Bộ Y tế tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc trong chăm sóc tốt sức khoẻ cộng đồng

12/01/2019 | 10:13 AM

 | 

Bộ Y tế tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc trong chăm sóc tốt sức khoẻ cộng đồng

 

Trong đó, việc cung ứng đủ thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mới nổi và diễn biến phức tạp, đặc biệt là nhu cầu vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin dại, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc hiếm... đảm bảo chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh của nhân dân.

Nhằm thực hiện tốt công tác dược, năm 2018, ngành y tế đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 23/08/2018 cùa Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản phần mềm cho 17.635 cơ sở bán lẻ thuốc; đã có 9.604 cơ sở kết nối liên thông với cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống giúp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào một số nhà cung cấp; truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường, đảm bảo công tác thu hồi thuốc đúng đủ theo quy định.

 

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng thực hiện tốt Nghị định 54/2017/NĐ-CP liên quan đến quyền phân phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE). Đây cũng là nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Năm 2018, ngành y tế đã tổ chức thẩm định, đánh giá kho bảo quản thuốc đạt tiêu chuẩn GSP cho 114 cơ sở; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho các cơ sở đáp ứng quy định; cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu dùng làm thuốc cho 4.750 hồ sơ tiếp nhận trong năm; cấp 35.500 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu theo quy định, thực hiện trên 100% so với kế hoạch năm. Cấp chứng nhận cho 61 cơ sở GMP, 02 cơ sở GLP; công bố 644 cơ sở tiêu chuẩn GMP-EU, GMP-PIC/S trong tổng số 1.133 hồ sơ, 82 thuốc có chứng minh tương đương sinh học trong tổng số 167 hồ sơ, 46 công ty thuộc danh mục cơ sở sản xuất thuốc phải kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu. Các cơ sở kiểm nghiệm trong toàn quốc đã tiền kiểm 2.100 lô thuốc nhập khẩu. Ban hành văn bản xử lý thuốc vi phạm chất lượng đối với 79 mẫu thuốc (56 mẫu trong nước và 23 mẫu nhập khẩu), thông báo thu hồi 17 thuốc và văn bản xử lý đối với 14 trường hợp phát hiện thuốc giả hoặc nghi ngờ thuốc giả.

Bên cạnh đó, năm 2018 ngành y tế cũng đã thực hiện đổi mới toàn diện trong công tác cấp giấy phép đăng ký lưu hành thuốc. Tiếp nhận 4.461 hồ sơ đăng ký lần đầu, 8.323 lượt hồ sơ bổ sung, tăng hơn năm 2017 là 1.115 hồ sơ (15,7%), số lượng thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trong năm là 3.763 thuốc, tăng 107,5% so với năm 2017. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc với 3.000 thuốc được công bố nguyên liệu trong năm.

 

Bên cạnh đó, nhiều thuốc sản xuất trong nước đòi hỏi trình độ công nghệ, yêu cầu kỹ thuật cao đã được thẩm định, cấp phép. Vắc xin cúm đầu tiên - cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1 - do Việt Nam sản xuất đã được công bố thử nghiệm thành công ngày 25/9/2018. Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc xin sởi, vắc xin phối hợp Sởi - Rubella đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Năm 2018, thị trường thuốc tiếp tục bình ổn, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Số lượt mặt hàng thuốc đã kê khai, kê khai lại giá thuốc là 5.561 lượt, trong đó 4.558 lượt đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược, 1.003 lượt có giá kê khai chưa hợp ký đã có văn bản trả lời doanh nghiệp.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, ngành y tế bảo đảm cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, xây dựng chính sách phát triển công nghiệp dược theo hướng nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước, hướng tới xuất khẩu, xây dựng và phát triển các chuỗi nuôi trồng, chế biến dược liệu, nguyên liệu sản xuất dược theo quy mô công nghiệp.

 Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, phấn đấu đến hết năm 2019 các cơ sở bán lẻ thuốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông với cơ quan quản lý Nhà nước.

Đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược theo hướng công khai, minh bạch, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp dược, mỹ phẩm phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm cải cách mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết các thủ tục cấp phép lĩnh vực dược, trọng tâm là công tác đăng ký thuốc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế chuyên môn về dược, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm, đặc biệt tập trung trong công tác hậu kiểm để kiểm soát chặt chẽ giá thuốc và chất lượng thuốc.../.

 


Thăm dò ý kiến