Nam Định: Phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động

21/09/2018 | 08:45 AM

 | 

 
 

Những năm qua, công tác phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động luôn được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền cho các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động về nguy cơ tiềm ẩn và tác hại của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp lớn và vừa đều thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động. Tuy nhiên một bộ phận doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

22.9.2018. Nam Dinh.jpg 
 
 

Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 124 vụ tai nạn lao động làm 5 người chết, 8 người bị thương nặng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chủ yếu do người lao động không thực hiện đúng nội quy, quy trình lao động, không sử dụng bảo hộ lao động, phương tiện phòng vệ cá nhân. Mặt khác do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện ATLĐ cho người lao động... Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người sử dụng lao động và người lao động về các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, PCCN, các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác đảm bảo ATVSLĐ. Các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu như: kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch, biện pháp ATLĐ, VSLĐ và cải thiện điều kiện lao động. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định. Người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ tham dự khóa huấn luyện ATLĐ, VSLĐ có kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ, chứng nhận do tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ thực hiện. Các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho người lao động, người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động. Đối với người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ, kiểm tra sát hạch và được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên một số đơn vị sử dụng lao động ở các ngành, nghề như: công nghiệp dệt may, cơ khí; doanh nghiệp nhỏ và làng nghề chưa chú trọng đến công tác ATVSLĐ, PCCN. Để chủ động phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, hằng năm, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ; tăng cường thanh tra các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp; kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm quy định về vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Trong năm 2017, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra tại 9 doanh nghiệp. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc triển khai thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ; việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đều thành lập bộ máy thực hiện công tác ATVSLĐ, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, cải thiện điều kiện lao động. Có 6/9 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (chiếm 66,67%); 3 doanh nghiệp chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp tự kiểm tra, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ; đồng thời tuyên truyền, giáo dục người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sức khỏe, tính mạng của người lao động, tài sản của doanh nghiệp và trách nhiệm của mỗi người trong công tác này. Các ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ cũng triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ; tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác ATVSLĐ, đẩy mạnh công tác tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm ATVSLĐ. Các đoàn kiểm tra cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất củng cố và hoàn thiện bộ phận y tế cơ sở và mạng lưới ATVS; tăng cường công tác tự kiểm tra về VSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tổ chức bố trí, sắp xếp thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tổ chức huấn luyện về VSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp và sơ cấp cứu cho người lao động khi bị tai nạn lao động; không ngừng cải thiện điều kiện lao động, giảm tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại, tăng cường hệ thống thông gió tại các nhà xưởng, bố trí đủ nước uống, nước sạch cho người lao động; thực hiện khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách về bảo hộ lao động để đảm bảo sức khỏe cho người lao động... Theo quy định của Nhà nước, người lao động được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, riêng người lao động nặng nhọc, môi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo hằng năm của Sở LĐ-TB và XH, chỉ có trên 60 nghìn lao động được khám sức khỏe định kỳ, chiếm trên 40% tổng số lao động. Tỷ lệ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thấp nhưng gia tăng theo từng năm. Lũy tích đến nay, toàn tỉnh có trên 200 người mắc bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là các bệnh: viêm gan B, điếc, bụi phổi, các bệnh về mắt, đường hô hấp, đau nhức các khớp, cảm cúm, đau đầu, bị nhiễm xạ… Số người lao động mắc bệnh nghề nghiệp ở tỉnh ta không nhiều, song vấn đề phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động cần được quan tâm, bởi hiện nay người sử dụng lao động và cả người lao động chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nguy cơ, hậu quả nặng nề của bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. 

Để phòng tránh bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến về Bộ luật Lao động; hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm. Doanh nghiệp cần trang bị thiết bị bảo hộ lao động và VSLĐ, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn độc hại (che chắn bụi, tiếng ồn, sóng vật lý...); tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp để điều trị kịp thời. Người lao động cần có ý thức thực hiện các quy định ATVSLĐ, không chủ quan, ngại sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động, biết tự bảo vệ sức khỏe và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc./.