90% người mắc ung thư phổi, 75% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do liên quan đến sử dụng thuốc lá
02/10/2024 | 13:55 PM
|
Theo WHO, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, nung nóng đều là những sản phẩm gây hại đối với sức khoẻ; 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-17 tăng lên nhanh chóng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thời gian qua tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên đã giảm. Ở nhóm 13-17 tuổi giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% xuống còn 1,9%.
Tuy nhiên, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-17 tăng lên nhanh chóng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Đặc biệt đáng lo ngại là ở nữ giới tuổi 11-18, theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3% năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hà Quân
"Đây là những con số đáng báo động cho sức khỏe của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói khi phát biểu về vấn đề "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường".
Đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cả hai sản phẩm này đều chứa nicotine, một chất gây nghiện cao, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển não bộ của trẻ em và thanh thiếu niên, hậu quả nghiêm trọng kèm theo đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.
Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến các em dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sớm hơn và trầm trọng hơn trong tương lai.
Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Trên thế giới, nhiều trường hợp tổn thương phổi cấp tính và nghiêm trọng do thuốc lá điện tử đã được báo cáo (tính đến ngày 18/ 2/2020 chủ yếu tại Mỹ đã có 2.807 trường hợp tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử, bao gồm 68 ca tử vong).
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy: Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Một số quốc gia đã thất bại trong ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của giới trẻ
Trên thực tế, mặc dù các nhà sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn tuyên bố các sản phẩm này là giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhắm vào trẻ vị thành niên. Nhưng bằng chứng thực tiễn cho thấy các sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn khách hàng mới (chưa từng hút thuốc) bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Các nhà sản xuất đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được tiếp thị cho giới trẻ như những sản phẩm hướng tới phong cách sống, hương vị hấp dẫn, kiểu dáng thời thượng...
Bài học của một số quốc gia cho phép bán các sản phẩm này đã mang lại những hệ lụy lớn, kể cả các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada. Thực tế cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhưng ban hành các chính sách về cấm bán cho trẻ vị thành niên đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu "Quốc hội trẻ em" bên lề phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Ảnh: Quỳnh - Thắng
Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021.
Thời gian qua, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều bài quảng cáo, rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa ma túy trên các trang mạng xã hội, bắt giữ nhiều vụ việc đối tượng mua bán thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy...
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cảnh báo ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác. Hậu quả và tác hại sẽ rất lớn nếu nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử có phun, tẩm chất ma túy mà không hay biết...
Tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" vừa diễn ra, như Sức khỏe và Đời sống đưa tin trước đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, đối với các nội dung chất vấn, đề xuất, kiến nghị của trẻ em liên quan đến phạm vi, thẩm quyền của Bộ Y tế về thuốc lá và các chất kích thích, Bộ Y tế vui mừng nhận thấy các em rất có trách nhiệm đối với các vấn đề xã hội. Các vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước và người dân.
Các em đã có hiểu biết về sự nguy hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường. Các em đã thể hiện rõ quan điểm và đề xuất giải pháp để tất cả trẻ em tránh được việc tiếp xúc và sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Các em cũng đã đề nghị Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong xây dựng pháp luật, tăng cường quản lý, ngăn chặn việc trẻ em tiếp xúc những sản phẩm này và thiết lập các chương trình tư vấn, can thiệp sớm để kịp thời phát hiện và hỗ trợ đối với trường hợp trẻ em sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Những kiến nghị này của các em đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, các ngành và địa phương. Đặc biệt cần có sự chung tay giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Bộ Y tế trân trọng ghi nhận những kiến nghị của các em"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trên quan điểm lấy lợi ích sức khỏe của người dân là trên hết, đặc biệt để kịp thời ngăn chặn thế hệ trẻ sử dụng, phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả một thế hệ trong tương lai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tích cực hơn nữa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đối với các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác. Về lâu dài, sẽ hoàn thiện các quy định cấm các sản phẩm này trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Nguy kịch do nhiễm uốn ván sau lội nước bẩn trong mưa bão
- Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, phát triển y tế cơ sở
- Sớm hoàn thiện chính sách thích ứng già hóa dân số
- Uống 11 loại thuốc để chữa ho, trẻ bị sốc phản vệ
- Đã ghi nhận hơn 79.700 ca sốt xuất huyết, ở chung cư cao tầng có bị bệnh này không?
- Bộ Y tế phản hồi gì về kiến nghị BHYT học sinh nên áp dụng mua theo hộ gia đình?
- Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, nhiều trường hợp nặng