Khả năng chăm sóc chấn thương thiết yếu của mạng lưới y tế tuyến cơ sở tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, năm 2010

29/03/2011 | 05:00 AM

 | 

Chăm sóc chấn thương thiết yếu là một trong những giải pháp thiết thực và tương đối hiệu quả trong được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hiện, nhằm phát huy nguồn lực sẵn có để tăng cường hoạt động TNTT đang trở thành gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho cá nhân và xã hội trên phạm vi toàn cầuVì vậy việc đánh giá năng lực chăm sóc chấn thương thiết yếu ở mọi cấp độ là thực sự cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác PCTNTT hiện nay

Nghiên cứu “Đánh giá thực trạng khả năng chăm sóc chấn thương thiết yếu của mạng lưới y tế tuyến cơ sở tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, năm 2010” được thực hiện với mục tiêu mô tả thực trạng TNTT tại địa bàn và đánh giá khả năng chăm sóc chấn thương thiết yếu của mạng lưới y tế tuyến cơ sở, từ đó có một số khuyến nghị để duy trì và nâng cao năng lực cho lực lượng này nhằm phục vụ và thực thi chính sách PCTNTT ngày một hiệu quả hơn.

Nghiên cứu được tiến hành với phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang. Đối tượng nghiên cứu là cán bộ y tế, nhân viên y tế thôn bản và trưởng các TYT xã tại địa bàn nghiên cứu. Tổng cộng có 196 đối tượng ở 14 trạm y tế tham gia nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu tại địa bàn cho biết qua 3 năm 2007 – 2009: tỷ suất mắc TNTT trên 10.000 dân trung bình là 81,4/10.000, cao hơn so với tỷ suất mắc chung của tỉnh Bắc Ninh (56,6/10.000); tỷ suất tử vong do TNTT trung bình là 4,03/10.000. Nguyên nhân TNTT hàng đầu đến sơ cấp cứu tại các cơ sở y tế là tai nạn giao thông (35,8%); tai nạn lao động (31,4%) và ngã (18,2%). Kết quả khảo sát về khả năng chăm sóc chấn thương thiết yếu của mạng lưới y tế cơ sở cho biết: có 71,4% ĐTNC từng thực hiện sơ cấp cứu TNTT; 75,5% được đào tạo, tập huấn về sơ cứu TNTT; 21,9% có thái độ và hiểu biết đúng khi gặp TNTT; 41,8% biết xử trí các loại chấn thương do TNTT, tuy nhiên số đối tượng biết xử trí đúng các loại chấn thương còn rất hạn chế (chỉ có 1 trường hợp biết xử trí đúng tất cả các loại chấn thương); Tỷ lệ ĐTNC được trang bị túi sơ cứu là 66,9%; có kỹ năng tuyên truyền phòng chống TNTT là 66,8% và 50% có thực hiện báo cáo ghi chép thống kê TNTT.

Từ kết quả khảo sát trên, nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị để nâng cao năng lực cho lực lượng này là sự cần thiết tập huấn, cập nhật kiến thức và kỹ năng chăm sóc chấn thương thiết yếu cho mạng lưới và mở rộng đối tượng được tập huấn và cùng tham gia. Hoạt động PCTNTT tại địa bàn đã đến lúc cần được quan tâm chú trọng thực hiện và nhìn nhận đúng mức độ trầm trọng mà TNTT gây ra, bên cạnh đó việc duy trì hoạt động của mạng lưới nhằm tăng cường hoạt động của hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện tại địa bàn là thực sự cần thiết để đáp ứng một cách có hiệu quả và lâu dài cho công tác PCTNTT.

 

ThS.Dương Phan Bích Hải

Sở Y tế Thừa Thiên Huế