Bộ Y tế quyết liệt đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

19/10/2018 | 00:32 AM

 | 

Một trong những đặc điểm của dân số nước ta khoảng 10 năm nay là tình trạng mất cân bằng giới tính của trẻ em khi được sinh ra, thường gọi là “mất cân bằng giới tính khi sinh”. Nếu xu hướng này không được điều chỉnh, đến năm 2050, trong số dân ở độ tuổi kết hôn, số lượng nam giới sẽ nhiều hơn nữ khoảng 4,3 triệu người

 
 


Bai 40 CTMTYTDS anh 1.jpg
Bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên là cần thiết, nhưng cũng rất nan giải, không thể thành công trong “một sớm một chiều”.

Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến MCBGTKS

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 - 106 bé trai. Trước đây, nói chung hằng năm, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra, chính thức được xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) và từ đó, con số này cứ tăng dần, đến năm 2016 đã là 112,2 bé trai, thậm chí ở Đồng bằng sông Hồng, con số này lên đến 118.

Trước hết, cần nhận thấy rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán tạo nên khát vọng phải có con trai. Điều này gây ra áp lực không chỉ đối với mỗi đôi vợ chồng mà còn là áp lực đối với cả gia đình, dòng họ. Mặt khác, do đặc trưng là sản xuất nông nghiệp nặng nhọc thì sự vượt trội về cơ bắp của con trai trở thành một ưu điểm khi cày cấy, chăm bón và thu hoạch. Năng suất khu vực nông nghiệp thấp cho nên cha mẹ thường không có tiết kiệm dành cho tuổi già; hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển cho nên khi hết khả năng lao động, cuộc sống chủ yếu phải dựa vào con, nhất là con trai.

Bối cảnh nêu trên dẫn tới nảy sinh tâm lý cần có con trai giúp đỡ trong lao động, sinh hoạt và an sinh cho tuổi già. Đây chính là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến MCBGTKS. Nhu cầu có con trai có từ xa xưa, nhưng chỉ đến ngày nay, việc lạm dụng những thành tựu của khoa học và kỹ thuật cho phép con người chủ động trong sinh sản cũng là nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS. Có ý kiến cho rằng, trước đây, sinh nhiều con cho nên vừa đáp ứng được nhu cầu có con trai, vừa cân bằng giới tính một cách tự nhiên. Nay chỉ sinh “1 hoặc 2 con” cho nên khả năng có được con trai giảm đi, vậy nên phải chủ động lựa chọn giới tính thai nhi. Không phải ngẫu nhiên, việc xuất hiện MCBGTKS ở nước ta diễn ra khi mức sinh thấp. Trong khi tại các nước châu Âu, các nước phát triển, tỷ lệ sinh đẻ ít nhưng không có tình trạng này.

Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Description: http://giadinh.mediacdn.vn/2018/10/26/mcbgtks-copy-15405557955471075220828.jpg 

MCBGTKS thuộc loại mất cân bằng vật chất - nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, do vậy phát sinh nhiều hệ lụy. Trước hết, hôn nhân "một vợ, một chồng", nhưng nam nhiều hơn nữ thì đương nhiên, hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ. Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng lên, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS...

Sự khan hiếm phụ nữ cũng dẫn đến việc tranh giành trong hôn nhân, dễ gây xung đột, thậm chí đã xảy ra một số vụ án mạng. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ đã xảy ra và có thể sẽ tăng lên. Phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái, bất chấp sức khỏe và tính mạng, bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai. Sinh nhiều bé trai, ít bé gái thì khi lớn lên, lao động nữ khan hiếm, những ngành sử dụng nhiều lao động nữ có nguy cơ khó tuyển dụng lao động và ngược lại, lao động nam nhiều, cho nên nam giới sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường lao động.

Chính vì những hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề của MCBGTKS cho nên Nghị quyết số 21 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, trước hết, “đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần triển khai cả một hệ thống giải pháp, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ hiểm họa của MCBGTKS. Tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số không chỉ cho người dân mà còn cả cho đội ngũ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ; nghiêm cấm “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Hơn nữa, cần phê phán mạnh mẽ những hủ tục, những nhận thức, những thái độ và hành vi biểu hiện trọng nam; tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới; về hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi; nêu gương phụ nữ, gia đình chỉ có con gái thành đạt, hạnh phúc.

Trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp là nguyên nhân cơ bản của “lựa chọn con trai” dẫn đến MCBGTKS. Vì vậy, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội là giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài nhằm giải quyết tận gốc tình trạng trọng nam hơn nữ. Tiếp tục thúc đẩy tiến bộ xã hội, nhất là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ và bé gái được tiếp cận các cơ hội, nguồn lực để có thể không chỉ thụ hưởng một cuộc sống khỏe mạnh mà còn có cơ hội phát triển, đóng góp cho gia đình và xã hội. Mặt khác, cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, để người cao tuổi nói chung và người cao tuổi có hai con gái yên tâm khi tuổi già như: Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; giáo dục thái độ mọi người, con trai, cũng như con gái đều có trách nhiệm với cha mẹ một cách bình đẳng...

Nâng cao nhận thức về thực trạng MCBGTKS

Pháp lệnh Dân số năm 2003 có Khoản 2, Điều 7 về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Năm 2006, Luật Bình đẳng giới cũng đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa hơn nữa để các luật và pháp lệnh này đi vào cuộc sống. Mặt khác, khi xây dựng các chính sách pháp luật cần chú ý khía cạnh giới.

Hầu hết phụ nữ mang thai đều biết giới tính thai nhi trước khi sinh cho thấy tình trạng sử dụng trái phép và sai mục đích những thành tựu y học là rất phổ biến. Song đến nay, rất ít địa phương xử phạt theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số và trẻ em. Vì vậy, cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; yêu cầu các cơ sở y tế, nhất là y tế tư nhân cam kết không tư vấn và cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm là giải pháp quan trọng, cần thiết hiện nay.

Đăng ký dân số không đầy đủ, thống kê không chính xác cũng làm mất cân đối giới tính một cách giả tạo. Chẳng hạn, do tâm lý “trọng nam, khinh nữ” cho nên nếu sinh được con trai, cha mẹ có thể sốt sắng đi khai sinh ngay, nhưng nếu sinh con gái, cha mẹ lại lần lữa làm việc này. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng hệ thống đăng ký dân số quốc gia. Trong đó, ngành Y tế cần thu thập, tổng hợp đầy đủ, chính xác số trẻ em trai, trẻ em gái được sinh ra ngay tại các cơ sở y tế để nắm chắc tình hình giới tính khi sinh. Việc tính toán, xác định, công bố về tình trạng MCBGTKS chỉ nên được tiến hành với số ca sinh đủ lớn, ít ra là số ca sinh của một tỉnh.

Bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên là cần thiết, nhưng cũng rất nan giải, không thể thành công trong “một sớm một chiều”. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nâng cao nhận thức về hệ lụy xã hội nặng nề và tác động tiêu cực đối với sự phát triển của việc MCBGTKS. Từ đó, theo dõi sát sao và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, đề xuất các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương khi phát hiện có vấn đề MCBGTKS trên địa bàn.


Thăm dò ý kiến