Điểm tin y tế ngày 01/9/2018

02/09/2018 | 00:39 AM

 | 

I. THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Bộ Y tế công bố Quyết định bổ nhiệm chức vụ Lãnh đạo các Cục/ Vụ

Chiều ngày 31/8/2018, tại Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao Quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) giữ chức Quyền phụ trách, quản lý và điều hành Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo;bổ nhiệm lại đồng chí Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự tin tưởng của Bộ trưởng và Ban cán sự dành cho các đồng chí mới được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại. Đối với đồng chí mới bổ nhiệm, Bộ trưởng mong muốn sẽ phát huy hết khả năng công việc, phát huy đoàn kết trong tập thể để cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì sự nghiệp phát triển của ngành y tế;

Đối với các đồng chí tái bổ nhiệm, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục phát huy năng lực chuyên môn thế mạnh của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thay mặt các đồng chí được bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, đồng chí Nguyễn Ngô Quang bày tỏ lòng cảm ơn đến sự quan tâm, tin tưởng giao nhiệm vụ của Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như sự giúp đỡ của các vụ, cục, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế  và hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao...(287)

 

2. Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia: Nhiều điểm bất ổn

Ngày 30-8, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, có đại biểu cho rằng “Đạo luật này không ổn”.

 Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo giải thích về việc xuất hiện nội dung điều chỉnh đối với các loại rượu bia từ trên 0 độ trở lên. Theo ông Lợi, việc quảng cáo rượu, bia thì quảng cáo phải như thế nào cho công bằng để người ta phải thấy được rằng rượu bia vẫn còn tồn tại và uống bia vẫn còn có lợi ở một điểm vừa phải.

Tư duy làm luật không đúng

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy định về việc hạn chế tài trợ khi không được nhắc tên các cơ quan sản xuất rượu, bia là nhà tài trợ thì các đơn vị này sẽ không tài trợ.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá: “Chưa từng thấy một đạo luật nào mà khi đưa vào đây tôi cảm thấy rằng dường như  rượu bia là một phát minh sai lầm của lịch sử hàng ngàn năm qua”.  Theo ông Lưu Bình Nhưỡng đây là một tư duy làm luật không đúng.

Cho rằng, cách thức tiếp cận và tư duy xây dựng luật là có vấn đề khi nhìn nhận rượu bianhư một “tội đồ”, ông Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra, không có bất kỳ một nghiên cứu nào khẳng định rằng rượu bia làm gia tăng bất bình đẳng về giới, mất công bằng xã hội. “Ngày hôm qua thẩm định sơ bộ về Luật bình đẳng giới trong báo cáo Chính phủ không hề có câu này. Các đồng chí liên hệ như thế nào, cũng là thuộc Chính phủ, một dự án luật và một báo cáo bình đẳng giới mà giữa hai báo cáo này mâu thuẫn nhau”, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.

Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, dự thảo luật còn sai về đối tượng điều chỉnh. Cụ thể, dự thảo luật điều chỉnh đối với các loại rượu, bia trong khi rượu, bia là vật vô tri vô giác.

“Trong khi hành vi của người sử dụng là hành vi quan trọng nhất, cho nên thay vì xử lý mối quan hệ trực tiếp, trong đó phải kiểm soát đối tượng sử dụng, đối tượng lạm dụng thì luật lại quay mũi giáo đánh vào những chủ thể không có tội”, ông Nhưỡng nói. Đồng thời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra nhận xét: “Đạo luật này chắc chắn sẽ trực tiếp đánh vào sức khỏe của nền kinh tế xã hội và dạ dày của người dân”. Bởi theo ông Nhưỡng, sự đóng góp của rượu bia với ngành kinh tế đã được chứng minh, công ăn việc làm của hơn 200 ngàn con người trực tiếp và hàng vạn người khác. Như vậy là đánh vào phong tục tập quán văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đặt vấn đề: Không nên phủ nhận sạch trơn sự đóng góp của nền công nghiệp rượu, bia. Ông Cương dẫn chứng rằng đóng góp của rượu, bia vào ngân sách không phải nhỏ, có thời điểm sự đóng góp đó là 20% ngân sách. Đồng thời ngành công nghiệp này cũng sử dụng một lực lượng lao động rất lớn, thêm vào đó là các hoạt động từ thiện của họ.

Đại biểu Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thì nêu thắc mắc câu “từng bước giảm sản lượng và tiêu thụ” trong dự thảo luật. “Từng bước là từng bước như thế nào.20 năm, 30 năm sau vẫn từng bước à”, ông Hòa hỏi.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhắc lại quy định “tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia phải tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo”. Tuy nhiên bà Thúy dẫn chứng, tại Điều 7 của Luật quảng cáo có quy định, cấm quảng cáo rượu có nồng độ từ 15 độ trở lên, trong khi đó Khoản 2 điều 4 của dự thảo hành vi bị nghiêm cấm thì ghi rằng quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức.

Cũng đến từ Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai bày tỏ băn khoăn về quy định quảng cáo trong dự thảo. Đại biểu này nêu ví dụ: “Công ty (sản xuất rượu, bia – PV) có thể mua mũ bảo hiểm cho các cháu. Quan trọng hoạt động có nhằm quảng cáo rượu bia hay không để chúng ta kiểm soát, còn bản chất tài trợ là rất tốt, nhưng vấn đề không được lợi dụng để tài trợ”.

Trả lời ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, ý kiến của các đại biểu về việc không sử dụng từ “Lạm dụng” tác hại của rượu, bia bởi trong y văn của thế giới không xác định được một cách cụ thể và tất cả các đối tượng không có ngưỡng nào là an toàn cho vấn đề sử dụng.

Việc dùng từ từng bước giảm sản lượng và tiêu thụ bởi theo ông Long vì thực ra không thể cấm được, chỉ kỳ vọng tăng trưởng nhưng không tăng trưởng nhanh như hiện nay…

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh đây là dự án Luật khó và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định cụ thể của dự luật, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời hoàn thiện các vấn đề về thủ tục hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đúng yêu cầu và tiến độ trình sang các cơ quan của quốc hội thẩm tra chính thức. Ngay sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia về dự thảo Luật.  (1108)

 

3. Hiến kế để phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Nghệ An đến năm 2030

Sáng 31/8, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Nghệ An đến năm 2030.

Các đồng chí Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế; Lương Ngọc Khuê - Cục Trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Đình Chỉnh - Quyền Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện Trung ương, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh;

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với mục tiêu góp phần xây dựng và hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Nghệ An đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, từng bước hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, 5 năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Cụ thể, các chương trình mục tiêu y tế cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho các cháu dưới 1 tuổi hàng năm đạt trên 95%.Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 17%. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng duy trì ở mức dưới 0,3%.

Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, triển khai được nhiều kỹ thuật cao tuyến trung ương.Tỷ lệ chuyển tuyến giảm.Phong cách thái độ phục vụ cơ bản đã làm hài lòng người bệnh.Mạng lưới khám, chữa bệnh - phục hồi chức năng phát triển nhanh chóng, ngày càng chuyên sâu.

Nghệ An đã hoàn thành một số mục tiêu xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại TP. Vinh như đưa Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh mới vào hoạt động; thành lập Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông bày tỏ: Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh và đạt được mục tiêu của Nghị quyết 26 đề ra, UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với mong muốn được lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, các Bệnh viện Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các ban, ngành của tỉnh... sẽ đóng góp những giải pháp, ý kiến quý báu giúp tỉnh Nghệ An tìm ra các giải pháp tốt nhất cho sự phát triển sự nghiệp y tế đến năm 2030.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đề nghị tỉnh Nghệ An cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc chỉ đạo sát sao, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo chính quyền; tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Y tế đặc biệt là về chuyên môn; phát triển nguồn lực y tế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế; thu hút các nguồn lực...

Sở Y tế và các đơn vị y tế cần nghiên cứu tham mưu tốt cho tỉnh những ưu tiên phát triển vào yếu tố mũi nhọn, theo tuần tự khoa học để thực hiện tốt sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.  

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện, Cục thuộc Bộ Y tế, các sở, ngành, UBND các huyện, thành thị và các cơ sở y tế đã tập trung thảo luận, tham gia hiến kế cho Nghệ An với các nội dung trọng tâm như: Định hướng chiến lược phát triển y tế tỉnh Nghệ An đến năm 2030; phát triển kỹ thuật cao tương xứng Trung tâm Y tế kỹ thuật cao Bắc Trung Bộ; thực trạng và định hướng áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế đến năm 2030; triển khai thực hiện đề án đổi mới y tế cơ sở trong tình hình mới.../.(818)

 

4. Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam

Ngày 30/8, Bộ NN&PTNT đã có Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Công an và Bộ Quốc phòng về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8/2018, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – viết tắt là ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc.

Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 4 ổ dịch Dịch tả lợn Châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con; mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đô-va, Phần Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a) báo cáo có Dịch tả lợn Châu Phi.

Bệnh Dịch tả lợn Châu phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.

Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam thông qua việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn nhập lậu, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi và thương mại quốc tế, Bộ NN&PTNT đã có Công điện khẩn 6741/CĐ-BNN-TY đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp chỉ đạo triển khai một số nội dung ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam. (491)

 

5. Khó chẩn đoán được dịch tả lợn châu Phi

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết, chỉ có lấy mẫu xét nghiệm mới có thể xác định được chính xác lợn bị bệnh do virus dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Xin ông cho biết những triệu chứng cơ bản để phát hiện lợn bị bệnh virus dịch tả lợn Châu Phi?

Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán Dịch tả lợn châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, mà cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm mới có thể phát hiện chính xác virus dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, một số biểu hiện cơ bản có thể dễ nhận nhận bên ngoài ở các thể:

- Thể quá cấp tính: Lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.

- Thể cấp tính: Lợn sốt cao (40,5-42°C). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ tử chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang ASFV trong suốt cuộc đời.

- Thể á cấp tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình, chủ yếu được tìm thấy ở châu Âu, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn mang thai sẽ sẩy thai, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70 %. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.

- Thể mãn tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp. Chủ yếu được tìm thấy ở Angola và châu Âu. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.

Như ông nói việc chẩn đoán bệnh do dịch tả lợn châu Phi khó có thể thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, mà cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Vậy ở Việt Nam hiện nay có đủ các điều kiện cơ sở phân tích để xác định virus dịch tả lợn Châu Phi không?Bằng phương pháp nào?

Các bệnh khác cần được chẩn đoán để phân biệt với bệnh do virus dịch tả lợn châu Phi rất đa dạng, bao gồm các bệnh: Bệnh tai xanh (đặc biệt là thể cấp tính); bệnh đóng dấu lợn; bệnh phó thương hàn; bệnh tụ huyết trùng; bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus suis; bệnh Glasser; bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma gây ra; Hội chứng viêm da sưng thận do PCV2; bệnh giả dại ở lợn choai và bị ngộ độc muối.

Hiện nay, hệ thống các phòng phân tích của ngành thú y ở nước ta đều có khả năng để xác định bệnh do virus dịch tả lợn châu Phi gây ra. Cụ thể, việc lấy mẫu xét nghiệm có thể gồm: Lấy mẫu máu lợn đang sốt trong giai đoạn đầu, máu được chống đông bằng bổ sung EDTA 0.5% hoặc Heparin; lách, các hạch bạch huyết, hạch amidan bảo quản ở nhiệt độ 4°C; huyết thanh từ động vật khỏi bệnh, lấy mẫu trong vòng 8-21 ngày sau khi lợn nhiễm bệnh.

Xét nghiệm phát hiện virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng nhiều cách như: Sử dụng tế bào monocytes sơ cấp của lợn hoặc tế bào tủy xương, phần lớn virus dịch tả lợn phân lập được sẽ sinh ra Haemadsorption; phát hiện kháng nguyên bằng phương pháp Fluorescent antibody test (FAT) kết quả dương tính của FAT cùng với các triệu chứng và các tổn thương có thể sơ bộ xác định bệnh Dịch tả lợn châu Phi; phương pháp PCR: Là kỹ thuật cần thiết đối với việc xét nghiệm các mẫu lợn nghi bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi…

Xin cảm ơn ông!  (978)

 

6. Gia tăng bệnh nhân sởi biến chứng nặng

Số trẻ mắc bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng Hà Nội, nhất là ở độ tuổi dưới tuổi tiêm chủng và ở những trẻ không tiêm đầy đủ mũi vắc xin phòng sởi. Dự đoán bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm, do năm nay là năm chu kỳ dịch sởi sau 4 năm bùng phát (năm 2014), vì vậy không thể lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Nhiều trẻ mắc do chưa được tiêm phòng

Đang điều trị bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé L.Q.P (10 tháng tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) đã bị biến chứng sang viêm phổi phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị đã 2 ngày nay.

Mẹ bé P. cho biết: "Con tôi cách đây mấy hôm đã phải nằm viện điều trị tiêu chảy, sau đó cháu lại sốt, nổi ban; gia đình cho đi khám thì cháu được chẩn đoán mắc sởi đã biến chứng sang viêm phổi và được chuyển từ Bệnh viện Đức Giang lên đây điều trị. Trước đó cháu chưa kịp tiêm phòng sởi vì cháu bị ốm liên tục, chưa kịp tiêm thì đã mắc bệnh.

Cũng như bệnh nhi P. nhiều trẻ đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm cũng trong tình trạng tương tự, chưa kịp tiêm phòng sởi đã mắc bệnh hoặc mới chỉ tiêm được 1 mũi.

Ths.BS Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện tại khoa đang điều trị cho 12 trẻ mắc sởi. Từ đầu năm đến nay tại Khoa đã tiếp nhận điều trị gần 300 bệnh nhi mắc sởi, riêng từ đầu tháng 8 đến nay là gần 50 bệnh nhi. Đa phần các trẻ bị sởi biến chứng nặng là dưới 1 tuổi, chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi phòng sởi. Các biến chứng bệnh sởi thường gặp là: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa

Cũng theo BS. Hương, so với năm ngoái, năm nay số ca mắc sởi có xu hướng cao hơn, tỷ lệ trẻ bị mắc dưới tuổi tiêm chủng là khá cao, nhiều trẻ bị biến chứng nặng.

Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện không có bệnh nhân mắc sởi nào phải nằm điều trị. Tuy nhiên, trước đó Khoa đã tiếp nhận nhiều ca mắc sởi biến chứng rất nặng. Từ đầu năm đến nay, tại Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho gần 40 bệnh nhi mắc sởi, các bệnh nhi mắc bệnh đều chuyển sang giai đoạn biến chứng viêm phổi nặng.

TS.BS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Hầu hết các bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng đều là trẻ dưới 3 tuổi và trước đó chưa được tiêm vắc xin phòng sởi do chưa đến tuổi tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

BS. Huy cũng khuyến cáo, để phòng bệnh phụ huynh cần cho con tiêm chủng đầy đủ, cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Đồng thời, phụ huynh cần chủ động tìm hiểu các kiến thức về bệnh sởi, cho con đi khám ngay khi có các biệu hiện bất thường như sốt cao, bỏ bú, nôn trớ nhiều

Hà Nội vẫn đang khá “an toàn” khi số ca mắc mới chỉ rải rác, khống chế được. Tuy nhiên Sở Y tế Hà Nội đánh giá tình hình bệnh vẫn có thể gia tăng vào cuối năm nên không thể chủ quan lơ là công tác phòng dịch.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Tính từ đầu năm đến hết tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 320 trường hợp bệnh nhân mắc sởi, tuy chưa có bệnh nhân tử vong nhưng số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt bênh xu hướng tăng nhanh trong các tháng gần đây, đã phân bố rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã; tuy chưa có ổ dịch lớn, chưa có ổ dịch tập trung nhiều người mắc.

Cũng theo ông Cảm, ngoài nguyên nhân là năm chu kỳ dịch, dịch sởi tại Hà Nội cũng dễ tăng cao do thời điểm này, Hà Nội đang nằm trong bối cảnh chung của tình hình dịch sởi đang diễn ra tại một số nước trong khu vực trên thế giới và tại Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95% - 97%), nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3%-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi, số trẻ bị bỏ sót tiêm chủng tích lũy lại hằng năm cũng là đối tượng dễ mắc bệnh sởi dễ làm lây lan bệnh sởi.

Đặc biệt, đang là thời điểm bước vào đầu năm học mới, trẻ tựu trường cũng là nguy cơ dễ khiến bệnh lây lan khó kiểm soát.

Điểm đáng chú ý và dễ gây khó khăn của diễn biến bệnh sởi năm nay là đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định. Vắc xin phòng sởi hiện nay đang triển khai tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên, do vậy những trẻ dưới 9 tháng là các đối tượng có nguy cơ bị mắc dịch bệnh này.

Triệt để thực hiện tiêm chủng

Cũng theo ông Cảm, để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh sởi ngay từ đầu, Sở Y tế đã có kế hoạch về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi tại Hà Nội năm 2018; trong đó đặc biệt chú trọng việc đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để tăng cường miễn dịch cho trẻ.

Theo đó, Hà Nội đang triển khai tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh, các khu vực nguy cơ cao; thu thập mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh nghi ngờ để xét nghiệm; củng cố các đội chống dịch cơ động tại các đơn vị, sẵn sàng nhân lực cho đáp ứng phòng chống dịch sởi. Đồng thơi xử lý kịp thời, đúng quy định khu vực có bệnh nhân, ổ dịch hoặc có nguy cơ để không xuất hiện hoặc lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tại các trạm y tế xã, phường của Hà Nội đang duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tuần với tất cả các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc xin phòng bệnh sởi và vắc xin phòng bệnh sởi - rubella; tại các xã, phường cũng triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi nhằm tăng cơ hội cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các trường học trên địa bàn để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt trong các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học; các trường cũng phải phối hợp với ngành y tế trong việc tổ chức các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi - rubella cho học sinh.

Để mở rộng đối tượng tiêm chủng, Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn có những nghiên cứu cụ thể để hạ thấp tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi so với lịch tiêm chủng hiện nay (từ 9 tháng tuổi), theo đó sắp tới sẽ đưa vào tiêm mũi phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi để tăng khả năng phòng bệnh cho trẻ. (1365)

 

7. Tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch sởi

Mới đây, LĐLĐ Thành phố đã có công văn số 446/LĐLĐ gửi LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố; Báo Lao động Thủ đô, trang web LĐLĐ Thành phố đề nghị chủ động tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch sởi.  

Công văn nêu rõ: Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh qua đường hô hấp, đặc biệt ở những người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc chưa mắc bệnh sởi. Theo thông báo của Bộ Y tế và báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay dịch sởi đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành trên cả nước; tại Hà Nội bệnh sởi đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Thực hiện Công văn số 3470/UBND-KGVX ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc chủ động tăng cường công tác khám, điều trị, phòng, chống dịch sởi, Ban Thường vụ LĐLĐ phố đề nghị các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ TP, Báo Lao động Thủ đô, trang web LĐLĐ Thành phố tập trung thực hiện tốt 3 nội dung quan trọng.

Trước hết, các cấp công đoàn cần chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp, các ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch sởi đặc biệt là tuyên truyền để đoàn viên, CNVCLĐ chủ động cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng dịch sởi. Công đoàn cần phối hợp với chính quyền tuyên truyền về cách phát hiện bệnh và khuyến cáo đoàn viên, CNVCLĐ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị cách ly kịp thời khi có dấu hiệu mắc bệnh; tuyên truyền để mỗi CNVCLĐ chủ động phối hợp và tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sởi cho gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tiếp theo, LĐLĐ Thành phố yêu cầu CĐCS các trường học phối hợp chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch sởi trong trường học, đặc biệt trong các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học; Phối hợp với ngành Y tế trong việc tổ chức các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi – rubella tại trường học. CĐCS các trường học cũng cần tuyên truyền cho cán bộ nhân viên, giáo viên của nhà trường, phụ huynh, học sinh các phòng chống dịch sởi; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý.

Đối với Báo Lao động Thủ đô, trang web LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo hai đơn vị cần tăng cường tin, bài nhằm tuyên truyền, định hướng, phổ biến kiến thức về tình hình dịch, cách phòng chống dịch sởi đến cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ và nhân dân.(547)

 

8. Không thờ ơ với dịch sốt xuất huyết

Vào thời điểm này năm 2017, người dân Hà Nội phải sống trong nỗi sợ hãi mang tên "sốt xuất huyết". Hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có người nhập viện vì sốt xuất huyết, khiến các bệnh viện từ tuyến huyện, thành phố tới tuyến trung ương rơi vào cảnh quá tải.Năm nay, số người mắc bệnh giảm nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, song không vì thế mà chúng ta chủ quan, thờ ơ bởi vì mùa dịch mới chỉ bắt đầu.

 Nguy cơ luôn hiện hữu 

Từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội ghi nhận 470 ca sốt xuất huyết. Nếu như trong tháng 7-2018 chỉ ghi nhận từ 15 đến 20 ca sốt xuất huyết mỗi tuần, thì trong những tuần cuối tháng 8-2018, số lượng ca mắc tăng lên từ 50 đến 60 ca một tuần. Lượng bệnh nhân phân bổ tại 178 xã, phường thuộc 28 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Ba Vì và huyện Ứng Hòa chưa ghi nhận ca mắc nào). Riêng trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 11 ổ dịch mới tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai và Mê Linh. 

Dù đã xuất viện được gần một tuần, nhưng chị Cao Thị H. (quận Hoàng Mai) vẫn chưa hết bàng hoàng vì trận sốt xuất huyết mà gia đình vừa trải qua.Gia đình chị H. có 4 người thì cả 4 người cùng phải vào Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị sốt xuất huyết. “Nguyên nhân do khu vực nhà tôi ở gần chợ, điều kiện vệ sinh môi trường không sạch sẽ, nhất là khi mưa xuống, nước tù đọng rất nhiều, khiến muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh...”, chị H. cho biết. 

Dù so với thời điểm này năm 2017, số lượng bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang… không nhiều. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Mai (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong số những ca mắc bệnh nhập viện năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh nặng như: Giảm tiểu cầu, xuất huyết… Điều đó cho thấy, người dân chủ quan, chỉ khi bệnh chuyển nặng mới nhập viện. Dù số ca mắc bệnh nhập viện chưa nhiều, nhưng theo kinh nghiệm của các bác sĩ, cứ sau mỗi đợt mưa kéo dài, lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện lại gia tăng.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, không ít người dân vì thấy số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh nên chủ quan, từ đó lơ là việc phòng dịch ngay trong chính gia đình mình.Thậm chí, qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều nơi còn tồn đọng các ổ bọ gậy. Trong khi thời tiết mưa kéo dài như hiện nay là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng luôn hiện hữu. 

Bởi lẽ, mỗi lần mưa xuống lại tạo thành những vũng nước đọng, đó là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển…

Cần ý thức tự giác phòng bệnh của người dân

Theo quy luật hằng năm, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11. Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa, do đó, việc cảnh giác với bệnh, nhất là vào mùa mưa, là việc làm không thể thiếu đối với mỗi cá nhân và gia đình. Bài học trong công tác chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2017 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, không muốn dịch bệnh bùng phát thì ngoài ngành Y tế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân.

Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 28.000 lượt hộ gia đình, nhiều khu vực công cộng đã được phun hóa chất chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý, trong mùa mưa, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành…, theo nguyên tắc: Không có lăng quăng, không có bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết. Chúng ta phải luôn có ý thức dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng như: Gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ... Ngoài ra, người dân cần ngủ màn, kể cả ngày và đêm, mặc quần áo dài tay, không ngồi chơi chỗ tối, đuổi muỗi bằng đốt nhang muỗi, xịt muỗi hay kem thoa chống muỗi. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi bị sốt, uống thuốc hạ sốt không hạ, ở trong vùng có dịch, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính..., nên đi khám sớm vì bệnh có thể chuyển biến nặng rất nhanh.Đối với mỗi hộ gia đình, cá nhân phải có ý thức làm sạch các ngõ, ngách trong môi trường sống; nhập viện khi có chỉ định của bác sĩ. "Vì sự an toàn của mỗi người và vì lợi ích chung của cộng đồng, không còn cách nào khác là phải huy động tổng lực để ngăn chặn dịch bệnh. Không thể để dịch bệnh “gõ cửa” nhà mình, thì mới nhìn thấy hiểm nguy", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. (1023)

 

9. HIV/AIDS bủa vây vùng cao

Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở vùng cao, miền núi, biên giới đang diễn biến phức tạp. Địa bàn rộng, tội phạm ma túy nhiều, tiêm chích tràn lan… là những tác nhân làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở khu vực này

Tiền Phong là một xã vùng cao thuộc huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An, vốn là nơi thanh bình, người dân quanh năm chỉ biết nương rẫy. Nhưng gần 20 năm trước, cơn lốc ma túy từ Lào tràn vào xã nghèo này khiến nhiều người dân vướng vào nghiện ngập. Tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn khiến tỉ lệ nhiễm HIV ở đây tăng cao. Theo thống kê mới nhất, toàn xã Tiền Phong đang có tới 412 người nhiễm HIV.

Hoành hành thôn bản nghèo

Về "điểm nóng HIV" Tiền Phong, theo sự dẫn đường của anh Nguyễn Văn Quyết, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, chúng tôi tìm đến nhà chị Hà Thị T. (SN 1993, ngụ bản Tạng), một bệnh nhân HIV/AIDS. Trong căn nhà sàn nhỏ là một phụ nữ gầy yếu, khắc khổ. Không giấu được nỗi buồn, chị T. chia sẻ: "Năm 2017, lúc có bầu sắp sinh, tôi đi khám thì bác sĩ bảo đã nhiễm HIV nhưng không tin lắm. Sau khi sinh con, được mấy tháng, thấy sức khỏe yếu, tôi đi khám lại và mới tin mình nhiễm HIV".

Chị T. cho biết đầu năm 2018, khi đưa 2 con trai đi kiểm tra, các bác sĩ khẳng định các cháu đã bị nhiễm HIV từ mẹ."Mình thì sao cũng chịu đựng được, chỉ thương cho 2 đứa con. Tháng nào tôi cũng một mình bắt xe từ nhà đi gần 200 km xuống TP Vinh lấy thuốc về cho con uống. Nhìn con tôi không cầm được nước mắt" - chị T. nức nở.

Tại bản Tạng, chúng tôi còn bắt gặp nhiều hoàn cảnh hết sức đáng thương khi không may nhiễm HIV. Đó là trường hợp của chị C.T.D, anh L.V.X, cháu L.T.M... Bà Nguyễn Thị Hải, cán bộ Trung tâm Y tế xã Tiền Phong, thở dài: "Ở đây nhiều người bị nhiễm HIV lắm, chỉ riêng bản Tạng đã có 52 người, trong đó 7 người chuyển sang AIDS đã tử vong".

Rời bản Tạng, men theo con đường dọc triền núi quanh co, chúng tôi tìm đến bản Na Nhắng, nơi sinh sống của người dân tộc Khơ Mú. Đón chúng tôi ở đầu bản là chị Hồ Thị Phương Lê, cán bộ y tế bản. Vừa đi, chị vừa kể vanh vách về các trường hợp người dân của bản bị HIV."Bản ít người nhưng có tới 20 người bị HIV.Hoàn cảnh của họ rất đáng thương, nhiều gia đình không đủ ăn. HIV/AIDS đang hoành hành khắp các thôn bản " - chị Lê nói.

Chị Lê dẫn chúng tôi vào nhà vợ chồng anh C.V.N (SN 1975) và chị L.T.Q (SN 1980).Anh C.V.N nhớ lại cách đây 3 năm, thấy người không khỏe, đi khám mới biết mình bị nhiễm HIV.Nhiều người cũng chậm phát hiện như anh, đến lúc chuyển thành bệnh thì đã muộn. Trong lúc chúng tôi trò chuyện với anh N., chị Q. ôm con nhỏ ngồi bên chồng, nước mắt giàn giụa: "Chồng mắc bệnh rồi mình cũng bị lây. Giờ sức khỏe của hai vợ chồng yếu, ốm đau thường xuyên, không biết có sống được ít năm nữa để nuôi 3 con khôn lớn hay không...".

Chưa biết bao giờ dừng lại

Tại Trạm Y tế xã Tiền Phong, khi được hỏi về những trường hợp mang trong mình căn bệnh AIDS do lây nhiễm HIV, y sĩ Lương Thị Kiên, trưởng trạm y tế xã, liền đưa cho chúng tôi một cuốn sổ dày cộp ghi lại danh sách những người bệnh. "Theo con số chúng tôi thống kê được thì cả xã có 412 trường hợp nhiễm HIV, trong đó nhiều nhất là bản Na Sành (58 người); kế đến bản Tạng (52 người), bản Long Quang (45 người), bản Huồi Muông (25 người)... Mỗi lần đi xuống bản khám, xét nghiệm lại phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc HIV mới.Buồn quá, không biết đến bao giờ con số những người bị nhiễm HIV trên địa bàn xã mới dừng lại" - y sĩ Kiên thở dài.

Bác sĩ Mạc Văn Lâm, Phòng khám OPC (chuyên điều trị bệnh nhân HIV/AIDS) thuộc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, thông tin thêm toàn huyện Quế Phong hiện có 1.123 người nhiễm HIV đang lấy thuốc, điều trị tại phòng, trong đó nhiều nhất là 2 xã Tiền Phong (369 người) và Mường Nọc (219 người). Theo bác sĩ Lâm, việc điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn vì hầu hết bệnh nhân thuộc diện nghèo, nhận thức hạn chế, công việc và nơi ở không ổn định.

Còn theo bác sĩ Lang Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên trên địa bàn huyện là vào năm 1998 và từ đó, số lượng nhiễm HIV, tử vong do AIDS không ngừng tăng. Theo bác sĩ Thái, nguyên nhân khiến số người trên địa bàn huyện nhiễm HIV cao là vì Quế Phong là huyện miền núi cao giáp Lào, tình hình mua bán, sử dụng ma túy phức tạp. Nhận thức hạn chế, kinh tế khó khăn, nhiều người nghiện dùng chungbơm kim tiêm để chích hoặc quan hệ tình dục không an toàn nên dễ dẫn đến lây nhiễm. "80% các trường hợp nhiễm HIV là do tiêm chích ma túy, 20% còn lại là lây qua đường tình dục và các con đường khác" - bác sĩ Thái nhấn mạnh.

Rời xã Tiền Phong lúc xế chiều, cơn mưa rừng khiến đoạn đường quanh co xuôi theo Quốc lộ 48 khoảng 200 km về TP Vinh như dài thêm. Hình ảnh những đứa bé vừa lọt lòng mẹ đã mang trên mình căn bệnh thế kỷ khiến chúng tôi vô cùng xót xa. Đại dịch HIV đã và đang khiến những người dân xã nghèo kiệt quệ. (1050)

 

10. Xét nghiệm HIV thuận tiện nhưng người dân vẫn thiếu chủ động

Mặc dù HIV có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng trên thực tế, tỷ lệ người dân đi xét nghiệm HIV tự nguyện còn thấp. Tại Việt Nam, nhiều người nhiễm HIV không biết tình trạng bệnh của họ.Việc chẩn đoán và điều trị muộn vẫn còn phổ biến, dẫn đến người dân và cộng đồng nhận được rất ít lợi ích từ việc điều trị.  

Mới đây, sau sự việc hơn 40 người dân ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) dương tính với HIV, vì lo lắng nhiều người dân đã tới trung tâm y tế huyện xin được xét nghiệm HIV. Điều đó đã cho thấy sự thiếu chủ động trong việc khám bệnh của người dân.

Trong khi ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và mạng lưới các cơ sở y tế rộng khắp, việc xét nghiệm sàng lọc HIV vốn được thực hiện đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện. Theo đó, mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã được đưa vào Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo các chuyên gia, nhiễm HIV/AIDS đồng nghĩa với nhận bản án tử hình vốn là quan niệm vẫn còn đeo đẳng và ám ảnh mọi người. Chính vì sự khắc nghiệt này mà quy trình chẩn đoán đòi hỏi tính chính xác rất cao. Chẩn đoán một người nhiễm HIV không được dựa vào các biểu hiện hay triệu chứng mà phải dựa trên kết quả xét nghiệm.

Hiện nay, ước tính cả nước có khoảng hơn 1.000 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV. Ngoài các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng thông qua các cán bộ y tế thực hiện lưu động hoặc nhân viên xét nghiệm không chuyên (những người không được đào tạo chuyên ngành y tế, các nhóm đồng đẳng) họ được hướng dẫn, tập huấn và thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV.

Nhưng từ khi mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng được triển khai thực hiện, nhiều người dân cho biết họ vui mừng vì xét nghiệm HIV đã được thuận tiện, nhanh chóng, giảm thời gian, chi phí lên các tuyến cơ sở y tế trung tâm xa xôi. Tuy nhiên, cũng không ít người còn tâm lý e ngại chưa sẵn sàng tham gia bởi họ băn khoăn về độ chính xác cũng như tính bảo mật thông tin của các xét nghiệm tại cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Cố vấn Mạng lưới Cộng đồng & Điều phối Dự án QTC Phòng, chống HIV (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng), triển khai xét nghiệm HIV ở các cấp xã phường sẽ giảm tải cho các cơ sở xét nghiệm ở cấp quận/huyện hoặc các cấp khác, người bệnh dễ tiếp cận vì được xét nghiệm tại địa phương nơi họ sinh sống. Cách làm này sẽ triệt để hơn nếu tất cả các cán bộ y tế đều được tập huấn bài bản và đầy đủ về kỹ năng làm việc với người sống chung với HIV, hoặc các nhóm cộng đồng có nguy cơ cao, để có thái độ thân thiện với bệnh nhân, tránh thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử.

“Trên thực tế, người có HIV vẫn bị kì thị và phân biệt đối xử. Do đó, thực tế rất ít bệnh nhân làm xét nghiệm và điều trị tại địa phương, mà thường đến các địa bàn khác do lo ngại vấn đề về lộ thông tin cá nhân. Vì thế, mục đích của việc đưa xét nghiệm HIV về địa phương có thể tốt về mặt địa lý, nhưng về các vấn đề xã hội, lại gặp nhiều trở ngại.Nếu không bảo mật thông tin bệnh nhân, thì cách làm này có thể sẽ rất lãng phí và không phù hợp.Còn về tính chính xác, nếu các cán bộ y tế được tập huấn đúng và sử dụng đúng mẫu sinh phẩm thì độ chính xác là rất cao”, bà Dung nhấn mạnh.

Mặt khác, người Việt vốn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi còn “cảm thấy khỏe”. Trong khi đó, HIV dễ dàng lây truyền khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa máu hoặc dịch sinh học, do vậy không chỉ lây truyền từ mẹ sang con, tình dục, kim tiêm không an toàn thậm chí quá trình cứu người bị tai nạn hay trong một lần làm móng ở tiệm, làm các dịch vụ thẩm mỹ,.... nếu gây chảy máu thì hoàn toàn có thể là những nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Bởi vậy, một xét nghiệm HIV hiện mất phí không quá cao là việc mỗi cá nhân nên chủ động thực hiện cho bản thân và những người thân của mình. (829)

 

11. Vừa bị xử phạt, Công ty CP đầu tư Akina Đông Á tiếp tục quảng cáo sai sự thật?

Mặc dù vừa bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt 50 triệu đồng về hành vi sai phạm nhưng Công ty CP đầu tư Akina Đông Á vẫn tiếp tục quảng cáo 2 sản phẩm Bột tía tô Akina, Hoàn Xuân Thang như thuốc chữa bệnh.

Như Đời sống Plus đã thông tin tới bạn đọc, Công ty CP đầu tư Akina Đông Á đang bất chấp những quy định của pháp luật để quảng cáo 2 sản phẩm Bột tía tô Akina và Hoàn Xuân Thang của mình như “thần dược” chữa bệnh.

Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn “vẽ” thêm công dụng cho sản phẩm và dùng thư cảm ơn, chia sẻ của nhân vật để quảng cáo sản phẩm trên các website của công ty không đúng sự thật, gây hoang mang, hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Trước những sai phạm trên, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y Tế đã xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty CP đầu tư Akina Đông Á có địa chỉ: Km 30 Đại lộ Thăng Long, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bột tía tô Akina và Hoàn Xuân Thang gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Bên cạnh hình thức phạt tiền, Công ty buộc phải giao nộp và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.

Tuy nhiên, ngày 30/8, theo ghi nhận của PV Đời sống Plus, Công ty CP đầu tư Akina Đông Á không những không sửa đổi, rút kinh nghiệm về những sai phạm khi quảng cáo 2 sản phẩm Bột tía tô Akina và Hoàn Xuân Thang, mà còn tiếp tục sử dụng những từ ngữ “chữa trị”, “điều trị”, “bài thuốc”,…những bài chia sẻ của nhân vật để quảng bá rầm rộ 2 sản phẩm như “thần dược” trên các trang website của mình khiến người tiêu dùng hoang mang.

Dư luận không khỏi đặt ra nghi vấn: Phải chăng vì lợi nhuận kinh tế quá lớn nên Công ty CP đầu tư Akina Đông Á đang bất chấp việc bị xử phạt để tiếp tục quảng cáo sai sự thật, lừa đảo người tiêu dùng?

Đề nghị Bộ Y Tế, các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh hơn nữa để xử lý dứt điểm những sai phạm trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.(434)

 

12. Không chấp nhận cơ sở lem nhem sản xuất bánh trung thu không bảo đảm chất lượng

Đây là khẳng định của TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm về việc kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu khi thời điểm trung thu đang đến.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, nhu cầu tiêu dùng bánh kẹo-đặc biệt bánh trung thu vào thời điểm này tăng lớn. Nhiều cơ sở nghỉ cả năm nhưng chỉ sản xuất một vụ. Có những cơ sở sản xuất và xuất khẩu hàng nghìn tấn bánh trung thu. Vì thế, nhu cầu sản xuất, nhập khẩu được các cơ sở đẩy lên công suất tối đa.

Với đặc thù sản phẩm tiêu thụ lớn, các cơ quan chức năng phải có kế hoạch chủ động. Việc quan trọng đầu tiên là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ thanh, kiểm tra điều kiện sản xuất, sử dụng phụ gia thực phẩm, vệ sinh cá nhân, nguồn gốc nguyên liệu của các cơ sở sản xuất, vấn đề tự công bố.

Lĩnh vực bánh kẹo, theo quy định do Bộ Công thương quản lý. Bộ Công thương đã chủ động thanh, kiểm tra bánh kẹo trong đó có bánh trung thu. Với trách nhiệm thường trực ban chỉ đạo liên ngành, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và các bộ, ngành tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tết trung thu, tập trung vào các cơ sở sản xuất bánh kẹo, thanh/kiểm tra về điều kiện sản xuất, sử dụng phụ gia, vệ sinh cá nhân, vấn đề tự công bố…

“Tự công bố về chất lượng và an toàn nhưng không có nghĩa doanh nghiệp thích công bố thế nào thì công bố. Công bố ở ngưỡng an toàn phải nằm ở dưới ngưỡng an toàn mà Bộ Y tế đã ban hành với các nhóm sản phẩm”, TS. Phong nêu rõ.

TS. Phong cho rằng, quan trọng nhất của việc hậu kiểm là tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo các phòng kiểm nghiệm ưu tiên kiểm nghiệm mẫu, kết quả phải trả nhanh và nếu kết quả không đạt, yêu cầu dừng lưu thông ngay, tránh tình trạng sau trung thu mới có kết quả.

Bên cạnh đó, tuyên truyền người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã làm thủ tục tự công bố, bày bán ở nơi bảo đảm vệ sinh. Các địa phương, nhất là địa phương có cửa khẩu tăng cường thanh kiểm tra, giám sát sản phẩm nhập lậu với sản phẩm bánh kẹo trong đó có bánh trung thu.

Bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, cơ quan quản lý đã tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh kẹo, đặc biệt sản xuất bánh trung thu nhưng trước thực tế số lượng cơ sở sản xuất lớn nằm ở nhiều địa phương, công tác thanh kiểm tra và giám sát cần phải có sự vào cuộc của cơ quan địa phương.

“Phải tăng cường vai trò của cơ quan địa phương để chính quyền địa phương biết trách nhiệm để tăng cường quan tâm đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, phải cung cấp kiến thức cho họ biết những quy định nào pháp luật quy định doanh nghiệp không được vi phạm để họ nắm thông tin, xử lý chỉ đạo điều hành trong thực tiễn”, TS. Phong nêu rõ.

Đối với các cơ sở nhỏ lẻ, manh mún sản xuất bánh trung thu hoặc nhiều cửa hàng ăn uống, khách sạn sản xuất bánh trung thu, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Dù sản xuất công nghiệp, làng nghề, hộ cá thể hay dây chuyền hiện đại phải bảo đảm an toàn. Không thể lấy lý do sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở hộ gia đình được ưu tiên về điều kiện nào đó. Chúng tôi yêu cầu tất cả sản phẩm phải an toàn, đáp ứng điều kiện sản xuất tối thiểu.

Trước đây, tại làng nghề Xuân Đỉnh ở có hàng trăm hộ sản xuất bánh trung thu nhưng đến nay chỉ còn 7-8 xưởng lớn. Cán bộ thanh, kiểm tra tại làng nghề làm rất quyết liệt. Cơ sở nào không đủ điều kiện sẽ bị loại trừ. Cơ sở nào không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bị công bố vi phạm đến lần 2, lần 3 sẽ không bán được thì họ sẽ ngừng sản xuất. Chúng ta không chấp nhận cho cơ sở lem nhem sản xuất mãi bánh trung thu không bảo đảm chất lượng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh. (799)

 

13. Bộ Y tế vào cuộc vụ sản phụ tử vong tại Trung tâm Y tế huyện

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Cà Mau khẩn trương làm rõ thông tin vụ việc một sản phụ tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân (Cà Mau).

Sự việc diễn ra vào ngày 27/8, một sản phụ tên P (31 tuổi) đến chờ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân (Cà Mau).

Đến  hơn 19 giờ cùng ngày, sản phụ P sinh hạ được một bé trai cân nặng 3kg. Tuy nhiên, sau khi sinh khoảng 2 giờ đồng hồ, sản phụ này ngừng thở và tử vong.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Cà Mau, TTYT huyện Phú Tân gặp gỡ, động viên gia đình sản phụ không may bị mất.

Cùng đó là rà soát lại các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong việc theo dõi và chăm sóc, xử trí các tai biến sản khoa trong và sau đẻ. Khi xác định được nguyên nhân sự việc cần thông tin đến gia đình và các phương tiện thông đại chúng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế tỉnh Cà Mau khẩn trương họp Hội đồng chuyên môn cấp đỉnh để đánh giá quá trình tiếp đón, chăm sóc và xử trí của TTYT huyện Phú Tân đối với trường hợp sản phụ P, nếu có sai phạm cần phải xử lý nghiêm.(244)

 

 

 

14. Tiếp sức cho tuyến y tế cơ sở

Bộ Y tế nhận định phải cần từ 10-15 năm củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở để hệ thống này trở thành "người gác cổng" chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

Từ chỗ chỉ là tuyến dưới thì nay hệ thống y tế cơ sở được xác định vai trò trung tâm, "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh (KCB). Tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở chính là vấn đề ngành y tế trăn trở, cũng là chủ đề chính của buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Y tế cùng Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức sáng 30-8.

Cần thiết duy trì trạm y tế cơ sở

Tại buổi giao lưu, 2 vấn đề được bạn đọc quan tâm nhiều nhất là năng lực chuyên môn, niềm tin đối với y tế cơ sở, trạm y tế (TYT) và việc tồn tại y tế cơ sở, TYT liệu còn phù hợp trong bối cảnh mới.

Một bạn đọc ở TP Hải Phòng băn khoăn: "Nhắc đến y tế cơ sở, nhiều người hay hình dung ra cảnh đìu hiu, vắng bóng bệnh nhân. Thực trạng đó có còn phổ biến không?".Bạn Lê Văn Phương (TP HCM) cho biết tại TP có rất nhiều TYT phường nhưng hầu như không ai lui tới, nhất là ở các quận trung tâm. "Bản thân tôi cũng không nghĩ tới việc ra TYT phường khám vì gần nhà có tới mấy bệnh viện (BV) tuyến quận lẫn TP, công lẫn tư. Vậy để lại TYT phường có thực sự cần thiết không?" - anh Phương hỏi.

Bạn đọc Anh Tuấn (TP HCM) cho rằng y tế cơ sở đang thiếu rất nhiều, nhất là cơ chế chính sách khiến người dân không muốn đến các TYT. Vậy Bộ Y tế phát triển y tế cơ sở liệu có phải chỉ là "hô khẩu hiệu"?

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 700 trung tâm y tế (TTYT) huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 TYT xã, phường, thị trấn. Hơn 60% số TYT đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020.Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng đủ năng lực đáp ứng.

Bác sĩ (BS) Đinh Trọng Phụ - Phó trưởng Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ TTYT huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội - cho hay hiện số lượng bệnh nhân đến KCB tại các TYT xã trên địa bàn ngày càng tăng, trung bình từ 40-50 bệnh nhân/ngày/TYT. Những ngày cao điểm, con số này tăng lên hàng trăm bệnh nhân."Việc TYT đìu hiu vắng bóng bệnh nhân chắc sẽ không còn, nếu có chỉ là cá biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa" - ông Phụ nhận định.

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc TTYT quận Tân Phú, TP HCM - cho hay trong 6 tháng đầu năm 2018, tại 11 TYT của quận đã khám, điều trị dự phòng cho trên 300.000 lượt bệnh nhân; quản lý và điều trị 411 bệnh nhân tâm thần, 671 bệnh nhân lao, 551 bệnh nhân HIV. Tiêm chủng mở rộng cho trên 21.000 lượt trẻ em dưới 1 tuổi, xử lý trên 6.000 điểm nguy cơ để khống chế dịch bệnh không lan rộng trên địa bàn.

"Như vậy, ngoài chức năng KCB, TYT phường còn thực hiện công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng mà người dân chưa biết hoặc đã biết nhưng nghĩ đó không phải là chức năng của TYT. Tôi nghĩ việc duy trì hoạt động TYT là cần thiết. Theo xu hướng thế giới, Bộ Y tế dần dần sẽ cải tiến TYT thành một tuyến KCB ban đầu hiện đại, phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân theo mô hình TYT 1 điểm dừng sắp được triển khai" - ông Tiến chia sẻ.

Đầu tư công nghệ, hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới

Đặt câu hỏi cho buổi trực tuyến, không ít người trong cuộc là y - BS tuyến y tế cơ sở bày tỏ cần có quyết sách thực tế để họ gắn bó công việc.Danh mục thuốc và kỹ thuật cho người bệnh vẫn rất hạn chế nên người bệnh không thích về xã, phường.

"Tôi rất vui khi Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM thấy được vai trò cần thiết của TYT.Để các TYT trở thành "người gác cổng" đúng nghĩa trong tương lai, sở sẽ có những giải pháp gì cho các TYT?" - một bạn đọc là nhân viên trạm y tế hỏi.

Giải đáp vấn đề này, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết ngành y tế TP đã xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động đồng bộ, sáp nhập BV quận, huyện vào TTYT quận, huyện, luân phiên BS xuống TYT để bảo đảm mỗi trạm có ít nhất 2 BS, mô hình phòng khám đa khoa của BV quận đặt tại TYT, mô hình xã hội hóa hoạt động KCB tại TYT...

"Nhân viên y tế ở trạm sẽ không còn cảm giác lẻ loi khi có mạng lưới các BS chuyên khoa của các BV quận, huyện hoặc TP hỗ trợ phía sau. Sở Y tế sẽ hình thành mạng lưới tư vấn chuyên môn bằng nhiều hình thức như điện thoại, ứng dụng công nghệ thông tin, trực tuyến để kịp thời hỗ trợ trong chẩn đoán, xử trí cho các BS ở TYT. Ngoài ra, trong kế hoạch đào tạo liên tục của Sở Y tế, các BS đang công tác ở trạm là một trong những đối tượng ưu tiên để được đào tạo các kiến thức chuyên môn cần thiết" - BS Thượng thông tin.

Cũng theo BS Thượng, hiện nay hệ thống y tế của nước ta chưa thực sự có "người gác cổng". Người dân có thể đến thẳng các BV để KCB mà không cần qua các cơ sở KCB ban đầu. Liên thông BHYT tuyến huyện là một chính sách rất có lợi cho người dân nhưng về lâu dài sẽ rất bất lợi vì sẽ gây quá tải tại các BV tuyến trên, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Không thể áp dụng máy móc mô hình "người gác cổng" của bất kỳ nước nào cho một quốc gia do có sự khác biệt về mức thu nhập, hệ thống y tế... Tuy nhiên, việc vận dụng nguyên tắc này cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, trong đó hoạt động ưu tiên trước mắt nâng cao chất lượng của các TYT, là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, cần tính đúng - tính đủ viện phí, đồng chi trả... để người dân phải cân nhắc chọn BV là nơi khám đầu tiên hay TYT hoặc các phòng khám là nơi khám đầu tiên. (1174)

 

15. Người dân Quảng Bình chấm điểm 3 bệnh viện

Ngày 30.8, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Tổ chức Oxfam tại VN tổ chức hội nghị khởi động dự án Dân chấm điểm (M-score) trong lĩnh vực y tế, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (ảnh). 

Bước đầu, dự án triển khai trong thời gian 1 năm (kể từ tháng 9.2018) tại 3 bệnh viện: đa khoa bắc Quảng Bình, đa khoa TP.Đồng Hới, đa khoa H.Lệ Thủy.

Phương pháp thực hiện bằng cách phỏng vấn qua điện thoại đối với những bệnh nhân đã hoàn thành khám chữa bệnh.

Các thông tin được chấm điểm gồm: sơ đồ chỉ dẫn; quy trình làm thủ tục nhập viện, khám chữa bệnh; thông tin các khoản chi phí, giá dịch vụ y tế; thời gian chờ đợi; khu vực chờ, hành lang; nhà vệ sinh; thái độ, cách giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế; thông tin về bệnh; kỹ năng xử lý công việc của nhân viên y tế; sự hài lòng chung.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Toại cho biết: Do nhiều nguyên nhân, hiện bệnh viện chưa có nguồn để trả lương cho cán bộ, viên chức những tháng cuối năm.

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Toại, bệnh nhân ở đây luôn ở mức rất thấp, kể cả khi chưa áp dụng chính sách thông tuyến. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do vị trí của bệnh viện đóng ở vùng thượng, trong khi có đến 2/3 trong tổng số 29 nghìn dân của huyện lại ở 6 xã vùng hạ. Người dân ở 6 xã này đến BVĐK Đức Thọ thuận lợi hơn, đặc biệt là sau khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Bệnh viện có 70 giường bệnh nhưng chưa bao giờ đạt 100% công suất giường bệnh, chỉ ở mức dưới 86%.

Quả như lời giám đốc bệnh viện, mới đầu giờ chiều nhưng ở phòng đón tiếp không có bệnh nhân nào, chỉ có nhân viên y tế ngồi trong phòng với nhau.Các buồng bệnh chủ yếu trống không, ngoại trừ một số phòng có từ 1 - 3 bệnh nhân. Khoa Nội - nơi thường duy trì bệnh nhân với số lượng đông, ở thời điểm này cũng chỉ đến hơn 10 bệnh nhân.

Bệnh nhân thưa thớt, giá nhiều dịch vụ y tế hạng 3 thời gian gần đây giảm mạnh nên dẫn đến nguồn thu ít; trong khi bệnh nhân đi đa tuyến lại cao nên quỹ BHYT luôn "vượt rào”, càng gây khó khăn cho bệnh viện.

Mặt khác, việc thanh toán BHYT thường được thực hiện chậm; số cấp ứng không đủ cho bệnh viện trang trải. Riêng quý I, quý II năm 2018, bệnh viện đề nghị cấp ứng gần 6,712 tỷ đồng, BHYT cấp ứng được 5,173 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, BHYT quyết toán gần 2 tỷ đồng, trong khi số chưa quyết toán là hơn 4,607 tỷ đồng.

Giám đốc Nguyễn Văn Toại lo lắng: "Đã khó khăn như thế, bệnh viện còn được giao tự chủ hơn 50% chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ, viên chức nên quá sức đối với bệnh viện. Thời điểm hiện tại, bệnh viện chưa có nguồn để trả lương 4 tháng cuối năm cho cán bộ, bác sỹ và viên chức, người lao động".

Theo tính toán của BVĐK Vũ Quang, 4 tháng cuối năm, cần ít nhất 3,2 tỷ đồng để trả lương cho cán bộ, bác sỹ, viên chức y tế, người lao động và 3 tỷ đồng để trả tiền thuốc bệnh viện. Nguồn BHYT cấp ứng cuối năm tối đa cũng chỉ được khoảng hơn 2 tỷ đồng. Vì vậy, nguy cơ thiếu tiền lương cho cán bộ, bác sỹ, viên chức, người lao động và cả tiền thuốc đang là nhãn tiền!.(677)

 

16. Biện Nhung

Lưu trữ tế bào gốc dây rốn

Ngày 30.8, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đang hợp tác với ngân hàng tế bào gốc Mekostem để triển khai lưu trữ tế bào gốc dây rốn cho trẻ sơ sinh.

Mekostem là ngân hàng duy nhất tại VN lưu trữ cả tế bào gốc từ máu dây rốn và tế bào gốc từ màng dây rốn.

Nghiên cứu khoa học cho thấy dây rốn có chứa rất nhiều tế bào gốc, do đó tách được tế bào gốc và lưu trữ lại là một tài nguyên vô cùng quý giá để chữa được tới khoảng 80 bệnh lý, trong đó có các bệnh nan y như: ung thư máu, rối loạn về máu, tự kỷ, các bệnh đột quỵ hoặc tim mạch sau này… 

Hội nghị có sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên toàn quốc cùng của 25 chuyên gia về ung bướu đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia... Hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệp, cập nhật thông tin khoa học về điều trị ung thư theo chủ đề: ung thư phổi, vú - phụ khoa, tiêu hóa, đầu - cổ, xạ trị, ung thư nhi, điều dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ.

Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) được Hội Ung thư công bố tại hội nghị, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.

Còn theo số liệu mới nhất trên trang web Globalcancermap.com, tỷ lệ mắc ung thư hằng năm ở Việt Nam là 138,7/100.000 dân, đứng ở 105 trên tổng số 179 nước trong bản đồ ung thư quốc tế về tỷ lệ mắc.(296)

 

17. Khám chữa bệnh BHYT vào ngày lễ, ngày nghỉ đảm bảo quyền lợi chủ thẻ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế đề xuất giải pháp bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho công nhân vào ngày lễ, ngày nghỉ.

Liên quan tới kiến nghị khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ngoài giờ làm việc, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế đề xuất giải pháp bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho công nhân vào ngày lễ, ngày nghỉ.

Đề cập vấn đề này, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết: Không chỉ công nhân lao động mà mọi người dân có thẻ Bảo hiểm Y tế đều được khám chữa bệnh đúng tuyến ngoài giờ làm việc và được hưởng chế độ Bảo hiểm Y tế.

Tuy nhiên, người dân phải lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là các cơ sở có tổ chức khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ. Cũng theo ông Phan Văn Toàn, ngành Y luôn đảm bảo điều kiện khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân, ngay cả ở tuyến cơ sở.

Ông Phan Văn Toàn nói: “Bệnh nhân đến khám vào ngày thứ 7, chủ nhật lại tốt hơn, bởi vào thời điểm đó số lượng người đến khám ít hơn, bác sĩ có đủ thời gian, thoải mái trong việc khám chữa cho người bệnh. Còn về chất lượng, phụ thuộc vào loại bệnh.Với những bệnh thường, bệnh nhẹ không phức tạp, việc điều trị ở cơ sở tốt hơn ở tuyến trung ương. Chất lượng ở tuyến cơ sở phụ thuộc vào việc tổ chức tham vấn khám xét của bác sĩ”./. (290)

 

18. Một học sinh được BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng: Quyền lợi bảo hiểm học đường quy định thế nào?

Khi không may ốm đau, tai nạn phải nhập viện, nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên không biết họ được thanh toán bao nhiêu và trong những trường hợp nào...

Lợi ích của tham gia BHYT

Dẫn chứng cho lợi ích của việc tham gia BHYT HSSV, ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Đã có một học sinh ở Quận Lê Chân (Hải Phòng) bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng do tham gia BHYT nên được Quỹ BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng chi phí điều trị (trong đó có chi trả tiền thuốc Kedrigamma khoảng 720 triệu đồng). Thế nhưng, số tiền chi trả 1,8 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh cho học sinh nói trên tương đương với mức đóng BHYT của hơn 3.400 HSSV.

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2018-2019, theo ông Đinh Mai Hạnh - Phó Trưởng Ban Sổ - thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), năm học này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không in đổi thẻ bảo hiểm y tế mới, đa phần học sinh tiếp tục đóng và dùng thẻ bảo hiểm y tế đã cấp trước đó. Do đó, sẽ không có tình trạng sai sót xảy ra như năm học trước.

Năm ngoái, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện cấp đổi toàn bộ thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả những người tham gia, kể cả học sinh- sinh viên (HSSV). Thế nhưng,quá trình chuyển đổi mã số đã phát sinh bất cập là việc cộng thời gian học sinh tham gia BHYT ở nhiều cấp, bậc học không chính xác (được cho rằng lỗi phần mềm - PV) dẫn đến tính sai thời điểm đủ 5 năm liên tục tham gia BHYT để hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn.

Cung cấp thông tin tại cuộc họp ngày 29/8, ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nhấn mạnh: "Khi đi khám chữa bệnh, nếu người bệnh thực hiện đúng thủ tục, xuất trình đầy đủ các giấy tờ ngay khi đến khám chữa bệnh như thẻ BHYT còn hạn sử dụng, chứng minh thư…. sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi".

Trong số đó, phạm vi quyền lợi hưởng, những học sinh, sinh viên tham gia BHYT sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường (sơ cấp cứu, xử trí ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập);.

Người tham gia BHYT sẽ được KCB, phục hồi chức năng. Được khám chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.

Đặc biệt, được thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với HSSV có mã thẻ BT, HN, DT, DK, XD và TS trong trường hợp cấp cứu hoặc khi  đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật. Được  thanh toán thuốc, hóa chất, VTYT, DVKT y tế theo tỷ lệ, điều kiện thanh toán do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Bảo hiểm y tế học đường chi trả thế nào?

Về mức hưởng BHYT, khi khám chữa bệnh đúng thủ tục quy định, HSSV được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các trường hợp khám chữa bệnh tại tuyến xã; HSSV có mã thẻ BHYT là: BT, HN, DT, DK, XD, TS; tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.340.000 đồng) thì được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Những trường hợp được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh khi HSSV có mã thẻ BHYT là: TC, CN. Và HSSV sẽ được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh đối với mã thẻ HS, SV, TA, TQ, TY, TV.

Trong trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh tại bất kì cơ sở KCB nào và có mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

Ngoài ra, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong niên học 2017 - 2018 vừa qua, BHXH VN đã chi trả khám chữa bệnh BHYT có hơn 200 trường hợp học sinh, sinh viên với số tiền 200 triệu đồng/người.

“Theo quy định, học sinh sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhà trường, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại” - ông Đàm Hiếu Trung cho biết.

Về tuyến khám chữa bệnh, theo đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, HSSV sẽ được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.

Với những trường hợp trên địa bàn không có cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã/huyện, thẻ BHYT của các em sẽ được đăng ký tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, trung ương sau khi có văn bản của Giám đốc BHXH và Giám đốc Sở Y tế tỉnh.

Với các trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến, người bệnh được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020;

100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trở đi trong phạm vi cả nước; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện. (1069)

 

19. Tập huấn công tác tuyên truyền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Triển khai Chương trình phối hợp công tác với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018 tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương dự, chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Bảo hiểm xã hội và một số sở, ngành, đoàn thể (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động, Đảng ủy khối doanh nghiệp) thuộc 5 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế truyền đạt chuyên đề “Một số vấn đề lý luận chung về BHXH, BHYT; Những vấn đề cần đổi mới trong công tác tuyên truyền BHXH, BHYT”.

Đồng chí Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu chuyên đề “Những điểm mới của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị xã hội, chứ không phải của riêng ngành BHXH.

Đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị trong thời gian tới các sở, ban ngành, đoàn thể địa phương, trong đó Ban Tuyên giáo chủ động tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy trực thuộc, các cơ quan báo đài thường xuyên, liên tục tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, trọng tâm là tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Nghị quyết 28-NQ/TW. Chú ý nâng cao tính thiết thực, chiều sâu trong nội dung tuyên truyền, đổi mới hình thức tuyên truyền BHXH, BHYT, bảo đảm tính phong phú, đa dạng, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT sớm đi vào cuộc sống./.(435)

 

20. Nhà thuốc vẫn bán kháng sinh tùy tiện vì… mức phạt quá thấp, quản lý lỏng lẻo

Theo quy định, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc là vi phạm nhưng mức xử phạt chỉ từ 200.000-500.000 đồng, trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra để xử phạt quá mỏng, việc quản lý bán thuốc cũng còn quá lỏng lẻo...

6 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương ghi nhận 4 ca tử vong do tự ý mua thuốc điều trị bệnh thủy đậu. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp phải nhập viện vì gặp phản ứng có hại, dị ứng, ngộ độc do tự ý mua thuốc về điều trị… ngày nào cũng gặp. Đó là hậu quả nhãn tiền từ việc quản lý bán thuốc quá lỏng lẻo, mua bán thuốc kháng sinh không cần đơn quá tùy tiện.

Hà Nội hiện có 1.160 cơ sở bán buôn thuốc, 3.470 nhà thuốc và 2.250 quầy thuốc.Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc chưa được thực hiện rộng khắp, bài bản. Cụ thể, hiện mới chỉ có 22,5% số nhà thuốc và 5% số quầy thuốc có kết nối internet; 18,3% nhà thuốc và 0,9% quầy thuốc có sử dụng phần mềm quản lý thuốc. 

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố đang cố gắng triển khai đúng lộ trình ứng dụng phần mềm quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc tại các quầy thuốc, nhà thuốc để thực hiện bán thuốc theo đơn, bảo đảm nguồn thuốc chất lượng và công khai, minh bạch về giá cả. 

Tại cuộc họp giao ban UBND TP Hà Nội vừa diễn ra đầu tuần này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung một lần nữa yêu cầu, dù Bộ Y tế không giao Hà Nội thực hiện thí điểm đề án tăng cường kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn song Sở Y tế Hà Nội cần phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại hệ thống kinh doanh dược, mạng lưới nhà thuốc trên địa bàn, chủ động làm việc, đăng ký với Bộ Y tế để thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, mục tiêu là phải khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối toàn bộ nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn nhằm quản lý việc bán thuốc kê đơn, không để tình trạng bán thuốc diễn ra tùy tiện. Mặt khác, phải rà soát lại tiêu chuẩn các nhà thuốc, tiêu chuẩn người bán thuốc, nguồn gốc xuất xứ các loại thuốc… và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc diễn ra cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng lưu ý việc quản lý bán thuốc tại Việt Nam còn lỏng lẻo, ở đâu người dân cũng có thể tự mua thuốc mà không cần đơn của bác sĩ, nhất là kháng sinh. Tình trạng này không chỉ gây hại cho sức khỏe người bệnh mà còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Ngay đại diện Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng thừa nhận, nhiều nhà thuốc vì lợi nhuận mà bỏ qua sức khỏe của con người, cốt sao bán được càng nhiều thuốc càng tốt. Hậu quả là, trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Lo ngại hơn, đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh.

Cũng theo Bộ Y tế, bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn trong khi nhân lực quản lý còn mỏng.

Thêm vào đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không đầy đủ, không rõ ràng, không chính xác bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.(771)

 

21. Hà Nội: Siết chặt quản lý việc bán thuốc theo đơn

Việc bán thuốc không theo đơn thời gian qua đã gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020”.

Để phân biệt được thuốc nào là thuốc kê đơn, Bộ Y tế đã quy định cụ thể cách ghi nhãn thuốc đối với thuốc kê đơn tại Thông tư số 0l/2018/TT-BYT ngày 18-1-2018: Trên nhãn bao bì phải ghi ký hiệu “Rx” tại góc trên bên trái của tên thuốc và dòng chữ “Thuốc kê đơn”; Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc: phải ghi ký hiệu “Rx” tại góc trên bên trái của tên thuốc, ghi dòng chữ “Thuốc này chỉ dùng theo đơn thuốc”.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến người dân và các cơ sở y tế trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc mua thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo việc bán thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc.

Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn có phương án đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, không để xảy ra tình trạng người dân không mua được thuốc kê đơn do không có đơn của thầy thuốc. Có các biện pháp bảo vệ các cơ sở bán lẻ thuốc khi yêu cầu người mua thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc, trong trường hợp cần thiết, có thể thiết lập đường dây nóng để kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh.

Chủ động phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và các đơn vị cung cấp phần, mềm quản lý nhà thuốc trên địa bàn để triển khại ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc.(376)

 

22. Nghiên cứu vắc xin phòng bệnh: Cần cơ chế đặc thù

Là một nước nhiệt đới gió mùa, Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh. Việc đẩy mạnh quá trình nghiên cứu vắc xin để phòng ngừa dịch bệnh luôn được ngành y tế quan tâm.Những kết quả đạt được trong việc nghiên cứu các vắc xin, kỳ vọng đẩy lùi các dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Triển vọng về việc nghiên cứu vắc xin

Cho đến nay, Việt Nam đã sản xuất được các loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella…Tin vui tại Hội thảo khoa học “Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam”: Đó là hiện chúng ta có 9 dự án (với 11 nhiệm vụ) khoa học công nghệ đang triển khai thực hiện do 5 đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kiểm định vắc xin. Các dự án này khi đi vào thử nghiệm sẽ mang tới những lợi ích chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Cụ thể, năm 2018: Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp”do IVAC thực hiện đã hoàn thành, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt “xuất sắc” và đang triển khai các bước cho sản xuất vắc xin.

Dự kiến cuối năm 2018 có 3 nhiệm vụ sẽ hoàn thành, tiến hành nghiệm thu vào đầu năm 2019, bao gồm: Đề tài “Nghiên cứu thiết lập quy trình sản xuất vắc xin ho gà vô bào” do IVAC thực hiện; Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt ở quy mô công nghiệp” do Polyvac thực hiện; Nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc xin Thương hàn Vi cộng hợp” do DAVAC thực hiện.

Dự kiến đến cuối 2020 cũng có 3 dự án sẽ hoàn thành. Đây là những sản phẩm quốc gia sẽ được sản xuất và đưa vào Chương trình tiêm chủng nói chung, đặc biệt là Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), để phòng các bệnh nguy hiểm cho nhân dân, nhất là trẻ em. Các dự án này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu vắc xin như hiện nay, đặc biệt là các vắc xin phối hợp (5 in 1 và 6 in 1).

Tại Hội thảo khoa học “Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới đặt hàng cơ sở sản xuất vắc xin cúm mùa phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới. Hơn nữa, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao vắc xin cúm mùa của Việt Nam.Về giá thành vắc xin cúm mùa 3 trong 1 Việt Nam sản xuất ra rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành vắc xin cúm mùa nhập khẩu, với chi phí 80.000 - 120.000 đồng/liều.

Khó khăn về thời gian và kinh phí

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục KHCN&ĐT, Chánh Văn phòng Chương trình, cho biết, quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi quy trình nghiên cứu, sản xuất cho ra một sản phẩm vắc xin cần thời gian dài, đầu tư lớn về kinh phí và con người, từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến nghiên cứu trên quy mô pilot, quy mô công nghiệp, qua nhiều giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng đến thử nghiệm lâm sàng.

Theo TS Nguyễn Ngô Quang, để nghiên cứu thành công một vắc xin có thể mất đến 10 năm. Yêu cầu của sản xuất vắc xin đòi hỏi những vật tư, hóa chất đặc chủng, khi chỉ có một hãng có sản phẩm cung cấp, thời gian đặt hàng lâu.Công nghệ sản xuất vắc xin luôn nằm trong nhóm ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, đòi hỏi máy móc thiết bị công nghệ cao, đầu tư lớn.Công nghệ sản xuất vắc xin thay đổi nhanh nhưng cơ chế của Việt Nam khó thực hiện.

TS Nguyễn Ngô Quang cho rằng, có thể hoàn thiện và đưa các dự án vào phục vụ cho cuộc sống, chúng ta cần chú trọng tới việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian đã phê duyệt và chuẩn bị hồ sơ đề nghị phê duyệt các dự án cho giai đoạn tới. Ban Chủ nhiệm, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN phải tăng cường hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ các dự án, nhiệm vụ trong quá trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt là việc xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, Bộ KH&CN cần chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện Chương trình đến năm 2030. Đặc biệt cần có cơ chế đặc thù để thực hiện Chương trình, tạo chủ động cho các tổ chức chủ trì nghiên cứu, sản xuất ra được sản phẩm cuối cùng là các vắc xin phối hợp, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đầu tháng 4/2018, Việt Nam chính thức đưa vắc xin sởi-rubella tự sản xuất vào chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã phường, thay thế loại của Ấn Độ. Đến nay, đã có 19 tỉnh, thành phố triển khai. 50.000 trẻ đã được tiêm và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào.

Đến nay, Việt Nam là một trong 25 quốc gia trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất thành công vắc xin sởi-rubella, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. (1015)

 

23. Người phụ nữ Nhật vận động xây dựng khoa điều trị ung thư nhi tại Huế

Một phụ nữ người Nhật với nỗ lực chăm sóc, điều trị cho trẻ em ung thư đã vận động xây dựng Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc hiện đại tại Huế.

Ngày 31.8, trong khuôn khổ Hội nghị Phòng chống Ung thư thường niên lần thứ 6, Bệnh viện Trung ương Huế đã khánh thành Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc tại tầng 5 của Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện.

Đây là công trình do bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch tổ chức chăm sóc trẻ em ung thư châu Á (Asian Children’s Care League - ACCL) vận động kinh phí đầu tư, xây dựng.

Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Trung ương Huế được đầu tư xây dựng với tiêu chuẩn hiện đại nhất Đông Nam Á từ nguồn kinh phí vận động của bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch ACCL. Dự án được Bệnh viện Đại học Nagoya, Nhật Bản trực tiếp tư vấn chuyên môn và giám sát thi công.

Theo giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, từ năm 1975, chuyên khoa Ung bướu - Huyết học trẻ em đã được hình thành. Tuy nhiên, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có đủ hóa chất, kinh tế bệnh nhân nghèo nên tỉ lệ bỏ điều trị, tái phát và tử vong cao.

Từ năm 2005, bà Kazuyo Watanabe đã đến và có nhiều giúp đỡ các cháu bị bệnh ung thư, hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết cho việc điều trị như cho Khoa Nhi tổng hợp 2: buồng pha hóa chất, máy monitoring theo dõi, các máy truyền dịch.

Bên cạnh hỗ trợ về chuyên môn, bà Kazuyo Watanabe và tổ chức ACCL còn hỗ trợ gia đình các em nhỏ mắc ung thư tiền tàu xe, tiền ăn, tìm nhà hy vọng cho ba mẹ các cháu có nơi ở để có điều kiện cho các em nhỏ được điều trị. 

Những nỗ lực không mệt mỏi này đã góp phần nâng cao được tỉ lệ các em nhỏ mắc ung thư sống và không gặp sự cố trên 5 năm là 50% và tỉ lệ trẻ em ung thư được điều trị sống còn chung là 70% .

Trước thực tế bệnh nhân ngày một tăng cao nhưng cơ sở hạ tầng y tế không thể đáp ứng được, cùng với nhiều cháu tái phát và các cháu kháng trị..., Bệnh viện Trung ương Huế đã đề nghị Bộ Y tế cho phép xây dựng Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc, ở tầng 5 của Trung tâm Nhi khoa.

Bà Kazuyo Watanabe đã vận động từ Tập đoàn Nhật Á (Japan Asia Group Limited), bà Wakako Niikura và nhiều cá nhân tại Nhật khác số tiền tương đương hơn 8,5 tỉ đồng để xây dựng khoa Ung thư Nhi, trang bị thiết bị cho phòng ghép tủy hiện đại bằng tiêu chuẩn của các nước phát triển và các trang thiết bị y tế khác.(524)

 

24. Người bác sĩ 20 năm sống cùng vui, buồn của bệnh nhân hiếm muộn

PGS.TS Lê Hoàng chia sẻ, mỗi ngày ông đón nhận hàng trăm bệnh nhân với những nỗi niềm khác nhau, có những bệnh nhân còn rất trẻ đến với ông trong tình trạng sức khỏe sa sút, niềm tin và cả tài chính cạn kiệt sau hàng chục lần chuyển phôi ở nhiều nơi không thành công, hạnh phúc vợ chồng đứng trước nguy cơ tan vỡ; lại có người mất con sau tai nạn giao thông ước mơ cháy bỏng có một đứa con ở tuổi 53…

Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (IVFTA) chia sẻ, càng gắn bó với bệnh nhân, ông càng nhiều tâm tư, chia sẻ với những người phụ nữ, những gia đình thiệt thòi đã dành cả thanh xuân, thậm chí gần cả cuộc đời để tìm kiếm tiếng cười con trẻ trong gia đình.

“Nói về hiếm muộn, trong quan niệm của đa số người Việt Nam thì nó là một tình trạng khá nhạy cảm, không phải vì bệnh lý mà vì những quan niệm lạc hậu của xã hội, đặc biệt là những áp lực lên người phụ nữ, khiến họ tự ti, khổ sở rất nhiều, trong khi bản thân vô sinh nữ chỉ chiếm 50% nguyên nhân của tình trạng này. Vì thế, tôi cảm thông, chia sẻ với nỗi niềm của những người phụ nữ hiếm muộn và cũng hạnh phúc rơi nước mắt khi họ đậu trái ngọt”, PGS Hoàng nói.

“Người phụ nữ đó đến IVFTA trong tình trạng gần như tuyệt vọng, không còn gì để bấu víu cuộc sống. Người mẹ ấy đã 53 tuổi, mất con sau tai nạn giao thông khiến chị gần như sụp đổ hoàn toàn, khi đến với chúng tôi chỉ mong sao có một đứa con để làm nguồn sống".

Chúng tôi biết rằng đây là ca quá khó khi người mẹ đã lớn tuổi và không còn đầy đủ các điều kiện mang thai và sinh nở, tuy nhiên đứng trước mong ước quá lớn của người mẹ, chúng tôi đã bằng mọi cách áp dụng những kỹ thuật hiện đại nhất để có thể để điều trị cho chị, và cuối cùng chị đã có thai và sinh hạ hai bé 1 trai 1 gái khỏe mạnh”, PGS Hoàng chia sẻ.

Có bệnh nhân còn rất trẻ, đã phải trải qua nhiều lần làm IVF đến với IVFTA trong tình thế hết sức bi đát: sức khỏe sa sút, niềm tin cạn kiệt sau hơn 10 lần chuyển phôi ở nhiều nơi không thành công, hạnh phúc vợ chồng đứng trước nguy cơ tan vỡ. Chúng tôi phải tiến hành nhiều biện pháp để tìm nguyên nhân gây vô sinh như các xét nghiệm chuyên sâu trên cả vợ và chồng, phẫu thuật nội soi... Sau 7 lần tiểu phẫu và phẫu thuật các vấn đề khác nhau thì cô ấy có thai tự nhiên. Hôm nghe tin, tôi rớt nước mắt vì mừng.Đấy chỉ là 2 trong vô vàn những kỷ niệm chữa vô sinh mà tôi muốn nhắc lại”.

Mỗi bệnh nhân hiếm muộn đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai.Những hoàn cảnh ấy đều rất xúc động và đáng được quan tâm.Có thể họ đã từng thất vọng nhưng chưa bao giờ nguôi hy vọng.Và họ đã đến và đặt trọn niềm tin vào Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.

IVF thành công 80% ở phụ nữ dưới 30

PGS Hoàng cho biết, hiện tại, tỷ lệ IVF thành công của BVĐKTA là 80% ở nhóm bệnh nhân dưới 30 tuổi, tỷ lệ trung bình đạt 53% bao gồm các ca khó, bệnh nhân lớn tuổi...

Tuy nhiên, PGS Hoàng khẳng định sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa, làm tốt hơn nữa, tiếp tục học hỏi để nâng cao trình độ cập nhật kỹ thuật mới cho các y bác sĩ cũng như đội ngũ nhân viên, nâng cao chất lượng IVF theo tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến, tăng tối đa tỷ lệ thành công, mang lại cơ hội làm mẹ cho những người phụ nữ mỏi mòn chờ tiếng cười con trẻ.

Theo PGS Lê Hoàng, mỗi môi trường làm việc sẽ mang lại cho bác sĩ những thuận lợi và thử thách riêng. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh không chỉ có những thiết bị tốt nhất, mới nhất, hiện đại nhất, chúng tôi còn có đội ngũ nhân lực đủ mạnh, thường xuyên được đào tạo cập nhật liên tục các kiến thức, kỹ thuật mới, kỹ năng mới từ chuyên gia ở trong và ngoài nước.

PGS Hoàng cho rằng, điều khiến ông tự hào nhất không chỉ về chuyên môn, kỹ thuật, mà tuyệt vời nhất chính là những đánh giá tốt của bệnh nhân khi đến với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Một dịch vụ tốt, với sự chăm sóc tận tâm, yêu thương giúp bệnh nhân có một tinh thần thoải mái, lạc quan và tin tưởng, tỷ lệ thành công cũng sẽ cao hơn.

Một ngày của bác sĩ Hoàng bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Nhưng ông có một liều "thuốc tăng lực" đặc biệt, đó là những tin vui 2 vạch, những ca sinh mẹ tròn con vuông được báo về rất nhiều mỗi ngày. Đó là một “liều thuốc tăng lực” đặc biệt để ông luôn sung sức đeo đuổi trên con đường tìm tiếng cười trẻ thơ cho các gia đình hiếm muộn suốt 20 năm qua và trong những năm tiếp theo trong cuộc đời người thầy thuốc của mình. (975)

 

25. Bé trai 6 tháng tuổi nguy kịch sau khi được chữa “mở khoá đầu”

Nghĩ rằng con trai 6 tháng tuổi bị “mở khoá đầu”, gia đình đã mời thầy lang về nhà đốt ngải, đắp thóp cho bé. Sau đó, do đưa đến bệnh viện muộn đã khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch.

Sau hơn 3 tuần điều trị tích cực nhưng đến ngày 30-8, bé V.M.H. (6 tháng tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vẫn phải thở máy, tiên lượng nặng.

Bác sĩ Phí Xuân Thi, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh, cho biết bệnh nhân N. được chẩn đoán bị viêm não - màng não nhưng tình trạng sức khoẻ tiến triển chậm, thời gian điều trị dự kiến có thể còn kéo dài.

Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, quấy khóc, bỏ bú, được gia đình cho nhập viện kiểm tra. Kết quả khám lúc vào viện cho thấy trẻ lơ mơ, sốt cao 39 độ C, thóp phồng, có dấu hiệu cổ cứng, vạch màng não dương tính.

Gia đình cho biết trước đó ở nhà bé có biểu hiện bỏ bú, sốt, ngủ li bì, sờ thóp thấy có đường khớp mở rộng. Gia đình cho rằng bé bị " mở khoá đầu " nên mời thầy lang về đốt ngải, đắp thóp cho bé. Đến khi tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, gia đình mới cho bé nhập viện điều trị.

Bác sĩ Thi cho biết "mở khoá đầu" từ lâu đã được người dân dùng để chỉ một căn bệnh ở trẻ sơ sinh. Đó là những trẻ mới sinh được vài ngày, bỗng nhiên bỏ bú, khóc dai dẳng hoặc ngủ li bì; phần hộp sọ chỗ thóp có vết lõm sâu, giống như bị tách ra. Mọi người thường chữa theo cách dân gian như đốt ngải (đốt lá ngải khô, hơ vào huyệt trên cơ thể trẻ sơ sinh); đắp thuốc vào thóp... Tuy nhiên, việc đốt ngải, đắp thuốc như vậy rất nguy hiểm bởi trẻ sơ sinh còn rất non nớt, nếu điều trị không đúng cách rất dễ dẫn đến xuất huyết não, giãn thành mạch, nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao.

Theo giới chuyên môn, trẻ sơ sinh có các biểu hiện trên có thể vì trẻ mắc các bệnh lý như: viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn sơ sinh, rối loạn tiêu hoá… Để xác định nguyên nhân, các gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị sớm, tránh việc sau khi chữa bằng kinh nghiệm dân gian không khỏi mới đưa đi bệnh viện thì đã muộn.

Ngoài ra, người dân cũng nên thay đổi cách nhìn nhận sai lầm về căn bệnh "mở khoá đầu" và cách chăm sóc trẻ sơ sinh, bảo đảm cho trẻ được chăm sóc, chữa trị một cách khoa học. (488)

 

26. Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông cấp cứu kịp thời ngư dân bị tai nạn do lặn sâu

Ngày 31-8, Đại úy Đinh Ngọc Sang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông cho biết: Bệnh nhân Nguyễn Thành Cường sau thời gian điều trị tại bệnh xá đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Trước đó, vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 30-8, Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông tiếp nhận anh Nguyễn Thành Cường, sinh năm 1988, trong tình trạng bí tiểu liệt hai chi dưới.

Các y, bác sĩ chẩn đoán liệt 2 chi dưới, bị bí tiểu, do lặn sâu, nghi tổn thương tủy D5. Bệnh xá đã cấp cứu, điều trị đặt thông tiểu, truyền dịch, chống viêm, giảm nề...

Sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, 2 chi dưới tự vận động, co duỗi được. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh xá.

Anh Nguyễn Thành Cường quê ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, là ngư dân Tàu cá QNg 90208 TS. Ngày 29-8, anh Cường lặn ở độ sâu 30m, trong khoảng thời gian 50 phút, ngoi lên đột ngột và có biểu hiện tức ngực. Vị trí khai thác tàu khai thác hải sản cách đảo Sinh Tồn 20 hải lý. (209)

 

27. Bé 3 tháng bị lao nặng hồi sinh dù cơ hội sống rất mong manh

Suốt 3 tháng ròng rã, bé trai quê An Giang cùng với đội ngũ y bác sĩ đã chiến đấu chống lại bệnh lao nhiễm từ cha. Đã có lúc tưởng cơ hội sống của bé không còn.

Bé V.T.N là con đầu lòng của đôi vợ chồng quê ở An Giang. Khi bé mới sinh ra thì cha phát hiện bị lao phổi, khi cha đang điều trị lao tấn công đến tháng thứ 2 thì đến lượt bé N. bị bệnh, sốt ho liên tục 1 tuần. Bé nhập viện địa phương điều trị nhưng trình trạng không đỡ, khó thở tăng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), bác sĩ chẩn đoán phổi của bệnh nhi đã trắng xóa, kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị nhiễm lao kê rất nặng.

Các bác sĩ đã tiến hành chọc hút khí màng phổi nhiều lần cấp cứu kịp thời do các kén lao vỡ. Lúc nặng nhất phải thở máy rung tần số cao để đảm bảo trao đổi khí cho bé, điều trị kháng sinh và kháng lao tấn công hơn gần 3 tháng đúng phác đồ.  

Phổi của bệnh nhi đã sáng dần lên, mô phổi giảm tổn thương và thông khí ngày càng hiệu quả, các kén khí lớn giảm rõ rệt. Các bác sĩ đánh giá nguy cơ tràn khí màng phổi, suy hô hấp có cải thiện và có khả năng ít tái phát.

Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị tiếp tục phác đồ lao trong khoảng 15 ngày và đã được xuất viện về với gia đình.

Bác sĩ cho biết, trẻ mắc lao bẩm sinh thường do người mẹ mắc bệnh khi đang mang thai hoặc có thể đã mắc trước đó nhưng không được phát hiện. Cũng có một số ít trẻ sơ sinh nhiễm lao khi vừa lọt lòng do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây từ phòng sinh, người thân gia đình. Những trường hợp này vẫn được gọi là bệnh lao bẩm sinh. Hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh vốn dĩ rất yếu nên khi biết mắc bệnh này, trẻ cần được điều trị ngay để tránh biến chứng. Nếu phát hiện trễ, các bé có thể mắc các thể lao nặng như lao kê, lao màng não, dễ dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh cho trẻ, nếu trong nhà có người bị bệnh lao, cần phải cách ly trẻ với người bệnh, tốt nhất là không ở cùng nhà với người bệnh. Người mắc bệnh lao không ho, khạc đờm bừa bãi; tránh tiếp xúc, hôn hít trẻ nhỏ cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. (453)

 

28. Chuyên gia Nhật Bản giới thiệu liệu pháp điều trị ung thư bằng tế bào gốc

PV. Các chuyên gia y tế đến từ Nhật Bản sẽ chia sẻ những thành tựu mới nhất trong Y tế dự phòng Nhật Bản, đặc biệt là liệu pháp điều trị ung thư bằng tế bào gốc tại Tọa đàm “Các biện pháp phòng chống Ung thư và bệnh tim mạch – Thành tựu trong Y tế dự phòng Nhật Bản” diễn ra ngày 20/9 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam lần thứ 13 (Pharmed & Healthcare Vietnam) diễn ra từ ngày 19 - 22/9, quy tụ hơn 100 doanh nghiệp quốc tế đến từ Đức, Pháp, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore …

Y tế dự phòng hay Y học dự phòng là một lĩnh vực Y tế liên quan đến việc thực hiện các biện pháp để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh hoặc kiểm soát, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và hạn chế, giảm thiểu những tác hại của bệnh tật ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người. Đây được coi là nền tảng của Y học hiện đại, được các quốc gia tiên tiến trên thế giới đầu tư nghiên cứu phát triển mạnh mẽ mà đi đầu là Nhật Bản, nhờ vậy mà tuổi thọ trung bình của người Nhật liên tục xếp hạng đứng đầu trên thế giới trong hơn 20 năm qua.

Tại Hội thảo, các chuyên gia y tế Nhật Bản sẽ giới thiệu về liệu pháp tế bào gốc – giúp bổ sung các tế bào gốc khỏe mạnh, tăng số lượng các tế bào quan trọng bị giảm đi do quá trình lão hóa hoặc do bệnh tật. Liệu pháp này được đánh giá là một trongnhững thành tựu nổi bật nhất của Y tế dự phòng Nhật Bản những năm gần đây trong lĩnh vực phòng chống Ung thư và các bệnh tim mạch.

Theo đó, các tế bào gốc tách từ mẫu tế bào của bệnh nhân sẽ được lựa chọn, hoạt hóa và nuôi cấy tại phòng nuôi cấy tế bào để đạt số lượng tăng trưởng và trạng thái tốt nhất.Sau đó, lượng tế bào gốc đã nuôi cấy được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân bằng phương pháp truyền vào tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào các khu vực cần điều trị.

Liệu pháp có tác dụng rất tích cực trong điều trị và hỗ trợ điều trị ung thư thông qua khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Đây được kỳ vọng là phương pháp điều trị ung thư của tương lai, đem đến hy vọng tươi sáng hơn cho các bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới.

Không chỉ là liệu pháp chống lão hóa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, trị liệu bằng tế bào gốc còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh như các bệnh về thần kinh, viêm khớp gối, các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường và ung thư. (525)

 

29. Tia sáng đưa bé gái 5 tuổi thoát chết khi gia đình định buông xuôi

Khi được bác sĩ thông báo con mình mắc bệnh tim phức tạp hiếm gặp, cơ hội chữa trị rất thấp, cha mẹ bé Nguyễn Kiều Lệ D., (5 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình) hoàn toàn suy sụp.

Gia cảnh khó khăn không đủ điều kiện phẫu thuật, bệnh tim của bé D. lại ngày càng trở nặng khiến gia đình đã từng quyết định buông xuôi mọi hi vọng.

Tuy còn nhỏ tuổi nhưng D. đã không may mang trong mình nhiều bệnh lý. Mẹ bé cho biết, từ khi mới chào đời, D. thường tím tái khi bú, khi khóc. Bé được chẩn đoán mắc bệnh thất phải hai đường thoát dạng chuyển vị đại động mạch, hẹp phổi, thông liên thất, hở van ba lá nặng.

Bên cạnh đó, D. đã trải qua một ca phẫu thuật cắt túi mật điều trị sỏi mật khi chỉ mới 4 tháng tuổi. Ca phẫu phuật đó cũng lấy đi tất cả số tiền dành dụm của gia đình, nên việc điều trị bệnh tim cho bé hoàn toàn nằm ngoài khả năng của cha mẹ bé.

Khi đoàn từ thiện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đến khám tại địa phương, bé D. được lựa chọn tham gia Chương trình hỗ trợ chi phí điều trịtim bẩm sinh cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn của Bệnh viện.

Với tình trạng bệnh lý phức tạp, D. cần thực hiện 2 lần phẫu thuật chỉnh sửa cấu trúc tim, thay đổi hệ tuần hoàn máu để giúp bé khỏi bệnh và phát triển về lâu dài.

Ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra vào tháng 3-2017, bé bớt tím do tuần hoàn máu đã được cải thiện một phần. D được gia đình chăm sóc 1 năm để phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho đợt phẫu thuật lần 2. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phẫu thuật lần 2, bé phải trải qua nhiều đợt thông tim và can thiệp phức tạp để chẩn đoán và bít tắc những mạch máu bất thường.

Tháng 6-2018, các bác sĩ tiếp tục thực hiện phẫu thuật nối tĩnh mạch chủ dưới vào động mạch phổi, giúp hệ tuần hoàn máu của bé cải thiện toàn phần. Hiện bé D. đã khỏe mạnh và xuất viện.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch BV Đại học y dược cho biết: “Bệnh lý thất phải hai đường thoát dạng chuyển vị đại động mạch là bệnh tim bẩm sinh phức tạp ít gặp (chỉ chiếm khoảng 1-1, 5% các bệnh lý tim bẩm sinh). Trong đó, trái tim của trẻ bị dị tật bất thường về kết nối giữa tâm thất và đại động mạch khiến toàn bộ máu đổ về thất phải, gây áp lực lớn lên thất phải.

Ngoài ra, máu giàu CO2 và giàu O2 bị trộn lẫn nhau dẫn đến việc thiếu O2trong máu và làm cho cơ thể bé dễ tím tái. Về lâu dài, việc thiếu O2 trong máu nuôi cơ thể sẽ khiến trẻ chậm phát triển và có thể dẫn đến tử vong".

Để chữa trị thành công cho bé, ngoài sự cố gắng của gia đình còn có sự đóng góp thầm lặng của các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gần 200 triệu chi phí điều trị cho bé. (567)

 

 

30. Hải Phòng: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - Đốt u gan thành công bằng vi song

Hội đồng khoa học thành phố vừa tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đốt các tổn thương ác tính ở gan bằng vi sóng”. Dự án do PGS.TS Lê Minh Quang và các cộng sự Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thực hiện.

Đây là kết quả chuyển giao của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Với kỹ thuật này, khối u gan sẽ bị phá hủy bằng đốt vi sóng dưới hướng dẫn của siêu âm. Thời gian nằm viện tối đa chỉ 5 ngày thay vì vài tuần khi áp dụng phương pháp phẫu thuật như trước.

Kỹ thuật thực hiện 27 khối u của 21 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tế bào gan nguyên phát hoặc ung thư đại trực tràng di căn gan. Bệnh nhân được đốt các tổn thương u gan nếu khối u có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 6cm; hoặc có tối đa 3 khối u nhưng kích thước mỗi khối không lớn hơn 3cm. Thời gian đốt tối thiểu là 7 phút và tối đa là 40 phút. Tỷ lệ phá hủy u hoàn toàn sau 1 lần đốt là 88,9%, không ghi nhận trường hợp tử vong, không có biến chứng nặng. Biến chứng nhẹ xảy ra trên 4 trường hợp (19%) được điều trị nội khoa ổn định.

Thủ thuật đốt u gan bằng vi sóng được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm hạn chế tối đa việc can thiệp tới bệnh nhân so với phương pháp cũ là phẫu thuật nặng nề. Thủ thuật này không cắt bỏ khối u như phẫu thuật mà dùng vi sóng truyền qua kim điện cực để phá hủy hoại tử khối u đưa đến hiệu quả điều trị tương đương phẫu thuật cắt u. Dự án thành công đã giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội áp dụng một kỹ thuật hiện đại trong điều trị tổn thương ác tính ở gan tại Hải Phòng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, giảm chi phí đi lại và công sức cho bệnh nhân và gia đình người bệnh. (376)

 

31. Phẫu thuật khối u tủy sống hiếm gặp, cứu người đàn ông thoát khỏi bại liệt toàn thân

Người đàn ông 54 tuổi nhập viện trong trạng thái đau lưng dữ dội, người đẫm mồ hôi, tay chân co quắp kèm theo khó thở, sau khi kiểm tra các bác sỹ phát hiện trong cột sống bệnh nhân có khối u hiếm gặp.

Vừa qua, bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy khối u tủy cột sống dài gần 10 cm cho bệnh nhân N.N.T (54 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương).

Trước đó, ngày 15/8, bệnh nhân N.N.T nhập viện trong tình trạng tay chân co cứng, lưng đau, chân phải bị tê không đi lại được. Các bác sỹ tại bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân bị u tủy sống đoạn L1-L2, L2-L3.Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên khoa Ngoại Thần Kinh phẫu thuật lấy khối u ra.

Đây là ca phẫu thuật khó trong y khoa nên cần bác sỹ có kinh nghiệm dùng kính vi phẫu. Trong quá trình thực hiện ca mổ các bác sỹ đã phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ từng bước một để có thể lấy khối u ra khỏi tủy sống, mà không làm ảnh hưởng tới các dây thần kinh xung quanh.Sau hơn 3 giờ đồng hồ nỗ lực của toàn bộ ê kip, khối u đã được lấy ra hoàn toàn.

Bác sỹ Trương Long Vỹ - Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh (Bệnh viện quận Thủ Đức), người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân và thực hiện ca mổ cho biết: “Bệnh nhân T có khối u có kích thước lớn và dài gần 10cm; nằm ngay tại vị trí chóp tủy nên ca phẫu thuật được dự báo là sẽ hết sức khó khăn, đòi hỏi trang thiết bị dụng cụ đầy đủ và phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm vững để thực hiện ca phẫu thuật. Nếu không thì rất dễ gây tai biến trong phẫu thuật dẫn tới bệnh nhân bị liệt hoàn toàn”.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ông T vốn bị tăng huyết áp, bản thân ông T thì bị đau nhức ở chân phải, không đi lại được đã hơn một năm nay. Nhiều lần gia đình đưa ông đi khám nhưng không chẩn đoán ra bệnh, một phần do hoàn cảnh khó khăn nên ông T đã từ chối thực hiện những thủ thuật chẩn đoán đắt tiền (chụp MRI) để tìm ra bệnh.

Những lúc đau quá thì ông T lại mua thuốc tây để uống, được dăm ba bữa hết đau rồi lại bị đau trở lại. Tình trạng đó cứ như vậy cho đến tối 15/8, ông T kêu đau lưng dữ dội, tay chân co quắp kèm theo khó thở nên gia đình đã đưa ông đi cấp cứu tại trạm y tế gần nhà nhưng không giảm nên gia đình lại tiếp tục chuyển ông đến bệnh viện quận Thủ Đức.

Sau ca phẫu thuật thành công, chân phải của bệnh nhân đã gần như hết đau và tê, sức khỏe bình phục nhanh chóng. Hiện nay bệnh nhân đã có thể đi lại và ăn uống bình thường. (527)

32. Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam hiến máu đang khan hiếm

Ngoài việc tình nguyện hiến máu, ngài đại sứ còn hứa sẽ vận động nhân viên cùng tham gia hoạt động này.

Dù trời mưa rất nặng hạt nhưng chiều 30-8 đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, vẫn đúng lịch hẹn đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Hà Nội. Lần này ông không phải đến thăm và làm việc mà ông đến với cương vị một người đi hiến máu.

Ngài Bruno Angelet vui vẻ chia sẻ mình có nhóm máu O (Rh-). Và sau khi biết đến thông tin về việc thiếu nhóm máu O phục vụ cho công tác điều trị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông đăng ký tham dự để cùng các thanh niên Việt Nam thực hiện nghĩa cử cao đẹp của sự chia sẻ trong cộng đồng.

Theo ngài Bruno Angelet, hiện nay nguồn hiến máu chính vẫn là các bạn sinh viên, do đó khi lễ Tết, đối tượng này thường về quê, dẫn đến việc thiếu máu cục bộ cho nhu cầu điều trị. Do đó, việc tuyên truyền vận động hiến máu cần mở rộng ra nhiều đối tượng hơn nữa, có thể là cả các cán bộ ngoại giao.

Qua đây, ngài đại sứ cũng hứa sẽ vận động các nhân viên làm việc tại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng như các cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán các nước thuộc Liên minh châu Âu tại Việt Nam tham gia hiến máu.

Chia sẻ thông tin với báo chí ngày 31-8, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết Viện đang đề xuất với Bộ Y tế mở thêm ba điểm hiến máu cố định nhằm thu hút người dân tham gia. Dự kiến các điểm hiến máu mới đặt tại trung tâm y tế ba quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Thanh Xuân.

Theo TS Khánh, sau khi Viện kêu gọi hiến máu nhóm O, trong 10 ngày qua đã có hơn 2.500 người đến hiến máu. Đặc biệt hai ngày cuối tuần số người hiến máu lên đến 300-400, trong đó 70% máu nhóm O.

Lượng máu dự trữ tại Viện đến nay gần 11.000 đơn vị, trong đó 40% là nhóm máu O. Theo TS Khánh, đây là số máu cần thiết đảm bảo cho công tác cấp cứu điều trị bệnh nhân trong dịp nghỉ lễ 2-9.

Để đảm bảo nhu cầu cấp cứu và điều trị cho 180 bệnh viện phía Bắc, mỗi ngày Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần 600-700 đơn vị nhóm máu O. Trong những ngày thiếu cao điểm, lượng máu O trong kho chỉ còn khoảng 1.500 đơn vị. Máu nhóm O có thể truyền cho người ở tất cả nhóm máu khác nên nhu cầu sử dụng của các bệnh viện rất nhiều.

Cũng theo TS Bạch Quốc Khánh, tại Việt Nam, gần 50% dân số có nhóm máu O nên số lượng bệnh nhân cần truyền máu nhóm O luôn cao hơn so với các nhóm máu khác. Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa bão tại nhiều địa phương, nên nhiều đơn vị đã phải hoãn hoặc không thể lập kế hoạch tổ chức hiến máu; đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ nhóm O giảm nghiêm trọng.

Trong khi, trung bình mỗi ngày Viện Huyết học - Truyền máu TW cần khoảng 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, riêng nhóm máu O phải cần tối thiểu gần 700 đơn vị máu mỗi ngày. (636)

 

33. Chấm dứt co giật do chấn thương sọ não nhờ phẫu thuật

Sau 4 năm bị chấn thương sọ não do tai nạn lao động, đã trải qua 4 cuộc đại phẫu thuật về sọ não nhưng di chứng do chấn thương sọ não với bệnh nhân N. V. T.

Ngày 22/08/2018, phòng cấp cứu bệnh viện đa khoa Hùng Vương tiếp nhận bệnh nhân T vào viện trong tình trạng sốt nóng 38 độ 3, hôn mê, Glassgow: 9 điểm, co giật toàn thể hai cơn, mỗi cơn khoảng 1 phút, tăng tiết đờm dãi, phổi thở thô, thông khí giảm hai đáy.

Theo người nhà bệnh nhân kể lại, bệnh nhân phẫu thuật sọ não tháng 3/2018.Sau phẫu thuật bệnh nhân dùng thuốc đều đặn nhưng thường xuyên xuất hiện co giật.Trước vào viện một ngày, bệnh nhân lên 3 cơn co giật.Sáng cùng ngày trước khi vào viện bệnh nhân xuất hiện 5 cơn co giật, mỗi cơn kéo dài khoảng 1 phút, trong cơn bệnh nhân mất ý thức.Ở nhà bệnh nhân đã uống 2 viên Depakin nhưng tình trạng không thuyên giảm, gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Bệnh nhân được làm các cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp CT đa dãy cho thấy hình ảnh các ổ và vùng tổn thương cũ nhu mô não thuỳ thái dương - trán trái, giãn não thất bên trái. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị động kinh, tắc dẫn lưu não thất trên phẫu thuật lấy máu tụ nội sọ.Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật dẫn lưu não thất điều trị động kinh.

Sau phẫu thuật bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi tích cực, hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định,tỉnh, ăn uống tốt.

Theo bác sĩ, chấn thương sọ não là chấn thương vô cùng nghiêm trọng và để lại những di chứng nặng nề, sau phẫu thuật người nhà bệnh nhân cần theo dõi sát sức khỏe của bệnh nhân, nếu thấy những biểu hiện bất thường như co giật, đau đầu dữ dội, mất trí nhớ,…cần đến bệnh viện để được các bác sỹ thăm khám và điều trị kịp thời.

Với bệnh nhân để lại di chứng động kinh do chấn thương sọ não, khi có những biểu hiện ban đầu cần đến bệnh viện ngay, tránh để tình trạng các cơn co giật xảy ra với tần xuất liên tục ở mức độ nặng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân (422)

 

34. Thanh Hóa: Bệnh viện đa khoa huyện Bá Thước nâng cao y đức người thầy thuốc

Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước được đầu tư nâng cấp khang trang sạch sẽ, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đảm bảo cho bệnh nhân an tâm điều trị. Các trang thiết bị, phương tiện phục vụ điều trị luôn được chuẩn bị chu đáo để phục vụ người bệnh tốt nhất.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, mặt trái của cơ chế thị trường tác động nhưng bệnh viện đa khoa huyện Bá Thước vẫn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ngay từ đầu năm, bệnh viện đã có những cố gắng vượt qua khó khăn để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Trong công tác khám bệnh chữa bệnh, bệnh viện luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu chuyên môn đề ra, tăng cường củng cố quy chế chuyên môn nâng cao chất lượng điều trị, tập trung khai thác sử dụng có hiệu quả trang thiết bị y tế hiện có, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân với tinh thần trách nhiệm cao nhằm mang lại một môi trường thân thiện.

Bệnh viện đã tập trung vào việc nâng cao y đức người thầy thuốc cho toàn thể cán bộ viên chức trong đơn vị, đặc biệt là tinh thần thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp của cán bộ , phát động phong trào thi đua thực hiện 12 điều y đức, Chỉ thị 03/CT-BYT; Chỉ thị 24/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.

Bệnh viện đã thành lập các đoàn kiểm tra, thường xuyên kiểm tra ở các khoa, phòng, kết quả kiểm tra cho thấy về tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên bệnh viện đã có chuyển biến tích cực từ trang phục, tác phong, lời nói, đặc biệt là không có hiện tượng gợi ý gây phiền hà cho người bệnh.

Ngoài ra ,bênh viện còn duy trì đường giây nóng để tiếp thu những phản ánh, đóng góp của nhân dân, kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình phục vụ người bệnh. Qua 8 tháng đầu năm, điện thoại đường dây nóng chưa nhận được cuộc điện thoại nào của nhân dân phản ánh về thái độ phục, các cuộc gọi đến để  xin xe cấp cứu và hỗ trợ về chuyên môn đối với bệnh nhân

Trong thời gian qua, công tác điều dưỡng được tăng cường giúp giám sát việc thực hiện các quy trình kỹ thuật tại các khoa làm giảm thiểu các tai biến về y khoa, thường xuyên kiểm tra cách ghi chép hồ sơ bệnh án, theo dõi, chăm sóc người bệnh, qua đó khắc phục kịp thời những thiếu sót, góp phần nâng cao chất lượng thăm khám và điều trị.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đã được tăng cường, thực hiện các quy trình triệt để, do đó không có tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện , hệ thông xử lý chất thải rắn mới được đầu tư và hoạt động thường xuyên.

Hiện nay, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ phương tiện máy móc, thiết bị y tế hiện đại để phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân; ,quảng bá rộng rãi những kỹ thuật mà bệnh viện đã làm được để người dân biết, tin tưởng đến khám và điều trị,giảm chi phí cho người bệnh  đi khám và điều trị ở tuyến trên

Bệnh viên đa khoa huyện Bá Thước đang.phấn đấu trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hàng đầu trong tỉnh và các bệnh viện có uy tín về điều trị nội, ngoại khoa của Bộ Y tế, (647)

 

35. Hơn 400 người dân Lào được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí

Biên phòng - Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình vừa tổ chức hoạt động khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân bản Noong Bua, huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Đợt mưa cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2018 đã gây ngập lụt kéo dài gây chia cắt các bản làng ở khu vực biên giới nước bạn Lào. Sau mưa lũ, đời sống người dân càng khó khăn hơn nhất là điều kiện y tế.

Trước tình hình đó, từ ngày 27 đến 30-8, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn sang hỗ trợ vệ sinh bản làng, khám bệnh và cấp phát thuốc miển phí cho người dân bản Noong Bua.

Hơn 400 người dân được siêu âm, đo huyết áp, khám mắt, tai-mũi-họng,... và cấp thuốc, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe miễn phí. Những trường hợp có bệnh lý nặng được tư vấn và có hướng hỗ trợ điều trị dứt điểm. Kết hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, BĐBP Quảng Bình đã tham gia vệ sinh bản làng, phát quang bụi rậm, khơi thông ao tù nước đọng; phun thuốc diệt muỗi làm sạch môi trường đề phòng dịch bệnh xảy ra.

Dịp này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã tặng Chính quyền bản Noong Bua 1 ti vi 43 inch, 30 phần quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, 4 phần quà cho 4 em học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. (271)

 

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

 

36. Đã làm được mắt điện tử sinh học giúp người khiếm thị có thể nhìn thấy

Các nhà khoa học đã tạo ra nhãn cầu mắt điện tử sinh học bằng công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới. Những con mắt điện tử sinh học này có thể giúp những người khiếm thị có cơ hội nhìn thấy lại.

Các nhà khoa học của Đại học Minnesota (Mỹ) vừa có một bước tiến rất quan trọng trong lĩnh vực này, theo Daily Mail.

Nhãn cầu mắt điện tử sinh học này có thể nhận ra được những thay đổi trong các mức độ ánh sáng khác nhau. Nó cũng bắt chước được chức năng của võng mạc để khôi phục lại thị lực.

Sau khi được cấy vào mắt, nhãn cầu này có thể biến đổi được các hình ảnh mà nó nhìn thấy thành những xung lực điện cho các tế bào võng mạc để truyền tín hiệu hình ảnh trở lại não.

Bằng cách sử dụng in 3D, các nhà khoa học có thể sản xuất ra vật mẫu nhãn cầu nhanh hơn so với trước.Vì vậy nhãn cầu này có thể sớm được thương mại hóa.

Tuy nhiên, mẫu mà các nhà khoa học đang nghiên cứu vẫn chưa phải là mẫu cuối cùng để cho các bệnh nhân sử dụng.Họ đang tìm một cách có thể sử dụng công nghệ in 3D này trên một vật liệu mềm hơn mà có thể dễ dàng cấy vào trong hốc mắt ở người.

"Con mắt sinh học điện tử thường được nghĩ chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng bây giờ chúng đã được nghiên cứu ra và sẽ có thật bằng công nghệ in 3D", tiến sĩ Michael McAlpine đồng tác giả nghiên cứu nói với Daily Mail. (291)

 

37. Một y tá Mỹ bị sa thải vì tiết lộ thông tin bệnh nhân

Y tá này không chỉ vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân mà còn gây sốc vì đã công khai thái độ chống tiêm vắc xin.

Một y tá ở Houston (Mỹ) đã mất việc sau khi đăng bài về bệnh nhân trên mạng xã hội, NBCNews ngày 31.8 đưa tin.

Cụ thể, cô viết về một bệnh nhân nhi đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Texas. Tất nhiên cô bị điều tra về hành vi vi phạm quyền riêng tư.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế còn lo ngại về quan điểm chống tiêm vắc xin mà y tá này trình bày trên trang cá nhân dù bài viết đã được gỡ ngày 30.8.

Ngay khi nắm bắt được sự việc, bệnh viện đã ra thông cáo và tuyên bố: “Một bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Texas được xét nghiệm dương tính với bệnh sởi. Đây là một bệnh dễ lây nhưng có thể phòng ngừa. Chúng tôi biết tiêm chủng là cách bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh sởi”.

Tiến sĩ David Persse, Giám đốc Sở Y tế Houston, bị sốc vì y tá nói trên là một trong số ít người đã trực tiếp thấy căn bệnh tàn phá cỡ nào mà lại đi chống tiêm vắc xin.

Ông chỉ ra rằng nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự an toàn của vắc xin và nhấn mạnh các chuyên gia y tế nên được giáo dục rốt ráo về vấn đề này.

Phía bệnh viện cho hay họ xử nghiêm trường hợp y tá “vì sự riêng tư và an toàn của bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu”. Sau khi điều tra nội bộ, cô đã bị cho nghỉ việc nhưng danh tính được giữ kín.

Bệnh sởi đã được loại bỏ tại Mỹ thông qua tiêm chủng, nhưng hàng năm, các trường hợp nhiễm bệnh vẫn vào lãnh thổ quốc gia này qua biên giới. Sởi là bệnh dễ lây. Những người không được chủng ngừa hoặc chủng ngừa không đầy đủ có thể bị nhiễm bệnh.

Châu Âu đang trải qua giai đoạn bùng phát sởi với số ca bệnh lớn nhất trong vòng một thập kỷ qua. (372)

 

38. 1 người tử vong vì nhiễm virus nguy hiểm từ tạng hiến của cô gái trẻ

Giới y tế Hong Kong gây chấn động khi xác định 5 người nhiễm virus viêm gan, trong đó 1 người đã tử vong sau khi ghép tạng hiến từ cô gái trẻ.

Theo SCMP, bệnh viện Queen Mary, Hồng Kông vừa báo cáo một số bệnh nhân được ghép nội tạng hiến của một người vào tháng 2 đã bị nhiễm loại virus nguy hiểm. Các chuyên gia đến từ Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe sau khi tiếp xúc và điều trị cho những bệnh nhân này đã đưa ra kết luận: Các trường hợp nhiễm viêm gan E nghi ngờ do ghép tạng.

Tuy nhiên kết luận này vẫn chưa được khẳng định hoàn toàn, cơ quan quản lý của bệnh viện chưa xác định rõ cái chết của bệnh nhân sau ghép tạng có liên quan đến nhiễm viêm gan E hay không.

Được biết, người hiến là một cô gái trẻ 29 tuổi qua đời tại Bệnh viện Princess Margaret ở Kwai Chung vào tháng 2 đã hiến tặng 5 bộ phận cơ thể của mình, bao gồm tim, gan, phổi và hai quả thận. Bệnh viện Queen Mary xác nhận có 5 người bị nhiễm bệnh sau khi ghép nội tạng, trong đó một người đã không may tử vong.

Tiến sĩ Luk Che-chung, Giám đốc điều hành bệnh viện cho biết: nội tạng thường chủ quan không được xét nghiệm viêm ganE trước khi hiến vì đây là virus hiếm gặp. Khả năng mắc bệnh chỉ chiếm một tỷ lệ dưới 10%, trường hợp xấu có thể dẫn đến suy gan và tử vong.

Sự việc sau khi công bố đã gây chấn động ngành y tế Hong Kong và tạo ra làn sóng phẫn nộ với người dân nơi đây.Các bác sĩ đã lên tiếng trấn an người dân không được nản lòng khi hiến tặng nội tạng. "Tôi hy vọng mọi người không bị ảnh hưởng bởi vụ việc.Vì nhiều người sẽ chết nếu không ai hiến tạng”, tiến sĩ Chau Ka-foon nói.

Mặc dù chính phủ nhiều năm qua kêu gọi hiến tặng nội tạng nhưng số lượng người hiến vẫn khá thấp.Nửa năm vừa rồi chỉ có 33 quả thận và 19 lá gan được hiến.Năm ngoái có 78 ca ghép thận và 74 ca ghép gan từ người hiến tặng.Trong khi đó hơn 2.200 người đang chờ được ghép thận, tính đến tháng 6 năm nay.Số lượng người chờ ghép gan là 74. (415)

 

39. Phát hiện cơ quan mới trong cơ thể người

Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan ở Úc đã phát hiện một bộ phận mới trong cơ thể con người, cũng như ở loài chuột, tạp chí ScienceAlert đưa tin. Theo nghiên cứu, cơ quan này góp phần vào sự hoạt động của hệ miễn dịch.

Những cơ quan mới này là những bộ phận rất nhỏ và bằng phẳng về cấu trúc.Chúng được tích hợp trong các hạch bạch huyết.Các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy chúng ở chuột và gọi chúng là folapsative proliferative foci (SPF). Các thành phần này được hình thành trong một thời gian ngắn và có kích thước nhỏ, đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu đã không phát hiện ra chúng trước đây.

Các tế bào bạch huyết được sinh ra trong các hạch bạch huyết, chúng mang kháng nguyên.Những kháng nguyên này kích thích phản ứng miễn dịch cơ bản.Đối với các cơ quan mới được tìm thấy, chúng chứa nhiều tế bào, bao gồm cả các bạch huyết bào B, có thể biến đổi trong các tế bào ghi nhớ.Những tế bào này giữ thông tin về virus. Do đó, các bạch huyết bào B đóng một vai trò quan trọng trong việc kích hoạt các kháng nguyên cần thiết để chống nhiễm trùng lặp đi lặp lại.

Các nhà khoa học cho rằng những vi cơ quan mới phục vụ cho các trung tâm thu thập tế bào bạch huyết, làm cho chúng quan trọng trong cuộc chiến chống lại nhiễm trùng và virus. (264)

 

40. Cả gia đình có 8 người cùng bị một bệnh ung thư

Lacy Anderson (28 tuổi, ở Springfield, Illinois, Mỹ) bị ung thư dạ dày lan tỏa. Nhưng cô không phải là người duy nhất trong gia đình bị bệnh này. Trong 9 thành viên của gia đình, thì có 8 người đều bị loại ung thư trên.

Hiện tại đã có 6 người trong gia đình khỏi bệnh nhờ được cắt bỏ hoàn toàn dạ dày.Một thành viên đã mất. Những người còn lại, trong đó có Anderson, đang chiến đấu khó khăn với bệnh ung thư dạ dày lan tỏa này, theo Daily Mail ngày 29.8.

Đây là loại ung thư di truyền do biến đổi gien gây ra. Gien bị biến đổi này chỉ có khoảng 400 gia đình trên thế giới mắc phải. Trong đó, 56-70% các thành viên trong gia đình có gien biến đổi này phát triển thành ung thư.

Tuy nhiên, trong gia đình Anderson có gần 90% các thành viên bị ung thư.

Bắt đầu là chú Frank.Khi nội soi đại tràng, các bác sĩ đã phát hiện ra nhiều polyp trên khắp ruột kết của ông. Ông bị nghi ngờ ung thư ruột kết hoặc bệnh gì khác nên đã được làm thêm xét nghiệm máu và tình cờ phát hiện bị biến đổi gien CDH1 - đây là một dấu hiệu của ung thư dạ dày lan tỏa.

Mặc dù đã được điều trị nhưng cuối cùng ông đã mất do ung thư.

Sau đó, từng người trong gia đình lần lượt được phát hiện bị ung thư trên.

Thấy vậy, Anderson và các em trai quyết định kiểm tra và phát hiện họ cũng có gien CDH1 bị biến đổi nhưng lúc đó họ chưa có triệu chứng nào thể hiện bệnh cả.

Năm ngoái, Anderson cảm thấy đau dạ dày và đi nội soi. Mặc dù có gien di truyền mắc bệnh ung thư nhưng ban đầu, các bác sĩ không chẩn đoán cô bị ung thư mà nghĩ có đau dạ dày do căng thẳng.

Cho đến khi căn bệnh ung thư của cô phát triển đến giai đoạn 4, họ mới chẩn đoán ra bệnh.

Đến nay, căn bệnh đã phát triển nặng khiến các bác sĩ nhận định không an toàn để cắt bỏ hết dạ dày của Anderson. Vì vậy, các bác sĩ đang chỉ định cho cô hóa trị với hy vọng các tế bào bị “co rút lại” và lúc đó an toàn hơn để phẫu thuật. (413)

 

41. Thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương AND

Thuốc lá điện tử tiếp tục được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới, khi nhiều người xem chúng như là lựa chọn an toàn hơn so với hút thuốc lá truyền thống. Nhưng những tác động lâu dài của việc sử dụng thuốc lá điện tử vẫn chưa được biết đến.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota cho rằng thuốc lá điện tử có thể biến đổi vật liệu di truyền hay ADN của các tế bào trong miệng người sử dụng, làm tăng nguy cơ ung thư.

TS. Silvia Balbo, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Rõ ràng, chất gây ung thư phát sinh từ việc đốt thuốc lá truyền thống nhiều hơn so với hơi thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thực sự xác định rõ tác động của việc hít cùng một lúc tất cả các hợp chất do thiết bị này sản sinh. Các mối đe dọa khác nhau không có nghĩa là thuốc lá điện tử hoàn toàn an toàn”.

Để mô tả sự phơi nhiễm hóa chất trong quá trình hút thuốc lá điện tử, các nhà nghiên cứu đã lựa chọn 5 người hút thuốc lá điện tử.Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nước bọt của những người tham gia trước và sau một đợt hút thuốc trong 15 phút và phân tích các mẫu hóa chất được biết là gây tổn thương ADN.Để đánh giá hiệu quả lâu dài của việc hút thuốc lá điện tử, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tổn thương ADN trong các tế bào của miệng các tình nguyện viên. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp dựa vào khối phổ trước đây do họ phát triển cho một nghiên cứu khác, trong đó, tổn thương ADN trong miệng được đánh giá là do uống rượu.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được ba hợp chất gây tổn hại ADN bao gồm formaldehyde, acrolein và methylglyoxal với nồng độ gia trong nước bọt sau khi những người giam gia hút thuốc lá điện tử. So với nhóm đối chứng, 4 trong 5 người hút thuốc lá điện tử bị tổn thương ADN gia tăng do phơi nhiễm acrolein. Loại tổn thương được gọi là addut ADN, xuất hiện khi các hóa chất độc hại như acrolein phản ứng với ADN. Nếu tế bào không sửa chữa tổn thương, thì việc sao chép ADN bình thường vẫn diễn ra, như vậy, ung thư có thể xuất hiện. (421)

 

42. Ma túy “bụi khỉ” đang tàn phá nước Anh

 “Nó mang lại năng lượng và cảm giác hưng phấn nhưng có thể gây ra tình trạng trầm cảm vào ngày hôm sau. Người sử dụng không ý thức được hành động, thậm chí còn mang nước tiểu đổ lên quần áo và giường ngủ. Một số tác dụng phụ khác như gây ảo giác, hoang tưởng, đau ngực và huyết áp cao” - Why Not Find Out cho biết.

Nguyên nhân của nhiều vụ nhai mặt, nhảy lầu

Một chất gây nghiện có tên lóng là “bụi khỉ” đang lan tràn khắp miền Bắc nước Anh và nó cũng chính là nguyên nhân của nhiều vụ nhai mặt, nhảy lầu tại quốc gia này. “Bụi khỉ” có những thành phần tương tự như “muối tắm”.

Cả hai đều là tên gọi lóng để ám chỉ một loại ma túy có tên là MDPV được chiết xuất từ cây khát - một loại cây bụi ở đông Phi và Nam Ả-rập.MDPV có màu trắng hoặc màu nâu nhạt, thường được bán với giá từ 300.000 - 500.000 đồng cho 1 gram.Với giá này, MDPV rẻ hơn rất nhiều so với các loại chất gây nghiện khác như MDMA và cocaine.

Theo các nhà khoa học, chất gây nghiện này nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường khác gấp 500 lần.

Chính vì thế, “bụi khỉ” đã bị cấm ở Anh.Sản xuất, buôn bán và tàng trữ loại ma túy này, tội phạm sẽ phải đối mặt với một số tiền phạt không giới hạn và hàng chục năm tù giam.Tuy nhiên, vào mùa hè này, tình trạng sử dụng MDPV đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết ở miền bắc nước Anh.

Những vụ tấn công dữ dội, những người trẻ điên cuồng chống lại cảnh sát và y tá rồi nhảy lầu… cho thấy, MDPV khiến cho người dùng không còn cảm giác sợ hãi.Các triệu chứng "lâng lâng" sẽ kéo dài trong nhiều giờ liền và để lại cho người sử dụng chứng thèm thuốc cực nguy hiểm. Không những thế, có những nạn nhân còn phản ứng mạnh như xé toạc quần áo, chạy ra đường với những hành vi vô cùng dữ dội.

“Việc bạn cố gắng kiềm chế họ giống như đang phải đối phó với những người tự cho mình mang đầy sức mạnh như những gã khổng lồ Hulk.Sức mạnh ấy là điều không thể tin nổi”, PC Rich Frost nói với Sky News.

Tháng 6 vừa qua đã có những báo cáo về một “đợt càn quét” của “bụi khỉ” ở khu vực Telford. Nó được cho là có liên quan đến nhiều cái chết trong khu vực này. Thanh tra viên thám tử Lee Holehouse, từ Telford CID cho rằng: “Nếu bất cứ ai đã sử dụng chất gây nghiện này và đổ bệnh thì họ nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Dù truyền thông đã nhiều lần phổ biến về sự nguy hiểm của những chất gây nghiện như thế này nhưng tôi muốn nhắc lại thêm một lần nữa”.

Gây ra sự đột biến hormone

Theo các chuyên gia, ma túy khi vào cơ thể gây ra sự đột biến hormone. Cụ thể, nó khiến cho hormone dopamine - chịu trách nhiệm cho những cảm giác hưng phấn và hormone norepinephrine -

hormone của hệ thần kinh bị kích thích. Sự đột biến này khiến cho người dùng luôn có cảm giác bay bổng, ảo giác, thích thể hiện mình bằng các hành động... Nhưng cũng khiến họ lên cơn co giật, thân nhiệt cao trên 40 độ C, tim đập nhanh, hoang tưởng và tử vong.

Ngoài ra, loại ma túy này có thể khiến cơ bắp bị phá vỡ, thậm chí dẫn đến các biến chứng ở thận.Cụ thể, chất cathinone trong bụi khỉ sẽ gây ra một loại bệnh cực nguy hiểm - chứng tiêu cơ vân - mô cơ xương bị hư hại và bị phá vỡ nhanh chóng. Tiêu cơ vân sẽ giải phóng các chất như

myoglobin, phospho - là thành phần của tế bào cơ vân vào trong máu... dẫn đến rối loạn nước điện giải, gây hại cho thận và có thể dẫn đến suy thận. Bệnh tiêu cơ vân nặng có thể gây suy thận cấp, tăng kali, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể tử vong.

Tiến sĩ Lucas Watterson thuộc Trung tâm Y tế nghiên cứu lạm dụng chất gây nghiện ở Mỹ cho biết: “Bụi khỉ nổi lên như một dạng thay thế cho “muối tắm” (có thành phần chủ yếu là MDPV và mephedrone) - hợp chất gây ảo giác kinh hoàng sau khi loại ma túy này bị nghiêm cấm”.

Cũng như “muối tắm”, bụi khỉ thường được sử dụng bằng cách ngửi, uống, hút, hoặc có thể hòa tan để tiêm vào mạch máu. Theo các chuyên gia, các xét nghiệm y học hiện nay chưa thể xác định một người có sử dụng loại ma túy nào, trừ khi người đó nói ra.

Tại Mỹ, MDPV và mephedrone vẫn được bán hợp pháp cho tới mùa thu năm 2011, khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ban lệnh cấm. Tuy nhiên, một số nhà hóa học vẫn ngấm ngầm vi phạm bằng cách thay đổi một chút thành phần hóa học để hai chất này trở nên hợp pháp. Dù bị cấm, nhưng các loại ma túy này vẫn có thể được tiếp cận dễ dàng vì chúng thường được bán dưới nhiều cái tên gây nhầm lẫn hay nhãn mác khác như “Blue Wave” (Sóng xanh), “Cloud Nine” (Tầng mây thứ chín), “White Lady” (Quý bà trắng)...(973)

 

43. Hàn Quốc tăng cường kiểm tra thịt bò Mỹ sau vụ “bò điên”

Theo thông tin từ chính phủ Hàn Quốc, ngày 30/8, nước này tăng cường giám sát các mẫu bò Mỹ nhập khẩu sau khi có thông tin về bò điên tại Mỹ gần đây.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yohap đưa tin, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn của Hàn Quốc  nói đã tăng tỷ lệ thịt bò Mỹ phải kiểm tra từ 3 lên 30%, sau vụ phát hiện mới về sự xuất hiện virus BSE, thường được biết tới là bệnh bò điên, trên một con bò cái 6 tuổi tại Florida, Mỹ. Việc kiểm tra sẽ bao gồm mở bao bì, rã đông thịt và cắt một phần thịt để mang đi phân tích chi tiết.

Động thái này được tiến hành sau khi một con bò ở Mỹ được xét nghiệm dương tính với BSE trong cuộc kiểm tra thông thường. Việc phơi nhiễm BSE có thể gây ra các bệnh về não (nhũn não) và tử vong ở người.

Chính quyền Seoul cho biết, Hàn Quốc đang yêu cầu Bộ Nông nghiệp Mỹ cung cấp thêm thông tin để có thể thực hiện tất cả các biện pháp an toàn cần thiết.

Bộ trưởng Nông nghiệp Hàn Quốc Lee Gae-ho  cho biết tại một cuộc họp với các quan chức cấp cao tại Sejong: “Chúng ta đang thực hiện các biện pháp tiên phong và đặt an toàn của công chúng lên ưu tiên hàng đầu. Chúng ta cần tư vấn từ chính phủ Mỹ để có thể có kết quả kiểm tra an toàn”.

Hiện nay, thịt bò Mỹ nhập khẩu vào Hàn Quốc bị giới hạn độ tuổi dưới 30 tháng và phải đảm bảo loại bỏ các nguy cơ trong quá trình giết mổ.

Ngày 28/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo phát hiện một trường hợp nhiễm virus bò điên tại bang Florida. Tuy nhiên, bộ  này khẳng định con bò này không được đưa đi giết mổ lấy thịt  vì vậy không ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm.

Theo Miami Herald, đây là trường hợp bò điên thứ 6 được phát hiện tại Mỹ và đầu tiên tại Florida kể từ năm 2003 đến nay. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, bệnh dịch bò điên đã khởi phát và lan rộng khắp châu Âu. Theo các nhà khoa học, bệnh bò điên thường xuất hiện ở những con bò cái già.

Hàn Quốc vốn rất nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến bệnh bò điên.Năm 2008, các cuộc biểu tình đã diễn ra khắp Hàn Quốc, phản đối việc nhập khẩu thịt bò từ (445)

 

44. Uganda: Tranh luận chất lượng đào tạo cử nhân ngành Y

Các cơ quan y tế chuyên nghiệp của Uganda, không hài lòng vì chất lượng của các cử nhân mới ra trường, đang tranh luận ý tưởng tổ chức các kỳ thi ra trường cho các cử nhân y khoa muốn làm việc trong ngành y, trong một nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng SV hiện đang được các trường ĐH đào tạo theo kiểu thiên về số lượng hơn là chất lượng.

Cần coi trọng chất lượng

“Bạn không thể tưởng tượng được trình độ tầm thường của một vài bác sĩ đã tốt nghiệp ĐH mà chúng tôi tiếp nhận từ các cơ sở GD ĐH ở quốc gia này”, bác sĩ Katumba Ssentongo Gubala, công tác tại Hội đồng hành nghề y khoa và nha khoa Uganda (UMDPC), cho biết, trong một cuộc phỏng vấn tại phòng làm việc của ông ở Mulago, Kampala.

“Đây là những nam, nữ bác sĩ vừa mới tốt nghiệp từ các trường y. Nhưng họ thiếu thậm chí cả kiến thức cơ bản cần thiết cho nghề này” - ông Gubala cũng cho biết, Hội đồng đang xây dựng một khung cơ sở về việc tổ chức các kỳ thi ra trường cho tất cả các cử nhân Y khoa và thạc sĩ phẫu thuật dự định hành nghề y ở Uganda.

“Chúng tôi (UMDPC) sẽ thiết kế một kỳ kiểm tra.Nó sẽ giống như một kỳ thi đảm bảo chất lượng.Chỉ những cử nhân nào vượt qua kỳ thi này mới được phép làm việc ở chỗ chúng tôi”, ông Gubala khẳng định.

“Chúng tôi không thể ngồi chờ và tiếp tục xem các cử nhân y khoa có trình độ tầm thường bước vào nghề của chúng tôi” - Gubala cho hay - “Chúng tôi là bác sĩ.Chúng tôi cứu mạng sống của mọi người.Chúng tôi phải có chuyên môn tốt hoặc xuất sắc”.

Cần biết, UMDPC không phải là cơ quan ngành y duy nhất quan tâm đến vấn đề chất lượng của các cử nhân y khoa ở quốc gia này. Samuel Opio, thư ký của Hiệp hội Y dược Uganda, cho biết hiệp hội này đã và đang yêu cầu các cử nhân dược phải thực hiện các bài kiểm tra tiền thực tập trước quá trình được tiếp nhận vào ngành, ban đầu là các thực tập sinh và sau này là các dược sỹ có giấy phép hành nghề.

“Chúng tôi muốn loại bỏ những SV yếu kém chưa đáp ứng đủ điều kiện đồng thời xây dựng một tiêu chuẩn chung cho việc hành nghề dược ở trong nước” Opio cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Hội đồng y tá và nữ hộ sinh, cơ quan chuyên phụ trách về nữ hộ sinh (UNMC), cũng không bỏ qua động thái này. Rebecca Nassuna, phụ trách chung của Hội đồng nói với University World News rằng, cơ quan này vừa hoàn thiện một dự thảo chiến lược về việc tổ chức và chấm điểm các kỳ thi ra trường vào tháng 5 năm nay cho những cử nhân muốn theo ngành y tá và hộ sinh.

Chuyển động từ thượng tầng

Tất nhiên, để chiến lược nói trên được áp dụng, hiện còn chờ sự đồng ý của Bộ y tế.Đáng mừng là động thái của các cơ quan y tế nói trên cũng nhận được sự ủng hộ của ngành y tế địa phương.

Bác sĩ Diana Atwine, thư ký thường trực của Bộ y tế cho biết, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng chất lượng là tối quan trọng và Bộ y tế đang trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn để tổ chức chỉ đạo các kỳ thi ra trường cho SV tốt nghiệp ĐH muốn tiếp tục làm việc trong ngành Y.

“Một số SV trúng tuyển vào trường với 3 điểm thi loại A nhưng khi tốt nghiệp lại chỉ được hạng trung bình. Đây là một vấn đề” - Giáo sư John Opuda-Asibo bức xúc nói. 

Chất lượng đào tạo tại nhiều trường ĐH và các cơ sở GD đào tạo của quốc gia Đông Phi này đang còn yếu, với nhiều cơ sở chỉ ưu tiên số lượng tuyển sinh và lợi nhuận mà quên đi chất lượng đào tạo. Theo một đánh giá được thực hiện năm 2016 bởi Hội đồng hành nghề y khoa và nha khoa Đông Phi của các trường y thuộc Cộng đồng Đông Phi (EAC), hầu hết các trường thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản cho việc đào tạo nhân viên y tế. Nhiều cơ sở đào tạo thậm chí còn thiếu đội ngũ giáo viên, ngân quĩ và tài liệu đào tạo. Chương trình đào tạo chung cho ngành và cho từng môn học ở một số cơ sở cũng bị phát hiện là còn thiếu hoặc bỏ qua các kiến thức chủ chốt mà một nhân viên y tế cần biết.

Năm ngoái, sự kiện hội đồng y tá từ chối tuyển dụng 1.000 cử nhân ngành này do thiếu các giấy tờ học thuật phù hợp đã được truyền đi một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông địa phương. Các y tá này đa số tốt nghiệp từ các trường ĐH tư thục.Hội đồng cho biết SV được nhận vào học chương trình cử nhân khoa học về ngành điều dưỡng ở các cơ sở GD ĐH nhưng kết quả hai môn thi chính đầu vào không đạt loại A.The UNMC yêu cầu các SV phải đạt ít nhất hai điểm thi loại A ở các môn thi chính thức đầu vào mới được phép đăng ký học chương trình đào tạo cử nhân liên quan đến nghề này.

Quan điểm đối lập

Cơ quan bảo vệ quyền lợi của SV y khoa ở Uganda, Hiệp hội Y khoa Uganda, là tổ chức lớn nhất phản đối động thái cải tổ đào tạo y khoa bằng cách sát hạch lại trình độ cử nhân. Robert Lubega, Chủ tịch của Hiệp hội nói vấn đề trọng tâm nên tập trung vào cải thiện chất lượng các trường ĐH và trao quyền cho các cơ sở đào tạo để học có thể tự trang bị tốt hơn cho quá trình đào tạo.

“Không thể nói cử nhân phải thi sát hạch ra trường. Điều đó thật nực cười.Các trường ĐH đã được chứng nhận đủ điều kiện đào tạo và được cho phép triển khai các chương trình của mình” - ông nêu rõ.

Tranh luận tương tự được đưa ra bởi bác sĩ Ekwaro Obuku, chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Uganda, người đã nói với University World News rằng, nhà nước nên trang bị cho các trường ĐH của mình cơ sở hạ tầng cần thiết để cải tiến phương thức đào tạo.

Giáo sư John Opuda-Asibo, giám đốc điều hành của Hội đồng quốc gia về GD ĐH của Uganda (UNCHE), thừa nhận chất lượng GD ĐH là cần thiết nhưng cho rằng đào tạo - dù có chất lượng hay không - phụ thuộc nhiều hơn vào thái độ cụ thể của người học chứ không phải các trường. Ông nói, SV phải học tập tích cực hơn sau khi đạt được các yêu cầu tối thiểu và được tuyển vào ĐH.​

Thăm dò ý kiến