Các phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ
29/11/2020 | 10:16 AM
|
Ngày 24/11/2020, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Chương trình Câu lạc bộ Sa sút trí tuệ buổi thứ 9 với chủ đề “Những thuốc dùng trong bệnh Alzheimer, hướng dẫn sử dụng thuốc và các tác dụng phụ thường gặp”.
Theo thống kê những năm gần đây, trên thế giới có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ (SSTT), chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi. Ước tính cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc SSTT và số người mắc SSTT tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.
Sa sút trí tuệ (SSTT) là hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ, … SSTT có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 – 80% tổng số các bệnh nhân SSTT).
Chia sẻ tại buổi sinh hoạt, Ths. Lê Thị Phương Thảo, Phòng Tâm thần người già cho biết: biểu hiện sớm của SSTT là suy giảm trí nhớ: dễ quên sự việc mới xảy ra; hay bị quên và lẫn mất đồ đạc trong nhà, dễ bị lạc ở nơi mới đến, không nhận ra người quen cũ, tăng nhu cầu kiểm tra mọi thứ, lặp lại nhiều lần một câu chuyện hay một việc…
Sau giai đoạn sớm là giai đoạn Sa sút trí tuệ. Người bệnh bị thay đổi nhận thức như: quên, giảm giao tiếp bằng lời và chữ viết, rối loạn định hướng; kết hợp với các biểu hiện tâm thần như loạn thần, trầm cảm, lo âu, nhân cách thay đổi, kích động, đi lang thang, đứng ngồi không yên…từ đó, làm ảnh hưởng tới hoạt động hằng ngày, dẫn đến phải sống phụ thuộc vào người thân.
Bác sỹ Thảo cũng cho rằng phát hiện và can thiệp giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh dùng thuốc điều trị suy giảm nhận thức và các rối loạn tâm thần kèm theo thì việc xây dựng các kế hoạch hỗ trợ bằng các phương pháp không dùng thuốc như thay đổi lối sống, tập nhận thức và trí nhớ, liệu pháp hồi tưởng, sử dụng búp bê, âm nhạc, tập thể dục và can thiệp giao tiếp, can thiệp giúp đi vệ sinh…sẽ giúp người bệnh có thể tăng cường khả năng sống độc lập, từ đó giảm gánh nặng cho người chăm sóc.
Các thuốc điều trị triệu chứng nhận thức và các rối loạn tâm thần kèm theo cần được khởi liều thấp, tăng liều từ từ, chú ý đến các tác dụng phụ. Do đó gia đình cần cho người bệnh khám tại các cơ sở chuyên khoa và tái khám định kỳ để nâng cao hiệu quả điều trị tối đa.
Tại buổi sinh hoạt, các tham dự viên cũng được chia sẻ về “Hướng dẫn chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ” như cách cho uống thuốc tận dạ dày khi người bệnh chống đối uống thuốc. Người tham gia cũng được tham gia các trò chơi hết sức thú vị để rèn luyện trí nhớ và tập các động tác tinh tế của ngón tay. Qua sàng lọc 18 người tham gia đánh giá, các cán bộ Viện Sức khỏe tâm thần đã phát hiện ra 8 người mắc SSTT.
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai
Tin liên quan
- Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do nhiễm uốn ván sau lội nước bẩn trong mưa bão
- Thanh Hóa chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Hà Nội triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường sau bão lũ, ngập lụt
- Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường do mưa bão
- Đảm bảo công tác đảm bảo nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế ứng phó với bão lũ số 3
- Hướng dẫn xử lý nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường sau bão lũ
- Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ