Điểm tin y tế ngày 11/7/2019

12/07/2019 | 09:45 AM

 | 

  1. Bộ trưởng Bộ Y tế: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cử tri

Thảo luận tại hội trường sáng 23/5 về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các chính sách của nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia.

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận, nhận thấy đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn với mong muốn xây dựng luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, chăm lo đến bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phòng cho biết, Đoàn Chủ tịch và các cơ quan hữu quan ghi nhận và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua. Đồng thời bày tỏ tin tưởng với trách nhiệm của người đại biểu, Quốc hội sẽ sáng suốt khi quyết định thông qua luật này. Cùng với đó, kỳ vọng luật sau khi được hoàn thiện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thi hành pháp luật, tăng cường ý thực người dân, cũng như xử lý nghiêm khắc những người sử dụng rượu bia gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người khác.

Trước đó, sau khi lắng nghe và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa khẳng định sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe lâu dài của người dân. Rượu, bia là nhóm 1 gây các bệnh ung thư.

Thứ hai, quá trình soạn thảo này đã gần 2 nhiệm kỳ của Quốc hội. Do những ý kiến khác nhau và đến giai đoạn này, qua giai đoạn thảo luận, nghiên cứu thì hầu hết các đại biểu đã đồng thuận với những nội dung chính mà lần này ban thẩm định đã trình bày.

Thứ ba, để thực hiện Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết số 20 và 21 về giảm tiêu thụ rượu, bia.

Thứ tư, đến thời điểm này đã có 155 nước trên thế giới đã xây dựng luật này, có những nước đã đưa điều chỉnh lần 2 để mong bảo vệ sức khỏe. Ban soạn thảo cũng tiếp thu trên một bình diện là bảo vệ sức khỏe, vấn đề tai nạn giao thông, về bạo lực gia đình, về các ảnh hưởng của xã hội nhưng cũng nhìn chung để đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia, về công nghiệp cũng như sản xuất thủ công và thu nhập của những người sản xuất rượu, bia để có một lộ trình thích ứng từ từ và có những giải pháp xử lý hành chính hoặc các luật hiện hành một cách nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất các luật.

Băn khoăn về việc bỏ quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trên internet

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), cũng bày tỏ bất ngờ khi dự thảo lần này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet. Đại biểu cho biết, thực tế nội dung này đang được quy định tại Nghị định số 105/2017 của Chính phủ.

Đây là một biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia cần được xem xét kế thừa. Nhấn mạnh không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bà Hiền đề nghị cần bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, việc bỏ quy định về cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trên internet thay vào đó là quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử trong bối cảnh internet ngày càng phổ biến và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ thì việc bỏ chế định trên có phải "vẽ đường cho hươu chạy"?.

Theo đại biểu, báo cáo giải trình lý giải việc bỏ quy định này là vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ tác hại đến đến trẻ em, những đối tượng yếu thế của xã hội. Việc vừa cho rằng không đủ nguồn lực hiện có không đảm bảo, vừa cho phép bán rượu, bia trên internet, trong khi biện pháp kiểm soát là không thể thì nên hiểu đây là sự mâu thuẫn, sự thiếu sót về mặt lập pháp.

  1. Bộ trưởng Y tế mong hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo sức khỏe người dân

Ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - đoàn Quảng Bình chia sẻ, cả nước hiện đang nóng lên vì lái xe uống rượu, bia gây tai nạn, tổn hại sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì thế kỳ họp thứ 7 của Quốc hội thông qua dự thảo Luật sẽ được người dân đồng tình ủng hộ.

Theo đại biểu, để nâng cao hiệu lực hiệu quả của luật, làm chuyển biến nhận thức của người dân là điều hết sức quan trọng.

Về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu tỉnh Quảng Bình nhận định sự tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thuyết phục, đề nghị Quốc hội thống nhất giữ nguyên tên gọi hiện nay.

Góp ý vào vấn đề cụ thể, đại biểu đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý tác hại rượu bia là nội dung cực kỳ quan trọng nhưng dự thảo Luật giải thích đơn giản.

Do đó, đại biểu  đề nghị cần làm rõ, nhấn sâu theo hướng rượu bia “gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế xã hội, một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật, tử vong của người Việt Nam; là nguyên nhân liên quan đến nạn rối loạn tâm thần, người lái xe tai nạn giao thông, gây tổn thương cả tinh thần và tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác, làm cho bản thân dính vào vòng lao lý…”

Về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia, đại biểu kiến nghị cần bổ sung quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với  rượu bia. “Giá rượu đắt chắc chắn người dân sẽ giảm uống, tác hại ít nhưng thu nhập doanh nghiệp, ngân sách nhà nước không giảm khi Luật ban hành”, đại biểu nêu.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, trường hợp người uống rượu, bia gây tai nạn và hậu nghiêm trọng nhưng qua điều tra phát hiện nguyên nhân do bị ép uống hoặc chất lượng rượu bia gây ảnh hưởng thì tùy theo mức độ sai phạm để xử lý xử phạt và truy cứu trách nhiệm.

Đóng góp ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Ksor H’Bơ Khap – đoàn Gia Lai đặt câu hỏi, cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ trở lên, vậy dưới 15 độ thì sao?.

Theo đại biểu, tác hại của rượu bia với mỗi người phụ thuộc vào thể trạng của từng cá nhân, kể cả khi đo nồng độ cồn, cùng với lượng cồn đó nhưng không phải đưa lên máy đo có kết quả như nhau.

Đại biểu cho rằng, nên điều chỉnh lại quy định tính nồng độ cồn. Vì có người chỉ 1 ly thôi cũng tắc thở rồi, nhưng có người uống 1 lít vẫn bình thường. Và một đứa trẻ uống một ly vào có thể không sao, nhưng một người trưởng thành uống vào là có thể say.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo luật đã phát biểu tiếp thu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Ban soạn thảo và cơ quan thẩm định đã tiếp thu gần như toàn bộ ý kiến các đại biểu tại các phiên họp trước và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp 33 vừa qua để bổ sung, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội lần này.

Theo đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu trên bình diện bảo vệ không chỉ sức khỏe của nhân dân, kiềm chế tai nạn giao thông, bạo lực xã hội, gia đình do bia rượu gây ra mà  còn bảo đảm sự phát triển của ngành công nghiệp  rượu bia và sản xuất rượu thủ công có lộ trình thích ứng; đồng thời có giải pháp xử lý hành chính nghiêm khắc hơn các hành vi lạm dụng rượu bia, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất giữa các luật.

“Chưa bao giờ luật cần ban hành như vào thời điểm này nhằm đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri về phòng chống tác hại rượu, bia.

Trước mắt nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bạo lực xã hội gia đình và lâu dài là bảo đảm sức khỏe người dân”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh về tính cần thiết và bức thiết ban hành Luật.

  1. Ai cũng có thể thành tội phạm nếu lạm dụng rượu bia

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cấm uống rượu bia trước khi lái xe

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về phòng ngừa TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia thống nhất với Luật GTĐB, Luật Giao thông ĐTNĐ; quy định nhằm phát huy trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 5 của dự thảo (các hành vi bị nghiêm cấm) đã bổ sung nội dung: “Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về ATGT”. Bên cạnh đó, Điều 21 của dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng: Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Cơ quan, người có thẩm quyền chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện đang tham gia giao thông, người bị thương tích do TNGT để phòng ngừa hoặc xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm pháp luật về ATGT. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện GTVT có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải của cơ sở sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông.

Thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật tại kỳ họp này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhấn mạnh, nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm. Theo bà Hiền, rất nhiều vụ TNGT vừa qua đã chứng minh điều này, điển hình là vụ xe Mercedes đâm 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên, vụ tài xế say xỉn tông chết nữ lao công ở đường Láng, hay vụ tai nạn ở Hàng Xanh (TP HCM) mà người gây tai nạn là một phụ nữ...Chế tài cần cụ thể hơn

Khẳng định dư luận xã hội đang rất bức xúc chuyện lái xe uống rượu bia gây tai nạn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ được người dân hết sức ủng hộ.

Tán thành với Điều 28 của dự thảo, ĐB Phương cho rằng, quy định như vậy là rất cần thiết: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, ĐB Phương cũng đề nghị bổ sung hình thức xử phạt kỷ luật, từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. “Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa đến mức truy tố thì tịch thu bằng lái xe từ 1- 5 năm, thậm chí tịch thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng”, ĐB Phương đề xuất.

Trong khi đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) nêu ý kiến, về thiết kế nội dung giáo dục chống tác hại rượu bia, nên thiết kế thêm nội dung này trong chương trình đào tạo của học sinh phổ thông, chẳng hạn như chuyên đề không uống rượu bia khi lái xe. “Rất hoan nghênh dự thảo Luật đã có quy định “Bộ GTVT có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp GPLX”, bà Lan nhận xét và cho rằng, các hành vi nghiêm cấm cần mạnh mẽ và nhất quán hơn.

Ngoài ra, chế tài khi lạm dụng rượu bia lái xe, bạo lực, xâm hại tình dục, gây rối trật tự…, không nên dừng ở mức phạt tiền, thu GPLX, tạm giữ phương tiện mà cần bổ sung hình thức khác như lao động công ích, tăng phí bảo hiểm phương tiện, quy định tăng nặng với các trường hợp tái phạm...

ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên) ủng hộ Quốc hội có nghị quyết về việc xử phạt lái xe uống rượu, bia. Theo ĐB, hiện nay chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Để hạn chế tối đa tình trạng này, giúp người dân yên tâm khi ra đường, pháp luật nên có chế tài quy định việc sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép là vi phạm pháp luật hình sự, tránh những tai nạn thảm khốc, gây hậu quả khôn lường như thời gian qua.

  1. Ông Dương Trung Quốc: 'Chống tác hại rượu bia thì liệu có chống tác hại của gạo không?'

Giải thích phát biểu gây tranh cãi ngày 23.5 về luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh không thể chỉ tiếp cận dự luật này ở góc độ y tế và cực đoan coi rượu bia là độc hại.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24.5, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, luật Phòng chống tác hại rượu bia phải tiếp cận từ văn hóa, còn như dự thảo luật trình ra Quốc hội hoàn toàn là từ góc độ y tế, trong khi y tế chỉ là một góc của vấn đề.

Không thể cực đoan, coi rượu bia là độc hại

“Khi tiếp cận từ văn hóa mới có thể bền vững và văn hóa là phải kiểm soát được nó (rượu bia), từ kiểm soát nhà nước, kiểm soát sản xuất, tiêu thụ cho đến mỗi người tự kiểm soát mình thì mới bền vững”, đại biểu Quốc nói, và cho rằng dự án luật này nên giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và nên đổi tên thành luật Kiểm soát rượu bia, thay vì luật Phòng chống tác hại rượu bia.

“Chúng ta thấy thực trạng và phải tìm cách giải quyết nhưng cách tiếp cận như hiện nay, tôi không tán thành khi giao cho Bộ Y tế, bởi họ chỉ nhìn ở hậu quả thôi. Theo tôi, nên giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thì tốt hơn”, ông Quốc nói.

Liên quan tới tài liệu hỏi đáp về phòng chống tác hại rượu bia đề của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam được phát tại Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho biết sẽ gửi văn bản cho WHO hỏi xem biển cảnh báo của Việt Nam, in uống rượu bia độc hại có đúng không, vì cho rằng tài liệu này không đúng và có quan điểm cực đoan.

“Tôi đã hỏi Bộ trưởng (Bộ Y tế), tại sao cứ gán cho anh sản xuất nhiều rượu bia là hậu quả. Như Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nước trên mình, tiên tiến nhưng lại có những nhãn rượu nổi tiếng thế giới như di sản văn hóa. Cực đoan của anh chỉ dẫn đến luôn luôn coi rượu bia là độc hại”, đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

“Rượu bia là sản phẩm của con người và chúng ta từng thấy những người thợ mỏ Quảng Ninh đã quý ngụm bia trong ngày lao động nặng nhọc như thế nào”, ông Quốc nói thêm.

Khẳng định cá nhân mình hoàn toàn ủng hộ xây dựng luật này và chế tài cần nặng hơn, song ông Quốc cho rằng không thể cực đoan hóa, cứ coi rượu bia là độc hại. “Một luật chống tác hại của rượu bia không khác gì luật chống ma túy, thuốc lá và nguyên tắc, liệu có luật chống độc hại của gạo và tinh bột không?”, ông Quốc nêu vấn đề.

"Tôi dám bảo vệ ngành rượu bia để nó phát triển tích cực"

Trước câu hỏi nêu vấn đề nhiều người cho rằng phát biểu của mình là nhằm bảo vệ ngành sản xuất rượu bia, đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định: Tại sao không bảo vệ nó, nếu nó là chính đáng?

“Thậm chí có người bảo tôi lobby, đại biểu Quốc hội lobby. Tại sao không lobby? Lobby là cái gì? Là phải làm sáng tỏ nó ra còn nếu có hành vi nào mờ ám, thiếu trách nhiệm thì vi phạm pháp luật. Tại sao ta không lắng nghe ý kiến của nhiều chiều để xem vấn đề mình đặt ra có chính xác hay không? Tại sao không bảo vệ ngành sản xuất rượu bia Việt Nam, khi nó là ngành sản xuất gắn liền với rất nhiều người lao động, nguồn lực cho đất nước”, ông Quốc bày tỏ, và khẳng định: "Còn tôi, tôi dám bảo vệ ngành rượu bia Việt Nam để nó phát triển tích cực".

Đại biểu tỉnh Đồng Nai phân tích, hiện nay người ta cứ đổ vấy cho rượu bia gây tai nạn giao thông, nhưng nghiên cứu kỹ xem, rượu bia là rượu bia gì? Đường sá ra sao? Đào tạo lái xe ra sao?

Bên cạnh đó, ông Quốc cho rằng, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là người uống rượu chứ không phải rượu. Nếu uống một cách đàng hoàng, không làm gì thì không có gì xảy ra.“Chúng ta cần điều chỉnh hành vi con người chứ không phải điều chỉnh hành vi rượu”, ông Quốc nhấn mạnh, và khẳng định ông hoàn toàn ủng hộ các chế tài nhưng kiến nghị cần xử lý một cách hợp lý. “Kể cả thuế, chúng ta hãy tính toán cho kỹ”, ông Quốc nói thêm. 

  1. Hai quan điểm trái ngược nhau về rượu bia

Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trước khi thông qua vào ngày 14-6 sắp tới. Mặc dù gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm, oan khuất có nguyên nhân từ rượu, bia, nhưng khi tranh luận tại nghị trường, lại có 2 quan điểm trái ngược hẳn nhau về việc quản lý rượu, bia.

Sao lại coi rượu, bia như “tội đồ”?

Mặc dù đồng tình ban hành luật này, nhưng sau khi nghe các đại biểu (ĐB) khác “lên án” rượu, bia, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lại không đồng tình vì “có cảm giác như các đại biểu phát biểu coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ, có gì đấy không công bằng”.

Dẫn chứng hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, hàng trăm ngàn lao động đang sống nhờ công nghiệp sản xuất rượu, bia đem lại, đóng góp ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ĐB Xuyền cho rằng chúng ta phải xem xét cả hai mặt, không thể vì một việc này, việc kia mà bỏ hoàn toàn công lao của một ngành sản xuất.

Dẫn câu thơ “Trong tù không rượu, cũng không hoa”, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng tranh luận rằng, lẽ ra chúng ta phải tiếp cận rượu, bia từ khía cạnh của văn hóa nhưng dự thảo luật này mang dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng, có phần cực đoan.

“Rượu, bia là văn hóa của cả nhân loại, tại sao chúng ta lại đưa lên đoạn đầu đài như thế này” - ĐB Dương Trung Quốc lên tiếng và cho rằng các chế tài đề ra sẽ không khả thi và đi ngược lại xu thế chung. Đồng ý rằng rượu, bia đang để lại những mặt trái, nhưng ĐB tỉnh Đồng Nai cho rằng chúng ta đang né tránh mặt yếu nhất là năng lực quản lý, kiểm soát của Nhà nước và khả năng tự kiểm soát mình của mỗi người.

Nếu chúng ta được làm như thế thì sẽ bền vững, đồng thời vẫn khai thác được mặt tích cực của rượu, bia trên thị trường cũng như trong đời sống. Nếu luật này được thông qua, trong đó có quy định cấm quảng cáo rượu, bia thì việc đầu tiên là người dân sẽ không được xem bóng đá, vì các hãng bia lớn đang là nhà tài trợ cho bóng đá ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới.

Mong sớm áp dụng luật quản lý rượu, bia

ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) không đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Văn Xuyền khi cho rằng chúng ta đang coi sản xuất rượu như một “tội đồ”. Bởi vì tất cả những sản phẩm từ rượu, bia, nước trái cây lên men… đều là nhu cầu của xã hội, mọi người đều có quyền sử dụng.

“Nhưng vấn đề là chúng ta làm luật để hạn chế tác hại trong việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia trong sinh hoạt đời sống hàng ngày”- ĐB Huỳnh Thành Chung bày tỏ. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng tranh luận với ĐB Xuyền. Ông cho rằng cần thiết phải có luật này, không thể vì đã có Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Quảng cáo, Luật Thuế thì đề nghị dừng luật này lại.

ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) băn khoăn về cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên, vậy dưới 15 độ cồn thì sao? Còn ĐB Quàng Thị Vân (Điện Biên) thì lo ngại dự thảo lần này không còn quy định thời gian cấm bán rượu đối với mọi đối tượng từ 22 giờ đêm đến 7 giờ sáng ngày hôm sau, “mà những người uống rượu, bia sau 22 giờ đêm thường là những người nát rượu, nghiện rượu, không làm chủ được hành vi của mình” - ĐB Vân lên tiếng.

Đóng góp cho dự thảo luật lần này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, dự thảo chỉnh sửa đã căn cứ vào thực tiễn để có điều chỉnh và cốt lõi là phải thay đổi văn hóa chứ không phải bóp nghẹt sản xuất chính thống. Vì nếu bóp nghẹt sản xuất, vô hình trung sẽ khuyến khích cho hàng giả, hàng lậu phát triển.

Để hạn chế những tác hại, cần tăng mức chế tài khi lạm dụng rượu, bia mà lái xe, bạo lực, xâm hại tình dục, gây rối trật tự... chứ không chỉ dừng ở mức phạt tiền, thu giấy phép lái xe hay tạm giam phương tiện mà phải bổ sung các hình thức khác như lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe, tăng phí bảo hiểm xe, quy định tăng nặng với các trường hợp tái phạm, tạm giam ngay người và xe nếu thật sự nguy hiểm, bởi vì thực tế rất khó khăn khi cưỡng chế những người say mà vẫn tham gia giao thông.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dự thảo lần này đã tiếp thu toàn bộ ý kiến của các ĐBQH trong kỳ họp trước cũng như ý kiến của UBTVQH tại kỳ họp thứ 33 vừa qua. Về việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, cần sớm đưa luật này vào cuộc sống là để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri về phòng chống các tác hại của rượu, bia.

Trước mắt là để giảm những hệ lụy về tai nạn giao thông, bạo lực xã hội, bạo lực gia đình còn về lâu dài là sức khỏe. “Rượu bia là nhóm 1 gây các bệnh về ung thư” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng.

  1. Dựng “rào cản” với thanh thiếu niên

Lựa chọn lợi ích kinh tế hay sức khỏe cộng đồng, làm thế nào để hạn chế quảng cáo rượu, bia cũng như xây dựng “rào cản” hiệu quả để hạn chế thanh thiếu niên tiếp xúc với rượu, bia… là những trăn trở mà các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 23-5 về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chọn lợi ích kinh tế hay sức khỏe cộng đồng?

Là một trong những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã “nóng” ngay từ những phút đầu tiên bởi những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội.

Nhắc lại thư của Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam về sự cần thiết của việc kiểm soát rượu, bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, chúng ta đã thấy sự “giằng xé” giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong dự luật này. Một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet. Thay vào đó, dự thảo đã chế định việc bán rượu, bia trên sàn thương mại điện tử, có kiểm soát độ tuổi người tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia. Với thực trạng phổ biến là độ tuổi tiếp cận internet ngày càng trẻ hóa, việc bỏ quy định trên liệu có hợp lý?

Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, Điều 13 của dự thảo luật quy định không quảng cáo bia từ 5,5 độ cồn trở lên trong các chương trình thể thao, văn hóa. Như vậy, bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được quảng cáo trong các chương trình này. "Tôi đề nghị rà soát, điều chỉnh quy định ngưỡng hạn chế quảng cáo với bia có độ cồn từ 4 đến 5 độ thay vì từ 5,5 độ như dự thảo, để đạo luật bao quát hơn", đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu ý kiến.Nhấn mạnh tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho rằng, nếu dùng rượu, bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm. Bày tỏ băn khoăn về nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật liệu đã đủ tạo nên “rào cản” vững chắc để thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên, đại biểu cho rằng, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để bảo vệ thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia và nước uống có cồn; kiểm soát nội dung quảng cáo sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu, bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng. “Chúng ta không thể loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại đưa vào các điều cấm mà thực tế không diễn ra”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

Ban hành luật để hạn chế lạm dụng rượu, bia

Băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật khi đưa vào áp dụng trong thực tế, đại biểu Ksor Phước Hà (Đoàn Gia Lai) cho rằng, hành vi quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên bị nghiêm cấm nhưng với rượu dưới 15 độ cồn thì như thế nào? Bởi theo đại biểu, tác hại của rượu, bia phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người; cùng một lượng rượu, bia vào người nhưng tác hại khác nhau. Đại biểu Ksor Phước Hà cho rằng, hành vi bị cấm trong luật là khuyến mãi hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mãi trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên, hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mãi dưới mọi hình thức sẽ làm tăng tính kích thích cho những người dưới 18 tuổi. “Thực tế, vào những trang web hạn chế thanh, thiếu niên truy cập, bao giờ cũng có câu hỏi “Bạn đã đủ 18 tuổi chưa?”, nhưng tôi tin chắc rằng từ người lớn đến trẻ em hiện nay đều nhấp vào “tôi đã 18 tuổi”. Sau 18 tuổi đó là cái gì, tôi tin rằng nhiều đại biểu ở đây đã có cảm nhận”, đại biểu chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) đề xuất, dự thảo luật cần làm rõ, nhấn sâu vấn đề tác hại của rượu, bia là: Gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế - xã hội, một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật và tử vong của người Việt Nam; nguyên nhân liên quan đến rối loạn tâm thần; gây tai nạn giao thông, gây tổn thương cả về tinh thần, tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác… Đây là điểm cực kỳ quan trọng để truyền thông sau khi luật ban hành giúp người dân có sự thay đổi về nhận thức.

Còn theo đại biểu Quàng Thị Vân (Đoàn Điện Biên), rượu, bia đang bị lạm dụng quá mức, gây hại cho sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ra hơn 320 loại bệnh tật, là hiểm họa, nguy cơ gây tai nạn giao thông, suy thoái giống nòi, nguyên nhân của đói nghèo, đặc biệt đối với các vùng cao, nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Việc quá lạm dụng rượu, bia ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của đất nước; trở thành hiểm họa, gánh nặng cho xã hội. Đại biểu đề nghị, Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để luật đi vào cuộc sống, được thực thi một cách nghiêm minh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa khẳng định sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại của rượu, bia với tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe lâu dài của người dân.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn Chủ tịch và các cơ quan hữu quan ghi nhận và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua. 

  1. Thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Mục tiêu thực hiện thí điểm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.

Một trong những nội dung của cơ chế tự chủ là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, theo đó, bệnh viện được quyết định quy mô bệnh viện khi đáp ứng đủ các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất; bệnh viện được quyết định chỉ tiêu và kế hoạch hoạt động của bệnh viện bảo đảm phù hợp với các quy định về chuyên môn do Bộ Y tế ban hành và phù hợp với điều kiện, khả năng của bệnh viện...

Về tổ chức và nhân sự, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Tổng Giám đốc/Giám đốc bệnh viện theo Đề án của mỗi bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối đa là 2 năm. Trong thời gian này, Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế; phương án kiện toàn Hội đồng quản lý khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Hội đồng quản lý có từ 7 đến 11 người, trong đó có 1 đại diện của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi của Chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hội đồng quản lý có chức năng, nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các bệnh viện thành viên thuộc bệnh viện; phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của bệnh viện; quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với Tổng Giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Riêng tiêu chuẩn đối với Tổng Giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn phải phù hợp với các quy định của Bộ Y tế. Các chức danh Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc khác, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Số lượng cấp phó thực hiện theo Đề án của mỗi Bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trường hợp thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên: Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và quyết định, chịu trách nhiệm về việc thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên.

Hội đồng quản lý còn có nhiệm vụ quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng người làm việc; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Về tiền lương, giá dịch vụ y tế, đơn vị được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập và được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị.

Đối với các thành viên Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát là công chức, viên chức của đơn vị thì được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm, tiền thưởng và các phúc lợi khác theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Các thành viên không là công chức, viên chức của đơn vị được chi trả thù lao theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành.

Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam. Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2019. Thời gian thực hiện Nghị quyết là 2 năm kể từ khi Đề án của bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 2 năm các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ. 

  1. Tăng hơn 56.500 giường bệnh trên toàn quốc

Sau 5 năm triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện (BV), số giường bệnh tăng thêm là 56.501 giường, trong đó tuyến Trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh, thành phố tăng 24.290 giường và tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.

Về việc thực hiện giảm tải BV, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân thời gian qua, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Y tế thông tin: Kết quả khảo sát năm 2018 tại 723 BV trên toàn quốc cho thấy, tỉ lệ các khoa lâm sàng được cải tạo là 2.700 khoa, khoa cận lâm sàng là 977 khoa. Tỉ lệ khoa lâm sàng được nâng cấp là 1.039 khoa, khoa cận lâm sàng là 362 khoa.

Số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án giảm quá tải BV là 29.524 giường, trong đó tuyến Trung ương tăng 4.980 giường, tuyến tỉnh, thành phố tăng 11.279 giường, tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường. Số giường bệnh thực kê là 56.501 giường, trong đó tuyến Trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh, thành phố tăng 24.290 giường và tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.

Trong báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng cho y tế tuyến dưới, thời gian qua ngành y tế đẩy mạnh thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở KCB để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới.

Dẫn chứng, Bộ trưởng cho biết đã ký Quyết định số 5168/QĐ-BYT về phê duyệt Đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến Trung ương, BV tuyến cuối của Hà Nội, TPHCM về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng KCB giai đoạn 2018-2020. Theo đó, Đề án gồm các nội dung lựa chọn một số BV tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, BV tuyến cuối, BV hạng I thuộc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế TPHCM hỗ trợ 26 xã điểm; xây dựng mô hình mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận cán bộ BV tuyến Trung ương về KCB, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để chẩn hóa phác đồ điều trị; chuyển giao công nghệ KCB theo phân tuyến và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế xã, phường. Đề án cũng nhằm tạo phong trào thực hiện nghĩa vụ luân phiên cán bộ từ Trung ương, tỉnh, huyện xuống xã.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tiếp tục phát triển mạng lưới BV vệ tinh. Đến nay đã có 23 BV hạt nhân và 138 BV vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố.

Các BV hạt nhân đã thực hiện việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các BV vệ tinh tập trung vào các nhóm bệnh có tỷ lệ chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đề án thông qua việc thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa BV hạt nhân với BV vệ tinh. Đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho BV vệ tinh để phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Thực hiện tự chủ giúp giảm hàng tỷ đồng ngân sách Nhà nước

Liên quan đến vấn đề phương thức quản lý, cơ chế tài chính cho các BV, Bộ Y tế cho biết, số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên (có nguồn thu <10% chi hoạt động) giảm.

Tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2013 mới có 28 đơn vị chiếm 1,3% tổng số đơn vị).

Đối với 1.364 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên thì mức tự chủ cũng rất cao, nhiều đơn vị đã tự chủ được từ 80-90% nguồn tài chính.

Số thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh, thành phố cho thấy, so với ngân sách cấp cho các BV năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 5.738 tỷ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.208 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều là TPHCM (giảm 1.320 tỷ đồng), Hà Nội (520 tỷ đồng), Thái Nguyên (340 tỷ đồng), Nghệ An (330 tỷ đồng), Hà Tĩnh (200 tỷ đồng), Bình Định (300 tỷ đồng)...

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, tính đến năm 2018 có 24 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 34,8% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2013 mới có 6 đơn vị chiếm 10% tổng số đơn vị).

Đến năm 2019 chuyển thêm 4 đơn vị từ nhóm tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên, nâng tổng số đơn vị tự chủ thành 28 đơn vị. Số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 30.826 người (của 26 BV), tiền lương phải chi khoảng 2.900 tỷ đồng/năm.

Gần 84% người bệnh hài lòng về dịch vụ y tế

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện đổi mới toàn diện ngành y tế, đặc biệt là đổi mới về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế “Xanh-sạch-đẹp”.

Theo đánh giá độc lập, đánh giá sự hài lòng người bệnh tại 53 BV tuyến Trung ương, BV thuộc trường và BV tuyến tỉnh, năm 2018 có 83,7% người bệnh hài lòng về dịch vụ y tế.Càng lên tuyến trên tỉ lệ hài lòng của người sử dụng dịch vụ đối với các cơ sở y tế công lập càng cao (84,5%, đối với tuyến trung ương, 83,3% đối với tuyến tỉnh) và đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành y tế vào năm 2020 (mức >80%). 

  1. Mỗi năm có 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do thuốc lá thụ động

Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới năm giờ đồng hồ kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Những tác hại, hậu quả mà hút thuốc lá thụ động (người khác hít phải khói thuốc của người hút) gây ra cho tất cả mọi người, đặc biệt là với trẻ em.

Theo thông tin từ Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Khói thuốc có 69 chất gây ung thư

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi.

Nói về tác hại của thuốc lá gây ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng, 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê tại các bệnh viện ung bướu, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí, đặc biệt trong môi trường khép kín tại các khu vực trong nhà. Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 là chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi cho những người sống và làm việc tại các nơi này, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, hút thuốc lá thụ động gây ra nhiều tác hại đối với hệ hô hấp của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi.

Ngoài ra, trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Bên cạnh đó, trẻ em hít phải khói thuốc có thể phải chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do việc bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên.

Theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích, việc hút thuốc gây ra nhiều tác hại, không chỉ với người hút mà còn với những người xung quanh. Đó là các bệnh về phổi như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hằng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Chiến dịch này gồm nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, khuyến khích nói không với thuốc lá.

Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 2019 là "Thuốc lá và các bệnh về phổi." Các Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay gồm: Các bệnh ung thư đến các bệnh hô hấp mãn tính; Vai trò quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người; Kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá…

Từ ngày 25/5 đến ngày 31/5, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá với nhiều hoạt động kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Đó là các hoạt động như: Phổ biến và chỉ đạo thực thi nghiêm quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá; Thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Luật; Thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá của bộ, ngành, đoàn thể…/. 

  1. Bộ Y tế bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Ngày 24/5/2019, tại Hà Nội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đối với đồng chí Nguyền Hà Thanh.

Tham dự buổi Lễ có GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục, Văn phòng Bộ Y tế; BCH Đảng uỷ, Ban Giám đốc, BCH Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên cùng các cán bộ chủ chốt, Cán bộ viên chức người lao động Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Tại buổi Lễ, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS.Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Y tế đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm chức danh Phó Viện trưởng đối với đồng chí Nguyễn Hà Thanh.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trao Quyết định, chúc mừng và giao nhiệm vụ cho Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho đồng chí Nguyễn Hà Thanh.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh: việc bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Y tế tới sự phát triển của bệnh viện đầu ngành về huyết học; cũng là kết quả của quá trình theo dõi, đánh giá cán bộ hết sức khách quan, có trách nhiệm của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện và sự tin tưởng, tín nhiệm của CBVC bệnh viện đối với đồng chí Nguyễn Hà Thanh.

Đồng chí Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng mong muốn trong thời gian tới tân Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Nguyễn Hà Thanh tiếp tục cùng tập thể lãnh đạo Viện cùng các cán bộ công chức viên chức người lao động trọng bệnh viện đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy kinh nghiệm chuyên môn, quản lý để xây dựng và thành những nhiệm vụ mà Bộ Y tế giao cho.

Phát biểu và nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Hà Thanh, Tân Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trân trọng gửi lời cảm ơn đến Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Lãnh đạoViện Huyết học và Truyền máu Trung ương, lãnh đạo các khoa phòng cùng toàn thể các cán bộ, viên chức trong Viện đã dành sự ủng hộ và tín nhiệm đối với cá nhân đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hà Thanh cũng hứa sẽ dành toàn bộ tâm huyết, nghị lực và trí tuệ với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao đưa Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương ngày một phát xứng đáng là Viện đầu ngành về Huyết học tại Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đồng chí Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương  tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đồng thời trân trọng cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Y tế, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo các Vụ/Cục/ Văn phòng Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ Viện Huyết hoạc và Truyền máu Trung ương hoàn thành trách nhiệm và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ Y tế./.

  1. Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Phụ Sản Trung ương

Sáng ngày 24/5/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đối với đồng chí Lê Đình Cường. GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế dự và phát biểu chỉ đạo buổi Lễ.Tham dự buổi Lễ còn có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ;Văn phòng Bộ Y tế. Ban  lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng đông đảo cán bộ/ công nhân/ viên chức Bệnh viện.

Theo đó,  tại Quyết định số 1618 QĐ/BYT ngày 14/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quyết định bổ nhiệm Ths.Lê Đình Cường, giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Phụ Sản Trung ương.

Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực  Bộ Y tế  đã trao Quyết định cho đồng chí Lê Đình Cường có hiệu lực 05 năm kể từ ngày ký và ban hành .

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực  Bộ Y tế chúc mừng và giao nhiệm vụ cho đồng chí Tân Phó Giám đốc Lê Đình Cường với mong muốn trên cương vị mới của mình đồng chí tiếp tục cùng tập thể, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng viện ngày càng phát triển đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, xứng đáng là Bệnh viện Phụ sản đầu Ngành của Bộ Y tế.

Phát biểu và nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Đình Cường, Tân Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương trân trọng gửi lời cảm ơn đến Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lãnh đạo các khoa phòng cùng toàn thể các cán bộ, viên chức trong bệnh viện đã dành sự ủng hộ và tín nhiệm đối với cá nhân đồng chí. Có được sự ủng hộ trên vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm lớn đối với cá nhân đồng chí.

Đồng chí Lê Đình Cường cũng hứa sẽ dành toàn bộ tâm huyết, nghị lực và trí tuệ với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao đưa Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày một phát triển vững mạnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân của Ngành Y tế./. 

  1. Vận động vì sức khỏe

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu vận động thể lực là một trong bốn nguy cơ hàng đầu gây chết người trên toàn cầu. Vận động thể lực đầy đủ sẽ giúp giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 đến 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng...Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay, khoảng 30% số người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Đây được cho là một trong những yếu tố làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, các bệnh không lây nhiễm (bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mạn tính về đường hô hấp…) đang là nguyên nhân của 73% số ca tử vong hằng năm.

Nhằm góp phần phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đã có những giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài. Ngày 2-9-2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, với hàng loạt giải pháp cụ thể, trong đó, vận động thể lực là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Ngành y tế là đơn vị gương mẫu, tiên phong khi sớm có chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn ngành nghiêm túc tổ chức phát động và triển khai tập thể dục sao cho phù hợp đặc thù công việc của cơ quan, đơn vị; bao gồm: Tập trong lúc giải lao của các buổi họp, giao ban; tập lúc giải lao buổi sáng, buổi chiều trong giờ làm việc...

Thời gian qua, nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe, nhận thức, thực hành của mỗi người dân để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng, được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước với quy mô và cách thức đa dạng, phong phú. Hy vọng, những hoạt động tích cực nêu trên không chỉ dừng ở lễ phát động hay các đợt tuyên truyền, mà tạo ra sự chuyển biến thật sự từ nhận thức đến hành động, tạo thành phong trào rộng khắp với sự tham gia của đông đảo người dân.

Mỗi người cần chung tay và thực hiện các hành động thiết thực cho sức khỏe bản thân, như tăng cường vận động, tập thể dục giữa giờ; đi bộ khoảng 10 nghìn bước chân mỗi ngày; loại bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe; ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây; không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia… Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới phối hợp xây dựng bài tập thể dục giữa giờ, thời lượng chỉ có ba phút nhưng được đánh giá khá đầy đủ các động tác giúp người tập có thể thực hiện hiệu quả, nâng cao sức khỏe. Các chuyên gia tim mạch cũng khuyến cáo nên vận động hằng ngày từ 30 đến 60 phút, ưu tiên các bộ môn đi bộ nhanh, bơi... Bên cạnh đó, để góp phần phát triển tầm vóc, thể lực; ngoài việc chăm vận động thì các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mọi người nên xây dựng thêm chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm.

Các bộ, ngành liên quan cần tăng cường sự tham gia, phối hợp để xây dựng môi trường sống tích cực, chủ động rèn luyện sức khỏe, giảm thiểu các nguy cơ cho người dân và cộng đồng; bảo đảm mọi người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục để dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện, hiệu quả.

  1. PAR INDEX 2018: Đánh giá nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương

Năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có sự chỉ đạo xuyên suốt linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Nhiều nghị quyết liên quan đến cải cách hành chính đã được Chính phủ ban hành, nhất là về công tác xây dựng pháp luật đơn giản hóa thủ tục hành chính; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Những nỗ lực cải cách của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với chủ đề “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” cũng được ghi nhận trong năm qua. Các bộ, ngành đã tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số còn dư địa, thấp điểm, thấp hạng; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý với quyết tâm đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN - 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Các bộ, ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; phấn đấu mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp...

Nhiều sáng kiến, mô hình hay, giải pháp mới trong triển khai cải cách hành chính đã được áp dụng như Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối các nhà thuốc tới Bộ Y tế, thông qua đó có thể quản lý chặt chẽ về chất lượng thuốc, giá thuốc và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề xuất nội dung chi tiết một số biểu mẫu và phương pháp thu thập, xử lý dữ liệu đánh giá tác động dự án đầu tư công; xây dựng quy trình theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan Bộ.

Có thể nói, cải cách hành chính đã được triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật trên bình diện Chính phủ nói chung và tại từng bộ, ngành nói riêng. Xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 (PAR INDEX 2018) đã cơ bản phản ánh đầy đủ những kết quả đạt được của các bộ trong cải cách hành chính trên từng lĩnh vực.

Ngân hàng Nhà nước năm thứ 4 liên tiếp giữ ngôi vị đứng đầu

Theo kết quả PAR INDEX 2018 được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố chiều 24/5, giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 18 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 82,68% và không bộ nào có kết quả Chỉ số dưới 70%; trong đó, có tới 14 bộ, ngành có Chỉ số cải cách hành chính trên 80%. Tuy nhiên, chỉ có 8 bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cao nhất với kết quả là 90,57%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả thấp nhất với giá trị 75,13%. Khoảng cách giữa hai cơ quan này là 15,44% (năm 2017, khoảng cách này là 20,23%).

So sánh giá trị Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 với năm 2017 cho thấy, có 15 đơn vị tăng điểm số so với Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giá trị điểm số tăng cao nhất là 8,11% (từ 72,61% năm 2017 lên 80,72% năm 2018). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất tại Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 và cũng là năm thứ 4 liên tiếp trụ vững ở ngôi vị này, tuy nhiên, điểm số của ngành này năm 2018 đã giảm 1,79% so với năm 2017 và 2,11% so với năm 2016.  

  1. Hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm bị xử phạt

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm của các công ty mỹ phẩm trên thị trường hiện nay. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5-2019, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt hành chính hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm do quảng cáo không đúng quy định.

Nhiều thương hiệu mỹ phẩm phổ biến được giới trẻ lựa chọn cũng nằm trong danh sách bị thu hồi. Trong đó, Công ty TNHH Genie Cosmetics (2A Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1) bị phạt 35 triệu đồng và buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo, do quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung.

Cùng vi phạm về quảng cáo, Công ty TNHH EBC Việt Nam (81 đường số 3, KDC Cityland, phường 7, quận Gò Vấp) bị xử phạt 30 triệu đồng, buộc cải chính thông tin trên website, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo không đúng về sản phẩm.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại Moon (phòng 1901 lầu 19, tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1) bị phạt 30 triệu đồng do quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc, làm người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc. Các sản phẩm nằm trong danh mục xử phạt: Acne solution Gel Tea Tree Oil; Acne Solutions Gel, Acne Solutions Facial Wash.

Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo (241bis Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận 3, TP.HCM) với thương hiệu mỹ phẩm Thorakao cũng bị xử phạt 70 triệu đồng và buộc tiêu hủy mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, sản phẩm sữa rửa mặt hạt nghệ ngừa mụn Thorakao bị thu hồi, buộc tiêu hủy.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế ) cũng đã có thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc lô sản phẩm này do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Trước đó, vào năm 2014, 17 sản phẩm do Công ty TNHH EBC Việt Nam cũng đã bị Cục Quản lý Dược thu hồi, đồng thời, xử phạt hành chính 105 triệu đồng do kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố.

Bên cạnh đó, nhiều loại mỹ phẩm cũng từng bị Sở Y tế TP.HCM ra quyết định thu hồi: 76 sản phẩm (gồm Vedette, Josto, Josto Men) của Công ty TNHH Thương mại Mon, 11 sản phẩm (Haje, D&E White care, White care, Relax, Alginmar) của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàng Nhật, 12 sản phẩm  (S’White Shynh Beauty và S’White) của Công ty TNHH Shynh Beauty (256/27 quốc lộ 1K, quận Thủ Đức, TP.HCM)…

Việc Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện và xử lý hàng loạt vi phạm sản phẩm thêm một lần gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho người tiêu dùng về các mặt hàng mỹ phẩm kém chất lượng, chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

  1. Vụ bé 13 tuổi tố bị hiếp dâm trong phòng chụp X-quang: Giám đốc bệnh viện nói gì?

Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, khi chụp X-quang thường không phải uống thuốc. Liên quan đến thông tin nữ bệnh nhi kể lại với gia đình về việc trước khi chụp X-quang, kỹ thuật viên của bệnh viện nhét thuốc vào mồm cháu, chia sẻ với tờ Đất Việt, bác sĩ La Thị Yêu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho rằng theo quy định của Bộ Y tế, chụp X-quang thường quy không phải uống bất cứ loại thuốc gì.

"Bộ Y tế quy định như thế rồi thì chúng tôi phải áp dụng, bởi vậy làm gì có chuyện bệnh nhân phải uống thuốc trước khi chụp X-quang", bà Yêu khẳng định.

Trong khi đó, nói về việc này, một bác sĩ khác cho biết, nếu bệnh nhân còn bé mà giãy đạp, quấy khóc hay người nào lên cơn co giật thì bác sĩ mới cho dùng một số loại thuốc an thần.

"Thông thường, bệnh nhân chụp X-quang không phải dùng thuốc gì. Chỉ có những trường hợp rất đặc biệt phải dùng thuốc an thần để người bệnh nằm, ngồi yên cho kỹ thuật viên thực hiện đúng các y lệnh", vị bác sĩ này cho biết.

Cũng theo vị bác sĩ này, thuốc an thần được sử dụng cho những người chụp X-quang có nhiều loại và tùy từng liều lượng, độ tuổi của người dùng.

Báo Giao thông dẫn lời bà Giám đốc bệnh viện Đa khoa Quỳnh Nhai cho biết thêm, qua trích xuất camera ngoài phòng chụp X-quang, tổng thời gian từ khi bé gái 13 tuổi vào phòng chụp cho đến lúc ra là 26 phút. Trong khi đó, theo bình thường chỉ mất 5 - 6 phút.

Tuy nhiên, theo giám đốc bệnh viện, camera chỉ được đặt bên ngoài hành lang, trong phòng chụp X-quang không có. Theo quy định, trong phòng chụp X - quang có một bác sĩ và một kỹ thuật viên, tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc, bác sĩ sang phòng bên cạnh để siêu âm nên không có mặt.

Trước đó, ngày 21/5, một bé gái 13 tuổi được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai khám và được chỉ định vào phòng chụp X- quang phổi. Khoảng gần 30 phút sau, bé 13 tuổi mới ra khỏi phòng và òa khóc, cho biết bị kỹ thuật viên Mùa A.C. (Khoa Chẩn đoán hình ảnh) hiếp dâm.

Cụ thể, theo lời cháu bé, khi nằm xuống bàn chụp X- quang, kỹ thuật viên tên Mùa A.C. sờ vào ngực và bộ phận sinh dục của bé. Ít phút sau, cháu được kỹ thuật viên này bảo vào phòng rửa phim để khám tiếp. kỹ thuật viên  này lấy tay nhét thuốc gì đó vào miệng bé khiến bé nóng trong miệng và không biết gì nữa cho đến khi xong việc.

Hiện cơ quan điều tra đã tạm giữ khẩn cấp kỹ thuật viên C. để điều tra, làm rõ vụ việc.

  1. 'Sở Y tế TP.HCM kiên quyết công khai, minh bạch mọi chuyện'

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã nhấn mạnh như thế đối với lãnh đạo các phòng đa khoa khám tư nhân tại Hội nghị giao ban hoạt động khám, chữa bệnh phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM năm 2019 vào chiều nay (24.5).

Trong thời gian qua, hoạt động các phòng khám đa khoa tư nhân, nhất là các phòng khám có yếu tố nước ngoài đang gây ra rất nhiều bức xúc cho bệnh nhân. Chỉ tính riêng trong năm 2018 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và các địa phương đã kiểm tra 3.808 cơ sở hành nghề y dược tư nhân và mỹ phẩm thì đã phát hiện 373 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 7 tỉ đồng.

Riêng các phòng khám đa khoa, các ngành chức năng đã kiểm tra 43 cơ sở, phát hiện sai phạm và xử lý hơn 2,2 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 1 đơn vị.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM các sai phạm chủ yếu của những phòng khám đa khoa tư nhận là hồ sơ bệnh án không ghi chép đầy đầy nội dung, chưa mô tả bệnh lý, không ký tên vào hồ sơ bệnh án, sửa chữa hồ sơ bệnh án làm sai lệch thông tin khám, chữa bệnh, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn, quảng cáo chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Các phòng khám đa khoa tư nhân thường chỉ định những xét nghiệm không phù hợp, từ đó đưa hướng xử lý không phù hợp. Thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn, khi cơ quan kiểm tra phát hiện thì chủ đầu tư trả tiền lại cho người bệnh.

Bác sĩ phụ trách chuyên môn người Việt Nam chưa nắm bắt tình hình, chỉ định điều trị đối với bác sĩ người nước ngoài tham gia khám, chữa bệnh tại đơn vị. Đặc biệt, các bác sĩ thường sử dụng các hình ảnh không trung thực để hù dọa, đe dọa bệnh nhân.

Thời gian gần đây, các phòng khám đa khoa còn tự ý thay đổi nhân sự khi chưa được sở y tế thẩm định, không thực hiện đầy đủ các xét nghiệm đã được các sĩ chỉ định cho người bệnh nhưng vẫn thu phí đối với người bệnh.

Điều đáng nói để đối phó với các cơ quan chức năng, các phòng khám đa khoa, nhất là những phòng khám có bác sĩ nước ngoài thường xử lý bệnh sai lệch so với chẩn đoán.

Trước thực tế sai phạm trong thời gian qua của các phòng khám đa khoa, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã kêu gọi các phòng khám này cần phải hoạt động thực sự nghiêm túc, phải tuân thủ đúng pháp luật.

Tất cả những thông tin gì mới, những quy định mới, Sở Y tế đều cập nhập lên cổng thông tin điện tử của Sở và các phòng khám để theo dõi thực hiện cho đúng.

“Trong thời gian tới Sở Y tế TP kiên quyết thông tin minh bạch mọi chuyện. Những thanh tra, xử lý đối với các phòng khám cũng công khai trên cổng thông tin điện tử. Khi Sở Y tế công khai, minh bạch thông tin trên thì các báo chí đều biết”, ông Thượng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) - Công an TP.HCM trong thời gian qua các phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM cũng đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề mất an ninh trật tự tại đây.

Trong đó có những đối tượng giả danh cán bộ thanh tra Bộ Y tế để mời gọi phòng khám mua tài liệu, giả danh công an để yêu cầu phòng khám cung cấp tài khoản, giả danh nhà báo để vòi tiền và lấy hợp đồng quảng cáo. Thời gian gần đây, còn xuất hiện những băng nhóm làm tiền các phòng khám bằng thủ đoạn nói phòng khám chữa bệnh không đạt yêu cầu rồi kéo đến quậy phá.

Về điều này, ông Thượng đề nghị các phòng khám đa khoa khi gặp những khó khăn cứ phản ánh lên Sở Y tế để nhận được sự trợ giúp, mọi thứ đều công khai, minh bạch.

“Nhiều phòng khám làm sai nên sợ phán ánh lên Sở lại bị kiểm tra lòi ra sai phạm của mình, nên có những vấn đề bức xúc của đơn vị vẫn không dám nói. Mọi thứ cần phải công khai minh bạch. Sở chỉ châm chước những gì mà các phòng khám chưa hiểu, chưa nắm, còn nếu cố tình vi phạm thì phải xử lý nghiêm”, ông Thượng nói.

  1. Công văn Sở Y tế hỏi Bộ Y tế sau gần 1 tháng vẫn chưa được trả lời

Một cán bộ Sở Y tế tỉnh Cà Mau xác nhận công văn mà Sở gửi Bộ Y tế, sau gần 1 tháng vẫn chưa được Bộ trả lời.

Ngày 24.5, một cán bộ Sở Y tế tỉnh Cà Mau xác nhận với PV Thanh Niên, đơn vị này đã có công văn gửi  cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế để hỏi dịch lọc thận là thuốc hay vật tư y tế.

Vị cán bộ này cũng xác nhận đến hôm nay (24.5), sau gần 1 tháng công văn được gửi đi, vẫn chưa nhận được trả lời từ phía cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế.

Cuối năm 2018, Sở Y tế Cà Mau có văn bản đề nghị Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau giải trình việc tổ chức đấu thầu lại dịch lọc thận.

Lý do là vì mặt hàng này, trước đó đã được đấu thầu mua sắm tập trung, nhưng Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau sử dụng một thời gian rồi ngưng, và tổ chức đấu thầu lại. Trong khi quy định lúc bấy giờ, tại thông tư 11/2016/TT-BYT, khoản 5 Điều 38 nghiêm cấm điều này. Điều khoản này cũng nêu rõ: "Trường hợp cơ sở y tế vẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với nhà thầu khác thì không được thanh toán hợp đồng".

Giải trình với Sở Y tế Cà Mau về vấn đề này, ông Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là dịch đấu thầu tập trung không tương thích với máy chạy thận của bệnh viên, nên dẫn đến tình trạng máy chạy thận bị hư hỏng nhiều.

Do đó, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau đã trình và được Sở Y tế, UBND tỉnh Cà Mau chấp nhận về chủ trương cho tổ chức đấu thầu theo nhóm vật tư y tế, trong đó có dịch lọc thận. Từ kết quả đấu thầu này, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau đã bỏ dịch lọc thận do kết quả mua sắm tập trung chọn lựa, chuyển sang sử dụng loại dịch lọc thận do bệnh viện tổ chức đấu thầu từ tháng 8.2018 đến nay.

Theo một nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, riêng chi phí cho dịch lọc thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau năm 2018 khoảng 7 - 8 tỉ đồng.

Việc đấu thầu lại dịch lọc thận đang tạo ra các quan điểm trái chiều trong ngành y tế ở Cà Mau.

Liên quan đến việc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau không sử dụng dịch lọc thận trong danh mục đã được đấu thầu tập trung, mà tự đấu thầu lại và sử dụng loại dịch lọc thận khác, thì có đảm bảo về thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế không, một cán bộ Sở Y tế nói: "Nếu dịch lọc thận là thuốc, thì Bệnh viên đa khoa tỉnh Cà Mau đã sai phạm nghiêm trọng; ngược lại, nếu dịch lọc thận là vật tư y tế, thì bệnh viện đấu thầu vật tư y tế là chuyện được phép. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ trả lời từ cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế".Tuy nhiên, một điểm rất đáng chú ý là đầu năm 2018, tỉnh Cà Mau đã xác định dịch lọc thận là thuốc, đưa vào đấu thầu mua sắm tập trung, và có cả quyết định phê duyệt của Sở Y tế Cà Mau.

  1. Xưng danh phóng viên 'moi tiền' phòng khám

“Ngoài chức năng khám chữa bệnh, phòng khám đa khoa (PKĐK) đôi khi lại là “nạn nhân” của một số đối tượng lừa gạt khiến PK bị thiệt hại về kinh tế”.

Trung tá Vũ Thị Thu Hà, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA-03) Công an TP.HCM, đưa ra thông tin trên tại Hội nghị giao ban PKĐK trên địa bàn TP.HCM tổ chức chiều 24-5.

Theo bà Hà, không ít đối tượng xưng là nhân viên cơ quan nhà nước như Sở Tài chính, Thanh tra Bộ Y tế… đến PK mời mua tài liệu với giá cao. “Những đối tượng này còn dọa nếu PK không mua sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh” – bà Hà cho biết.

“Do bị hù dọa nên không ít PK bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, không một cơ quan nhà nước nào lại cử nhân viên đến tận PK mời bán tài liệu. Trong trường hợp này các PK nên thẳng thừng từ chối” – bà Hà nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hà, nhiều PK có những vi phạm trong quá trình hoạt động khám, chữa bệnh. “Nắm được sai phạm của PK, đối tượng tìm đến xưng danh phóng viên rồi đe dọa viết bài để moi tiền. Nhiều PK vì không muốn sai phạm bị bêu trên mặt báo nên chấp nhận đưa tiền. Chưa hết, đối tượng còn tiếp tục đề nghị PK ký hợp đồng truyền thông và “bỏ túi” thên khoản tiền nữa” – bà Hà nói.

“Không dừng tại đây, người xưng danh là phóng viên cung cấp sai phạm của PK cho “đồng nghiệp” khác để tiếp tục moi tiền bằng phương thức tương tự” – bà Hà cho biết thêm.

Bà Hà khuyến cáo bất kỳ ai đến làm việc thì PK yêu cầu cho xem giấy giới thiệu hoặc thẻ ngành. Trong trường hợp nghi ngờ thì báo đường dây nóng Sở Y tế TP.HCM hoặc công an địa phương.


Thăm dò ý kiến