Điểm tin y tế ngày 24/9/2018

24/09/2018 | 00:57 AM

 | 

I.  THÔNG TIN TRONG NƯỚC

1.    2018, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ ung thư thế giới?

Theo công bố mới nhất của WHO, số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165.000 ca.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố tình hình ung thư hiệu chỉnh theo độ tuổi tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, 10 quốc gia có tỉ lệ ung thư cao nhất đều là những nước phát triển: Úc đứng số 1 với tỉ lệ mắc ung thư cả 2 giới ở mức 468/100.000 dân; New Zealand (438/100.000 dân); Ireland (373/100.000 dân); Hungary (368/100.000 dân); Mỹ đứng thứ 5 với tỉ lệ 352/100.000 dân, kế đó là Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan...

Trong số ca mắc mới tại Úc năm 2018 là gần 200.000 ca/24,7 triệu dân; New Zealand xấp xỉ 36.000 ca/4,7 triệu dân; Mỹ có hơn 2,1 triệu ca mắc mới/326 triệu dân.
Tại Châu Á, Hàn Quốc có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất (313/100.000 dân), xếp vị trí thứ 13 trên bản đồ ung thư thế giới; đứng thứ 2 là Singapore (282/100.000 dân, xếp vị trí 42 thế giới); Nhật Bản xếp thứ 3 (248/100.000, vị trí 43 thế giới); Trung Quốc xếp vị trí thứ 9 châu Á và 68 thế giới với tỉ lệ 202/100.000 dân.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất, kế đó là Philippines (163/100/100.000 dân, vị trí 89 thế giới); Thái Lan vị trí 92 thế giới (152/100.000 dân); thứ 4 khu vực là Lào (154/100.000 dân, vị trí 97 thế giới).

Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108.

Theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,6 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.

Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân.

Tính chung cả 2 giới, 5 loại ung thư có tỉ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: Ung thư gan, hơn 25.000 ca (15,4%), kế đó là ung thư phổi (14,4%), ung thư dạ dày (10,6%), ung thư vú, ung thư đại tràng.

5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt gồm: Ung thư phổi (21,5%(, ung thư gan (18,4%), ung thư dạ dày, ung thư đại tràng; ung thư hầu họng. Ở nữ giới, hàng đầu vẫn là ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư gan.

Những quốc gia có tỉ lệ chết vì ung thư lớn nhất gồm: Mông Cổ (170/100.000 dân); thứ 2 là Hungary (155/100.000 dân); Ba Lan ở vị trí số 8 (136/100.000 dân); Trung Quốc ở vị trí số 12 (130/100.000 dân); Pháp xếp vị trí 32; Lào xếp vị trí 33.

Nhiều quốc gia phát triển nhờ tầm soát tốt, tỉ lệ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm nhiều nên tỉ lệ tử vong thấp như Canada xếp 84; Mỹ xếp vị trí 91 (91/100.000 ca); Nhật Bản ở vị trí 112 (85,2/100.000 dân)...

Tổ chức sáng kiến toàn cầu về ung thư (GICR, thuộc WHO) cho biết, các số liệu có được dựa trên những nguồn tốt nhất được cung cấp tại mỗi quốc gia.

WHO cho biết, ung thư đang là một trong những thách thức sức khoẻ cộng đồng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất. (704)

 

2.     Cứ 1 trong 20 người chết là do nghiện rượu, WHO cảnh báo

Sau đây là lý do tại sao bạn nên tránh xa việc uống quá nhiều rượu, theo một cảnh báo mới từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 1 trong 20 người chết là do nghiện rượu.

Việc sử dụng rượu độc hại giết chết khoảng 3 triệu người mỗi năm và góp phần gây ra 5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, báo cáo này nhận định.

Trong đó, các quốc gia giàu có đang chiếm tỉ lệ cao tình trạng nghiện rượu, rối loạn sử dụng rượu. Có khoảng 237 triệu nam giới và 46 triệu phụ nữ trên toàn cầu hiện nay bị các vấn đề sức khỏe liên quan đến rượu. Châu Âu đứng đầu danh sách khu vực có tỷ lệ người dân mắc chứng rối loạn do rượu gây ra cao nhất. Hoa Kỳ đứng thứ hai về tình trạng lạm dụng/nghiện rượu.

Nghiên cứu này cũng giải thích các yếu tố khác nhau liên quan đến tử vong do rượu gây ra. Kết quả cho thấy, 28% số ca tử vong vì uống rượu liên quan tới chấn thương, 21% số ca tử vong là do say rượu kèm các bệnh tiêu hóa. Các vấn đề về tim mạch do dùng rượu cũng đã gây ra 19% số ca tử vong. (233)

 

3.    Bất ngờ với số người chết vì lạm dụng đồ uống có cồn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mỗi năm trên thế giới có khoảng 3 triệu người tử vong liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn chủ yếu là do tai nạn giao thông và bạo lực.

Theo thống kê, trong số các trường hợp tử vong liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn có 28% là do bị thương trong các vụ tai nạn giao thông, tự gây thương tích hay bạo lực giữa các cá nhân với nhau.

Khoảng 21% trường hợp tử vong do rối loạn tiêu hóa và 19% do các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, ung thư và rối loạn tâm thần.

WHO ước tính thế giới có 283 triệu người lạm dụng đồ uống có cồn.

Cơ quan này kêu gọi tất cả các nước nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe và xã hội của tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn.

WHO hối thúc các nước nhanh chóng có biện pháp như tăng thuế kinh doanh đồ uống có cồn nhằm giảm sức mua, ra lệnh cấm hoặc hạn chế quảng cáo đồ uống có cồn. (203)

 

4.    Trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp tăng đột biến

 

Giao mùa là thời điểm virus hợp bào hô hấp (RSV) và các virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh, năm nay số lượng các bệnh nhi nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi mắc viêm phổi nặng do nhiễm virus RSV tăng đột biến.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng đột biến. Mỗi ngày, chỉ riêng Khoa hô hấp đã tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh nặng, tập trung vào nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Phó trưởng Khoa hô hấp, nhiều trường hợp cha mẹ chỉ nghĩ con bị ho, cảm cúm thông thường nhưng không ngờ nhập viện đã phải thở máy. Điển hình như trường hợp bé K.N. (mới 38 ngày tuổi, ở Sơn La) xuất hiện tình trạng khò khè, sau tim đập nhanh, tổn thương phổi, bé bỏ bú, lồng ngực co rút lại sau mỗi nhịp thở.

Gia đình chuyển bé xuống Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khá nặng, độ bão hòa oxy chỉ còn 88% (độ bão hòa oxy bình thường từ 96-100%). Bệnh nhi nhanh chóng được thở oxy, truyền dịch, chạy khí dung để hỗ trợ đường thở. Kết quả tìm virus ở dịch tụy hầu bằng phương pháp test nhanh cho thấy bệnh nhi dương tính với RSV.

 

Tương tự, trường hợp bé H.A. (5 tháng tuổi, Phú Thọ) cũng chỉ có biểu hiện ho húng hắng, sổ mũi, sốt cao. Nghĩ con gái cảm cúm thông thường nên cha mẹ bé tự điều trị ở nhà, kiên trì cho con bú mẹ, uống hạ sốt và dùng thêm các bài thuốc dân gian trị ho, nhưng sau 4 ngày, bệnh của bé nặng hơn.

Khi đưa vào viện, bé H.A. ho nhiều, khó thở, rút lõm lồng ngực… Các bác sĩ đã thăm khám, làm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phế quản phổi, suy hô hấp độ 2 và dương tính với RSV. Do suy hô hấp nặng nên bệnh nhi phải thở máy sau đó thở oxy và điều trị kháng sinh trong suốt thời gian nằm viện.

Các bác sĩ cho biết, RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông - xuân, xuân - hè. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh xuất hiện sớm hơn so với thông thường. Không chỉ gia tăng, diễn biến các ca bệnh có chiều hướng phức tạp và nặng hơn. Nguyên nhân có thể là sự biến đổi thời tiết và cấu trúc gen của RSV.

Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công. Mặt khác, RSV có ái lực với đường hô hấp nên trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa), trường hợp nặng dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin…

PGS Hạnh khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không tự mua thuốc cho con uống, vì sẽ không thể biết trẻ nhiễm virus thông thường hay virus RSV. Nếu chủ quan không đưa trẻ đi khám có thể khiến virus RSV lây lan mạnh trong cộng đồng do virus có thể sống vài giờ ngoài không khí.

Các bậc cha mẹ cũng cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ và đặc biệt tránh thói quen hôn trẻ có thể làm lây lan virus. (727)

 

5.    Trẻ ồ ạt nhập viện do nhiễm virus chưa có thuốc điều trị

Hàng loạt trẻ phải nhập viện vì nhiễm RSV - loại virus chưa có thuốc điều trị, phải thở máy.

Theo thông tin từ BV Nhi Trung ương, khoảng một tháng trở lại đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương số lượng bệnh nhi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV (Respiratory Syncytial Virus) gia tăng đột biến.

Hiện có gần 20 trẻ bị nhiễm RSV phải điều trị nội trú. Trong đó, nhóm trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi phải đối diện với nhiều nguy cơ... Điều đặc biệt đáng ngại là có nhiều trường hợp, gia đình không nhận biết tình trạng nặng của bệnh nhi, mà chỉ ngỡ đó chỉ là cảm sốt thông thường.

Theo Vietnamnet, bé H.A (5 tháng tuổi, Phú Thọ) chỉ có biểu hiện ho húng hắng, sổ mũi, sốt cao. Nghĩ con gái cảm cúm thông thường nên cha mẹ bé tự điều trị ở nhà, cho con bú mẹ, uống hạ sốt và dùng thêm các bài thuốc dân gian trị ho.

Tuy nhiên sau 4 ngày, tình trạng của bé H.A ngày một nặng thêm. Khi chuyển đến BV Nhi, bé đã xuất hiện tình trạng khó thở, rút lõm lồng ngực với chẩn đoán viêm phế quản, suy hô hấp độ 2 và dương tính với virus hợp bào hô hấp.

Sau khi nhập viện trẻ phải thở máy, sau đó thở oxy và điều trị kháng sinh trong suốt gần 1 tháng qua.

Hay như trường hợp của bệnh nhi K.N (38 ngày tuổi, Sơn La) xuất hiện tình trạng khò khè, sau tim đập nhanh, tổn thương phổi, bé bỏ bú, lồng ngực co rút lại sau mỗi nhịp thở, gia đình chuyển bé xuống BV Nhi TƯ trong tình trạng khá nặng. Kết quả test nhanh dịch tụy hầu cho thấy bé dương tính với virus RSV. Ngoài thở oxy, bác sĩ chỉ định truyền dịch, chạy khí dung để hỗ trợ đường thở.

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm RSV

RSV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới hai tuổi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông – xuân, xuân – hè, nhưng năm nay, dịch bệnh xuất hiện sớm hơn so với thông thường. Không chỉ gia tăng mà diễn biến các ca bệnh có chiều hướng phức tạp và nặng hơn. 

Trả lời Pháp luật TP. HCM, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày, chỉ riêng khoa hô hấp đã tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh nặng, tập trung vào nhóm trẻ dưới sáu tháng tuổi. “Nguyên nhân có thể do sự biến đổi thời tiết và biến đổi cấu trúc gen của RSV”, BS Hanh nhận định.

Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày.

Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công.

Mặt khác, RSV có áp lực với đường hô hấp nên trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa). Nặng hơn là dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.

Bệnh chưa có thuốc điều trị

Theo PGS Hanh, đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus RSV gây ra nên khi trẻ mắc bệnh, chủ yếu điều trị triệu chứng bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt, đảm bảo dinh dưỡng...

Những trường hợp trẻ tự khỏi vẫn cần theo dõi sát để khi có dấu hiệu nặng lên cần đưa tới cơ sở y tế kịp thời. Riêng các trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thở oxy.

RSV có khả năng lây lan mạnh, nếu các gia đình chủ quan không cho con đi khám, không biết con nhiễm bệnh sẽ dễ khiến cho virus này phát tán rộng trong cộng đồng. “Để phòng bệnh, tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng bởi virus có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay… Các bậc cha mẹ cũng cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ và đặc biệt tránh thói quen hôn trẻ – có thể làm lây lan virus”, BS Hanh khuyến cáo. (806)

 

6.    2 cháu bé nguy kịch, thở máy do nhiễm virus không có thuốc đặc trị

Nhiều trẻ nhiễm virus RSV (hợp bào hô hấp), nhưng được cấp cứu quá muộn, nên lâm vào tình trạng suy hô hấp nặng, nguy kịch.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 5 – 10 ca bệnh nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) nặng. Các bệnh nhi nhập viện hầu hết đều rất nhỏ tuổi, nhiều cháu dưới 6 tháng tuổi. Trong đó, phải kể đến 2 trường hợp bệnh nhi nguy kịch, phải thở máy.

Đầu tiên là cháu H.A (5 tháng tuổi, ở Phú Thọ), cháu nhập viện trong tình trạng khó thở, ho nhiều và rút lõm lồng ngực.

Theo gia đình bệnh nhi, trước đó bé A. có biểu hiện sổ mũi, sốt cao, ho húng hắng. Tuy nhiên, gia đình cho rằng cháu bị cảm cúm bình thường, nên chỉ cho bú sữa mẹ và chữa mẹo theo truyền miệng dân gian.

Sự chủ quan của cha mẹ khiến bệnh của bé A. diễn biến ngày càng phức tạp, trở nặng sau 4 ngày phát bệnh. Vì quá lo lắng gia đình đưa cháu tới cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi K.N. (38 ngày tuổi, ở Sơn La). Cháu K. nhập viện trong tình trạng tổn thương phổi, lồng ngực co rút, thở khò khè và sau tim đập nhanh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé N. nhiễm RSV nhưng do được cấp cứu muộn nên N. bị suy hô hấp nặng phải thở máy và điều trị kháng sinh dài ngày.

Chia sẻ về các ca bệnh, PGS.TS Lê Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đa phần các bé trở nặng vì đi cấp cứu muộn. 

“Bệnh do RSV gây ra hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ uống thật nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và cho trẻ ăn uống đảm bảo chế độ giàu vitamin và chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh hơn”, BS Hạnh cho biết.

BS Hạnh khuyến cáo thêm, khi trẻ nhiễm RSV, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con uống nếu chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Khi chăm sóc trẻ bị bệnh, cần rửa tay sạch sẽ, tuyệt đối không hôn trẻ vì có thể làm lây lan virus. (412)

 

7.    Bệnh sởi tăng nhanh, Đồng Nai cầu cứu Viện Pastuer TP.HCM

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế dịch sởi lây lan, tuy nhiên chỉ trong 20 ngày đầu của tháng 9/2018 số ca mắc bệnh sởi đã tăng hơn gấp 2 lần. Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, Đồng Nai đã đề nghị Viện Pastuer TP.HCM hỗ trợ điều chỉnh kế hoạch phòng chống dịch.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, nếu trong 8 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận có 45 ca sởi/sốt phát ban thì chỉ trong 20 ngày đầu của tháng 9/2018, số ca mắc bệnh sởi tăng lên thành 115 ca.

Đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều xuất hiện bệnh sởi. Trong đó, địa phương có số ca mắc sởi cao nhất tiếp tục là huyện Nhơn Trạch với 53 ca, tiếp đến là TP. Biên Hòa 22 ca và huyện Long Thành 19 ca. Đáng chú ý, số trẻ dưới 9 tuổi mắc sởi cao nhất 22,6%, trong đó có 26 ca mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm chủng, 25 ca là người nhập cư.

Được biết, thời gian qua Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế dịch lây lan như truyền thông, điều tra xử lý ổ dịch, ca bệnh, điều trị tích cực, rà soát các đối tượng trong độ tuổi chưa được tiêm chủng, nhất là đối tượng vãng lai, nhập cư để tiến hành cho tiêm bổ sung sởi/Rubella. Tuy nhiên, do bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp nên công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định nguồn lây, xử lý ổ dịch. Đặc biệt, với thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ khiến sức đề kháng của trẻ em bị suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho virus sởi phát triển, lây lan nhanh trong cộng đồng và bùng phát thành dịch.

Để ngăn chặn dịch sởi có nguy cơ bùng phát, ngoài các biện pháp phòng chống dịch do ngành y tế triển khai, tuyên tuyền để người dân chủ động tự phòng bệnh cho chính bản thân mình và người thân bằng việc vệ sinh môi trường nơi sinh sống, tiêm vaccine phòng sởi và khi phát hiện các dấu hiệu bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã đề nghị Viện Pastuer TP.HCM cử chuyên gia hỗ trợ tỉnh Đồng Nai trong việc điều chỉnh kế hoạch, đưa các biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong phòng chống dịch. Đồng thời, hướng dẫn, cung cấp nguồn vaccine bổ sung để tiêm phòng cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi. Trước nguy cơ dịch sởi có khả năng bùng phát, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - Phan Huy Anh Vũ chỉ đạo: “Tất cả các địa phương, đặc biệt là TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Xuân Lộc cần hết sức chủ động dập dịch, chống dịch trên quy mô lớn. Phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt mới có thể dập được dịch sởi”. (548)

 

8.       HÀNG LOẠT CÔNG TY DƯỢC VI PHẠM QUY ĐỊNH CỦA BỘ Y TẾ

 

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định ngừng nhận hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với hàng loạt công ty dược do vi phạm quy định của Bộ.

Ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc do thiếu thông tin trên hướng dẫn

Thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược liên tiếp ra quyết định xử phạt nặng đối với những công ty dược phẩm vi phạm các quy định của Bộ Y tế. Cụ thể:

Theo công văn số 17244/QLD-TTra, Cục Quản lý Dược quyết định ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Công ty Zee Laboratories., India sản xuất, đứng tên đăng ký. Thời gian ngừng tiếp nhận các loại hồ sơ trên của Công ty Zee Laboratories., India kéo dài 6 tháng. Cục Quản lý Dược cho biết, Công ty Zee Laboratories., India đã không thực hiện việc cập nhật thông tin thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đang lưu hành tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Y tế. 

Tại công văn số 17245/QLD-TTra, Cục Quản lý Dược quyết định ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối vớiCông ty TNHH Nutri-Pharma USA. Công ty TNHH Nutri-Pharma USA đã không cập nhật thông tin liên quan đến tính hiệu quả, an toàn của thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc nhập khẩu đang lưu hành tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Y tế. Với vi phạm trên, thời gian ngừng tiếp nhận các loại hồ sơ của Công ty TNHH Nutri-Pharma USA là 12 tháng

Tại công văn số 17246/QLD-TTra, Cục Quản lý Dược quyết định ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Công ty TNHH Thai Nakorn Patana Việt Nam sản xuất, đứng tên đăng ký.  Về lý do của quyết định này, theo Cục Quản lý Dược cho biết, do Công ty TNHH Thai Nakorn Patana Việt Nam đã không thực hiện việc cập nhật thông tin thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đang lưu hành tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Y tế. Thời gian ngừng tiếp nhận các loại hồ sơ trên của Công ty TNHH Thai Nakorn Patana Việt Nam kéo dài 6 tháng.

Tại công văn số 17247/QLD-TTra, Cục Quản lý Dược quyết định ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Công ty Micro Labs Limited., India sản xuất, đứng tên đăng ký. Theo Cục Quản lý Dược, Công ty Micro Labs Limited., India đã không thực hiện việc cập nhật thông tin thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đang lưu hành tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Y tế. Thời gian ngừng tiếp nhận các loại hồ sơ trên của Công ty Micro Labs Limited., India kéo dài 6 tháng.

Đình chỉ lưu hành thuốc thuốc tiêm không đảm bảo chất lượng

Cục Quản lý dược cũng vừa ban hành các quyết định đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo đó, Cục đình chỉ thuốc tiêm Koreamin (số đăng ký: VN-14104-11, lô sản xuất: 160378, ngày sản xuất: 19/9/2016, hạn dùng: 18/9/2019) do Công ty Yuyu INC., Korea sản xuất, Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc nhập khẩu. 

Cụ thể, sau khi nhận được báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc tiêm Koreamin không đạt chỉ tiêu hàm lượng Gingko Flavon Glycosid toàn phần, ngày 13/9, Cục Quản lý dược đã ra công văn yêu cầu Công ty cổ phần dược phẩm Vĩnh Phúc phối hơp với cơ sở phân phối thuốc gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng Thuốc tiêm Koreamin nói trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng này.

Thuốc tiêm Koreamin được chỉ định điều trị các rối loạn chức năng não cùng với các triệu chứng như giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, trầm cảm và đau đầu; Chóng mặt, ù tai, giảm thính lực do rối loạn tuần hoàn; Ðiều trị các rối loạn tuần hoàn động mạch ngoại vi....(768)

 

 

 

9.    Quy định làm khó người bệnh ung thư

Quy định của Bộ Y tế về việc bệnh nhân ung thư khi đến điều trị ngoại trú ở bệnh viện thuộc tỉnh thành khác phải ký cam kết, khiến cả người bệnh và bệnh viện gặp khó.

Tháng 3.2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 01 quy định việc thực hiện hóa trị, xạ trị, hóa trị kết hợp xạ trị ban ngày tại cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Theo Thông tư 01, việc chỉ định cho bệnh nhân (BN) được điều trị xạ trị, hóa trị và hóa - xạ trị ban ngày do bác sĩ (BS) điều trị quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý của BN và chỉ áp dụng đối với BN cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi cơ sở KCB hoạt động. Trường hợp BN không cư trú trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi cơ sở KCB hoạt động thì việc điều trị ban ngày chỉ áp dụng đối với BN tự nguyện xin điều trị...

Nghĩa là BN phải ký cam kết tự nguyện điều trị. Tuy nhiên, giấy cam kết không có mẫu hướng dẫn, BN chỉ cần ghi vào giấy “xin tự nguyện điều trị ngoại trú, có chuyện gì thì tự chịu trách nhiệm”!

"Tôi sẽ không ký cam kết"

Sáng 20.9, PV Thanh Niên gặp chị V.T.T.H (38 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang chờ xạ trị tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Chị H. cho biết mình bị u não đã mổ tại BV Chợ Rẫy, giờ xạ trị một liệu trình với chi phí 26 triệu đồng. “Nếu áp dụng Thông tư 01 thì tôi sẽ không ký cam kết gì hết. Nếu ký tự nguyện xin điều trị ngoại trú giống như KCB theo yêu cầu, không được BHYT thanh toán thì tiền đâu tôi trị bệnh?”, chị H. nói và cho biết mình có nhu cầu điều trị ngoại trú vì còn phải về làm việc kiếm tiền nuôi con. Chị đơn thân nuôi con, làm nghề may, mỗi tháng kiếm được 4 triệu đồng, tiền gửi con hết 1,5 triệu đồng. Hỏi vì sao chị không về Đồng Nai xạ trị, chị bảo: "Mình phẫu thuật ở BV Chợ Rẫy thì điều trị tại BV này luôn".

Ngồi cạnh chị H. là ông L. (46 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị ung thư vòm hầu đã hóa trị chuyển qua xạ trị. Nhà ông ở Tiền Giang, sáng sớm ông lên BV Chợ Rẫy xạ trị xong về làm việc. Theo ông: "Không nên ký cam kết gì cả!".

Một số BN đang hóa trị tại BV Chợ Rẫy cho rằng, nếu ký cam kết và xem đó như là KCB dịch vụ theo yêu cầu thì họ sẽ không ký vì khả năng tài chính để chữa ung thư sẽ không lo nổi. “Bây giờ nếu phân biệt người địa phương, tạm trú và người ngoại tỉnh, bắt người ngoại tỉnh phải ký cam kết thì tôi sẽ tìm nhà người quen, xin tạm trú ảo để tôi được hưởng như người địa phương. Trị ung thư nếu không có BHYT chi trả thì chắc 50% người ngồi đây bỏ trị”, BN C.V.A (34 tuổi, ngụ Khánh Hòa), đang điều trị ung thư tại BV Chợ Rẫy, nói.

Quy định hành người bệnh

Hiện tại BV Ung bướu TP.HCM có khoảng 9.000 BN điều trị hóa trị, xạ trị ngoại trú, trung bình mỗi ngày là khoảng 1.000 lượt; và 1.100 BN khác nặng hơn điều trị nội trú. 75% là BN các tỉnh. Còn tại BV Chợ Rẫy hằng ngày có 360 BN hóa trị, xạ trị, BN tỉnh chiếm 70%.

Theo thông tin từ BV K T.Ư (Hà Nội), ước tính mỗi năm VN có hơn 126.000 ca mắc mới ung thư. Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, trong đó việc xạ trị chiếm vị trí quan trọng. Theo phác đồ điều trị, mỗi BN sẽ xạ trị 5 buổi/tuần, trong đợt xạ trị 4 - 5 tuần. Tại BV K T.Ư, số BN xạ trị gia tăng trong các năm qua: năm 2015, BV tiếp nhận 11.799 BN, năm 2016 hơn 12.000 BN và hơn 15.000 BN trong 2017.

Theo các BS, chi phí một lần hóa trị từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng, tùy phác đồ. Xạ trị tùy theo kỹ thuật từ 500.000 - 1,5 triệu đồng/lần. Ung thư là bệnh mãn tính, điều trị kéo dài nên BN điều trị ngoại trú là đương nhiên. Điều trị ung thư là có kế hoạch, bắt BN nội trú là quá tải ảo, bất tiện sinh hoạt và họ còn phải làm việc để kiếm tiền...Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, với các BN ung thư ngoại tỉnh hóa xạ trị, điều trị ung thư tại Trung tâm ung bướu BV Bạch Mai, nếu không nội trú thì thường họ thuê trọ gần BV, do đó để được hưởng BHYT chi trả, BN có chứng nhận đăng ký tạm trú của công an nơi tạm trú tại Hà Nội là được hưởng quyền lợi do quỹ BHYT chi trả theo quy định.

“Theo tôi, mục đích của Thông tư 01 là muốn BN điều trị ngoại trú thì phải tự nguyện chứ BV không được ép BN ra điều trị ngoại trú. Nếu BN ở tỉnh ký cam kết, lỡ có chuyện gì thì không kiện BV!”, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, nói.

Theo BS Tuấn, buộc BN điều trị ngoại trú ký cam kết thì BN rất sợ, họ cho rằng vào BV điều trị mà bắt ký cam kết, thà như phẫu thuật. Họ nói, tùy BS cho nằm thì nằm viện, cho ra ngoại trú là ngoại trú chứ không ký cam kết gì cả. Trị bệnh nội hay ngoại trú là do chỉ định của BS dựa trên đánh giá sức khỏe BN.

“Nên để cho BS quyết định chứ bắt BN ký cam kết thì họ sẽ không cam kết, bằng chứng là từ năm 2017 đến nay dù BV tuyên truyền nhưng chẳng có ai ký mà còn gây phản ứng ngược. BV đề nghị không để BN ký cam kết làm phức tạp”, BS Tuấn kiến nghị. Còn theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, nếu áp dụng Thông tư 01 sẽ bất lợi cho cả BV và BN. Bởi BN ký cam kết xin tự nguyện thì đồng nghĩa với việc BN sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, có thể BN sẽ không được BHYT thanh toán mà phải tự chi trả, mà chi phí này rất lớn.

Nhận xét về quy định tại Thông tư 01 nêu trên, một lãnh đạo của đơn vị điều trị ung thư tại Hà Nội bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao lại có quy định kiểu hành dân, làm khổ người bệnh như vậy. BN ở đâu thuận lợi trong việc điều trị thì cần tạo điều kiện”. Vị lãnh đạo này dẫn chứng: BN ung bướu sống ở H.Văn Giang (Hưng Yên) nếu hóa, xạ trị tại các đơn vị ung bướu trên địa bàn Hà Nội là thuận lợi và hợp lý vì nơi họ sống chưa có đơn vị điều trị ung bướu và cách Hà Nội khoảng 25 - 30 km - tương đương về địa lý với người dân sống tại ngoại thành Hà Nội. Do đó, quy định trên cần điều chỉnh để người bệnh được thực sự thuận lợi. (1294)

 

10.     THU HỒI SẢN PHẨM MEDIKIDS DÀNH CHO TRẺ BIẾNG ĂN

 

Thanh tra Bộ Y tế vừa ban hành quyết định thu hồi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Medikids do không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.

Thanh tra Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về việc thu hồi sản phẩm thực phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm của Công ty Cổ phần Thương mại Medipharm Việt Nam.

Cụ thể, sản phẩm bị thu hồi là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Medikids, số lô 011016, ngày sản xuất 7/5/2018, hạn sử dụng 6/5/2021.

Nguyên nhân bị thu hồi là do mẫu sản phẩm Medikids thuộc số lô trên của Công ty cổ phần Thương mại Medipharm Việt Nam sản xuất có kết quả kiểm nghiệm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng về chỉ tiêu chất Sorbat. 

Bộ Y tế yêu cầu Công ty Cổ phần Thương mại Medipharm Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thu hồi và xử lý sản phẩm trên, báo cáo với Thanh tra Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm về kết quả thu hồi, xử lý sau thu hồi. Thời hạn thu hồi đối với lô sản phẩm vi phạm là 10 ngày kể từ ngày 12/9.

Medikids là sản phẩm được quảng cáo có tác dụng giúp dễ ngủ, an thần, tạo giấc ngủ ngon, bổ sung canxi, axit amin và vitamin cần thiết cho trẻ suy dinh dưỡng, biếng ăn, gầy yếu, mới ốm dậy và giúp trẻ ăn ngon miệng,...

Cảnh báo, Người tiêu dùng không nên sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Medikids do không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. (301)

 

11.   Nấm kim châm "3 không" độc hại tràn lan trên thị trường

Nấm kim châm được các bà nội trợ khá ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao. Nhưng điều đáng lo ngại là một số lượng không nhỏ loại nấm cao cấp này được bày bán tràn lan trên thị trường, không hạn sử dụng, không nhãn mác, không được bảo quản lạnh.

Loại nấm này rất khó trồng tại điều kiện khí hậu Việt Nam và thị phần nấm trồng trong nước không đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân bởi một ngày, số lượng nấm tiêu thụ có thể lên tới hàng chục tấn.

Nấm kim chân được bán trên thị trường không chỉ thông tin mập mờ mà hạn sử dụng của sản phẩm cũng không có, mặc dù bao bì sản phẩm ghi cụ thể: “Hạn sử dụng ghi trên nhãn phụ”. Điều này rất nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng bởi họ không thể biết được sản phấm này đã được đóng gói bao lâu trước khi đến tay họ. Bộ Y tế đã từng khuyến cáo, thực phẩm khi để quá hạn sẽ tồn tại nhiều vi khuẩn gây bệnh, gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của người sử dụng. Theo các chuyên gia khuyến cáo, nấm phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 1 - 5 độ C mới an toàn. Nếu để quá hạn, nấm sẽ tồn tại vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng, ngoài ra còn có thể xuất hiện các loại độc tố nguy hiểm có khả năng gây ngộ độc.

Phần lớn những người tiêu dùng đều tin tưởng lựa chọn các loại nấm có thông tin là các dòng chữ tiếng Việt in trên nhãn mác, nguồn gốc Việt Nam nhưng thật chất đó lại là những cây nấm không được sản xuất tại Việt Nam. Bên dưới những thông tin này có dòng chữ rất nhỏ, rất khó phát hiện khi không quan sát kĩ: “Product of China” (sản phẩm của Trung Quốc).(341)

 

12.    Công ty CP Dược phẩm PQA từng bị xử phạt vì quảng cáo sai phép

Mặc dù vào tháng 9/2015 Công ty CP Dược phẩm PQA (Cty PQA) đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt 30 triệu đồng vì quảng cáo hàng loạt thực phẩm chức năng sai phép. Nhưng Cty này vẫn ngang nhiên quảng cáo các sản phẩm Siro PQA, PQA nhuận tràng,… như loại thuốc “thần dược” có khả năng điều trị và chữa bệnh hiệu quả, tận gốc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống, vào tháng 9/2015, Cty PQA (ở đường 10, xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng: Tam hoàng giải độc PQA, Cao lỏng mát gan PQA, PQA Gút, Hồng Sâm Bổ Phổi, PQA Nhuận Tràng, PQA An Thần, PQA Thư Giãn Xương Khớp trên các website: www.pqa.com.vn, www.thuocdongypqa.vn, www.pqa.vn, thuocnampqa.com,

 duocphampqa.com.vn, thaoduocpqa.com.vn mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Ngoài ra, Cty PQA cũng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng (hay còn gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe – PV): Nhuận tràng, Siro PQA, PQA Ngọc tố nữ trên các website www.pqa.com.vn, www.thuocdongypqa.vn, www.pqa.vn, thuocnampqa.com, duocphampqa.com.vn, thaoduocpqa.com.vn có nội dung không phù hợp với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Với những vi phạm trên Cty PQA đã bị Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt là 30.000.000 đồng.

Tưởng chừng sau khi bị phạt, Cty PQA sẽ nhận thức được những sai phạm trên, qua đó nghiêm túc thực hiện đúng nội dung quảng cáo các sản phẩm đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.

Nhưng thực tế cho thấy, Cty PQA vẫn ngang nhiên thực hiện quảng cáo và giới thiệu các thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) do mình sản xuất Siro PQA; PQA nhuận tràng,… có khả năng chữa bệnh hiệu quả, an toàn và điều trị tận gốc mà không có tác dụng phụ.

Với nội dung quảng cáo này, Cty PQA đã vi phạm về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm là TPBVSK, bởi theo ông Hoàng Tiến Cường - Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn thực thẩm Nam Định cho biết: “Đã là thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì khi quảng cáo không thể dùng từ điều trị hoặc chữa bệnh được, sản phẩm này chỉ hỗ trợ điều trị mà thôi”.

Trong một diễn biến liên quan, ngay sau khi Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đăng tải bài viết: Nam Định: Sản phẩm Siro PQA mập mờ nội dung quảng cáo ‘chữa bệnh chữa tận gốc’?”, phản ánh về việc nhiều khách hàng “tố” Cty PQA thực hiện việc quảng cáo và giới thiệu các sản phẩm TPBVSK có nội dung không đúng quy định pháp luật. Thì hiện nay tất các các website chuyên quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm TPBVSK do Cty PQA sản xuất như: congtyduocphampqa.com; pqa.com.vn; thaoduocpqa.com.vn và

duocphampqa.vn,… đều đồng loạt bị khóa không thể truy cập được.

Đặc biệt, trong đó có cả website được in trên bao bì sản phẩm của công ty này là thuocdongygiatruyenpqa.com.vn cũng không thể truy cập được (!?).

Phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã đặt lịch làm việc với Cục An toàn thực phẩm và sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc. (591)

 

13.   Xác nhận người bị nhiễm chất độc hóa học căn cứ điều kiện gì?

Ông Vũ Ngọc Tênh (Hà Nội) tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ từ tháng 5/1971 đến tháng 9/1977. Ông bị mắc bệnh về thần kinh 15 năm nay, hiện dùng thuốc do bệnh viện tâm thần phát hàng tháng.

Ông Tênh hỏi, ông có được hưởng chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không? Nếu muốn được hưởng thì ông cần làm những thủ tục gì?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định về điều kiện xác nhận đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 1/8/1961 đến 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau: Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; vô sinh; sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.

Các giấy tờ, quy trình xác lập hồ sơ được quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 và Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Trường hợp của ông nếu có đủ điều kiện và các giấy tờ theo quy định nêu trên thì liên hệ với cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội ở địa phương để được xem xét hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền. (327)

 

14.   Cấp cứu kịp thời một ngư dân bị tai biên mạch máu não khi đang đánh cá trên biển

Khoảng 4 giờ sáng nay 23-9, lực lượng cứu nạn hàng hải đã đưa thuyền viên gặp nạn về đến Đà Nẵng và đưa đi cấp cứu kịp thời. 

Trước đó, vào lúc 23 giờ 42 phút ngày 22-9, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) nhận được thông tin tàu ĐNa 90727TS do ông Nguyễn Quang Quân (thường trú tại Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) khi đang hành nghề ở vùng biển Thừa Thiên Huế thì thuyền viên tên Trần Văn Minh (29 tuổi, quê quán Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam) bị tai biến mạch máu não, hôn mê bất tỉnh. Tàu yêu cầu cứu nạn khẩn cấp.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm cấp cứu y tế 115 Đà Nẵng tư vấn y tế, hướng dẫn hải trình nhanh nhất cho tàu chạy về bờ và duy trì thông tin liên lạc.

Đồng thời điều động tàu SAR412 khẩn trương rời bến đi cứu nạn lúc 0 giờ 54 ngày 23-9. Trung tâm cấp cứu y tế 115 Đà Nẵng cũng cử 1 ê kíp y, bác sĩ và trang thiết bị cùng đi theo tàu.

Đến 2 giờ 30 cùng ngày, tàu SAR 412 tiếp cận tàu ĐNa 0727TS, lực lượng cứu nạn hàng hải cùng các y bác sĩ nhanh chóng triển khai cấp cứu bệnh nhân ngay trên biển, chuyển lên tàu SAR412 để được điều trị tích cực và khẩn trương chuyển hướng hành trình về bờ. 

Đến 4 giờ sáng hôm nay 23-9, lực lượng cứu nạn hàng hải đã đưa thuyền viên gặp nạn về đến Đà Nẵng.

Nhờ được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân bước đầu đã vượt qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe hiện vẫn còn rất yếu. Trung tâm cấp cứu y tế 115 Đà Nẵng đã chuyển bệnh nhân vào bệnh viên địa phương để tiếp tục điều trị. (332)

 

15.   Thuốc lá chứa 7.000 tạp chất và 70 chất gây ung thư

Khói thuốc lá có hơn 7.000 tạp chất, trong đó có 70 độc tính gây nên các bệnh ung thư dẫn đến chết người.

Hàng năm, thuốc lá gây nên cái chết cho gần 6 triệu người trên thế giới và hàng trăm nghìn cái chết cho những người hút thuốc lá thụ động.

Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn HIV

Trao đổi với Báo Giao thông, BS Đặng Quốc Khánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ y dược và trang thiết bị y tế (Cục Y tế GTVT) cho biết, một số nghiên cứu chỉ ra nicotin trong thuốc lá có thể cải thiện sự tập trung và chú ý. Tuy nhiên, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư… Đó là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư. “Suy giảm trí nhớ ngắn hạn có nghĩa là bạn sẽ hay quên những công việc phải làm trong tương lai gần. Ví dụ, quên lịch hẹn, quên uống thuốc, quên tắt vòi nước, đánh răng hoặc trả lời email… Giảm khả năng điều hành nghĩa là bạn không thể lập kế hoạch làm việc tốt. Còn sự tập trung nghĩa là bạn luôn bị các yếu tố bên ngoài làm phiền nhiễu. Trong trường hợp cả ba khả năng trên bị suy giảm, thuốc lá sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên tồi tệ đi rất nhiều, BS. Khánh khẳng định.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giải quyết vấn đề thuốc lá là nhiệm vụ hàng đầu để tăng cường tuổi thọ trung bình cho mọi người dân trên thế giới. Thống kê tại Mỹ và Anh cho thấy hút thuốc gây ra nhiều cái chết hơn cả virus HIV, ma túy, nghiện rượu, TNGT và các vụ án mạng cộng lại. Tại Việt Nam, có khoảng 15 triệu người hút thuốc lá hàng ngày, con số đáng báo động này đang có xu hướng ngày càng tăng nhanh và có nguy cơ trẻ hóa ngày một cao. Ở nước ta, mỗi giờ có 5 ca tử vong và mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh liên quan tới tác hại của thuốc lá, gấp 4 lần số người chết vì TNGT hàng năm.

Bỏ thuốc lá sẽ giúp cải thiện não bộ

BS. Khánh cho biết, nghiên cứu trên những người bỏ thuốc lá cho thấy họ có sự cải thiện trong hoạt động não bộ. Chẳng hạn như vỏ não, lớp ngoài cùng đóng vai trò xử lí thông tin và ghi nhớ, được gia tăng độ dày khi một ai đó bỏ thuốc. Khi chúng ta càng lớn tuổi, vỏ não càng mỏng lại, nhưng nếu hút thuốc, bạn có thể làm cho nó giảm độ dày nhanh hơn rất nhiều.

Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày - lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.

Theo BS. Khánh, cai thuốc lá có thể giảm phần nào tác động tới vỏ não. Trong quá khứ, đã từng có nhiều liệu pháp cai thuốc bằng việc sử dụng nicotin thay thế, chẳng hạn như nhai kẹo cao su, sử dụng miếng dán, thuốc xịt mũi chứa nicotine. Những biện pháp này thường mất khoảng 8 - 12 tuần để cho kết quả đầu tiên.

“Dù vậy, người hút thuốc vẫn không thể đạt tới độ dày vỏ não bằng những người bình thường. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tác hại của thuốc lá trên cơ thể con người có thể kéo dài hàng thập kỷ và không thể đảo ngược. Bởi vậy, tốt nhất bạn không nên động tới những điếu thuốc”, BS. Khánh khuyến cáo.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ GTVT, người hút nên bỏ thuốc lá thay vì giảm số lượng thuốc. Bởi trong thuốc lá có chất nicotine đây là chất gây nghiện, người hút sẽ rất khó bỏ khi giảm lượng thuốc. Đồng thời chỉ rõ hiệu quả khi cai thuốc lá dứt điểm. Cụ thể, trong 20 phút sau khi hút điếu thuốc lá cuối cùng, nhịp tim người hút đã giảm xuống và hoạt động bình thường trở lại. Huyết áp bắt đầu giảm và hệ tuần hoàn có thể bắt đầu cải thiện.

It nhất 1 ngày sau khi bỏ thuốc, huyết áp của người bỏ thuốc bắt đầu giảm, làm giảm nguy cơ bệnh tim do huyết áp cao. Trong thời gian ngắn này, mức oxy của người bỏ thuốc sẽ tăng, làm cho hoạt động thể chất và tập thể dục trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy những thói quen lành mạnh cho tim. Sau 1 tháng, chức năng phổi bắt đầu cải thiện. Khi phổi lành lặn trở lại và khả năng phổi cải thiện, người hút thuốc trước đây có thể nhận thấy ít bị ho và thở dốc. Họ sẽ tăng sức bền thể thao và tăng khả năng cho các hoạt động tim mạch như chạy và nhảy. (991)

 

16.   Rơi nước mắt nghe ước mơ của bệnh nhi ung thư trước ngày lễ trăng rằm

 “Ước gì  con có một chiếc chân giả để có thể đi lại được bình thường; Ước gì con được ăn tất cả các món ngon, trước khi con… chết; Ước gì mẹ không còn phải thức đên chăm con ốm…”.

Những chú hạc giấy chở ước mơ…

Lời MC cất lên khi đọc những ước mơ các bệnh nhi gửi gắm trong những con hạc giấy treo trên “Cây điều ước” tại chương trình Giao lưu nghệ thuật gây Quỹ hỗ trợ người bệnh ung thư nghèo - với chủ đề “Ngày mai tươi sáng” diễn ra tối 22/9 khiến cả khán phòng như nghẹn lại.

Người dẫn chương trình chia sẻ, "Cây điều ước" lúc đầu chỉ là những cành cây khô, nhưng sau một thời gian rất ngắn được đặt tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cây đã lúc lỉu những chú hạc giấy nhiều sắc màu, chở bao ước mơ của các em nhỏ bị bệnh ung thư.

“Ước gì con có một chiếc chân giả để có thể đi lại được bình thường; Ước gì con được ăn tất cả các món ngon, trước khi con… chết; Ước gì mẹ không còn phải thức đêm chăm con ốm…”.

Ngay khi lời ước được đọc lên, bác sĩ Phó giám đốc BV Đa khoa Tâm Anh đã đứng lên, xin để các cán bộ nhân viên bệnh viện được giúp bé thực hiện ước mơ có đôi chân giả. Hình ảnh cậu bé Hải Anh 11 tuổi (hiện đang điều trị tại BV K Tân Triều) tràn nước mắt khi điều ước thành hiện thực; hình ảnh em được người bố bó nhỏ gắng gượng bế em lên sân khấu khiến nhiều người rơi nước mắt.

Cảm thương những số phận không may mắn, nhất là những em nhỏ bị ung thư di căn phải cắt chân, cán bộ nhân viên BV Tâm Anh xin tặng thêm một đôi chân giả nữa cho em nhỏ không may mắn. Và thêm một bé gái tên Linh cũng đã bị cắt một chân, phải di chuyển bằng nạng đã nhận được món quà í nghĩa trong đêm trung thu.

Sự xuất hiện của hai bố con bé Gấu – con của cố Thiếu úy Đặng Huyền Trâm – người mẹ vĩ đại đã từ chối điều trị ung thư để giành sự sống cho con tại buổi giao lưu cũng khiến nhiều người dâng trào nước mắt.

Hình ảnh bé Gấu nhỏ bé, thở thoi thóp trên giường bệnh do buộc phải sinh non ở tuần 29 (khi đó em chỉ nặng 1,2kg), với người mẹ ung thư phổi giai đoạn cuối được gặp con một lần duy nhất, nói chuyện, dặn dò con qua kính ngăn lồng ấp khiến nhiều người sụt sùi thương cảm.

Sau hơn hai năm, nay bé Gấu đã tròn 26 tháng tuổi, nặng 12kg, hiện bé đã đi học và rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn và bố bé luôn mong mỏi “con khỏe mạnh, để sống cho cả phần đời của mẹ”.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương đã dành tặng cho bé một món quà nhỏ ấm áp nghĩa tình nhân dịp Tết Trung thu đến gần và mong con khỏe mạnh, học tập tốt.

Một tin nhắn, triệu nghĩa tình

Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Số ca mắc mới ung thư tăng dần theo từng năm, nếu như năm 2000 Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, thì năm 2015 lên đến 150.000 ca mắc mới. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người.

GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, bệnh ung thư đang là vấn đề lớn của cộng đồng. Thực tế điều trị cho thấy, phần lớn người bệnh đến khám chữa bệnh khi bệnh ung thư đã ở giai đoạn muộn, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nhiều trường hợp thương tâm dù biết có thể được chữa khỏi bệnh nhưng do không đủ tiền chi trả nên đã từ chối điều trị.

Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế được thành lập ngày 18/8/2011. Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng ra đời từ tình cảm của cán bộ ngành Y tế dành cho người bệnh ung thư nghèo và vì người bệnh ung thư nghèo.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao hoạt động của Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng. Theo Bộ trưởng, hoạt động của Quỹ vừa mang tính chuyên môn vừa mang tính xã hội, đã trở thành địa chỉ tin cậy, là nguồn động lực lớn lao giúp những người bệnh kém may mắn có thể tiếp tục sống và thậm chí, sống khỏe mạnh. Do đang đi công tác không thể có mặt, Bộ trưởng cũng ủng hộ Quỹ cố tiền 10 triệu đồng.

Trong hơn 7 năm qua, Quỹ đã phát triển rất nhanh, mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả, được rất nhiều cơ quan, tổ chức và các nhà hảo tâm ủng hộ. Quỹ đã vận động, tổ chức hỗ trợ điều trị và tặng quà cho hơn 21.500 bệnh nhân ung thư nghèo trên toàn quốc trị giá hơn 27 tỷ đồng; Quỹ đã và đang hỗ trợ thuốc điều trị ung thư cho bệnh nhân trị giá hơn 400 tỷ đồng.

Quỹ cũng đã tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cho hơn 70.000 người dân trị giá hơn 41 tỷ đồng; thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên 5 câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú tại 5 thành phố lớn; tổ chức các Ngày hội Vì phụ nữ, vì Ngày mai, các Diễn đàn phòng chống ung thư...

PGS.TS Lê Văn Quảng – Phó Giám đốc BV K Trung ương, người đã đồng hành với bệnh nhân ung thư gần 20 năm qua cho biết, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng đã đem lai nhiều ý nghĩa, hỗ trợ bệnh nhân về vật chất, kinh phí để điều trị bệnh, cung cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân, nhờ đó nhiều bệnh nhân được cứu sống, kéo dài cuộc sống.

PGS Quảng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của sự phát hiện bệnh sớm. Với những trường hợp bệnh được phát hiện sớm thì tỉ lệ chữa khỏi càng cao. Chẳng hạn với bệnh ung thư cổ tử cung nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỉ lệ chữa khỏi bệnh lên đến 100%. Chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, người dân nên đi khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư nhất là từ 40 tuổi trở đi, hoặc những người có nguy cơ cao, người có người thân mắc ung thư thì nên tầm soát sớm.

Cũng nhân dịp này, ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 6 tập thể và 7 cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng.

Do điều kiện công tác không thể tham dự được chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ủng hộ cho Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng 10 triệu đồng. Rất nhiều nhà hảo tâm khác cũng đã tham gia ủng hộ cho bệnh nhân ung thư nghèo ngay tại chương trình.

Để ủng hộ bệnh nhân ung thư, cộng đồng có thể gửi tin nhắn theo cú pháp UT gửi đến 1406 sẽ là một thông điệp yêu thương gửi đến người bệnh và có thêm 15.000 đồng được chuyển tới các chương trình hỗ trợ bệnh nhân, bệnh nhi ung thư nghèo. Chiến dịch phát động từ ngày 10/09 đến hết ngày 08/11/2018.

Kết thúc chương trình đã kêu gọi được gần 42 tỉ đồng ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo - trong đó có 16.704 tin nhắn, với số tiền 250.560.000 đồng.(1385)

 

17.   Muôn kiểu các loại ma túy mới đầu độc giới trẻ

Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới tại Việt Nam, thậm chí chưa có trong danh mục cấm. Chúng đều được ngụy trang rất tinh vi bằng các loại đồ ăn, thức uống như lá cây, nấm, trà sữa… để dễ qua mặt cơ quan chức năng.

Lá khát

Lá khát hay còn gọi là lá thiên đường (hay kat, qat, ghat hoặc chat) là một cây lâu năm được trồng nhiều bởi người dân châu Phi.

Mức độ nguy hiểm của lá khát lớn gấp nhiều lần ma túy đá

Ở nhiều nước Châu Phi, người ta sử dụng lá khát như nhai trầu hay phơi khô, chế biến thành nước để uống như uống cà phê. Tuy nhiên, những năm gần đây, sau một số nghiên cứu, cơ quan quản lý tại Mỹ và nhiều nước châu Âu khác đưa lá khát vào danh mục ma túy đặc biệt nguy hiểm.

Nghiên cứu của Trung tâm Giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cho thấy, lá khát có chứa chất cathinone, sử dụng loại thảo dược này sẽ tạo ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, có hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực, hoặc muốn tự tử. Mức độ nguy hiểm của lá khát lớn gấp nhiều lần ma túy đá và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần.

Cỏ Mỹ

Cỏ Mỹ không có nguồn gốc từ tự nhiên, nó là nhóm các chất cần sa tổng hợp được tẩm ướp dưới dạng thảo mộc.

Cỏ Mỹ được xếp vào danh mục chất cấm vì nó chứa chất gây nghiện XLR -11 có tên khoa học 5-Fluoro-UR-144 (C21H28FNO ). Chất này được phát hiện đầu tiên ở California vào năm 1979.

Khi sử dụng cỏ Mỹ sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần, giãn đồng tử, kích động, căng thẳng, lo lắng, có thể có những tư tưởng cực đoan gây hại cho mình và người khác.

Nếu sử dụng với liều lượng cao trong thời gian từ 3 tháng trở lên thì hầu như người nghiện không còn khả năng hồi phục não bộ.

Nấm thức thần

Nấm thức thần hay còn gọi là nấm thần, nấm ma thuật, có chứa chất ma túy psilocine và psilocybine , là chất gây ảo giác có trong danh mục chất ma túy bị cấm. Psilocine và psilocybine là hai hoạt chất có trong cây nấm đã bị đưa vào Công ước Liên Hiệp Quốc từ năm 1971 và hiện bị cấm tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Qua quan sát bằng mắt thường thì những cây nấm trên không khác gì nấm ăn, thậm chí nó cũng có mùi thơm tương tự nấm rơm. Tuy nhiên, bên trong mỗi cây nấm có chứa chất ma túy cực độc.

Sở dĩ loại nấm này được giới trẻ quan tâm và được nhiều “con nghiện” tìm mua bởi chất gây “phê” không khác gì loại ma túy khác, thậm chí còn hơn cả ma túy đá.

Các chuyên gia cảnh báo, loại ma túy mới này nguy hiểm không khác các loại ma túy đã phát hiện trước đó. Người thể trạng yếu có thể bị kiệt sức, không thể thoát khỏi ảo giác nếu không có sự đánh thức của người khác. Và càng dùng nhiều, càng lệ thuộc vào nó.

“Trà sữa, nước vui”

Đây là loại ma túy này có mùi thơm như mùi trà sữa - đồ uống ưa thích của giới trẻ. “Nước vui” thường được chứa trong lọ rất đẹp. Thành phần chủ yếu là amphetamine và metamphetamine, là 2 chất có tác dụng kích thích trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương.

Sau khi các loại ma túy trên ngấm vào cơ thể sẽ tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài, đặc biệt khi sử dụng kết hợp với nghe nhạc mạnh. Trên thị trường, “nước vui” được bán với giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/lọ.

Muối tắm

Nah: Trên sản phẩm ma túy muối tắm có dòng chữ "not for human consumption"-không dùng cho con người. 

"Muối tắm" chiết xuất từ lá cây khat. Loại ma túy này được đặt tên trùng với sản phẩm muối dùng pha bồn tắm thư giãn, làm đẹp da, nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.

"Muối tắm" là tên lóng của một loại ma túy có tên hóa học là mephedrone hay cathinone, hoặc hỗn hợp của cả 2 chất trên.

Trên loại ma túy này luôn có dòng chữ "not for human consumption", tức không dùng cho con người. Cách sử dụng tương tự như ma túy đá là đốt hít. Cơ chế tác động của chúng tương tự ma túy đá, cũng gây các triệu chứng loạn thần, ảo giác, dễ dẫn đến bạo lực cho chính bản thân và người xung quanh.

Tem giấy

Loại này được bán dưới hình thức những miếng giấy nhỏ như con tem và có giá khá rẻ.  Loại này được bán dưới hình thức những miếng giấy nhỏ như con tem và có giá khá rẻ. Sử dụng bằng cách dùng lưỡi liếm như dán tem hoặc ngậm đầu lưỡi. Thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD.

Đây là một chất gây ảo giác cực mạnh, nó làm thay đổi hoạt động tâm thần của người dùng, bao gồm thay đổi nhận thức về môi trường xung quanh, thay đổi cảm giác và cảm xúc.

LSD thường được nuốt hoặc đặt dưới lưỡi. Nó thường được bán trên giấy thấm, một viên đường, hoặc gelatin. (950)

 

18.   Chăm sóc sức khỏe người dân biên giới

Thực hiện Chương trình quân dân y kết hợp, Bệnh viện Quân y 91 (Cục Hậu cần Quân khu 1) phối hợp ngành y tế tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà các đối tượng chính sách ở xã Vị Quang, huyện Thông Nông và xã Vân An, huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Biết tin có đoàn công tác của Bệnh viện Quân y 91 (Cục Hậu cần Quân khu 1) đến khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, ông Lương Văn Thòn, xóm Lũng Gà, xã Vị Quang, huyện Thông Nông, dậy từ rất sớm, đi bộ hơn 4 km đến Trường tiểu học - THCS của xã để kịp dự khai mạc chương trình tặng quà, khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí. Sau khi được các y sĩ, bác sĩ khám tổng thể: Ðo huyết áp, siêu âm, điện tim, khám răng - hàm - mặt, sàng lọc các bệnh liên quan tới đường hô hấp và một số bệnh thường gặp, ông Thòn phấn khởi nói: “Tôi bị ho khan từ lâu rồi, lại đau dạ dày, chưa có điều kiện đi khám bệnh, chữa bệnh cho nên lo lắm. Nay được các bác sĩ quân y về khám bệnh, cấp thuốc, còn hướng dẫn cách vệ sinh phòng bệnh, bây giờ tôi yên tâm hơn rất nhiều. Tuy chưa uống thuốc nhưng tôi có cảm giác như bệnh của mình cũng đỡ đi phần nào rồi…!”.

Vị Quang là xã vùng cao biên giới của huyện Thông Nông. Toàn xã có 948 khẩu nhưng đều là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế; kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 56,7%; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; người dân ít có điều kiện được khám bệnh, kiểm tra sức khỏe… Do địa bàn xã rộng, núi non hiểm trở, đường đi lối lại khó khăn, cho nên nhiều người dân đến khám muộn, song với tinh thần vì nhân dân phục vụ, các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 91 tranh thủ thời gian, kể cả giờ nghỉ trưa tận tình khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Những trường hợp như: thương binh Lương Văn Noọng, ở xóm Phia Bủng; bà Lương Thị Lìn (vợ liệt sĩ), ở xóm Nà Xo, do tuổi cao, sức yếu không đến khám bệnh tập trung được, Bệnh viện Quân y 91 cử tổ công tác lưu động đến tận nhà để khám bệnh, tư vấn sức khỏe, động viên và tặng quà.

“Biết tin có đoàn bác sĩ quân y về xã, tôi rất muốn đến khám để xem sức khỏe, bệnh tình của mình ra sao. Nhưng vì tuổi cao, sức yếu, nhà lại ở xa cho nên tôi không đi được. Nay được các bác sĩ quân y không quản ngại khó khăn, vất vả đến tận nhà khám bệnh, cấp thuốc, còn tặng quà, tôi và gia đình cảm ơn các bác sĩ quân y và bộ đội Quân khu 1 rất nhiều” - Bà Lương Thị Lìn xúc động chia sẻ.

Cùng với đó, đoàn công tác còn phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống khoa học, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và kế hoạch hóa gia đình. Ðại úy Cao Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Khoa ngoại chuyên khoa, Bệnh viện Quân y 91 cho biết, đồng bào dân tộc vùng cao thường uống nhiều rượu, lại vệ sinh răng, miệng không đúng cách, vì vậy thường hay mắc các bệnh về gan, đường tiêu hóa, hô hấp và tăng huyết áp. Những người mắc bệnh thông thường đều được các bác sĩ kê đơn, cấp thuốc, hướng dẫn cách điều trị; các trường hợp bệnh nặng, mãn tính được kê đơn thuốc, tư vấn và giới thiệu về bệnh viện tuyến trên để khám, điều trị.

Đại tá Trần Tuấn Anh, Chủ nhiệm Quân y, Cục Hậu cần Quân khu 1 cho biết: Ðợt về công tác tại xã Vị Quang vừa qua, Ðoàn công tác đã tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 300 lượt người; trao 100 suất quà (300 nghìn đồng/suất) tặng các đối tượng chính sách trên địa bàn. Ðồng thời, đoàn công tác còn tiến hành khảo sát để có phương án hỗ trợ trang, thiết bị và nâng cấp trạm y tế xã. Ðây là hoạt động thiết thực không chỉ góp phần chăm lo sức khỏe người dân, mà còn củng cố tình đoàn kết quân dân, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân các dân tộc nơi vùng cao biên giới. (825)

19.  Hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, phòng khám ứng dụng công nghệ MBBR

MBBR là công nghệ mới nhất hiện nay trong lĩnh vực xử lý nước thải vì tiết kiệm được diện tích và hiệu quả xử lý cao.

Việc xử lý nước thải nói chung cũng như xử lý nước thải y tế nói riêng là một trong những vấn đề cấp bách đang được các cơ quan chức năng quan tâm nhất. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tích cực góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động đến thiên nhiên và tăng cường chất lượng đời sống con người.

Nguồn nước thải từ bệnh viện, cơ sở y tế phần lớn là nước thải thông thường từ nhà vệ sinh, nhà ăn, giặt ga giường và trang phục, khu vực phẫu thuật, rửa dụng cụ thiết bị y tế, khu khám chữa bệnh, xét nghiệm, điều trị, nghiên cứu đào tạo,… Bên cạnh đó, tuy chiếm một phần nhỏ nhưng phải kể đến nước thải từ hoạt động in chụp X-quang, các chất phóng xạ lỏng và bệnh phẩm, vốn là phần nước thải nguy hại chứa rất nhiều chất độc hại, nồng độ kháng sinh và vi khuẩn gây bệnh cao.

Nếu không được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường, nước thải y tế sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái trong nguồn nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tạo nên nguy cơ ô nhiễm, lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Các chất ô nhiễm trong nước thải không được xử lý không những ảnh hưởng trực tiếp đến nước ao, hồ, sông mà còn ngấm xuống đất, tích lũy tồn đọng trong nguồn nước ngầm. Nguồn nước thải chứa vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người, động vật qua nguồn nước và các loại rau được tưới nước thải.

Chính vì vậy, việc xây dựng một hệ thống xử lý nước thải y tế hợp lý, tiết kiệm diện tích và chi phí, đảm bảo an toàn đầu ra chính là một vấn đề hết sức quan trọng. Chất lượng của một hệ thống xử lý nước thải y tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lựa chọn công nghệ xử lý, lựa chọn các thiết bị xử lý,… tùy từng mô hình, quy mô công trình.

Hiện nay, có nhiều công nghệ xử lý nước thải đang được sử dụng nhiều và một trong số đó chính là MBBR. Công nghệ MBBR (viết tắt của cụm từ Moving Bed Biofilm Reactor) là quá trình xử lý nhân tạo trong đó sử dụng các vật liệu làm giá thể cho vi sinh bám dính vào để sinh trưởng và phát triển. Đây vốn là sự kết hợp giữa phương pháp Aerotank truyền thống và lọc sinh học hiếu khí.

Được hiểu là công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp vi sinh với các giá thể dính bám lơ lửng, quá trình xử lý nước thải bằng công nghệ MBBR sử dụng vi sinh hiếu khí kết hợp với các giá thể đặt chìm trong bể sinh học. Bể sinh học kết hợp giá thể lơ lửng MBBR gồm 2 loại: bể hiếu khí và bể thiếu khí. Trong bể hiếu khí, sự chuyển động của các giá thể được tạo thành do sự khuyếch tán của những bọt khí có kích thước trung bình từ máy thổi khí. Trong khi đó ở bể thiếu khí thì quá trình này được tạo ra bởi sự xáo trộn của các giá thể trong bể bằng cánh khuấy.

Trong bể MBBR, hệ thống cấp khí được cung cấp để tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí sinh trưởng và phát triển. Đồng thời quá trình cấp khí phải đảm bảo được các vật liệu luôn ở trạng thái lơ lửng và chuyển động xáo trộn liên tục trong suốt quá trình phản ứng. Vi sinh vật có khả năng phân giải các hợp chất hữu cơ sẽ bám dính và phát triển trên bề mặt các vật liệu. Các vi sinh vật hiếu khí sẽ chuyển hóa các chất hữu cơ trong nước thải để phát triển thành sinh khối.

Quần xã vi sinh sẽ phát triển và dày lên rất nhanh cùng với sự suy giảm các chất hữu cơ trong nước thải. Khi đạt đến một độ dày nhất định, khối lượng vi sinh vật sẽ tăng lên, lớp vi sinh vật phía trong do không tiếp xúc được nguồn thức ăn nên chúng sẽ bị chết, khả năng bám vào vật liệu không còn. Khi không bám được lên bề mặt vật liệu chúng sẽ bị bong ra rơi vào trong nước thải. Một lượng nhỏ vi sinh vật còn bám trên các vật liệu sẽ tiếp tục sử dụng các hợp chất hữu cơ có trong nước thải để hình thành một quần xã sinh vật mới.

Vi sinh vật bám trên bề mặt vật liệu lọc gồm 3 loại: lớp ngoài cùng là vi sinh vật hiếu khí, tiếp là lớp vi sinh vật thiếu khí, lớp trong cùng là vi sinh vật kỵ khí. Trên bề mặt giá thể, các vi sinh vật bám vào và tạo thành lớp bùn vi sinh. Tại lớp trong cùng của bề mặt giá thể, chủng vi sinh vật kỵ khí phát triển mạnh mẽ xử lý các hợp chất hữu cơ cao phân tử. Tại lớp gần ngoài cùng thì chủng vi sinh thiếu khí phát triển mạnh sẽ khử Nitrat thành N2 thoát ra khỏi môi trường nước thải.

Sau khi được khử toàn bộ các thành phần ô nhiễm thì nước thải được tách phần bùn vi sinh hiếu khí ra khỏi dòng nước thải tại bể lắng. Bùn trong bể lắng được bơm về bể sinh học thiếu khí để duy trì lượng bùn sinh học trong bể và để bể thiếu khí khử lượng Nitrat còn lại trong dòng thải. Sau một thời gian, bùn trong bể sinh học nhiều sẽ được xả bớt.

Trong nước thải sinh hoạt, Nitơ chủ yếu tồn tại ở dạng Amoniac, hợp chất Nitơ hữu cơ. Vi sinh vật hiếu khí sẽ chuyển hóa hợp chất Nitơ về dạng Nitrite, Nitrate. Tiếp tục vi sinh vật thiếu khí và kỵ khí sẽ sử dụng các hợp chất hữu cơ trong nước thải làm chất oxy hóa để khử Nitrate, Nitrite về dạng khí N2 bay lên. Mặt khác quá trình Nitơ một phần còn được thực hiện tại bể lắng sinh học. Vì vậy, hiệu quả xử lý hợp chất Nitơ, Photpho trong nước thải sinh hoạt của công trình này rất tốt.

MBBR là công nghệ mới nhất hiện nay trong lĩnh vực xử lý nước thải vì tiết kiệm được diện tích và hiệu quả xử lý cao. Công nghệ MBBR được đánh giá cao bởi vì vật liệu làm giá thể có tỷ trọng nhẹ hơn nước đảm bảo điều kiện lơ lửng được. Các giá thể này luôn chuyển động không ngừng trong toàn thể tích bể nhờ các thiết bị thổi khí và cánh khuấy, qua đó mật độ vi sinh ngày càng gia tăng, hiệu quả xử lý ngày càng cao.

Khi sử dụng công nghệ xử lý MBBR sẽ làm tăng hiệu quả xử lý BOD, COD gấp 1,5 – 2 lần so với bể sinh học hiếu khí bình thường. Đặc biệt là khả năng xử lý Nitơ cao – điều mà các bể sinh học hiếu khí thông thường không có được.(1268)

 

20.     THẨM MỸ VIỆN D'VINCY BỊ XỬ PHẠT DO QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHI CHƯA ĐƯỢC XÁC NHẬN

 

Với hành vi quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ mà không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, Thẩm mỹ viện D'Vincy đã bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ra quyết định xử phạt.

Sau khi tiến hành thanh kiểm tra tình hình hoạt động thực tế của Thẩm mỹ viện D'Vincy, (địa chỉ 458 đường Xã Đàn, quận Đống Đa, TP. Hà Nội; giấy phép hoạt động số 735/HNO – GPHĐ do bác sỹ Trần Xuân Thạch phụ trách chuyên môn), ngày 12/7/2018, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định số 256 về xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở làm đẹp này.

Theo đó, với hành vi quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ mà không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, Thẩm mỹ viện D'Vincy bị xử phạt với số tiền 17,5 triệu đồng.

Cùng với việc xử phạt, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu cơ sở này khắc phục hậu quả bằng việc buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trên internet mà không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận nội dung trong thời gian 7 ngày từ khi ra quyết định xử phạt.

Quyết định xử phạt cũng yêu cầu người phụ trách chuyên môn của Thẩm mỹ viện D'Vincy có trách nhiệm nộp tiền phạt trong thời gian 10 ngày từ ngày quyết định xử phạt được ban hành.

Trao đổi với PV, đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ tiếp nhận những phản ánh từ báo chí liên quan đến dấu hiệu vi phạm từ các cơ sở khám chữa bệnh thuộc diện quản lý trên địa bàn, tiến hành kiểm tra và ra quyết định xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.​

Thăm dò ý kiến