CLB Gia đình trẻ tự kỷ: Tạo cơ hội hoà nhập cho trẻ tự kỷ

19/01/2017 | 08:16 AM

 | 

Chứng tự kỷ ở trẻ em hiện đang là vấn đề được xã hội quan tâm bởi tầm ảnh hưởng rộng của vấn đề này ở cả phạm vi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Trẻ tự kỷ nếu không được phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời có thể gây hậu quả tiêu cực đến suốt cuộc đời.


 

Theo đồng chí Trương Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, những phụ huynh trong gia đình thường là người phát hiện ra những dấu hiệu của hội chứng tự kỷ ở trẻ và cũng là người tích cực nhất trong việc dự phòng và trị liệu những rối nhiễu tâm trí, tự kỷ ở trẻ. Do đó, việc nâng cao nhận thức, hiểu biết, đặc biệt sự chia sẻ giữa các gia đình có trẻ tự kỷ là một việc làm hết sức thiết thực, kịp thời có biện pháp thích hợp để hạn chế những ảnh hưởng của chứng tự kỷ đối với trẻ. Với mục tiêu tập hợp, kết nối các gia đình trẻ tự kỷ giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ để làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, từ tháng 4-2015 Trung tâm Công tác xã hội đã thành lập CLB Gia đình trẻ tự kỷ. Dù mới đi vào hoạt động gần 1 năm, nhưng đến nay CLB đã thực sự trở thành mái nhà chung, gắn kết, chia sẻ giữa các gia đình có trẻ tự kỷ, giúp họ can thiệp đúng cách, hỗ trợ học tập, giúp trẻ tự kỷ từng bước cải thiện tình trạng, phát triển ổn định, hoà nhập cộng đồng.

Tham gia CLB, các gia đình có trẻ tự kỷ được tham dự các buổi tập huấn định kỳ về kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ với sự trợ giúp của các chuyên gia và chuyên viên, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội. Các buổi tập huấn cho thành viên CLB được sắp xếp theo trình tự từ lý thuyết đến hỗ trợ thực hành trực tiếp các biện pháp trị liệu, giáo dục kỹ năng cho trẻ tự kỷ. Hoạt động này đã hỗ trợ các bậc phụ huynh có thêm kiến thức và kỹ năng để áp dụng hiệu quả nhất trong việc trị liệu cho trẻ tại gia đình. Tính riêng năm 2015, CLB Gia đình trẻ tự kỷ đã tổ chức được 9 buổi tập huấn, 9 buổi sinh hoạt chuyên đề cho các hội viên tiếp thu và thực hành các kiến thức, kỹ năng điều trị cho trẻ tự kỷ.

Anh Nguyễn Xuân Huy, chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội cho biết: Sau khi xác định trẻ bị tự kỷ, quá trình làm quen với trẻ mất trung bình 3-4 tháng mới có thể tiến hành trị liệu. Bằng các bài tập nhận biết đơn giản, qua trò chuyện và chơi trò chơi, sẽ kích thích sự chủ động của trẻ, giúp trẻ phát triển và từng bước hoàn thiện hơn các khiếm khuyết về tâm lý. Để các biện pháp điều trị có hiệu quả thì việc tương tác giữa các chuyên gia và phụ huynh là rất cần thiết. Qua đó, kết hợp giữa trị liệu tại trung tâm và gia đình giúp trẻ được chăm sóc, điều trị thường xuyên và có chuyển biến tích cực nhất.

Không chỉ là sự hỗ trợ của các chuyên gia, tham gia CLB, thành viên các gia đình trẻ tự kỷ còn được trao đổi với nhau những thông tin hữu ích, kinh nghiệm trong cách điều trị chứng tự kỷ của con. Hay đơn giản là tìm được sự cảm thông, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn của gia đình có trẻ tự kỷ. Qua đó, giúp các bậc phụ huynh ổn định tâm lý, thêm quyết tâm kiên trì chăm sóc, giáo dục trẻ. Sau gần 1 năm hoạt động, đến nay CLB đã trở thành cầu nối chung của 18 gia đình có trẻ tự kỷ trên địa bàn TP Hạ Long. Anh Nguyễn Huy Linh, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) có con nhỏ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Anh tâm sự rằng lúc đầu khi biết con tự kỷ gia đình anh đã rất hốt hoảng, chơi vơi, thậm chí tự kỷ theo con. Khi nghe thông tin và tham gia CLB Gia đình trẻ tự kỷ, anh và các phụ huynh khác được chia sẻ, cung cấp nhiều thông tin hữu ích để điều trị chứng tự kỷ cho các con, điều này đã giúp gia đình anh vượt qua thời kỳ khó khăn, quyết tâm, kiên trì các biện pháp điều trị cho con.

Anh Linh chia sẻ: Tham gia CLB chúng tôi đã được cung cấp những kiến thức, phương pháp rất hữu ích để điều trị cho con. Qua một thời gian áp dụng các kỹ năng điều trị, giờ đây, tình trạng của con tôi đã khá hơn rất nhiều, cháu đã tập trung hơn, biết lắng nghe, điều này là niềm hạnh phúc rất lớn với những người cha, người mẹ có con tự kỷ như chúng tôi. Quan trọng hơn, nhờ mô hình CLB, chúng tôi cũng tìm được sự đồng cảm, chia sẻ của các gia đình có cùng hoàn cảnh, điều này càng giúp chúng tôi thêm quyết tâm để kiên trì các biện pháp giúp con phát triển khoẻ mạnh, ổn định như những trẻ em cùng trang lứa...

Với sự kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc và giáo dục, can thiệp trẻ tự kỷ, CLB Gia đình trẻ tự kỷ đang trở thành chỗ dựa tin cậy của các gia đình có con tự kỷ và góp phần tạo thêm cơ hội để các em được chăm sóc, điều trị tốt hơn và hoà nhập cộng đồng./.​