lâm Đồng có kết luận thanh tra số 78/KL-TTr về trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng trong việc chi phụ cấp ưu đãi hơn 55,9 tỉ đồng cho các đối tượng chưa phải công chức, viên chức là chưa đúng qui định, Sở đã chủ động làm việc với Sở Tài chính, cùng các sở ngành liên quan.

Như Thanh Niên đã phản ánh, ngày 12.7.2018, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng có kết luận thanh tra số 78/KL-TTr về trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Trong đó cho rằng, Sở Y tế Lâm Đồng phê duyệt quyết toán và hướng dẫn cho 25 đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện chưa đúng quy định đối với việc chi phụ cấp ưu đãi cho các đối tượng hợp đồng chưa phải công chức, viên chức là hơn 55,9 tỷ đồng.

Cũng theo ông Quyết, sau khi họp với các sở, ngành, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 2111/STC-HCSN kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét và báo cáo HĐND tỉnh không thu hồi số tiền 55,9 tỉ đồng đã chi phụ cấp ưu đãi nghề y tế cho 1.369 người từ tháng 4.2012 đến tháng 9.2017 do không làm tăng chi ngân sách địa phương.

Ông Quyết khẳng định việc chi phụ cấp ưu đãi hơn 55,9 tỉ đồng nêu trên là phù hợp với các văn bản hướng dẫn hiện hành, không có ai tư túi cá nhân với số tiền trên.

Ông Quyết cho biết thêm, từ tháng 10.2017 khi Sở dừng chi phụ cấp ưu đãi nghề cùng với đồng lương cán bộ y tế thấp đã gây tâm lý tư tưởng không yên tâm, dẫn đến có nhiều bác sĩ, dược sĩ ĐH xin nghỉ việc. (479)

 

23. Đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách y tế 

Đây là đánh giá của các đại biểu tại Hội thảo Đánh giá công nghệ y tế và kết quả bước đầu ứng dụng trong xây dựng chính sách y tế tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức ngày 4/10.

 Thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của đánh giá công nghệ y tế (HTA) trong xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng, Bộ Y tế đã đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng HTA.

Trong thời gian qua, đánh giá HTA đã có những đóng góp bước đầu trong xây dựng một số chính sách y tế quan trọng như xây dựng danh mục, điều kiện và tỷ lệ thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT… (131)   

 

24. Viện KSND tỉnh bác đơn khiếu nại, gia đình bệnh nhân tiếp khiếu

Ngày 30/9, trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Lê Đình Trọng cho biết, gia đình vừa mới nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Viện KSND tỉnh Bình Dương liên quan quan đến cái chết của cháu Lê Đình Chinh (13 tuổi, con trai ông Trọng).

Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 652/QĐ-VKS-P12 ngày 14/9/2018, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Dương đã quyết định bác đơn khiếu nại của ông Lê Đình Trọng đối với Quyết định giải quyết khiếu nại số 12/QĐ-VKS-KT ngày 12/10/2017 của Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Giáo.

Theo Quyết định số 652/QĐ-VKS-P12 nêu trên thì, sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ việc cùng với kết luận của Hội đồng chuyên môn (HĐCM) - Bộ Y tế, Viện KSND tỉnh cho rằng: Theo kết luận của HĐCM - Bộ Y tế thì mặc dù bác sỹ Nguyễn Giang Nam có một số vi phạm trong quá trình điều trị, chuyển viện nhưng hành vi vi phạm này không phải là nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhi Lê Đình Chinh. Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Giáo kết luận hành vi của bác sĩ Nam không có dấu hiệu tội phạm, không khởi tố vụ án hình sự và Viện KSND huyện Phú Giáo không chấp nhận khiếu nại của ông Trọng là có căn cứ. Do đó, nội dung khiếu nại của ông Trọng đối với Quyết định giải quyết khiếu nại số 12/QĐ-VKS-KT ngày 12/10/2017 của Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Giáo là không có cơ sở.

Được biết, mới đây gia đình ông Trọng đã tiếp tục làm đơn gửi Viện trưởng Viện KSND Tối cao để khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của Viện KSND tỉnh vì cho rằng cách giải quyết nêu trên của Viện KSND tỉnh là không thỏa đáng…

Trước đó, Ngày 5/4/2018, kết luận của HĐCM Bộ Y tế đã chỉ ra, quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhi Lê Đình Chinh tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo đã nhận định, chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue là đúng, xử trí phù hợp với hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế trong giai đoạn đầu của bệnh.

Tuy nhiên, HĐCM Bộ Y tế xác định, khi bệnh nhân tiến triển nặng nhưng do trình độ chuyên môn hạn chế (bác sĩ Nguyễn Giang Nam, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Chinh là bác sĩ đa khoa, chưa có kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết) nên chưa chẩn đoán được sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, do vậy không tiên lượng được nên chưa có chỉ định theo dõi, điều trị phù hợp bệnh trong giai đoạn này.

HĐCM Bộ Y tế cũng kết luận, việc chuyển bệnh nhân trong tình trạng co giật là không an toàn, không đúng theo quy định của Quy chế cấp cứu. Không kiên quyết xử lý cấp cứu co giật (mặc dù gia đình người bệnh không đồng ý nhưng bác sĩ trực vẫn phải kiên quyết yêu cầu gia đình để người bệnh ở lại Trung tâm để cấp cứu, gọi báo cáo lãnh đạo Trung tâm xin hỗ trợ và lập biên bản hội chẩn có ý kiến của Lãnh đạo Trung tâm và ý kiến xác nhận của gia đình).

Bên cạnh đó, HĐCM Bộ Y tế cho rằng, việc chuyển viện bệnh nhân thiếu kỹ năng, không đặt đường truyền tĩnh mạch, chuyển người bệnh đang trong tình trạng co giật, thiếu kỹ năng tiếp xúc với gia đình người bệnh trong những tình huống người bệnh diễn biến ở giai đoạn nặng.

Từ khi vụ việc xảy ra đến nay, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng - Kỷ luật Trung tâm y tế huyện Phú Giáo mới xử lý bác sĩ Nguyễn Giang Nam bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời điều chuyển công tác, không được khám chữa bệnh, cắt thi đua, khen thưởng, cắt toàn bộ các khoản tiền tăng thu nhập, lễ tết của đơn vị trong 1 năm, ngưng thời gian nâng bậc lương. Tuy nhiên, trước những xử lý trên vẫn không thể khiến gia đình ông Trọng giảm bức xúc, ngược lại quyết tâm đi đến cùng sự việc.(730)

 

25. Nguy cơ bùng phát ổ bệnh dại

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xuất hiện nhiều ổ bệnh dại, cùng với đó số người bị phơi nhiễm do chó dại cắn đến các trung y tế điều trị ngày càng tăng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có 3.459 người bị phơi nhiễm bệnh dại được điều trị tại các Trung tâm y tế. Điều đáng nói là bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vaccine phòng bệnh nhưng không ít người chủ quan dẫn đến những cái chết rất thương tâm.

Gia tăng số người mắc bệnh dại

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp- Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận khoảng hơn 10 ca bị chó dại cắn, nhưng không tiêm dự phòng vaccine mà lại tìm thầy lang để điều trị và được tư vấn là không phải bị dại. Những ca bệnh này khi đến bệnh viện thì đã lên cơn dại và không thể cứu chữa. Theo các bác sĩ, khi virus dại đã tấn công vào não và bệnh nhân đã lên cơn dại kịch phát thì chắc chắn không cứu được. 

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 24 người chết vì bệnh dại, tăng 4 người so với cùng thời điểm năm 2017; nhiều nhất là Kon Tum 4 người, Lào Cai 3 người, Tuyên Quang 2 người. Đặc biệt, số người bị chó cắn đến cơ sở y tế điều trị lên tới 100.000 người. Trong khi đó, năm 2017 thống kê ở các địa phương trên toàn quốc ghi nhận có 500.714 người bị chó cắn, tăng trên 20% so với giai đoạn năm 2015 – 2017.

Riêng tại Lào Cai, 4 tháng đầu năm toàn tỉnh có trên 1.000 người bị chó, mèo cắn, cào phơi nhiễm bệnh dại phải đến cơ sở y tế điều trị, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. 3 người tử vong vì bệnh dại, trong đó, 2 nạn nhân Máng A Phúng (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa) và Hoàng Minh Tuấn (ngụ xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên) đều bị chó cắn. Nạn nhân còn lại là Vàng A Dìn (ngụ xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng) bị chó cào xước chân tay. Do chủ quan, anh Dìn không đi tiêm vắc xin ngừa bệnh, đến khi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, khó thở, sợ gió, sợ nước, người nhà đưa vào bệnh viện thì không thể chữa trị.

Còn tại Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, đã có 2 người tử vong do bị chó dại cắn, trong đó 1 người ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao và 1 người ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba. Nguyên nhân là do sau khi bị chó cắn, bệnh nhân đã chủ quan, không đến các Trung tâm y tế điều trị dự phòng bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh gây bởi vi-rút dại lây truyền từ các loại động vật, như: Chó, mèo,… sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể. Hầu hết các trường hợp gây bệnh dại ở người là do chó cắn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể lâu hơn vài tháng thậm chí hàng năm tùy thuộc vào số lượng, mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Triệu chứng điển hình của bệnh dại như: Hung dữ, sợ nước, sợ gió, kích thích, rối loạn thần kinh thực vật, tăng tiết nước bọt…

Hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắcxin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Để phòng, chống bệnh dại mỗi người cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan. Người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng một tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.

Không được chủ quan

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 8 ổ bệnh dại tại 5 huyện, trong đó huyện Phù Ninh phát hiện 4 ổ, thành phố Việt Trì, các huyện Thanh Ba, Tam Nông, Lâm Thao phát hiện 1 ổ bệnh dại. Về nguyên nhân bệnh dại gia tăng ở địa phương, theo ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ là do thời tiết nắng nóng đã làm suy giảm khả năng phòng chống bệnh tật của người và động vật, tạo điều kiện thuận lợi bùng phát bệnh dại ở chó, mèo. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó hàng năm đạt rất thấp, tình trạng nuôi chó thả rông vẫn rất phổ biến là nguyên nhân dẫn đến bệnh dại bùng phát. Bên cạnh đó, virút dại đang lưu hành trên đàn chó ở hầu hết các địa phương sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo, người dân cần nhanh chóng đưa đàn chó đi tiêm phòng vắc xin dại. Ngoài ra, Chi cục cũng tăng cường chỉ đạo các trạm thú y tiếp tục duy trì điểm tư vấn và tiêm phòng vắcxin dại, hướng dẫn các xã, phường khẩn trương thống kê, rà soát số chó chưa được tiêm vắcxin, tiến hành tiêm phòng bổ sung để tạo miễn dịch; tiếp tục kiểm dịch đúng quy trình cho chó, mèo tại nơi xuất phát và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định đối với chó, mèo khỏe mạnh đã được tiêm phòng và còn thời gian miễn dịch bảo hộ.

Những năm qua  số tử vong do bệnh dại ghi nhận tăng cao, khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong. Bệnh dại thường bùng phát từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Nguyên nhân chính là do những ổ dịch dại đã tồn tại nhiều năm nay chưa giải quyết được triệt để; công tác tuyên truyền mặc dù đã được đẩy mạnh, nhưng chưa làm thay đổi được nhận thức của người dân vì vậy vẫn còn tồn tại tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên địa bàn tỉnh còn thấp…

Bệnh dại không chỉ làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mà còn tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Vì vậy các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi về tính chất nguy hiểm của bệnh, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, cũng như quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại.

* Các bác sĩ khuyến cáo, nếu một người bị động vật cắn thì vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắcxin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không bóp nặn vết thương và băng kín vết thương vì có thể khiến virút dại lan nhanh hơn vào cơ thể. (1344)

 

26. Lào Cai: Toàn dân chung tay phòng chống bệnh dại

Ngày 4/10/2018, tại tỉnh Lào Cai, Bộ y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ mít tinh thế giới phòng chống bệnh dại năm 2018 với thông điệp “Chia sẻ thông điệp, cứu sống tính mạng”.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm thế giới có hơn 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.

Tại Việt Nam, số ca từ vong do bệnh dại có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hàng trăm người chết vì bệnh dại và có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Tổng số tiền chi hàng năm cho công tác phòng chống bệnh dại khoảng 300 tỷ đồng.
 Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai là một trong những tỉnh có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước (8 ca). Nhằm tăng cường công tác phòng chống bệnh dại cũng như tăng cường vai trò điều phối của chính quyền các cấp, tỉnh Lào Cai được chọn là nơi tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại năm 2018 với chủ đề: “Chia sẻ thông điệp, cứu sống tính mạng” với mục đích ưu tiên cho công tác truyền thông phòng chống bệnh dại.

Tại lễ mít tinh, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kêu gọi toàn thể cán bộ, hân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh và cả nước cùng hưởng ứng mạnh mẽ “Ngày thế giới phòng chống bệnh dại” hướng tới mục tiêu không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2010. Ông Nguyễn Hữu Thể cũng khẳng định: Tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh dại tới các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Phấn đấu tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại ở đàn chó, mèo hằng năm đạt trên 80% và duy trì bền vững; tỷ lệ người bị chó, mèo cắn đi tiêm vắc-xin phòng dại đạt trên 90%; 100% số người bị chó, mèo nghi bị bệnh dại cắn đều đi tiêm phòng bệnh…

Tại lễ mít tinh, Bộ y tế cho biết, với sự nỗ lực của ngành Y tế, ngành Thú y và sự vào cuộc của chính quyền UBND các cấp, giai đoạn năm 2014 - 2015, số ca tử vong do dại đã giảm 30% so với năm 2013 trở về trước. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 - 2017, tình hình bệnh dại có chiều hướng tăng cao trở lại với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, có 91 ca tử vong do dại, tăng 17% so với năm 2015 và 38% so với năm 2014.

Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm khi người bệnh đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong gần như là 100%, mặc dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, WHO khuyến cáo người bị chó cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.

Để thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về loại trừ bệnh dại, ngày 13/2/2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021. Tiếp đó, ngày 6/7/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên toàn quốc nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình Quốc gia.

Cũng trong khuân khổ Lễ mít tinh, Chi cục Thú y Lào Cai đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại miễn phí cho chó, mèo. Các đơn vị, lực lượng liên quan tổ chức diễu hành trên đường phố để tuyên truyền về phong, chống bệnh dại tới người dân. (725)

 

27. Bùng phát bệnh lao phổi ở bệnh nhân suy nhược cơ thể

Nhiều bệnh nhân nhập viện bị suy nhược cơ thể do hút thuốc, uống rượu được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh lao phổi mặc dù những bệnh nhân này không có bất cứ triệu chứng gì điển hình ở phổi, thậm chí lại có triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa.

Trong thời gan gần đây, nhiều bệnh nhân bị suy nhược cơ thể tìm đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) khám và điều trị, và các bác sĩ đã phát hiện khá nhiều trường hợp bị lao phổi. Điều đáng nói là những bệnh nhân suy nhược cơ thể này không có những triệu chứng nào cho thấy bị bệnh lao phổi.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Chiêu Oanh - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115, các bệnh nhân bị phát hiện lao phổi đến trong tình trạng suy nhược cơ thể thường với các triệu chứng ở đường tiêu hóa như đau bụng, đi cầu phân đen, nâu... nhưng lại không có những triệu chứng điển hình ở phổi.

Mới nhất là trường hợp bệnh nhân T.N.T. (63 tuổi, ngụ ở TPHCM) nhập viện trong tình trạng bị đau bụng vùng thượng vị, đi tiêu phân đen nhiều lần, sau mỗi lần đi tiêu thì cảm thấy mệt.

Trước đó, ông T. thấy mình ăn uống kém dần, ho khan, cảm giác nặng ngực. Tình trạng trên kéo dài đến 3 tuần người nhà mới đưa ông đến bệnh viện.

Qua thăm khám, các bác sĩ ở đây nhận thấy bệnh nhân T. có tổng trạng gầy, da niêm hồng nhợt, nghe phổi có giảm âm phế bào 2 bên, có hội chứng 3 giảm phổi bên phải. Bụng của bệnh nhân mềm, tiêu phân sệt nâu, bệnh nhân than mệt, ăn uống kém do ăn không ngon miệng.

Bệnh nhân T. sau đó được chỉ định X-quang phổi, xét nghiệm đàm AFB và nội soi dạ dày tá tràng, kết quả cho thấy ở phổi của bệnh nhân có thâm nhiễm lan tỏa 2 bên, mờ góc sườn hoành phải; màng phổi phải tiết dịch và loét hang vị Forrest IIb.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. bị lao phổi AFB(+), lao màng phổi/viêm phổi - thiếu máu sau xuất huyết tiêu hóa trên, loét hang vị.

Sau khi điều trị bằng thuốc kháng lao, kháng sinh, điều trị loét hang vị, nâng đỡ tổng trạng, tình trạng bệnh nhân hiện tại: tỉnh, sinh hiệu ổn, không còn tiêu phân đen, không còn đau bụng, không sốt, không khó thở.

Bác sĩ Oanh cho rằng bùng phát lao phổi trên bệnh nhân suy nhược cơ thể là do uống rượu bia, hút thuốc lá kéo dài nhưng triệu chứng ở phối không điển hình, chỉ xuất hiện triệu chứng ở đường tiêu hóa (đau bụng, đi cầu phân đen, nâu).

“Những bệnh khi có triệu chứng ho khan trên 3 tuần cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra ngay, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, khi bệnh lao phổi quá nặng, khả năng chữa trị sẽ rất khó”, bác sĩ Oanh khuyến cáo. (529)

 

28. Khẩn trương phòng chống bệnh lây nhiễm trong trường học

Giáo viên khử trùng, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng, vật dụng sau mỗi ngày học và trao đổi với phụ huynh hằng ngày về tình hình sức khỏe của học sinh để phòng chống các bệnh lây nhiễm trong thời gian này.

Sở GD-ĐT gửi công văn khẩn về phòng chống dịch bệnh

Ngày 4.10, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh tay chân miệng, bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn ra trong trường học hiện nay cũng như trên địa bàn TP, Sở GD-ĐT đã gửi công văn khẩn đến các trường về triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Theo bà Thu, các trường phải tổ chức giám sát phát hiện, cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm. Học sinh, giáo viên, công nhân viên bị các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, phát ban, nổi mụn nước cần nghỉ học, nghỉ làm để đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, không nên đến trường, lớp khi còn các triệu chứng, hạn chế tiếp xúc với người khác, chỉ quay lại trường học khi đã hết các triệu chứng bất thường. Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm gây dịch phải ở nhà cách ly đến hết thời gian quy định.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng lưu ý giáo viên chủ nhiệm, giám thị điểm danh ghi chú rõ nguyên nhân nghỉ học vì bệnh vào sổ kiểm diện mỗi ngày. Trường hợp học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp mà không nói rõ lý do, nhà trường phải chủ động liên hệ với phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm.

Đặc biệt, đối với trường mầm non và nhóm trẻ, giáo viên bảo mẫu khi đón nhận trẻ vào buổi sáng phải sàng lọc trẻ và hỏi phụ huynh về tình trạng hôm nay của trẻ trước khi nhận vào lớp.

Trong công văn của Sở có nêu tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa tạm thời lớp học hoặc trường học để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường

Đi kèm với công văn triển khai các công việc phòng chống dịch bệnh, Sở GD-ĐT cũng công bố danh mục bệnh truyền nhiễm quản lý trong trường học do trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Sở Y tế TP.HCM cung cấp. Theo đó có một số trường hợp học sinh mắc bệnh sởi, tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, viêm họng nhiễm siêu vi… Do vậy, Sở yêu cầu các trường đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học.

Giáo viên Trần Thị Tú Quyên, Trường mầm non Vàng Anh (Q.5), cho hay trước đây việc khử trùng thực hiện hằng tuần nhưng thời điểm này, hằng ngày, sau giờ tan học, giáo viên các lớp khử khuẩn bề mặt sàn, vách phòng học, bàn ghế học sinh, thư viện, hành lang, cầu thang, ngâm rửa đồ chơi, dụng cụ học tập... bằng các loại dung dịch khử khuẩn.

Ngoài ra, trong các hoạt động tại trường, lớp, giáo viên Tú Quyên cho hay, thường xuyên nhắc nhở học sinh giữ vệ sinh thân thể, đồng thời vào thời điểm nhận và trả trẻ, giáo viên trao đổi với phụ huynh học sinh tình hình sức khỏe để nắm bắt thông tin cụ thể.

Bà Vũ Thị Tố Loan, Hiệu trưởng Trường mầm non 27, Q.Bình Thạnh, cho biết nhà trường đang khẩn trương thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, ngoài việc vệ sinh trường, lớp thì nhà trường cũng tuyên truyền với phụ huynh để phối hợp cùng đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. (664)

 

29. Cảnh báo chất nhờn ma quái tiềm ẩn nguy hiểm trước cổng trường học

Thời gian gần đây, không chỉ học sinh mà còn nhiều người lớn cũng say mê món đồ chơi slime (hay còn gọi là chất nhờn ma quái, bột tạo hình).

Tan học, 2 cậu bé tại Trường tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) tạt vào một cửa hiệu tạp hóa gần cổng trường mua slime trứng kim cương ma thuật với giá 50.000 đồng/quả.

Trong lúc đợi bố mẹ đến đón, 2 cậu bé truyền tay nhau chơi. Do slime có độ mềm mại như nước nhưng lại dai như cao su nên các cậu bé có thể thỏa sức nhào nặn thành hình những con vật mà các cậu thích. Vừa chơi slime, hai cậu bé này vừa bốc bim bim bỏ vào miệng ăn ngon lành.

Những cậu học sinh say mê slime như hai cậu bé này khá nhiều. Đó là điều dễ hiểu bởi slime có đủ các màu sắc, hình dáng, kích cỡ rất bắt mắt hấp dẫn trẻ. Slime vốn là đồ chơi bắt nguồn từ nước ngoài.

Lấy ý tưởng từ câu chuyện về những quái vật biết biến hóa muôn hình vạn trạng để thoát khỏi sự truy đuổi của con người, mặc dù có hình dáng quái dị nhưng slime lại rất đáng yêu, chỉ muốn chơi đùa và làm bạn với mọi người chứ không có ý làm hại ai.

 Theo quảng cáo, loại đồ chơi này giúp trẻ em và những ai chơi chúng thư giãn, kích thích sự sáng tạo, tạo phản xạ linh hoạt, rèn luyện sự khéo tay…

Chị Ngọc Bích (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, hai con chị một đứa học tiểu học, một đứa học cấp II cũng rất ham mê đồ chơi này. Vì bố mẹ đọc thông tin biết được rằng đồ chơi này nếu làm từ những chất liệu không đảm bảo có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nên chị không mua, nhưng chúng lấy tiền tiết kiệm rồi lén lút mua.

“Để con tự mua slime thì cứ chỗ nào rẻ chúng mua, dễ mua phải đồ chơi kém chất lượng. Vì thế, tôi đành chọn những cửa hàng uy tín để mua slime cho con. Đồ tôi mua thấy được quảng cáo là sản xuất tại Nhật, Hàn, không gây kích ứng da trẻ nhưng tôi cũng chẳng biết là thực hư thế nào”.

Thế giới cảnh báo

Trên thế giới không ít trẻ đã gặp hại khi chơi đồ chơi này. Tại Oadby, (Anh), cô bé Layla Fisher (10 tuổi) bị loại đồ chơi này làm cho đôi tay phồng rộp đau đớn và tình trạng nhiễm trùng da ngày càng nặng. Mẹ của cô bé đã phải lên tiếng cảnh báo các bậc phụ về trò chơi này.

Tại Pháp, Cơ quan An ninh y tế quốc gia Pháp (ANSES) ngày 4/5/2018 đã đưa ra khuyến cáo, slime chứa nhiều chất độc hại, có khả năng gây ra nhiều dạng dị ứng, gây bỏng, gây bệnh chàm (còn gọi là eczema), thậm chí ảnh hưởng tới thần kinh và khả năng sinh sản.

Theo giáo sư Gérard Lasfargues, Giám đốc bộ phận khoa học giám định của ANSES từ năm 2017 đến nay, cơ quan này ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em bị tác dụng phụ khi tiếp xúc với các loại đồ chơi từ chất dẻo và chất nhờn. Một vài chất bảo quản có trong các loại đồ chơi này là chất độc hại có thể gây dị ứng và bỏng da.

Đồ chơi này còn chứa các loại dung môi có khả năng gây ra các vấn đề cho đường hô hấp, thậm chí ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương. Bên cạnh đó, giáo sư Lasfargues cho biết, chất tạo cho hỗn hợp này tính dẻo và nhờn là axit boric, loại dung dịch mà Liên minh châu Âu (EU) đã xếp vào loại có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con người, đặc biệt nguy hiểm nếu tiếp xúc thường xuyên.

Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp dị ứng với loại đồ chơi này. Ngày 18/9 vừa qua, 19 học sinh của Trường THCS Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã phải nhập viện nghi bị dị ứng hóa chất từ đồ chơi chất nhờn ma quái được mua trước cổng trường.

Slime được sản xuất từ hồ nước, phấn, bột giặt, dầu gội, muối, đường, kem đánh răng, nước nhỏ mắt… Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu slime được làm từ những thành phần an toàn nêu trên thì sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Tuy nhiên, slime có thể tự làm được dễ dàng nên không thể biết người sản xuất sẽ cho thêm các loại hóa chất gì, có độc hại hay không. Hơn nữa, dù được làm từ thành phần an toàn đến mấy thì slime cũng là thứ không thể ăn được.

Trong khi đó, nhiều hình dạng của đồ chơi này dễ khiến trẻ nhỏ lầm tưởng là kẹo, dễ cho vào mồm. Vì vậy, nếu cho trẻ nhỏ chơi thì người lớn phải giám sát. Dù chất này không dính tay nhưng sau khi chơi xong mọi người cần rửa tay sạch sẽ./.(906)

 

30. Mạo danh bác sĩ Bệnh viện 108 để lừa đảo bệnh nhân

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa chính thức phát đi thông tin cảnh báo khi phát hiện một số trang Facebook mạo danh các bác sĩ thẩm mỹ đi lừa đảo.

Theo đó, trong thời gian gần đây, bệnh viện liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của nhân dân và người bệnh về tình trạng một số trang faceboook đăng hình ảnh và bài viết giới thiệu là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ, tiêm filler, tiêm botox…

Cụ thể, trong hình ảnh của một số bệnh nhân gửi về, có chỉ ra thông tin về 2 facebook có tên là Misu Nguyễn (BS thẩm mỹ) và facebook Hien Anna. Cả 2 facebook này đều giới thiệu, quảng cáo về các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp.

Hành vi này nếu không được kịp thời ngăn chặn có thể gây ra những hậu quả khôn lường, vì các trang Facebook giả đều nhằm mục đích mời chào bệnh nhân sử dụng các dịch vụ y tế được quảng cáo để  thẩm mỹ…

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định không có tên 2 bác sĩ trên trong danh sách cán bộ, nhân viên đang làm việc và công tác tại bệnh viện.

Đại diện Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho hay: "Khi nhận được phản hồi của người dân, bệnh viện có yêu cầu chủ nhân của 2 trang facebook trên phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh, bài viết mạo danh bác sĩ của Bệnh viện".

Tuy nhiên, chỉ facebook Misu Nguyễn tiến hành chỉnh sửa toàn bộ thông tin trên trang cá nhân của mình. Còn tài khoản có tên Hien Anna vẫn kiên quyết, ngang nhiên không chịu sửa đổi, tiếp tục mạo danh uy tín và thương hiệu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để trục lợi, gây thiệt hại cho bệnh nhân.

Do đó, trong thời gian chờ đợi để giải quyết vụ việc, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo người bệnh và người nhà bệnh nhân đề cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh bệnh viện lừa đảo, thực hiện các mục đích cá nhân.

Nếu phát hiện các đối tượng này hoặc có bất cứ thông tin liên quan đến việc mạo danh, mượn danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 người dân có thể phản ánh trực tiếp đến số điện thoại của Ban Công tác xã hội Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: 024.6278.4168. (428)

 

31. Bệnh viện Quân Y 175 đề nghị Mỹ viện trợ máy bay trực thăng

Thông tin trên được Thiếu tướng PSG.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) cho biết sau buổi làm việc với ông Randall Shriver - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào hôm nay (5.10).

Thiếu tướng PSG.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn cho biết trong chuyến thăm và làm việc của trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Shriver tại Bệnh viện Quân Y 175 hai bên đã đánh giá cao về công tác đào tạo, huấn luyện cho Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 mà Việt Nam mới đưa sang Nam Sudan đợt 1 vừa qua; đồng thời lên kế hoạch chuẩn bị cho Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 sẽ lên đường vào năm 2020.

“Để chuẩn bị cho Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 chúng tôi sẽ bắt đầu đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ. Tuy nhiên việc đào tạo lần này sẽ rút ngắn thời gian hơn nhiều so với trước nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, vì chúng ta đã có kinh nghiệm từ trước”, ông Sơn cho biết.

Đặc biệt trong chuyến thăm và làm việc lần này, 2 bên đã thỏa thuận hợp tác nhiều vấn đề quan hệ trong lĩnh vực quân y giữa 2 nước như: đào tạo ngoại ngữ, trao đổi kỹ thuật công nghệ, xúc tiến các hoạt động từ thiện...

Phía Mỹ sẽ đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ quân y, chuyển giao công nghệ về y tế, đặc biệt là công tác cấp cứu y tế đường không, đường thủy, đường bộ để đáp ứng mọi tình hình cấp cứu. Song song đó, Bệnh viện Quận 5 175 sẽ tiếp nhận các cán bộ quân y của Mỹ sang học tập và làm việc.

Ông Sơn cũng cho biết để đáp ứng yêu cầu cấp cứu trong mọi tình huống, Bệnh viện Quân Y 175 cũng đang tiến hành đàm phán với phía Mỹ để viện trợ trực thăng nhằm phục vụ công tác cấp cứu của bệnh viện.

Năm 2019 tới đây, Viện Chấn thương chỉnh hình (thuộc Bệnh viện Quân Y 175) sẽ được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây sẽ là trung tâm cấp cứu đường không, đường thủy, đường bộ nên rất cần Mỹ hỗ trợ về huấn luyện đào tạo, trang thiết bị, cơ sở vật chất để đẩy nhanh tính cơ động trong cấp cứu và điều trị.

“Trực thăng cũng là một phương tiện rất cần thiết để phục vu cho hoạt động cấp cứu tại đây. Hy vọng với sự giúp đỡ của Mỹ, chúng tôi sẽ phát triển khả năng cấp cứu toàn diện, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống khẩn cấp đặt ra, mau chóng đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu trong “thời gian vàng” góp phần cứu sống bệnh nhân đạt hiệu quả hơn”, ông Sơn chia sẻ. (490)

 

32. Xây nhà vệ sinh đạt chuẩn cho bệnh nhân sử dụng

Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại buổi kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai công tác cải cách hành chính tại Sở Y tế TP ngày 4.10.

Cụ thể, ông Tuyến yêu cầu ngành y tế, các bệnh viện (BV) cần xóa những nhà vệ sinh không đủ tiêu chuẩn, xây dựng nhà vệ sinh đủ chuẩn để phục vụ miễn phí người dân.

Theo ông Tuyến, hiện nay các BV đã làm tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ thì cần có nhà vệ sinh sạch sẽ, tạo sự thoải mái cho người bệnh, kể cả khách đến sử dụng. Nếu cần thiết UBND TP sẽ hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ những bệnh viện nghèo “vì ai cũng có người nhà, người thân đi BV” và “TP nghĩa tình hay không là chỗ này”.

Tại buổi làm việc, ông Tuyến cũng đánh giá cao những kết quả của ngành y tế trong công tác cải cách hành chính thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Tuyến nhắc nhở bên cạnh việc người dân, doanh nghiệp đánh giá chất lượng thì ngành y tế phải tự nhìn nhận lại để nâng cao chất lượng phục vụ. Giám đốc Sở Y tế có kế hoạch triển khai kiểm tra trách nhiệm của giám đốc các BV, trường hợp giám đốc BV làm không tốt thì nửa năm sau phải thay khỏi vị trí đó.

Báo cáo của Sở Y tế TP cho biết, trong lĩnh vực hành chính, ngành y tế đã cải cách việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động qua mạng - ngồi nhà nộp hồ sơ và nhận giấy phép tận nhà (dịch vụ công trực tuyến); bộ phận một cửa... Trong khám chữa bệnh, ngành cải cách theo hướng BV thông minh, như BV không tiếng loa, BV không cần sổ khám bệnh, lấy số thứ tự tự động, chờ khám tự động, toa thuốc điện tử, hội chẩn từ xa; BV - phòng khám vệ tinh…

Bên cạnh đó, Sở Y tế lấy ý kiến người dân về việc không hài lòng khi đến BV, lấy ý kiến người dân, cán bộ công chức đánh giá thủ tục hành chính của Sở Y tế. Kết quả khảo sát cho thấy lâu nay người dân không hài lòng khi đến các BV là phải chờ lấy thuốc, khám bệnh lâu; nhà vệ sinh bẩn; thái độ nhân viên y tế, bãi giữ xe chưa nhã nhặn…(426)

 

33. Liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel đã được ứng dụng tại Việt Nam

Công trình nghiên cứu sử dụng liệu pháp miễn dịch chống một số bệnh ung thư được tặng được giải Nobel y học 2018 đã được ứng dụng ở Việt Nam. 

Giải Nobel Y sinh học 2018 đã vinh danh hai nhà khoa học James P.Allison và Tasuku Honjo vì những nghiên cứu đột phá với liệu pháp miễn dịch dùng trong chữa trị một số bệnh ung thư. GS Mỹ James P Allison(người phát hiện ra CTLA4) và đồng nghiệp Nhật Bản - GS Tasuku Honjo (người phát hiện ra PD1).

Cả 2 yếu tố trên đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư. Cụ thể, kháng thể kháng PD1 và kháng thể kháng CTLA4 đã chính thức trở thành thuốc điều trị ung thư mới nhất trên thế giới. Các thuốc trên có vai trò hoạt hoá và kéo dài tuổi thọ của các tế bào miễn dịch đặc hiệu để các tế bào này có thể tấn công các tế bào ung thư.

Tại Việt Nam, GS Tạ Thành Văn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, người học trò Việt Nam đầu tiên của GS Honjo - đã cùng cộng sự tại ĐH Y Hà Nội ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với phát minh trên là tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch song với hướng tiếp cận khác, thông qua việc phân lập tế bào miễn dịch, tăng sinh và hoạt hoá ngoài cơ thể rồi đưa lại vào cơ thể bệnh nhân.

Từ 10-30ml máu ngoại vi, các nhà khoa học sẽ tách được vài triệu tế bào miễn dịch, sau đó nhân lên và biệt hoá được vài tỉ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh và đặc hiệu để tiêu diệt các tế bào ung thư. Một liệu trình điều trị gồm 3 tháng, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần. 

Theo GS Văn, sau hơn 2 năm triển khai tại Trường ĐH Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã được áp dụng điều trị cho 5 hình thái ung thư: phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao.

“Chúng tôi đang tiếp tục có các đánh giá về hiệu quả lâu dài của liệu pháp này, nhưng với kết quả ghi nhận được trong thời gian qua là khả quan”, GS Văn cho biết.

Tuy nhiên GS Văn lưu ý, phương pháp tế bào miễn dịch trị liệu là phương pháp điều trị hỗ trợ, dùng kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác. Ở giai đoạn sớm, vẫn ưu tiên các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị hay điều trị đích.

Hiện tại, có hàng trăm bệnh nhân đang chờ để được áp dụng phương pháp này, tuy nhiên GS Văn cho biết, sẽ cần thêm hơn 1 năm nữa để kết thúc thử nghiệm lâm sàng. Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo lên Hội đồng Y đức và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, từ đó mới xem xét, quyết định có được áp dụng rộng rãi hay không. (598)

 

34. Từ giải Nobel Y học 2018, con đường nào cho bệnh nhân ung thư Việt Nam?

Vừa qua, giải Nobel Y học 2018 đã được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm miễn dịch (liệu pháp miễn dịch). Tại Việt Nam, liệu pháp này đã được đưa vào điều trị một số loại bệnh ung thư và có những kết quả nhất định.

Theo đó, nhà miễn dịch học James P. Allison đã tìm ra loại protein CTLA-4 có chức năng kích thích khả năng của các tế bào miễn dịch T trong việc chống lại khối u nếu như được "thả phanh". Với nguyên lý trên, nhà miễn dịch học Tasuku Honjo phát hiện ra loại protein PD-1 trong tế bào miễn dịch cũng có khả năng tương tự nhưng khác cơ chế hoạt động của CTLA-4.

Trả lời báo chí, BS Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết : "Trên bề mặt các tế bào bạch cầu lympho có những thụ thể được gọi là các điểm kiểm soát miễn dịch (chốt kiểm) hoạt động như những "công tắc" để điều hòa hoạt động giúp tránh các tế bào bạch cầu hoạt động quá mức sinh ra các bệnh tự miễn.

Tế bào ung thư có thể tạo ra một số chất để tắt "công tắc", khiến tế bào bạch cầu lympho rơi vào trạng thái ngủ yên. Từ đó giúp chúng thoát khỏi sự tấn công của các tế bào miễn dịch. Các nhà khoa học đã tìm ra cơ chế này, tạo ra nền tảng cho liệu pháp miễn dịch trong ung thư" - BS Tuấn Anh cho biết.

Bằng việc lợi dụng hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư, nhiều hãng dược phẩm lớn đã sản xuất ra các kháng thể đơn dòng như Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolimumab, Durvalumab… để trung hòa các chất thủ phạm trên bề mặt tế bào ung thư, kích hoạt các tế bào bạch cầu lympho tăng hoạt động trở lại, giúp nhận diện và tiêu diệt tế bào ác tính.

Hiện tại, Bộ Y tế đã cấp visa lưu hành cho thuốc Pembrolizumab tại Việt nam và được chỉ định điều trị cho các trường hợp như:

(1) Bệnh nhân trưởng thành bị melanoma tiến triển (không thể cắt bỏ hoặc di căn);

(2) Điều trị bước đầu ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn ở người lớn;

(3) Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển tại chỗ hoặc di căn ở người lớn có tỷ lệ khối u (TPS) ≥ 1% và những người đã nhận được ít nhất một phác đồ hóa trị liệu trước đó.

Nhiều bệnh viện như BV Ung bướu TPHCM, BV K Hà Nội, BV Bình Dân (TPHCM)... đã triển khai liệu pháp trên.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể được điều trị bằng phương pháp này mà cần phải làm một số xét nghiệm về mô bệnh học để xác định khả năng điều trị có hiệu quả hay không.

Bên cạnh đó một đợt dùng thuốc cũng khá tốn kém bởi mỗi lọ thuốc có giá hơn 62 triệu đồng. Mỗi lần bệnh nhân sử dụng 2 lọ thuốc, phác đồ dùng thuốc 3 tuần một lần và kéo dài 1 - 2 năm hoặc hơn. Chưa kể nhiều chi phí khác như xét nghiệm, dịch các loại...(589)

 

 

35. Báo động xu thế trẻ hóa tuổi mắc bệnh tim mạch và huyết áp của người Việt

Từ ngày 5-7.10, tại Đà Nẵng diễn ra Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 với gần 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 - năm 2018, do Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Tiếp cận đa ngành và cá thể hóa”, có sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch Việt Nam và trên thế giới.

Thông tin từ hội thảo cho biết, hằng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, hiện có 25% dân số Việt Nam mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp.

Đặc biệt, những năm trở lại đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động. Tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam đã là 47%.

Hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, với chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch với hàng trăm tỉ USD mỗi năm.

Gần 600 bài báo cáo chuyên môn của các chuyên gia tim mạch tham gia hội thảo đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực trong chuyên ngành tim mạch như: khuyến cáo về xử trí bệnh tim mạch ở phụ nữ có thai, điều trị rối loạn mỡ máu ở các nước châu Á; các rối loạn tim mạch chuyển hóa ở người suy tim, tiếp cận toàn diện bệnh tim mạch ở người cao tuổi, xu thế ít xâm lấn trong phẫu thuật tim và mạch máu…

Dịp này, Hội Tim mạch học Việt Nam phối hợp cùng Quỹ tim mạch trao giải thưởng cho “Các nhà nghiên cứu trẻ” trong lĩnh vực tim mạch, tổ chức đi bộ đồng hành vì sức khỏe tim mạch cộng đồng, tổ chức khám bệnh về tim mạch, huyết áp và phát thuốc miễn phí, tặng quà cho 400 người dân tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). (402)

 

36. Chi hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho điều trị bệnh tim mạch

Hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể. Tổ chức Y tế thế giới ước tính hằng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam cho thấy hiện nước ta có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động.


Tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam đã là 47% nhưng đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Vì vậy, hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 nhằm truyền thông tuyên truyền gián tiếp và trực tiếp tại cộng đồng để người dân có những kiến thức, những hiểu biết phòng, chống bệnh lý này.

Trước gánh nặng bệnh tật tim mạch gây ra cho cộng đồng, từ nhiều năm nay Đại hội Tim mạch toàn quốc do Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức với mục đích quy tụ các chuyên gia hàng đầu về tim mạch để lắng nghe các báo cáo khoa học liên quan đến điều trị các bệnh lý tim mạch. 

Đại hội lần thứ 16 được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 7/10 với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới- Tiếp cận đa ngành và cá thể hóa” sẽ có gần 600 bài báo cáo chuyên môn của các chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước và thế giới, được trình bày tại gần 200 phiên họp, đề cập đến hầu hết các lĩnh vực trong chuyên ngành tim mạch với chủ đề đa dạng và cập nhật.(417)

 

37. Đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS) được xem là phương pháp can thiệp hiện đại giúp chẩn đoán sớm dị tật bẩm sinh của trẻ, nâng cao chất lượng dân số. Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhiều địa phương đã thường xuyên triển khai các hoạt động SLTS&SS mang lại những chuyển biến tích cực.

* Theo Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên, hiện nay, trung bình một tháng có từ 500 – 600 thai phụ đến Bệnh viện SLTS bằng phương pháp xét nghiệm máu và siêu âm nhằm phát hiện sớm các bất thường của thai như: Down, vẹo tay, vẹo chân, sứt môi, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim… Đối với SLSS, trung bình một tháng bệnh viện thực hiện khoảng 400 – 500 ca lấy máu gót chân, 400 ca siêu âm tim và đã phát hiện nhiều ca thiếu men G6PD (bệnh gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động).

Tại Hưng Yên, Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, can thiệp, giảm thiểu sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” được triển khai từ năm 2007 đã và đang mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác SLTS&SS, từ đó tự giác tham gia SLTS&SS. 

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS –KHHGĐ) tỉnh đã tổ chức tập huấn SLTS&SS cho đội ngũ cán bộ dân số từ tỉnh, huyện, thành phố đến cơ sở và cán bộ y tế chuyên khoa sản các bệnh viện huyện, tỉnh về kỹ thuật lấy máu gót chân; triển khai các hoạt động tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ về mục đích, ý nghĩa của việc lấy máu gót chân trong chẩn đoán bệnh sớm cho trẻ sơ sinh... Qua đó, nhiều người dân đã nhận thức được sự cần thiết của việc SLTS&SS, chủ động đăng ký khám sàng lọc.

* Nhằm nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển xã hội, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác SLTS&SS, giúp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm bệnh tật ở trẻ sơ sinh để các em sinh ra phát triển bình thường, tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ.

Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Dự án thực hiện SLTS&SS ở tất cả 137/137 xã, phường, thị trấn đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn. Qua SLTS&SS giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh như: down; rối loạn di truyền; dị tật ống thần kinh; khuyết tật về tim; thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, thần kinh; suy tuyến giáp trạng bẩm sinh và tăng sản thượng thận bẩm sinh... Riêng 8 tháng của năm 2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có hơn 8.837 bà mẹ mang thai được SLTS và 6.127 trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân SLSS.

Thời gian tới, để đẩy mạnh các giải pháp tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường tốt việc tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các đơn vị y tế. Bên cạnh đó, tỉnh phát hiện, quản lý đối tượng phụ nữ mang thai có nguy cơ bị dị tật, các trẻ sơ sinh được chẩn đoán và xác định mắc một số bệnh di truyền, chuyển hóa bẩm sinh để can thiệp kịp thời, góp phần cho ra đời những em bé khỏe mạnh, không dị tật…

* Việc tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số thông qua đẩy mạnh hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh, nhất là bệnh, tật và tử vong có liên quan đến các yếu tố di truyền, nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai tại 12/12 huyện, thành phố với 147/147 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Lâm Đồng. 

Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo mạng lưới chuyên trách, cộng tác viên dân số cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại hộ gia đình cho các bà mẹ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về mục đích, ý nghĩa, quy trình cũng như những tác dụng của việc sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

Kết quả SLTS&SS trong 6 tháng đầu năm 2018, có 12 đơn vị y tế phối hợp thực hiện dịch vụ thực hiện sàng lọc trước sinh cho 4.319 trường hợp trên tổng số 18.182 bà mẹ mang thai, và sàng lọc sơ sinh cho 530 trường hợp trên 9.838 trẻ sinh ra trong phạm vi toàn tỉnh... 

* Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nam Định, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với cán bộ y tế cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền SLTS&SS bằng nhiều hình thức: tư vấn trực tiếp với thai phụ khi thăm khám, tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ để tuyên truyền cho hội viên; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ y tế cơ sở tham gia các lớp tập huấn thực hành lấy máu gót chân, sử dụng máy đo độ bão hòa Oxy trong máu…

Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, từ đầu năm 2018 đến nay Chi cục DS-KHHGĐ còn trang bị thêm 2 máy đo độ bão hòa Oxy trong máu cho Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam và Phòng khám Tháp Chàm. Đến nay, hầu hết các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều có trang thiết bị thực hiện SLTS&SS. Dần dần, nhận thức của người dân được nâng cao nên việc kiểm tra thai kỳ và SLSS được nhiều bà mẹ quan tâm. Các gia đình không còn e ngại khi lấy máu gót chân của trẻ ngay sau sinh, hơn thế nữa, nhiều người còn mong muốn con, cháu mình được sàng lọc bệnh sớm dù là làm theo phương thức dịch vụ thu phí.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, trong tháng 4/2018, một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn và Trung tâm Y tế huyện Ninh Hải phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Bionet Việt Nam triển khai chương trình SLSS theo hình thức xã hội hóa./. (1211)

 

38. Phẫu thuật nội soi đã 'phủ sóng' đến các bệnh viện tuyến tỉnh, quận huyện

Mười năm qua, ngành phẫu thuật nội soi (PTNS) tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc. PTNS không còn là một kỹ thuật chỉ có tại các bệnh viện tuyến trên mà đã “phủ sóng” rộng khắp đến các bệnh viện tuyến tỉnh, quận huyện.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: PTNS là một phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, trong đó, bác sĩ dùng kính soi có gắn camera và nguồn sáng lạnh để quan sát các khoang bên trong cơ thể.

Khác với mổ mở - cần một vết mổ dài để bộc lộ, tiếp cận các tạng trong cơ thể, PTNS chỉ cần các vết mổ nhỏ 5 - 10 mm, dùng kính soi và các dụng cụ chuyên dụng đưa qua các vết mổ nhỏ này để thực hiện phẫu thuật. Việt Nam là một trong những quốc gia áp dụng mạnh mẽ phương pháp PTNS và đạt nhiều thành quả điều trị vượt bậc cho người bệnh trong 10 năm qua.

Trong Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam năm 2018 (do Hội Ngoại khoa Việt Nam, Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam cùng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tổ chức) diễn ra ngày 5, 6.10, các chuyên gia đã công bố kết quả các nghiên cứu khoa học và đánh giá thành tựu của PTNS trong nước. Đó là:

PTNS đã được triển khai hầu hết tại các bệnh viện tuyến tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện. Không chỉ có những bệnh viện tuyến trên có thể thực hiện PTNS, mà kỹ thuật này đã được chuyển giao và áp dụng tại các bệnh viện tuyến dưới.

Điều này không chỉ giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí vì được điều trị hiệu quả ngay tại địa phương mà còn giúp giảm áp lực quá tải lên các bệnh viện tuyến trên, tăng tỉ lệ người bệnh được hưởng lợi ích từ kỹ thuật này.

PTNS được ứng dụng phổ biến và rộng rãi trong nhiều chuyên ngành. Trước đây, PTNS chỉ được áp dụng trong một vài chuyên ngành nhất định. Hiện nay, kỹ thuật này đã được mở rộng chỉ định ở nhiều chuyên ngành như tai mũi họng, lồng ngực, tiết niệu, khớp, sản phụ khoa, nhi khoa, tiêu hóa, tim, sọ não, cột sống...

PTNS được ứng dụng thường quy trong điều trị từ các bệnh lành tính đến ung thư, cũng như cấp cứu.

PTNS được áp dụng cho cả các bệnh lý phức tạp và chuyên sâu. Không chỉ mở rộng chỉ định áp dụng trên nhiều chuyên ngành, PTNS dần dần được áp dụng điều trị các bệnh lý khó, phức tạp và chuyên sâu, giúp đạt hiệu quả điều trị cao.

Đặc biệt, một số bệnh viện như Nhi Trung ương, Bình Dân, Chợ Rẫy đã ứng dụng công nghệ PTNS bằng robot tiên tiến nhất. Kỹ thuật này giúp phẫu thuật an toàn, chính xác và hiệu quả hơn, nhất là đối với các bệnh lý ác tính, nâng cao hiệu quả điều trị.

Nhiều công trình nghiên cứu về PTNS được thực hiện bởi các chuyên gia Việt Nam đã tạo tiếng vang lớn trên trường quốc tế và được thế giới công nhận. Như nghiên cứu về “Phẫu thuật cắt nang ống mật chủ” của giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm (Bệnh viện Nhi Trung ương), “Phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp” của phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Lương (Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương) và video PTNS cắt gan của ê kíp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã đạt giải nhất tại Hội nghị của Hội PTNS Cắt gan thế giới (được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp năm 2017).

Các công trình nghiên cứu về PTNS mang tính ứng dụng lâm sàng cao, đi sâu vào hoàn thiện, cải tiến các kỹ thuật nội soi phù hợp nhất với hoàn cảnh, mô hình bệnh tật và con người Việt Nam.

Việt Nam trở thành một trong những trung tâm uy tín về đào tạo PTNS trong khu vực. Rất nhiều chuyên gia bác sĩ ngoại khoa Việt Nam đã được mời giảng dạy ở nhiều trung tâm huấn luyện PTNS tại nước ngoài, báo cáo ở các hội nghị Ngoại khoa quốc tế...

Bên cạnh đó, số lượng bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học tập về PTNS ngày càng gia tăng như tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Việt Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM....

Trung tâm Huấn luyện PTNS Đại học Y dược TP.HCM là trung tâm đầu tiên trên cả nước đào tạo và huấn luyện PTNS từ cơ bản đến nâng cao.

Đến nay, Trung tâm đã giảng dạy cho hơn 1.500 phẫu thuật viên trong nước và hơn 700 phẫu thuật viên nước ngoài.

Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam được thành lập là diễn đàn kết nối quan trọng dành cho tất cả các phẫu thuật viên, bác sĩ ngoại khoa trên cả nước.

“PTNS mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như ít đau, thời gian nằm viện ngắn, giảm mất máu, sẹo mổ thẩm mỹ, khả năng điều trị triệt để và giảm thiểu biến chứng sau mổ”, bác sĩ Bắc đánh giá. (935)

 

39. Hiện thực ước mơ trở thành MC của VTV, cô gái khiếm thị đăng ký hiến mô tạng

Hơn 10 năm chờ đợi, cuối cùng mong muốn hiến giác mạc và ước mơ trở thành MC truyền hình của cô gái khiếm thị đã trở thành hiện thực.

Muốn hiến giác mạc khi lớn lên

Lê Hương Giang (sinh năm 1995) sinh ra với một bên mắt hoàn toàn không nhìn thấy, mắt còn lại với thị lực 1/10.

Bệnh thoái hóa võng mạc đã vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của cô. Cô phải học cách làm quen với bóng tối từ năm học lớp 6.

Ngay từ những ngày học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Hương Giang thấy bạn bè và gia đình các bạn đi khắp nơi để tìm kiếm nguồn giác mạc phù hợp nhưng không có.

Vì vậy, cô suy nghĩ: “Sau này lớn lên tôi sẽ đi hiến giác mạc, để mang lại ánh sáng cho một ai đó. Tôi muốn góp một phần công sức nho nhỏ để giúp đỡ họ nhìn thấy thế giới”.

Hương Giang cũng chẳng thể ngờ được, dự định ngày nào của cô đã trở thành hiện thực vào năm cô 23 tuổi.

Hương Giang tâm sự, cô đơn thuần nghĩ đến việc sau này mình sẽ tặng giác mạc cho một bệnh nhân cần giác mạc vì giác mạc của cô vẫn tốt.

Nhưng sau đó, vô tình gặp mẹ bé Hải An, Hương Giang hiểu rằng ngoài giác mạc thì một người nếu phải ra đi có thể tặng được rất nhiều "món quà" của cơ thể con người cho những người khác.

Ngày Hương Giang tới Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là một ngày Hà Nội mưa. Cô lo sợ mình có thể sẽ không được đăng ký hiến tạng vì khiếm khuyết cơ thể.

Cô nói với ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: "Cháu đến đây chỉ sợ các chú không cho đăng ký hiến tạng vì cháu là người khuyết tật".

Nhưng rồi, may mắn, mong muốn của cô đã được chấp thuận.

Trên đường tới Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hương Giang chẳng nghĩ gì nhiều ngoài điều mẹ cô luôn nói: “Khi chết đi có nghĩa là hết, nếu có thể dùng bộ phận trên cơ thể mình mang lại điều hữu ích cho một ai đó thì nên làm”.

Bởi vậy, cô không cần thuyết phục bố mẹ cô quá nhiều. Cô chỉ nói với bố mẹ mình: “Con muốn đi đăng ký hiến tạng” và nhận được sự đồng ý từ phụ huynh.

Có lẽ, vì hiểu nỗi khổ tâm của những người mang trong mình khiếm khuyết cơ thể nên bố mẹ cô chẳng chần chừ mà đồng tình ngay.

“Tôi luôn muốn câu chuyện của mình sẽ truyền được cảm hứng cho ai đó. Với nhiều người, người khuyết tật chỉ là đối tượng để mọi người giúp đỡ, nhưng tôi không nghĩ như vậy, tôi khiếm thị nhưng trí tuệ minh mẫn, tay chân đầy đủ, sức khỏe nên tôi hoàn toàn có thể đi hỗ trợ cho cộng đồng.

Tôi cảm thấy cuộc sống trong bóng tối khá thú vị, có thể cảm nhận thế giới bằng nhiều giác quan khác nhau, gặp nhiều con người đặc biệt, tốt với mình vô điều kiện.

Vì thế, tôi sẽ không dừng lại, tiếp tục đi, tiếp tục khẳng định năng lực của mình và sẽ viết tiếp những câu chuyện tử tế”, Hương Giang bày tỏ.

“Anh chị chưa bao giờ làm việc với người khiếm thị, anh chị không biết phải làm việc với em như thế nào"

Khi Hương Giang tham gia dẫn chương trình Cà phê sáng với VTV3, ê-kip của chương trình đã nói như vậy với cô.

Tuy mất đi khả năng nhìn thấy thế giới xung quanh nhưng Hương Giang luôn sống tự tin với đam mê và đã trở thành nữ MC khiếm thị đầu tiên trên sóng VTV, Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngày 3/6 vừa rồi, Hương Giang đã chính thức xuất hiện trên chương trình Cà phê sáng của VTV3 trong vai trò MC cùng đàn anh Lê Anh.

Khác với hình ảnh của những MC khác thường sẽ cầm trên tay kịch bản để nhớ thoại, Hương Giang lại học thuộc tất cả nội dung để dẫn.

Giọng nói ngọt ngào, truyền cảm cùng cách dẫn dắt tinh tế, thú vị của Hương Giang thật sự đã khiến rất nhiều người phải cảm phục.

Suốt 10 năm qua, Hương Giang vẫn ấp ủ trở thành một MC truyền hình. Cô chia sẻ thêm: “Khi được làm công việc này, tôi cảm thấy rất vui, phấn khích. Tôi có thể làm việc cả ngày cả đêm mà không thấy chán.

Đặc biệt, khi dẫn chương trình nó mang lại cho tôi cảm giác được là người kết nối, kết nối những câu chuyện, kết nối những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Hương Giang từng là phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam khoảng 4 năm. Đúng thời điểm chương trình của cô không hoạt động nữa, cô được mời làm nhân vật của chương trình Hôm nay ai đến trên kênh VTV6.

Giang nhớ mãi buổi ghi hình chương trình ngày hôm đó.

“Thông thường, khi ghi hình những người khiếm thị, quay phim sẽ không cần quá quan tâm tới việc đặt góc máy như thế nào. Nhưng anh quay phim hôm đó rất chu đáo, anh ấy hướng dẫn tôi cách nhìn vào máy quay, cách tương tác và làm quen khi đứng trước ống kính”, Hương Giang nhớ lại.

Sau khi tham gia chương trình The Next MC, qua mỗi vòng thi, Hương Giang cảm thấy công việc MC sự kiện hoặc MC truyền hình không quá xa vời với mình nữa. Rồi cô trở thành MC của chương trình Cuốc sống vẫn tươi đẹp.

Mỗi chương trình, quay phim, BTV đều hướng dẫn Hương Giang từ dáng đi, cách tương tác với máy quay… “Tôi cảm thấy mình thực sự may mắn vì thú thực, có 1 ê-kip chấp nhận mình và kiên nhẫn với mình như vậy là điều không hề dễ dàng”, cô thổ lộ.

Hành trình hiện thực ước mơ của mình, Hương Giang đã từng vài lần bị từ chối khi casting MC.

Có lần, chưa kịp thi thố tài năng gì, cô đã phải ra về vì ban giám khảo thẳng thắn: "Không thể nào, em chắc chắn không làm được đâu".

Bố mẹ đặt tên cô là Hương Giang vói mong muốn cô gái sẽ có cuộc sống chảy trôi êm đềm. Điều này theo cô từ tấm bé cho đến lúc này, khi tuổi xuân của cô đang nở ra trước mắt. Cô đã làm được nhiều điều ý nghĩa cho cuộc đời này.

"Chúng ta chỉ có thể sống một lần thôi, vậy thì tại sao chúng ta không thực hiện ước mơ, dự định của mình. Có thể mọi người cho rằng nó thật điên rồ, nhưng chỉ cần mình chân thành và cố gắng thì một ngày nào đấy sẽ có người chấp nhận những cố gắng của mình.

"Quan trọng nhất vẫn là bản thân mình phải tin vào những điều mình đang làm là đúng đắn", Hương Giang nhắn nhủ. (1246)

 

40. Cứu sống nam thanh niên gần đứt lìa gan vì tai nạn giao thông

Nam thanh niên nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, huyết áp tụt, mạch tăng, da xanh nhợt, tính mạng nguy kịch.

Theo thông tin từ Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM, khoảng 12h ngày 2/10, bệnh nhân T.H.L (quận Thủ Đức, sinh năm 2000) được đưa vào cấp cứu do tai nạn giao thông. Bệnh nhân dù tỉnh táo nhưng nhanh chóng có các dấu hiệu sốc mất máu như huyết áp tụt, mạch tăng, da xanh nhợt, chi lạnh...

Bệnh nhân được hồi sức tích cực và chụp CT, đồng thời ê-kíp trực bật báo động đỏ toàn viện. Kết quả CT cho thấy bệnh nhân bị vỡ gan nặng, gan trái gần như bị đứt lìa, dịch ổ bụng nhiều (1,3 lít máu chảy trong ổ bụng).

Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt thùy gan trái cầm máu, kiểm tra các tổn thương trong ổ bụng. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng diễn ra thành công, bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Ngoại tổng quát.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường bộ là người điều khiển phương tiện giao thông đi sai làn đường, vượt xe sai quy định, sử dụng rượu bia, vi phạm quy trình thao tác lái xe, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật...(283)

 

41. Chia sẻ kinh nghiệm ngoại khoa và phẫu thuật nội soi

Từ ngày 5 đến 6-10, Hội Ngoại khoa Việt Nam và Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Xâm lấn tối thiểu – Điều trị tối đa” tại TP Hồ Chí Minh. Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (BV ĐHYD) lần thứ hai được chọn là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện này.

Đây là diễn đàn khoa học uy tín, được tổ chức thường niên dành cho các bác sĩ ngoại khoa, điều dưỡng, nhân viên y tế trong và ngoài nước nhằm công bố kết quả nghiên cứu khoa học, cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Hội nghị năm nay với chủ đề “Xâm lấn tối thiểu – Điều trị tối đa”, đây cũng là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành ngoại khoa nhằm đem lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị chính thức, hơn 200 báo cáo được trình bày bởi các báo cáo viên đến từ 45 bệnh viện trên cả nước và nước ngoài. Nội dung hội nghị rất đa dạng, bao quát trên nhiều lĩnh vực như Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Nhi, Ngoại Gan - Mật - Tụy, Ngoại Tiêu hóa, Lồng ngực mạch máu, Sản phụ khoa, Ngoại Tiết niệu, Hậu môn trực tràng… Những đề tài báo cáo, những công trình nghiên cứu và kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội nghị lần này có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hành lâm sàng trên quy mô cả nước.

PGS,TS,BS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ, đã tròn mười năm kể từ lần đầu tiên BV ĐHYD đăng cai tổ chức Hội nghị Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc. Mười năm qua, ngành Ngoại khoa nói chung và chuyên ngành Phẫu thuật nội soi tại Việt Nam nói riêng đã phát triển vượt bậc. Phẫu thuật nội soi không còn là một kỹ thuật chỉ có tại các bệnh viện tuyến trên mà đã “phủ sóng” rộng khắp đến các bệnh viện tuyến tỉnh, quận, huyện. Phẫu thuật nội soi dần đã trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn và thường quy đối nhiều bệnh lành tính cũng như ác tính với chỉ định ngày càng mở rộng và ưu điểm ngày càng được chứng minh.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện đã thực hiện được ghép tạng (gan, phổi, tim, thận…), ghép đa tạng. Phẫu thuật Robotic cũng đã được triển khai tại một số bệnh viện. Những thành tựu của ngành Ngoại khoa đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, cũng như mở ra nhiều hy vọng sống mới cho người bệnh.

Trước đó, ngày 4 và sáng 5-10, các hội thảo tiền hội nghị và các phiên đào tạo y khoa liên tục (CME) diễn ra tại BVĐHYD, Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Từ Dũ.(513)

 

42. Gặp bác sĩ người Việt đầu tiên thực hiện kỹ thuật mổ mới, cả thế giới chưa ai làm được

Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nội soi tuyến giáp một lỗ thành công, thành tựu đó vừa được Bệnh viện Nội tiết Trung ương công bố.

Mới chỉ Việt Nam thực hiện được

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, lớn nhất trong cơ thể. Tuyến này nằm trước cổ, trọng lượng khoảng 10 - 20 gram, hình dạng như con bướm, ngang hàng với các đốt xương sống C5 - T1, phía trước có lớp da và cơ thịt, phía sau giáp khí quản.

Thông thường, bệnh nhân bị u tuyến giáp sẽ được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật tuyến giáp bằng kỹ thuật mổ mở. Phương pháp này tuy hiệu quả, nhưng để lại một vết sẹo phẫu thuật dài, ngang cổ, làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti khi giao tiếp.

Bằng những tìm tòi, nghiên cứu của mình, lần đầu tiên trên thế giới, các chuyên gia, bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho ra đời phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ với nhiều ưu điểm vượt trội.

Chia sẻ về những đặc điểm tối ưu của phương pháp này, Ths. BS Phan Hoàng Hiệp - Trưởng khoa Điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Nội soi tuyến giáp một lỗ giữ được tính thẩm mỹ bởi vết mổ được dấu đi, chỉ có một sẹo duy nhất kích thước khoảng 2 – 3cm, nằm trong hõm nách. Kỹ thuật này đảm bảo gần như trọn vẹn nhất so với mọi kỹ thuật nội soi khác".

“Nhờ phương pháp này, những tổn thương gây ra cho bệnh nhân sẽ được hạn chế thấp nhất. Ngoài ra, một bệnh nhân mổ tuyến giáp theo phương pháp thông thường sẽ phải nằm viện từ 4 – 6 ngày, còn đối với phương pháp nội soi một lỗ này thì chỉ phải nằm viện từ 3 – 4 ngày, tùy thể trạng người bệnh.

Không chỉ có vậy, bệnh nhân cũng đỡ đau hơn sau khi mổ, giảm được thời gian điều trị tại bệnh viện, an toàn hơn và bảo đảm được sức khỏe. Đây cũng là điều mà cả bác sĩ và bệnh nhân đều mong muốn”, BS Hiệp nhấn mạnh.

Công nghệ mổ mới Made in Viet Nam

Thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, hiện nay, bệnh viện đang là nơi có số bệnh nhân tới phẫu thuật về tuyến giáp lớn nhất thế giới. Không chỉ có vậy, những ca phẫu thuật nội soi tại bệnh viện cũng chiếm số lượng lớn nhất trong các nước.

Chính vì vậy, để phần nào chia sẻ gánh nặng về sức khỏe, tâm lý cũng như thẩm mỹ với người bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương dày công nghiên cứu ra được một kỹ thuật mới mang thương hiệu của chính Việt Nam.

Theo BS Phan Hoàng Hiệp, kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ được các cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Nội tiếp ấp ủ từ rất lâu, ý tưởng này được thừa hưởng nền tảng kỹ thuật từ PGS.TS Trần Ngọc Lương, giám đốc bệnh viện.

“Bệnh viện chúng tôi may mắn khi có được nền tảng kỹ thuật của người thầy kính yêu. Thầy cũng được cả thế giới biết đến với kỹ thuật riêng mang chính tên mình đó là “Dr Lương.

Từ những thành quả lớn lao đó của thầy, chúng tôi cố gắng cho ra đời một kỹ thuật mổ mới. Phương pháp này được kỳ vọng sẽ là một bước tiến lịch sử giúp giữ gìn tính thẩm mỹ sau phẫu thuật cho các bệnh nhân u tuyến giáp”, BS Hiệp nói.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận và phẫu thuật cho khoảng hơn 40 trường hợp cả nội soi và mổ mở tuyến giáp.

Người Việt đầu tiên được mổ bằng kỹ thuật mới

Kể từ khi bắt đầu triển khai kỹ thuật mới 1/8/2018 đến nay, phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ được thực hiện thành công cho khoảng 20 bệnh nhân.

Một trong số đó là bệnh nhân V.T.Th. (20 tuổi, ở Hải Dương) phát hiện bệnh u tuyến giáp khoảng giữa năm 2018, sau khi thăm khám ở bệnh viện tỉnh. Sau đó, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và được các bác sĩ kết luận u nang tuyến giáp, cần phải phẫu thuật để bảo đảm sức khỏe.

“Khi biết mình mang bệnh, tôi rất lo lắng và khổ sở. Càng lo hơn khi biết nếu mổ u tuyến giáp theo phương pháp cũ sẽ để lại sẹo dài. Tôi còn trẻ, lại chưa lập gia đình, nên rất sợ sẹo, ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Tuy nhiên, may mắn cho tôi khi được mổ bằng phương pháp nội soi một lỗ tuyến giáp. Ca mổ thành công. Giờ tôi chỉ có một vết sẹo nhỏ ở nách, sức khỏe cũng chỉ bị ảnh hưởng đôi chút. Hi vọng là tôi sẽ sớm được ra viện về nhà”, chị Th. cho biết.

Tương tự như trường hợp của chị Th. là chị L.C.T. (trú tại Gia Lâm, Hà Nội) phát hiện và điều trị thuốc u tuyến giáp 18 tháng nay không đỡ. Không những thế, chị cho biết, khối u của chị ngày càng lớn thêm.

Để bảo đảm sức khỏe, chị được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ. 

“Trước khi biết tới phương pháp này tôi có nghe nhiều người kể về mổ mở tuyến giáp sẽ để lại sẹo dài, mất khá lâu để hồi phục, tôi lo lắm. Nhưng khi phẫu thuật nội soi bằng kỹ thuật mới, tôi thấy mình vẫn khỏe, không đau đớn nhiều”, chị T. vui mừng kể lại.

Theo BS Phan Hoàng Hiệp, phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ là phương pháp rất an toàn, được nhiều nhà khoa học đánh giá rất cao. Giá mổ nội soi tuyến giáp một lỗ là 15 triệu/1 lần phẫu thuật. (1038)

 

43. Dùng mạch máu làm "cầu" cứu sống bé trai liên tục nôn ra máu

Để điều trị triệu chứng liên tục ói ra máu suốt cả tháng của cháu bé, các BS tại BV Nhi Đồng đã dùng phương pháp bắc cầu nối mạch máu để phẫu thuật.

Chiều 5/10, bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin vừa dùng phương pháp bắc cầu nối mạch máu để phẫu thuật cứu bé trai 7 tuổi (Đồng Tháp) liên tục ói ra máu vì tăng áp tĩnh mạch cửa do dị dạng.

Lúc khoảng 5 tuổi, bé trai đã từng ói ra máu 1 đợt và được truyền máu. Một tháng sau bé tiếp tục ói máu, đau bụng âm ỉ, người nhà cho bé sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc được một tháng.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, cách đây hai tuần, do ói ra máu liên tục, ước lượng khoảng hơn 1 chén cơm nên bé được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương.

Tại bệnh viện, hàm lượng hồng cầu của bé chỉ còn 20%. Lập tức, bé nhanh chóng được truyền máu, ổn định huyết động và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Kết quả siêu âm và CT Scan cho thấy, bé bị tăng áp tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch cửa trái và phải dãn ngoằn ngoèo, dãn toàn bộ đường mật trong và ngoài gan, lách to. Bệnh nhi bị nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa nên phải can thiệp điều trị sớm.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phương án giải áp tĩnh mạch cửa: phẫu thuật bắc cầu tĩnh mạch cửa để chuyển hướng lượng máu từ tĩnh mạch cửa vào các tĩnh mạch khác. Dùng 1 đoạn tĩnh mạch cảnh trong ở cổ làm cầu bắc ngang giải áp cho tĩnh mạch cửa qua tĩnh mạch mạc treo tràng trên ở ruột.

ThS BS Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại tổng quát cho biết, đây là kỹ thuật phẫu thuật cực kỳ khó và tỉ mĩ vì tĩnh mạch cực kỳ mỏng và nhỏ, dưới 0,1 mm, đòi hỏi êkíp phẫu thuật phải hiểu ý nhau, tinh tế, chỉ cần đi lệch hoặc thao tác thiếu chính xác sẽ làm rách mạch máu, phải nối lại chắc chắn không tốt và gây ảnh hưởng đường máu đi.

ThS BS Nguyễn Thị Cẩm Xuyên thuộc kíp mổ cho biết, nếu tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa kéo dài, bệnh nhi sẽ bị xuất huyết nặng và ồ ạt, đe dọa tính mạng. Đây là ca bắc cầu nối mạch máu vô cùng khó, số ca trong nước thành công đếm trên đầu ngón tay khi làm phẫu thuật này đối với bệnh nhi.

Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 5h, hiện lưu lượng máu dẫn về gan và cầu bắc thông nối rất tốt. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục, ổn định, dự kiến sẽ xuất viện trong thời gian tới. (493)

 

44. Cứu sống bệnh nhi liên tục ói ra máu

Chiều 05-10, bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin vừa dùng phương pháp bắc cầu nối mạch máu để phẫu thuật cứu bé trai liên tục ói ra máu vì tăng áp tĩnh mạch cửa do dị dạng.

Đại diện BV Nhi đồng TP, Th-Bs Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trưởng êkíp phẫu thuật cho biết, một bệnh nhi 7 tuổi (ngụ tại Đồng Tháp), trong vòng một tháng nay bệnh nhi bị ói ra máu, đau bụng. Tuy nhiên, gia đình lại cho bé sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc hơn 1 tháng nay để trị bệnh.

Sau khi uống thuốc mà bệnh không khuyên giảm, lượng máu ói ra liên tục tăng, bé được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương. Tại bệnh viện, hàm lượng hồng cầu của bé chỉ còn 20%. Lập tức, bé nhanh chóng được truyền máu, ổn định huyết động và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Kết quả siêu âm và CT Scan cho thấy, bé bị tăng áp tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch cửa trái và phải dãn ngoằn ngoèo, dãn toàn bộ đường mật trong và ngoài gan, lách to.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phương án giải áp tĩnh mạch cửa: phẫu thuật bắc cầu tĩnh mạch cửa để chuyển hướng lượng máu từ tĩnh mạch cửa vào các tĩnh mạch khác. Dùng 1 đoạn tĩnh mạch cảnh trong ở cổ làm cầu bắc ngang giải áp cho tĩnh mạch cửa qua tĩnh mạch mạc treo tràng trên ở ruột.

Sau ca phẫu thuật, hiện lưu lượng máu dẫn về gan và cầu bắc thông nối rất tốt. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục. (299)

 

45. Cấp cứu thành công bệnh nhi 12 tuổi bị rắn lục bò vào nhà cắn

Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân tỉnh Vĩnh Long bị rắn lục bò vào nhà cắn. Bệnh nhân là em Nguyễn Văn Triệu, 12 tuổi, ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Chiều 4/10, các bác sỹ Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Triệu trong tình trạng bị sưng phù vết thương, sưng khớp.  Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu do rắn độc cắn, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Lập tức, các bác sĩ tiến hành truyền huyết thanh kháng độc rắn. Sau khi truyền huyết thanh, bệnh nhân tỉnh táo, không còn rối loạn đông máu và qua khỏi cơn nguy kịch...
Cha bệnh nhân là anh Nguyễn Văn Muôn cho biết trưa 4/10, sau khi đi học về, em Triệu nằm trên giường và gác chân lên gối xem tivi. Trong lúc xem tivi, Triệu giật mình vì bị con gì cắn mạnh vào 2 ngón chân ở bàn chân phải. Triệu la lên và anh Muôn kiểm tra vết thương, phát hiện 2 ngón chân giữa ở bàn chân phải của Triệu bị nhiều dấu răng cắn sâu, máu chảy nhiều. Nhìn vết thương, anh Muôn khẳng định con bị rắn cắn. Lấy đèn pin rọi xuống giường, anh Muôn phát hiện con rắn lục dài gần 1 mét còn nằm ngay phía dưới giường. Lập tức, gia đình đưa em Triệu vào Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cấp cứu. Sau gần 2 ngày nằm viện điều trị, chiều 5/10, bệnh nhân tỉnh táo, đi lại bình thường và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Nhân Mỹ, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, Khoa đã cấp cứu 8 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó Cần Thơ có 4 ca, Hậu Giang 2 ca, Vĩnh Long 2 ca.  Đa số các ca nhập viện là do bị rắn hổ, rắn lục cắn, gây rối loạn đông máu, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây xuất huyết não dẫn đến tử vong. Trong 8 ca nhập viện cấp cứu có một vài ca bị biến chứng nặng do trẻ cân nặng thấp, lượng độc chất vào cơ thể nhanh khiến trẻ khi nhập viện trở nặng, nhiều ca xuất hiện tình trạng trẻ đi tiểu ra máu. Phản ánh của người nhà bệnh nhân khi đưa trẻ bị rắn cắn nhập viện cấp cứu, đều có chung đặc điểm là trẻ bị rắn bò vào nhà cắn. Hiện nay các tỉnh Tây Nam bộ vào mùa nước nổi, đây là thời điểm rắn mất nơi trú ẩn nên thường bò vào nơi khô ráo, nhất là nhà của người dân để trú ẩn và liên tục gây ra các vụ cắn người. Các bác sỹ khuyến cáo, rắn là loài thích những nơi ẩm, nhưng nếu nơi cư trú quá ướt thì nó sẽ bò đến nơi khô hơn, mát hơn để ẩn náu. Để tránh bị rắn cắn vào mùa nước nổi, người dân cần chú ý dọn dẹp nhà cửa, kiểm tra các khu vực nhà kho, gầm giường, gầm bàn… là những khu vực rắn thường ẩn nấp. Khi trẻ bị rắn cắn, phụ huynh cần bình tĩnh, vệ sinh vết thương, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để cấp cứu; tuyệt đối không đưa trẻ đến thầy lang bó thuốc, tránh gây biến chứng và nguy hiểm tính mạng./. (634)

46. Cứu sản phụ chảy máu ồ ạt sau sinh

Sau ca sinh mổ, sản phụ chảy máu ồ ạt, được bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cứu sống bằng phương pháp can thiệp nội mạch.

Theo bác sĩ Lê Thanh Dũng, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau khi sinh con ở viện tuyến dưới, sản phụ 32 tuổi chảy máu không cầm được, đã truyền 6 đơn vị máu.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kíp bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh đã kịp thời can thiệp mạch. Tình trạng chảy máu ổn định, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi và điều trị tiếp.

Theo bác sĩ Dũng, chảy máu sau đẻ thường hoặc mổ đẻ là một trong những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng sản phụ. Bệnh nhân ra máu âm đạo. Số lượng máu mất nhiều sẽ làm da nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt, nặng hơn thì rối loạn đông máu, sốc do giảm thể tích tuần hoàn, suy thận.

Can thiệp nội mạch là phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị chảy máu sau đẻ. Tuy vậy, phương pháp này đòi hỏi thực hiện ở các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. (238)

 

47. Cà Mau: Phẫu thuật thay khớp háng thành công cho cụ ông gần 100 tuổi

Ngày 5/10, tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công cho một cụ ông gần 100 tuổi.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, gần 9h sáng ngày 26/9, bệnh nhân Nguyễn Văn Sủng (98 tuổi, ngụ phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhập viện trong tình trạng đau vùng háng, đùi trái, đi lại không được sau khi bị té.

Tại bệnh viện, bệnh nhân Sủng được các y, bác sĩ chẩn đoán bị gãy cổ xương đùi bên trái.

Sau một thời gian theo dõi, sáng ngày 2/10, bệnh nhân Nguyễn Văn Sủng được các bác sỹ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần không xi măng.

Hiện tại, bệnh nhân Sủng đã xoay trở, đi lại được trên khung tập đi. Theo bác sĩ bệnh viện, sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được tiếp tục điều trị nâng đỡ và tập vật lý trị liệu hỗ trợ.

Được biết, đây là ca thay khớp háng cho bệnh nhân lớn tuổi nhất từ trước đến nay tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau. (205)

 

48. Suýt chết vì tưởng đột quỵ, bệnh nhân hồi phục vì được giải cứu khỏi khối u não

Sau 3 tháng điều trị tại viện vì dấu hiệu của tai biến, đột quỵ, bệnh nhân bất ngờ có biểu hiện tái phát trở lại, yếu, liệt nửa người bên trái. Người bệnh không chỉ khó khăn đi lại mà ảnh hưởng đến thở, nhịp tim, phản xạ ho khạc đờm, khó nuốt…

Bệnh nhân N.T.V (37 tuổi, Bắc Giang) được gia đình đưa đến Bệnh viện K Tân Triều trong tình trạng gần như liệt hoàn toàn nửa người bên trái.

Bệnh sử của bệnh nhân khiến bác sĩ rất chú ý. Vì cách thời điểm 3 tháng vào viện, bệnh nhân cũng có dấu hiệu tương tự, nghi ngờ tai biến, đột quỵ và được điều trị nội khoa như một trường hợp tai biến, tình trạng ổn định được ra viện.

Tuy nhiên 3 tháng bệnh nhân lại xuất hiện các dấu hiệu tương tự, kèm theo biểu hiện nhìn đôi, liệt gần như nửa người bên trái và được giới thiệu đến Bệnh viện K khám.

TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện K) cho biết, trước những dấu hiệu của bệnh nhân, các bác sĩ nghi ngờ có khối u não. Đúng như chẩn đoán ban đầu, hình ảnh chiếu chụp cho thấy bệnh nhân có khối u ở vùng cầu não, chiếm đến 2/3 chu vi cầu não. “Đây là vị trí liên quan đến thở, nhịp tim, liệt, vận động và nuốt (phản xạ ho khạc đờm) và khối u đã chèn ép khiến người bệnh có các biểu hiện giống như một cơn đột quỵ, liệt yếu nữa người”, TS Liên nói.

Với trường hợp này, nếu không phẫu thuật, khối u sẽ ngày càng phát triển gây nên các triệu chứng trầm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Trong khi phẫu thuật, đây là một vị trí hiểm, nếu rủi ro người bệnh sẽ vĩnh viễn phải thở máy, nhẹ hơn thở khí quản trong thời gian dài, ăn bằng xông (do có nguy cơ mất phản xạ nuốt). Vì thế, quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân là một thách thức lớn với các bác sĩ.

"Trong khi thể tích não bé, khối u chiếm đến 2/3 nên chúng tôi lựa chọn đường mổ vào sau gáy nhỏ chỉ 4cm, với trường mổ thực sự chỉ khoảng 1cm và đã lấy được toàn bộ khối u mà không làm tổn thương các tổ chức khác. Sau ca mổ 4 tiếng thực hiện ngày 27/9, chỉ sau một ngày bệnh nhân được cai máy, ngày 2 bệnh nhân đã ngồi dậy, ngày 3 bệnh nhân tập đi lại và hiện giờ phản ứng, nói năng tốt", TS Liên vui mừng thông báo.

Anh N.T.V chia sẻ, những tưởng mình "ra đi mãi mãi" nên khi bác sĩ giải thích phương pháp điều trị anh và gia đình nhất quyết đòi mổ. "Tôi ngỡ mình không chết thì cũng nằm đâu, nằm đấy, nhưng giờ có thể đi lại, nói năng được bình thường, ăn uống được bình thường, cứ ngỡ như mơ nhưng là thật vì tôi sẽ được xuất viện trong vài ngày tới", anh V. nói.

TS Liên chia sẻ thêm, trong ca phẫu thuật, Ekip hồi sức đặc biệt quan trọng, vì trong quá trình mổ chỉ cần não phù lên một chút bác sĩ sẽ không có chỗ để đi sâu vào can thiệp vì vị trí cần can thiệp cách bề mặt da 8 – 10cm. Xung quanh đó mạch máu, dây vận động, dây cảm giác đều "chằng chịt", có thể ví như một cái cây, bác sĩ có nhiệm vụ lấy khối u chiếm 2/3 thân cây nhưng không được làm cây sập, tổn thương thêm.

TS Liên cho biết, bệnh lý u máu nếu gặp ở bán cầu đại não có nhiều biện pháp để can thiệp. Nhưng khối u ở thân não gây những triệu chứng nặng nề. Có những bệnh nhân bị liệt, không ăn uống được, có bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy hô hấp... Nếu không phẫu thuật khối u phát triển, tự chảy máu, làm mất dần các chức năng tiếp theo. Khối u là thách thức với tất cả các bác sĩ, dù phẫu thuật thành công nhưng tương lai vẫn phải tiếp tục nghiên cứu vì phụ thuộc vị trí, tình trạng bệnh.

Đáng nói dấu hiệu gợi ý điển hình của căn bệnh này rất khó. Bệnh gặp nhiều lứa tuổi trung niên, với các biểu hiện chung bệnh nhân hay đau đầu dai dẳng tái phát liên tục, bệnh nhân có nhưng cơn ngất không rõ nguyên nhân; hay có những bệnh nhân được điều trị như cơn tai biến đột quỵ não thoáng qua...(799)

 

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

 

49. Thu hồi vắc xin phòng bại liệt không đảm bảo chất lượng

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 5/10 cho biết sau khi có báo cáo một số vắc xin phòng bại liệt dạng uống chứa 2 tuýp kháng nguyên do một công ty cung cấp bị phát hiện không đạt chuẩn chất lượng, nhà chức trách Ấn Độ đã cho ngừng sử dụng loại vắc xin này và thu hồi số vắc xin còn trong kho.

Người phát ngôn Bộ Y tế nêu rõ: "Việc sử dụng loại vắc xin phòng bại liệt dạng uống của nhà sản xuất này đã bị dừng trong chương trình vắc xin này. Tất cả số vắc xin còn lại của nhà sản xuất này đã bị thu hồi".

Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định công chúng không cần phải hoang mang và các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi uống vắc xin đúng quy định. Người phát ngôn Bộ Y tế nhấn mạnh :"Có các nhà sản xuất vắc xin dạng uống khác cũng cung cấp vắc xin phòng bại liệt chứa 2 tuýp kháng nguyên. Những loại vắc xin đó đã được kiểm tra và đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn được khuyến nghị".

Trước đó, báo cáo cho biết một số mẻ vắc xin phòng bại liệt dạng uống bị phát hiện nhiễm virus bại liệt tuýp 2 ở các bang Uttar Pradesh, Maharashtra và Telangana.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết chính phủ nước này sau khi tham vấn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã áp dụng tất cả các biện pháp để đảm bảo tất cả vắc xin sử dụng trong chương trình chủng ngừa tuyệt đối an toàn và hiệu quả.

Ấn Độ tiếp tục là nước không có bệnh bại liệt trong hơn 7 năm nay. Tuy nhiên, do các ca bại liệt vẫn xuất hiện tại một số nước láng giềng, giới chức Ấn Độ cho rằng nước này cần duy trì khả năng miễn dịch trong người dân đối với bệnh bại liệt để giảm nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài.(342)

 

50. Mẹ nhiễm HIV hiến tạng cho con

Minh Nhật Các bác sĩ nhận định cơ may cứu sống đứa trẻ lớn hơn rủi ro mắc HIV nên quyết định ghép cho bé phần gan của người mẹ nhiễm virus.

Theo Fox News, ca ghép tạng diễn ra ở Nam Phi vào năm 2017 song mới được đơn vị tiến hành là Đại học Witwatersrand tiết lộ ngày 4/10. Hiện chưa rõ em bé nhận gan từ người mẹ dương tính với HIV có nhiễm virus hay không.

Trên tờ AIDS, nhóm chuyên gia từ Đại học Witwatersrand cho biết số lượng tạng hiến tặng ở Nam Phi rất hạn chế và họ không thể tìm được phần gan khỏe mạnh. Trong khi đó, người mẹ đang dùng thuốc kháng virus điều trị HIV lại sẵn sàng cho con lá gan.

"Đội ngũ y tế đã phải đối mặt với tình huống vô cùng khó xử. Chúng tôi biết rằng cấy ghép có thể cứu đứa trẻ nhưng lại đẩy bé vào nguy cơ nhiễm HIV", đại diện nhóm chuyên gia viết.

Vài tuần sau ca ghép, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi nhiễm HIV bởi phát hiện dấu vết kháng thể. Tuy nhiên, xét nghiệm chuyên sâu cho thấy em bé vẫn khỏe mạnh. Trước khi ghép tạng, bác sĩ đã cho bệnh nhi dùng thuốc nên hy vọng ngăn chặn được HIV.

Nam Phi là nước có chương trình trị liệu kháng virus lớn nhất thế giới, nhờ đó cải thiện đời sống của nhiều bệnh nhân HIV. Với sự tiến bộ của các thuốc điều trị HIV hiện nay, các bác sĩ nhận định đứa trẻ vẫn có thể "sống một cuộc đời tương đối bình thường" kể cả khi nhiễm bệnh.

"Giữa cái chết và sự sống với căn bệnh có thể điều trị được, tôi nghĩ họ đã chọn đúng", bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc đơn vị bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Quốc gia Mỹ nói. Tuy vậy, ông Fauci cho rằng nên cẩn trọng và không nên vội vã tiến hành thêm ca cấy ghép nào tương tự.

Y văn từng ghi nhận một số trường hợp vô tình ghép tạng của bệnh nhân HIV cho người âm tính với virus. Tại Mỹ, những năm gần đây các bác sĩ Đại học Johns Hopkins đã triển khai cấy ghép tạng giữa những người nhiễm HIV. (394)

 

51. Chuyện khó tin: Bà mẹ 29 tuổi hạ sinh thành công bé gái nặng 5,7kg bằng phương pháp sinh thường

Em bé được dự đoán có cân nặng 4kg nhưng khi sinh ra bé nặng tới 5,7kg. Và người mẹ đã hạ sinh con gái bằng phương pháp sinh thường bởi khi vào viện, đầu bé đã xuống rất thấp, nước ối cũng đã vỡ…

Trên thực tế, những tuần cuối của thai kì các mẹ đã có thể đoán biết cân nặng của con. Các bác sĩ cũng đưa ra giới hạn an toàn cho phụ nữ sinh thường khi đứa trẻ không quá to. Tùy tình hình của thai phụ mà bác sĩ sẽ chỉ định mổ để lấy thai. Một bà mẹ sinh thường mà con nặng từ 4kg trở lên đã được coi là nguy hiểm và không được khuyến khích sinh bằng phương pháp này.

Tuy nhiên, một câu chuyện tuyệt vời đã xảy ra ở Indonesia, nơi một người mẹ đã sinh thường em bé có cân nặng khủng: 5,7kg. Trong khi đó, cân nặng trung bình của một trẻ sơ sinh mới đẻ là 3,5kg.

“Đứa bé khổng lồ” đã ra đời bằng phương pháp sinh thường như thế nào?

Anis Murwati – một bà mẹ 29 tuổi vừa sinh một bé gái có cân nặng ấn tượng vào ngày 16 tháng 8 năm 2018 vừa qua. Và đây là câu chuyện vượt cạn đau đớn nhưng cũng không kém phần thú vị của cô ấy.

Do con gái của Anis có cân nặng lớn nên cô bé được mệnh danh là “đứa bé khổng lồ”. Thường những đứa trẻ 2, 3 tháng tuổi mới đạt mức cân nặng tương đương như thế. Nhưng không hề “bất thường” như trọng lượng của mình, cô bé mới sinh rất xinh xắn, kháu khỉnh với làn da trắng và mái tóc đen. Chiều dài của bé cũng như những đứa trẻ bình thường khác.

Anis chia sẻ rằng, trước đó, cô không mong muốn con mình có cân nặng quá lớn bởi đứa đầu nhà cô cũng sinh thường và nặng 4kg.

Anis đã sinh thường thành công em bé nặng tới 5,7kg.

Trước khi sinh, Anis đi khám thai đã được thông báo con gái cô có thể nặng 4kg khi sinh. Bản thân Anis cho biết lần mang thai thứ 2 này cô cũng thấy vất vả hơn lần trước. Cô cảm nhận dạ dày mình to hơn, mau đói hơn, tử cung lớn và rất khó di chuyển ở tháng thứ 8 thai kì.

Mặc dù vậy, Anis vẫn buộc mình phải tập thể dục vào buổi sáng bằng cách quét dọn sân hoặc chỉ đơn giản là đi dạo và giữ tâm thế thư thái. Cô đã quyết định sinh thường ngay từ ban đầu.

Tatang Mulyana – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Duta Mulya Majenang, nơi Anis đăng kí sinh đã kể lại: “Khi tôi bắt tay vào khám cho Anis, tử cung của cô ấy đã giãn nở hoàn toàn. Đầu em bé đã tụt xuống và tôi có thể cảm nhận được rằng nó rất lớn“. Hơn nữa, túi ối cũng đã vỡ nên em bé cần phải được đưa ra ngoài càng sớm càng tốt. Điều này cũng có nghĩa là đã không kịp để có thể chỉ định Anis sinh mổ.

Tatang nhớ lại khoảnh khắc ấy: “Tôi đã rất lo lắng, lúc đó tôi phân vân không biết có nên sử dụng kĩ thuật mổ lấy thai không nhưng thời gian lại quá gấp. Và cuối cùng, bằng sự cố gắng hết mình, chúng tôi đã thành công“.

Có thể nói, mẹ con Anis đã vật lộn gần một giờ đồng hồ giữa sự sống và cái chết. Rất may, với sự kiên cường của người mẹ, cô đã vượt qua mọi nguy hiểm để ôm đứa con bé bỏng vào lòng.

Nguy cơ tử vong đột ngột khi sinh con cân nặng quá lớn

Một trong những rủi ro nặng nhất khi sinh thường mà thai quá to là thai nhi đột nhiên chết trong bụng mẹ (Ảnh minh họa).

Sinh thường khi đứa trẻ quá to rất nguy hiểm. Vì vậy các bác sĩ chuyên môn sẽ xem xét và thăm khám kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Một trong những nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra là chứng loạn dưỡng cơ vai. Đó là tình trạng đầu có bé chui ra nhưng vai thì không thể kéo được khỏi âm đạo mẹ vì kích thước của nó quá lớn.

Bác sĩ Tatang cho biết thêm: “Phương án tồi tệ nhất có thể là mổ lấy thai, khi đó đứa bé lại bị kéo trở lại tử cung trước khi được đưa ra bằng đường rạch ở bụng“. Thế nên vị Giám đốc bệnh viện cũng khẳng định nên mổ lấy thai khi cân nặng đứa bé trên mức bình thường để đảm bảo an toàn cho cả mẹ cả con.

Tiến sĩ Yusfa – một chuyên gia về sản phụ khoa, cho biết thêm rằng trẻ sơ sinh nặng hơn 4kg khi sinh là điều bất thường.

Nguyên nhân có thể là di truyền, mẹ tăng cân quá mức và phổ biến nhất là tiểu đường thai kỳ. Khi người mẹ lớn tuổi mà mang thai, nguy cơ em bé có thể sinh ra lớn hơn hoặc nhỏ hơn bình thường, thường có những bất thường bẩm sinh. Một trong những rủi ro nặng nhất là tử vong bất ngờ hay thai nhi đột nhiên chết trong bụng mẹ“, ông Yusfa giải thích.

 “Khi sinh em bé có trọng lượng dưới 4kg, chu vi đầu của bé lớn hơn chu vi của người. Vì vậy, khi sinh đầu ra trước thì có thể kéo cả người ra dễ dàng hoặc không có nguy cơ chấn thương cho cả em bé và mẹ. Nếu thai nhi nặng hơn 4kg, chu vi của vai lớn hơn đầu. Thế nên khi đầu ra trước phần vai và người sẽ bị mắc kẹt trong bụng mẹ, và đầu em bé chỉ lủng lẳng bên ngoài mà kéo cả phần người ra thì sẽ vô cùng nguy hiểm“, ông nói thêm.

Tiến sĩ Yusfa giải thích rằng có một số thao tác để kéo vai đứa bé ra ngoài. Đó là cách rạch tầng sinh môn của người mẹ nhưng điều đó đồng nghĩa với việc mẹ sẽ mang thương tích và đau đớn nặng nề.

Nghiêm trọng hơn, trong quá trình đỡ đẻ, các hộ sinh có thể chẳng may xoay chuyển mà làm gãy xương vai của em bé. Trong trường hợp như Anis thì không kịp để mổ lấy thai. Chính vì vậy, Tiến sĩ đưa ra lời khuyên khi siêu âm mà em bé trên 4kg thì các mẹ nên tiến hành đăng kí mổ lấy thai để giảm thiểu nguy hiểm ở mức thấp nhất.(1147)

 

52. Người phụ nữ bị sóng biển đánh vỡ động mạch ở cổ

Trong khi tắm biển, một người phụ nữ 60 tuổi ở Ireland đã bị sóng biển lớn đánh rất mạnh vào cổ đến nỗi vỡ động mạch chính ở cổ.

Đây là một trường hợp hy hữu khiến các bác sĩ điều trị rất ngạc nhiên vì trước giờ họ chưa bao giờ gặp. Trường hợp này đã đăng trên tạp chí BMJ Case Reports.

Nạn nhân cho biết bà bắt đầu cảm thấy đau đầu và cổ liên tục sau khi tắm biển về. Sau hai tuần, bà vẫn còn những triệu chứng trên và một mí mắt bắt đầu sụp xuống. Bà lập tức đi đến bác sĩ để khám xem mình bị gì.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện một đồng tử của bà nhỏ hơn đồng tử còn lại, theo Live Science. Lúc đầu, họ chẩn đoán bà bị hội chứng Horner - liệt giao cảm mắt.

Đây là sự kết hợp các dấu hiệu và triệu chứng gây ra do sự gián đoạn đường thần kinh từ não lên mặt và mắt ở một bên của cơ thể, theo Mayo Clinic.

Nhiều nguyên nhân có thể gây nên hội chứng này. Trong trường hợp của người phụ nữ trên, các xét nghiệm hình ảnh cho thấy rằng bà bị bóc tách động mạch cảnh chủ phải. Điều này xảy ra do chảy máu trong thành động mạch chủ vì rách lớp áo trong của mạch máu nuôi động mạch chủ.

Động mạch cảnh chủ phải là một trong bốn động mạch chính ở cổ đưa máu lên não.

Nguyên nhân thường gặp cho bóc tách động mạch cảnh chủ gây ra là vì di chuyển cổ không đúng tư thế hoặc một chấn thương mạnh trong tai nạn giao thông.

Những bệnh nhân bị bóc tách động mạch cảnh chủ thường có nguy cơ bị đột quỵ vì trong thực tế đây là hội chứng phổ biến hay gặp ở người dưới 50 tuổi bị đột quỵ, theo Trung tâm Y khoa Cedars-Sinai (ở Los Angeles, Mỹ).

Bác sĩ Etimbuk Umana, của Bệnh viện Đại học Galway (Ireland), nói với Live Science đây là trường hợp đầu tiên ông điều trị vỡ động mạch do sóng biển gây ra. (376)

 

53. Canada: Thu hồi sản phẩm gà rán vì lo ngại nhiễm khuẩn salmonella

Một sản phẩm gà rán đang bị thu hồi ở Canada do lo ngại rằng họ có thể bị nhiễm salmonella.

Công ty TNHH Loblaw ở Canada đang thu hồi một số sản phẩm gà rán từ thị trường do lo ngại nhiễm khuẩn Salmonella có thể xảy ra. Những người đã mua sản phẩm này được khuyên nên trả lại tại cửa hàng hoặc vứt đi. Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm Canada (CFIA) cho biết, người tiêu dùng không nên sử dụng loại gà rán gói 1,81kg mang mã sản phẩm 2019 JN 22 và mã sản phẩm phổ quát 0 60249 01411 4.

Việc thu hồi được ban hành giữa một cuộc điều tra toàn quốc của CFIA, Cơ quan Y tế Canada và Cơ quan Y tế Công cộng Canada về các đợt bùng phát salmonella.

Trước đó vào tháng 6, công ty Loblaw đã thu hồi sản phẩm bánh mỳ kẹp thịt gà và tháng 7 thu hồi sản phẩm cốm gà vì lo ngại có liên quan đến salmonella. 

Tại Canada, sự bùng phát bệnh salmonella đã khiến 11 người nhập viện, 47 ca bệnh trên khắp 8 tỉnh. "Các sản phẩm thịt gà tươi sống đông lạnh được xác định là nguồn gốc của dịch bệnh này", Cơ quan Y tế Cộng đồng cho biết. Phía CFIA cho biết thêm rằng sản phẩm thực phẩm có thể được thu hồi thêm.

CFIA cảnh báo rằng, thực phẩm bị nhiễm khuẩn salmonella không nhất thiết phải nhìn hoặc ngửi nhưng vẫn có thể khiến người sử dụng bị bệnh, với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già và những người có hệ miễn dịch bị tổn hại đặc biệt dễ bị nhiễm trùng nặng.

Các triệu chứng điển hình của ngộ độc salmonella bao gồm sốt, nhức đầu, nôn mửa, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy​

Thăm dò ý kiến