Rung toàn thân nghề nghiệp

24/11/2018 | 07:22 AM

 | 

Rung toàn thân nghề nghiệp

     Rung toàn thân là hiện tượng xảy ra khi các máy móc, thiết bị gây rung tác động lên toàn bộ cơ thể người công nhân ở tư thế đứng (qua chân) hoặc tư thế ngồi (qua mông).

     Rung nghề nghiệp được chia làm hai loại: rung cục bộ và rung toàn thân. Rung cục bộ xảy ra khi công nhân tiếp xúc với các thiết bị, máy móc với tần số cao còn rung toàn thân có đặc điểm là rung với tần số thấp. Rung toàn thân có tác động rất nghiêm trọng đối với sức khoẻ của công nhân làm việc và nó đã được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp năm 2011 (Hướng dẫn chẩn đoán giám định theo phụ lục 20 Thông tư 15/2016/BYT).

 Những ai dễ bị rung toàn thân?

     Công nhân sử dụng máy sàng tuyển than, lái các xe vận tải lớn, máy xúc, máy ủi, máy nâng hoặc những người đứng trên mặt sàn có nhiều độ rung là những người dễ có nguy cơ bị rung toàn thân nghề nghiệp. Những người lái xe với tốc độ quá cao trên những đoạn đường gồ ghề, không bằng phẳng hay những người điều khiển các phương tiện quá hạn sử dụng trên những đoạn đường có chất lượng không tốt cũng dễ có nguy cơ bị bệnh. Mức độ rung toàn thân có thể khác nhau tuỳ theo tuổi, điều kiện làm việc, loại phương tiện, kết cấu cầu đường hay kỹ năng điều khiển phương tiện của công nhân. Thời gian tiếp xúc tối thiểu với các yếu tố tác hại là 5 năm và thời gian bảo đảm là 6 tháng.

Và ảnh hưởng đối với cơ thể

     Rung toàn thân ảnh hưởng đến sự hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh gây rối loạn tiền đình, chóng mặt, nhức đầu dai dẳng, buồn nôn, tình trạng suy nhược gây mất ngủ, co giật nhãn cầu. Bên cạnh đó, rung toàn thân còn gây rối loạn chức năng của hệ thần kinh thực vật làm cho các bệnh mạn tính sẵn có trở nên trầm trọng hơn. Kết quả chụp Xquang trên những công nhân lái xe trọng tải lớn cho thấy 30% trường hợp có dấu hiệu co thắt toàn bộ ống tiêu hoá và 25% mắc bệnh dạ dày nghiêm trọng. Thậm chí với các rung tần số 7Hz có thể gây nên di lệch sa dạ dầy, ruột cùng một số tạng khác trong ổ bụng. Kết quả chụp X quang và khám lâm sàng cho 322 thợ lái máy bị tác động của rung xóc cho thấy 80% các trường hợp bị sa dạ dày.

     Tác hại nghề nghiệp nghiêm trọng nhất do rung toàn thân là gây tổn thương vùng thắt lưng. Đau thắt lưng gặp nhiều ở nghề lái xe do rung toàn thân kết hợp với tư thế ngồi. Ở những trường hợp này, tỉ lệ thoát vị đĩa đệm tăng lên gấp 04 lần, trong khi đó, đối với người lái xe bình thường, nguy cơ này chỉ tăng lên 02 lần. Rung toàn thân còn là nguyên nhân gây đau thắt lưng do thoái hoá đốt sống và rối loạn chức năng cột sống.                               

Biểu hiện của rung toàn thân do nghề nghiệp

     Những công nhân bị rung toàn thân do nghề nghiệp thường có triệu chứng toàn thân mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn thần kinh thực vât. Thống kê cho thấy những công nhân lái xe trọng tải lớn thường có biểu hiện mệt mỏi nghiêm trọng, mất ngủ thường xuyên sau mỗi ca làm việc.

Triệu chứng đau thắt lưng ở những công nhân bị rung toàn thân rất rõ rệt với tần số đau thắt lưng nhiều hơn 05 lần/năm và rất đau, khó chịu vùng thắt lưng, đi lại sinh hoạt bị hạn chế, cần sự giúp đỡ của người khác. Ngoài ra, họ còn có các biểu hiện như đau vùng trước ngực, ợ hơi, ợ chua, đầy chướng bụng, có thể có xuất huyết dạ dầy, tiểu buốt, tiểu dắt, bí tiểu hay nước tiểu đục, đỏ…

Hầu hết các trường hợp rung toàn thân chỉ được chẩn đoán xác định trên những người có tiếp xúc sau khi có kết quả chụp phim X quang cột sống thắt lưng thẳng, nghiêng với các hình ảnh xẹp, lún đốt sống, thoát vị, biến dạng đĩa đệm. Một số thủ thuật khác như nội soi dạ dày, siêu âm ổ bụng và hệ tiết niệu sẽ được thực hiện theo chỉ định của bác sỹ để hỗ trợ chẩn đoán các trường hợp này.

Phòng thế nào?

     Phòng chống bệnh rung toàn thân do nghề nghiệp ở công nhân đòi hỏi có sự kết hợp cả việc lựa chọn phương tiện làm việc thích hợp, sử dụng các phương tiện bảo hộ chống rung (như găng tay) cũng như tuân theo nội quy làm việc. Có 3 giải pháp có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với yếu tố rung như: giảm tần số rung nơi làm việc, tránh làm việc với các thiết bị phương tiện gây rung và giảm thời gian làm việc với các phương tiện gây rung. Ngoài ra, các chương trình tập huấn cũng là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức về bệnh rung toàn thân tại nơi làm việc. Nội dung tập huấn nên đề cập vào việc sử dụng các phương tiện lao động đúng quy cách và bảo dưỡng các dụng cụ lao động để tránh tiếp xúc không cần thiết với các yếu tố rung.​