Tăng cường ATVSTP trong trường học
27/11/2020 | 09:47 AM
|
Để bảo đảm việc vệ sinh trường học, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa bão và bảo đảm ATVSTP trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, ATVSTP.
Ngành y tế và giáo dục cùng đồng hành trong khâu kiểm tra, giám sát để từng bữa ăn của học sinh được an toàn
Theo Bộ GD&ĐT, các đơn vị trường học cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học; tăng cường công tác y tế trường học; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về ATTP, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Ngành giáo dục và ngành y tế cùng kiểm tra, giám sát để từng bữa ăn của học sinh được an toàn.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ, thành phố có 70/171 trường tiểu học tổ chức bếp ăn bán trú với hơn 34.600 học sinh; cấp mầm non có 174/176 trường tổ chức ăn bán trú với 47.169 học sinh. Với hàng chục nghìn suất ăn cho học sinh, để bảo đảm an toàn, không chỉ ngành giáo dục mà còn có sự vào cuộc của ngành y tế. Đầu năm học, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường trên địa bàn về kiến thức và quy định pháp luật về ATVSTP. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng hướng dẫn nhà trường xây dựng khu vực bếp ăn theo quy trình “1 chiều”. Nhà bếp được trang bị đầy đủ tủ lạnh, tủ lưu mẫu thực phẩm sống và chín riêng biệt. Thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày theo quy định và bắt buộc phải có hợp đồng nhập thực phẩm, cam kết trách nhiệm với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín trên địa bàn. Tuyệt đối không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Huy động sự tham gia của phụ huynh trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh
Bên cạnh việc yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ATTP, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, ngành y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, công tác vệ sinh trường học, ATVSTP tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATVSTP, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Tại TP.HCM, theo Ban Quản lý ATTP TP.HCM, toàn thành phố có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn, 883 căng tin phục vụ học sinh trong các trường học.Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm ATVSTP tại các trường. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học.
Để bảo đảm ATVSTP, nhiều trường học có quy định rất nghiêm ngặt. Người trực tiếp chế biến thực phẩm phải tuân thủ các quy định: Giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo trang sức khi chế biến. Cấm hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực chế biến thực phẩm. Nhân viên bảo mẫu, cấp dưỡng phục vụ trong trường học được kiểm tra sức khoẻ 6 tháng/lần; tham gia tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hành tốt vệ sinh cá nhân…
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do nhiễm uốn ván sau lội nước bẩn trong mưa bão
- Thanh Hóa chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Hà Nội triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường sau bão lũ, ngập lụt
- Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường do mưa bão
- Đảm bảo công tác đảm bảo nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế ứng phó với bão lũ số 3
- Hướng dẫn xử lý nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường sau bão lũ
- Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ