KẾT QUẢ RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM NĂM 2022

02/12/2022 | 10:01 AM

 | 

 

 

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ về tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2022, tỉnh Hà Nam xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của công tác cải cách thủ tục hành chính; do vậy ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động đẩy mạnh ứng dụng thông tin thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh (https://dichvucong.hanam.gov.vn), các hình thức trực tuyến và qua hệ thống bưu chính công ích, tích cực rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực bảo đảm tiếp tục cắt giảm các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đồng thời gắn việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính với giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính đem lại lợi ích thiết thực cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Báo cáo số 235/BC-UBND ngày 13/12/2022 của UBND tỉnh về kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Nam thì ngành y tế tỉnh đã rà soát và cắt giảm 02 thủ tục, góp phần tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể: Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề Dược (bao gồm cả trường hợp cấp Cấp Chứng chỉ hành nghề Dược nhưng Cấp Chứng chỉ hành nghề Dược bị thu hồi theo quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Điều 28 của Luật Dược) theo hình thức xét hồ sơ.

Nội dung đơn giản hóa:

Kiến nghị bãi bỏ quy định thành phần hồ sơ “Bản sao có chứng thực căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu” được quy định tại Khoản 6 Điều 24 Luật Dược ngày 06/4/2016.

Lý do: Việc yêu cầu căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu là không cần thiết vì hiện tại thông tin về dữ liệu dân cư đã cung cấp đầy đủ; Phải nộp thành phần hồ sơ này làm mất thêm một khoảng chi phí của cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Kiến nghị bãi bỏ quy định thành phần hồ sơ “Phiếu lý lịch tư pháp” được quy định tại Khoản 7 Điều 24 Luật Dược ngày 06/4/2016.

Lý do: Việc yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp là không cần thiết vì Lý lịch tư pháp chỉ cho biết tình trạng án tích, không thể hiện được quá trình hoạt động liên quan đến việc cấp Chứng chỉ hành nghề; Phải nộp thành phần hồ sơ này làm mất thêm một khoảng chi phí tương đối lớn của cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Kiến nghị thực thi: Bãi bỏ quy định thành phần hồ sơ “Bản sao có chứng thực căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu” và “Phiếu lý lịch tư pháp” được quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 24 Luật Dược ngày 06/4/2016.

Lợi ích phương án đơn giản hóa: Chi phí tiết kiệm: 33.873.950 đồng/năm; Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 25%.

Thủ tục cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa.

Nội dung đơn giản hóa:

Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bỏ giấy tờ “Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP”.

          Lý do: Vì tại thành phần hồ sơ của thủ tục có giấy tờ là Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã yêu cầu cung cấp thông tin Danh sách này, do đó không cần phải cung cấp thêm giấy tờ này, tránh trùng lặp.

Kiến nghị thực thi: Bãi bỏ giấy tờ này ở thành phần hồ sơ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Lợi ích phương án đơn giản hóa: Chi phí tiết kiệm: 11.078.250 đồng/năm; Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 9,6%.

Phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng Bộ



Tin liên quan