KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRIỂN KHAI GIÁM SÁT ĐIỂM ĐUỐI NƯỚC TẠI NAM ĐỊNH VÀ ĐỒNG THÁP TỪ THÁNG 7-12/2011

23/08/2012 | 05:00 AM

 | 

Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau tai nạn giao thông, chiếm 10% tổng số tử vong nói chung.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRIỂN KHAI GIÁM SÁT ĐIỂM ĐUỐI NƯỚC
TẠI NAMĐỊNH VÀ ĐỒNG THÁP TỪ THÁNG 7-12/2011

 

Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau tai nạn giao thông, chiếm 10% tổng số tử vong nói chung. Đối với trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi với trung bình 19 trẻ/100.000 trẻ năm, trong đó trẻ nam có nguy cơ tử vong nhiều hơn trẻ nữ 1,4 lần.

Trong năm 2011, được sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, hệ thống giám sát điểm đuối nước đã được triển khai tại 2 tỉnh Nam Định và Đồng Tháp. Kết quả trong 6 tháng từ tháng 7-12/2011 tại 2 tỉnh cho thấy đã có 391 trường hợp đuối nước, trong đó ở Nam Định là 312 trường hợp và ở Đồng Tháp là 79 trường hợp. Tháng có nhiều trường hợp đuối nước xảy ra nhất là tháng 12 với 71 trường hợp, và ít nhất là tháng 11 với 58 trường hợp.

 

Biểu đồ 1: Phân bố tình hình đuối nước tại NamĐịnh và Đồng Tháp

theo thời gian từ tháng 7-12/2011

Trong số 391 trường hợp đuối nước, tử vong chiếm 48,5%. Đuối nước có thể xảy ra ở trong hoặc ngoài nhà. Tại NamĐịnh, 43,27 % số trường hợp đuối nước xảy ra trong khuôn viên nhà. Trái lại, tại Đồng Tháp, có đến 87,34% số trường hợp đuối nước xảy ra ngoài khuôn viên nhà. Các nghiên cứu ở Việt Nam cũng đã chỉ ra nguy cơ của đuối nước khá phổ biến bao gồm các vật chứa nước trong nhà như thùng hay vại chứa nước lớn hay là bể chứa nước và tỉ lệ phần trăm của các hộ gia đình có mối nguy cơ về nước ở gần nhà (trong vòng 25m) như là ở gần các ao, hồ, sông hoặc biển. Cả hai loại nguy cơ đều xuất hiện nhiều ở khu vực nông thôn hơn so với khu thành thị (13,1% so với 9,7% ở các mối nguy cơ trong nhà và 58,6% so với 29,5% % ở các mối nguy bên ngoài nhà). Kết quả từ hệ thống giám sát điểm tại Nam Định và Đồng Tháp trong 6 tháng cuối năm 2011 cho thấy nhóm tuổi từ 0-4 tuổi là nhóm bị đuối nước nhiều nhất, chiếm 30% tổng số trường hợp đuối nước, tỷ lệ này ở Nam Định cao hơn so với Đồng Tháp. Trên 55% số nạn nhân được sơ cấp cứu ban đầu sau khi bị đuối nước. 40% số người nhà của nạn nhân bị đuối nước có kiến thức phòng chống đuối nước và gần 60% số nạn nhân bị đuối nước không biết bơi. Các hoạt động khi đuối nước xảy chủ yếu là chơi gần nơi có nước và tắm.

 

Biểu đồ 2: Hoạt động khi đuối nước xảy ra

 

Kết quả giám sát điểm đuối nước đã đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình đuối nước tại 2 tỉnh và các yếu tố nguy cơ có liên quan. Thông qua kết quả này một số khuyến nghị đã được đưa ra nhằm giảm thiểu đuối nước tại cộng đồng bao gồm: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống đuối nước; Tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành và các tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống đuối nước; Cải tạo môi trường sống trong gia đình, trường học và cộng đồng để tạo ra một môi trường sống an toàn hơn; Thực hiện các quy định, chính sách về an toàn và phòng tránh đuối nước; Phát triển và củng cố mạng lưới sơ cấp cứu tại cộng đồng; Trang bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước trong đó giải pháp quan trọng nhất là kỹ năng bơi; Khẩn trương khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất để đưa quy trình dạy bơi, học bơi cho trẻ em vào trường phổ thông.