Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế: Tiếp sức cùng tuyến dưới

31/03/2009 | 05:00 AM

 | 

Trong vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước, Bệnh viện Mắt Trung ương trong nhiều năm luôn coi trọng công tác chỉ đạo tuyến và thường xuyên cử cán bộ hỗ trợ cơ sở.

Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế:
Tiếp sức cùng tuyến dưới

Trong vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước, Bệnh viện Mắt Trung ương trong nhiều năm luôn coi trọng công tác chỉ đạo tuyến và thường xuyên cử cán bộ hỗ trợ cơ sở. Và sự ra đời Đề án 1816 của Bộ Y tế gần đây mang ý nghĩa thúc đẩy, như tiếp thêm sức mạnh để tăng cường cho các hoạt động này theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và linh hoạt hơn so với trước.

Hằng năm, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp tổ chức từ 1- 2 lớp đào tạo điều dưỡng chuyên khoa mắt, lớp bác sĩ chuyên khoa định hướng, các lớp cao học, nghiên cứu sinh,... các khóa học kèm cặp hàng trăm lớp chăm sóc mắt ban đầu cho cán bộ y tế thôn bản... Mỗi năm có hàng trăm y bác sĩ nhãn khoa từ các địa phương đã được đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kiến thức một cách bài bản và toàn diện. Đào tạo và hoàn thiện tay nghề cho các thầy thuốc tuyến dưới chính là giải pháp lâu dài, bền vững, giải quyết cơ bản những bức xúc trong quá trình phát triển ngành và phục vụ, chăm sóc mắt cho cộng đồng.

Đặc biệt, mới đây Bệnh viện Mắt Trung ương đã triển khai thành công một số khóa học đào tạo từ xa được truyền hình trực tiếp qua mạng Vinaren, kết nối các bác sĩ nhãn khoa ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã mở ra một hướng mới trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức của các thầy thuốc nhãn khoa.

        Tại cuộc giao ban thường kỳ Ban chỉ đạo Đề án 1816 ngày 27/3, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lý Ngọc Kính cho biết, đến nay đang có 369 cán bộ đi luân phiên tại các bệnh viện tuyến dưới, trong đó có 236 cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ (đạt 73,06% so với chỉ tiêu 236/323). Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định Đề án 1816 đang dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, mỗi một tỉnh nên có khoảng 5 người từ các BV tuyến trên xuống luân phiên, tránh việc một BV tuyến trên cử quá nhiều cán bộ xuống BV tuyến dưới để rồi sau đó bị “hụt hơi”. Bộ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo đề án đôn đốc bệnh viện K (thiếu 13 cán bộ trong chỉ tiêu đi luân phiên) để tiếp tục xây dựng và hoàn thành tổng thể đề án 1816 nhất là trong việc giúp BV tuyến dưới có khoa ung bướu.                                                                  
                                                          Anh Tuấn

Bên cạnh công tác đào tạo, Bệnh viện Mắt Trung ương thường xuyên cử cán bộ có năng lực, chuyên môn vững "đi tuyến", trực tiếp tham gia cùng các bác sĩ tuyến dưới khám và điều trị cho bệnh nhân từ 3-4 tháng, thông qua đó đào tạo, chuyển giao những kỹ thuật mới cho cán bộ tuyến dưới theo phương châm "cầm tay chỉ việc"... Chỉ tính riêng trong 4 năm gần đây (2003-2007), Bệnh viện Mắt Trung ương đã cử 12 bác sĩ đi tuyến theo diện này, cung cấp trang thiết bị nhãn khoa cho một số tỉnh với trị giá 13.000 USD, nhiều thuốc men và các vật tư tiêu hao khác... Kết quả là các y bác sĩ tăng cường đã trực tiếp khám 5.891 lượt bệnh nhân, phẫu thuật 646 ca (trong đó có 402 ca đục thủy tinh thể). Ngay sau sự ra đời Đề án 1618 của Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương đã lập kế hoạch chi tiết cử 33 cán bộ nhãn khoa "đi tuyến" tới các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong lĩnh vực nhãn khoa như: Lai Châu, Hà Giang, Bình Phước, Đăk Nông...

Thời gian qua, để triển khai Đề án 1816, Bệnh viện Mắt Trung ương đã cử những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình và trách nhiệm đi luân phiên ở tuyến dưới để có thể thực hiện tốt 3 mục tiêu cao nhất của đề án đặt ra (nâng cao chất lượng khám và điều trị tuyến dưới, giảm tải các bệnh viện tuyến trên và chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ tại chỗ). Nhiều đơn vị y tế địa phương hồ hởi đón nhận cán bộ tuyến trên cùng làm việc và đạt hiệu quả rõ rệt, khẳng định thêm sự đúng đắn, phù hợp và khả thi của Đề án 1816. Tuy nhiên cũng có một số đơn vị chưa  chuẩn bị tốt khâu bố trí cán bộ có đủ khả năng, nhiệt huyết để tiếp cận những kỹ thuật chuyển giao, chưa "tranh thủ" khai thác tốt" tiềm năng của cán bộ tuyến trên và các hoạt động lâm sàng gần như "khoán trắng" cho cán bộ tuyến trên... Đối với những cán bộ luân phiên về tuyến dưới "thời gian là vàng",  còn  đối với tuyến cơ sở phải xem đây là "cơ hội" để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức. Phải xem đào tạo tại chỗ, chuyển giao kỹ thuật là trọng tâm, khám chữa bệnh là hỗ trợ... Nếu xác định rõ ràng được mục tiêu này thì chủ trương cử cán bộ tuyến trên nhất là cán bộ y tế tuyến Trung ương sẽ đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của đề án.

Đông Phương Hồng (BV Mắt Trung ương)

 


Thăm dò ý kiến