Điểm tin y tế ngày 26/9/2018

26/09/2018 | 07:03 AM

 | 

I.THÔNG TIN Y TẾ

1. Cần tạo hành lang pháp lý trong việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại

Các cơ sở y tế không được mua dược liệu sẵn có tại địa phương mà phải tiến hành đấu thầu tập trung. Điều này khiến cho dược liệu phải mua đi bán lại vòng vo qua nhiều công đoạn, giá cả bị đẩy lên cao, đồng thời khó phát triển được nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương.

Ngày 25-9, tại TPHCM, Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo tham vấn một số vấn đề trọng tâm trong dự án Luật Y dược cổ truyền.

Đây là hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự án Luật với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các Sở Y tế, các bệnh viện y học cổ truyền, hội đông y, các nhà nghiên cứu về y học cổ truyền tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng quản lý nhà nước về y dược cổ truyền, phục vụ nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền cho biết, hoạt động y học cổ truyền (YHCT) từ xưa đến nay vẫn chưa có sự thống nhất từ ngôn từ đến công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh, dược liệu… Do đó, việc đóng góp xây dựng Luật YHCT ra đời và phù hợp với thực tế để đón nhận những ý kiến tham vấn của các đại biểu là những người hoạt động trong ngành YHCT trong cả nước góp phần chuẩn hóa các hoạt động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hoạt động YHCT tương xứng với tiềm năng, giá trị vốn có của dân tộc. Nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, cần chuẩn hóa các quy định trong hoạt động khám chữa bệnh YHCT, Luật YHCT cần có những điều khoản rõ ràng trong việc sử dụng thuốc YHCT.

Dẫn giải ví dụ cụ thể, Dược sỹ Trương Văn Hướng, Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho rằng, hiện tại, cả nước đang thực hiện cơ chế chung là đấu thầu mua thuốc nhưng việc thanh toán bằng Bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập. Các cơ sở y tế không được mua dược liệu sẵn có tại địa phương mà phải tiến hành đấu thầu tập trung. Điều này khiến cho dược liệu phải mua đi bán lại vòng vo qua nhiều công đoạn, giá cả bị đẩy lên cao, đồng thời khó phát triển được nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương.

Ngoài ra, việc kiểm soát, kiểm nghiệm dược liệu cũng gặp khó, đặc biệt là kiểm tra đánh giá hàm lượng hoạt chất trong dược liệu. Do vậy, cần có hệ thống kiểm tra, đánh giá đúng chất lượng dược liệu để tạo sự tin tưởng của người dân. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo tồn, phát triển bền vững dược liệu trong nước, đặc biệt cần khôi phục, đẩy mạnh việc sử dụng thuốc nam thuốc bản địa khai thác tại địa phương để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh thường gặp ở y tế tuyến cơ sở,...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần tạo hành lang pháp lý trong việc kết hợp YHCT và y học hiện đại trong khám chữa bệnh. Đây là bước đi đúng đắn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của cả hai loại hình y học hiện đại và cổ truyền.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần cụ thể hóa những nội dung như: có phác đồ điều trị kết hợp YHCT với y học hiện đại để có cơ sở pháp lý trong điều trị và thanh toán Bảo hiểm y tế, cần có những nghiên cứu và thông tin rõ ràng để tạo niềm tin cho người dân cũng như tránh những rủi ro khi sử dụng kết hợp 2 phương pháp y học cổ truyền và y học hiện đại...

Dự kiến, sau khi lấy ý kiến tham vấn tại TPHCM, Cục Quản lý y, dược cổ truyền sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát nhu cầu thực tế để xây dựng dự án Luật Y dược cổ truyền nhằm đảm bảo tính khả thi của luật. (730)

 

 

2.Ngành dược thời công nghệ 4.0

Trong khuôn khổ Triển lãm y tế quốc tế Việt Nam lần 13 diễn ra ở TPHCM mới đây, các các chuyên gia, các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) ngành y - dược đã nói nhiều về các cơ hội và thách thức của DN ngành dược trước cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0  đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, DN ngành này cần có chiến lược kinh doanh, ứng dụng giải pháp quản trị song hành cùng chiến lược công nghệ. 

Số hóa nền sản xuất 

Theo các diễn giả, tất cả các ngành công nghiệp đang dịch chuyển mạnh mẽ dựa trên nền tảng công nghệ, tạo ra các xu hướng mới trong ngành, tác động mạnh đến các xu hướng cạnh tranh và phát triển bền vững của từng DN. PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khuyến cáo các DN cần ý thức chuẩn bị cho xu thế Pharma 4.0 (công nghiệp dược trong CMCN 4.0). Pharma 4.0 đòi hỏi sự chuyển đổi trọng tâm từ quá trình sản xuất dược phẩm dựa trên những thông số cố định sang quá trình sản xuất dựa trên đánh giá và kiểm soát liên tục các thông số. Ở đó, các thông số được tự động điều chỉnh bằng cơ sở dữ liệu và thông tin kết nối từ các hệ thống của toàn bộ quá trình. 

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay có gần 200 nhà máy dược chưa thể hoàn thiện việc số hóa cho quá trình sản xuất. Tình hình phổ biến nhất là đa số DN đầu tư các thiết bị riêng lẻ và lắp ghép từng phần thành dây chuyền sản xuất. Điều này khiến quá trình điện toán hóa/số hóa trở nên khó khăn. Khi xảy ra sự cố thì việc khắc phục rất tốn kém và mất thời gian. “Nhiều nhà máy đã ứng dụng hệ thống thiết bị máy móc tiên tiến nhưng mới chỉ là kết quả của những cố gắng riêng lẻ, còn quãng đường dài để ngành công nghiệp dược có được những nhà máy thông minh để tiến tới nền công nghiệp y tế thông minh”, ông Truyền cho biết thêm.

Cũng theo ông Lê Văn Truyền, cần các yếu tố kinh tế - xã hội làm nền tảng cho nền công nghiệp số hóa thông qua hệ thống pháp luật, quy chế thích ứng với nền kinh tế và công nghiệp số hóa, đi từ hồ sơ điện tử, báo cáo điện tử, chữ ký điện tử… cho đến các thách thức về tự động hóa, an ninh thông tin bảo mật nhằm đảm bảo sự toàn vẹn cho quá trình. Đối với DN dược, để hội nhập với CMCN 4.0, cần môi trường chính sách quản lý rõ ràng, đặc biệt chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất sản phẩm chất lượng cao; cân nhắc chính sách đấu thầu thuốc theo hướng ưu tiên dược phẩm chất lượng có giá thành hợp lý hay ưu tiên thuốc giá rẻ… theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.

“Phác đồ” công nghệ cho DN dược

Có nhiều thách thức đặc thù trong công tác quản trị của các công ty dược ngày càng phải đối mặt. Thách thức bên ngoài đến từ các đối thủ cạnh tranh, nhà sản xuất thuốc, các tổ chức chăm sóc sức khỏe, tổ chức y tế. Thách thức bên trong bao gồm các hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, quản lý sản xuất, chất lượng toàn diện. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đến từ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt bắt buộc phải tuân thủ tuyệt đối trong ngành dược: GMP, GSP, GLP, GDP, USFDA 21 CFR, GAMP 5… (653)

 

3.CHỈ THỊ SỐ 23/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CUNG ỨNG THUỐC

 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, Trong thời gian qua, hệ thống cung ứng và phân phối thuốc của Việt Nam đã phát triển rộng khắp đáp ứng yêu cầu cung cấp thuốc cho nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động cung ứng thuốc vẫn còn không ít bất cập, nổi bật là tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động. Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là công tác quản lý các cơ sở cung ứng thuốc chưa hiệu quả, chưa có công cụ hữu hiệu giúp cho người dân biết được thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường.

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý việc cung cấp, phân phối thuốc vì lợi ích của người dân, trước hết là chấn chỉnh tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không rõ xuất xứ, giá cả, không bảo đảm chất lượng, tình trạng bán thuốc không theo đơn, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý thuốc theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Y tế chịu trách nhiệm:

a) Khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm thống nhất quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối thuốc bảo đảm lợi ích người bệnh, người dân, đồng thời tạo Điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9 năm 2018; trong năm 2018 hoàn thành đối với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã; phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành đối với quầy thuốc.

b) Hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, tập huấn bằng văn bản hoặc video... bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân liên quan được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, không để bất cứ cơ sở nào không kết nối do không được tập huấn, hướng dẫn; ban hành quy định về việc kê đơn thuốc điện tử đồng bộ với việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để bảo đảm việc kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.

c) Thường xuyên tổng hợp, cập nhật và tăng cường phổ biến thông tin về sản phẩm thuốc, chỉ định, cách dùng, liều dùng, nguồn gốc xuất xứ và giá cả thông qua cơ sở dữ liệu thuốc quốc gia.

d) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc; người dân sử dụng, tra cứu thông tin thuốc qua cơ sở dữ liệu thuốc quốc gia, thực hiện việc kê đơn, mua bán thuốc và sử dụng thuốc theo đơn.

đ) Tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, xử lý nghiêm các vi phạm.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chỉ đạo việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, tăng cường quản lý các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn và thực hiện việc kê đơn, bán thuốc theo đơn theo quy định.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở về kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, tăng cường quản lý các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, việc mua và sử dụng thuốc theo đơn.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kết nối và thực hiện kê đơn, mua bán thuốc theo đơn.

Hàng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./(786)

 

4.Hà Nội: Quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân có chi phí cao nhất 1,48 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến tháng 9-2018, Bảo hiểm xã hội thành phố đã đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho gần 8 triệu lượt người với tổng chi phí là 12.189 tỷ đồng.

Chiều nay (25-9) tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đã báo cáo kết quả thực hiện bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế trong 9 tháng đầu năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2018.

Đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, tính đến hết ngày 16-9-2018, tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 25.063 tỷ đồng, đạt 63,9% kế hoạch thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 84,9% dân số; dự kiến đến hết năm 2018 hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP giao là 85,3%.

Để đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố đã ký hợp đồng khám chữa bệnh với 197 cơ sở y tế, trong đó 160 cơ sở y tế công lập (bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ, ngành), 37 cơ sở y tế tư nhân. Tính đến hết tháng 9-2018, đã đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 7.939.067 lượt người với tổng chi phí là 12.189 tỷ đồng.

Trong đó, có 20 bệnh nhân có chi phí bảo hiểm xã hội thanh toán trên 170 triệu đồng với tổng số tiền 10,49 tỷ đồng, bệnh nhân cao nhất là 1,48 tỷ đồng.

Bàn về công tác thanh tra, kiểm tra, thu nợ bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong tháng 8-2018 đã đem lại kết quả với hơn 20 tỷ đồng thu về từ các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra tại 60 doanh nghiệp thu hồi được 9,31 tỷ đồng; Thanh tra, kiểm tra liên ngành (phối hợp cùng Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố, Liên đoàn Lao động, Sở LĐ-TB&XH) tại 58 doanh nghiệp, thu hồi được 9,55 tỷ đồng.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tại 12 doanh nghiệp, thu hồi được 1,32 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được sau thanh kiểm tra là 20,18 tỷ đồng/88,3 tỷ đồng tiền nợ. Bằng những biện pháp quyết liệt cụ thể, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.980,1 tỷ đồng. Kết quả này đã giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Giảm nợ bảo hiểm xã hội xuống 3%

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Đức Hòa cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể, tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Nguyên nhân do nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, tính tuân thủ pháp luật chưa cao, một số doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng nên buộc phải nợ các loại bảo hiểm.

Để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018, ông Nguyễn Đức Hoà cho biết, trong những tháng cuối năm 2018, Bảo hiểm xã hội Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa tham gia.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, phấn đấu năm 2018 giảm tỷ lệ nợ đọng xuống 3%. Trong đó, sẽ chủ động gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra đến các đơn vị, doanh nghiệp nợ trước khi tiến hành thanh tra.

Đồng thời, sẽ yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp nợ, không để phát sinh nợ mới; Tích cực phối hợp với các sở, ngàng tăng cường thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người lao động.(876)

 

 

 

6.Xuất huyết màng não sau cơn đau đầu dữ dội

 Trước khi vào viện, bệnh nhân Thân đột nhiên bị đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, gáy cứng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú thọ vừa cứu sống thành công nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Thân (trú tại tỉnh Phú Thọ) bị phì động mạch cảnh và xuất huyết màng não lan tỏa (Fisher II).

Trước khi vào viện, bệnh nhân này xuất hiện những triệu chứng như đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, tim phổi bình thường, gáy cứng nên được gia đình chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, qua thăm khám và kết quả phim chụp CT sọ não cho thấy bệnh nhân dương tính với hội chứng màng não, xuất huyết màng não do vỡ túi phình động mạch cảnh.

Nhận thấy đây là trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khẩn trương họp hội chẩn và đưa ra chỉ định sử dụng phương pháp nút mạch túi mình dưới DSA để bảo toàn mạng sống.

Sau 2 giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân Thân qua cơn nguy kịch và dần tỉnh táo.

Chia sẻ về ca bệnh, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Ân, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết phương pháp tối ưu nhất trong trường hợp này là can thiệp mạch nút. Đây là phương pháp đem lại tỷ lệ thành công và phục hồi khá cao, người bệnh chịu can thiệp xâm lấn tối thiểu.

“Hiện nay, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã phục hồi tốt và vừa được cho xuất viện về nhà theo dõi thêm”, bác sĩ Ân nói.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Ân cũng khuyến cáo đột quỵ là một bệnh nguy hiểm, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tàn phế ở con người.

Khi thấy có những triệu chứng như đau đầu dữ dội, đau nửa đầu kèm theo buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, co giật, người nhà cần đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời, tránh những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.(376)

 

7.29 người mắc bệnh sốt xuất huyết do ổ dịch tái phát

 Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, hiện tại trên địa bàn đã có số 29 người mắc bệnh sốt xuất huyết. Được biết, ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/9 ở xã Diễn Ngọc.

Theo thông tin mới nhất, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm. Trong số 29 người mắc ở xã Diễn Ngọc, có 12 người đã khỏi bệnh, 14 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu và 3 người đang điều trị tại nhà.

Bác sĩ Cao Đình Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu cho biết: “Từ đầu năm tới nay, toàn huyện có 31 ca mắc sốt xuất huyết. Ngoài 29 ca mắc ở Diễn Ngọc thì có 2 ca ngoại lai (người dân ở Diễn Kỷ và Diễn Trung mang theo bệnh từ Vũng Tàu trở về)”.

“Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, huyện Diễn Châu hiện đang tăng cường công tác giám sát, xử lý môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Trung tâm y tế huyện đã phun 190 lít hóa chất. Dự kiến trong ngày hôm nay sẽ phun hết cho 2 xóm còn lại của xã Diễn Ngọc”, ông Minh cho biết thêm.

Được biết, trong năm 2017, Diễn Châu là địa phương đầu tiên bùng phát dịch sốt xuất huyết của tỉnh. Trên địa bàn có tới 3 ổ dịch sốt xuất huyết (2 ổ dịch tại xã Diễn Ngọc và 1 ổ ở xã Diễn Thịnh) với 153 ca mắc.

Tới thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có huyện Diễn Châu xuất hiện sốt xuất huyết. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch không thể chủ quan.

Theo bác sĩ Bùi Tiến Dũng - Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh dự báo: “Năm nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Nguyên nhân là ở Nghệ An, sốt xuất huyết đã là một bệnh nội tại. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Số lượng người di chuyển lớn, nguy cơ đưa mầm bệnh về cao hơn…”.

Hiện, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Để ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết tốt nhất thì phải dựa vào sức mạnh của cả cộng đồng dựa trên nguyên tắc “không có muỗi thì không có bệnh”. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy… .(441)

 

8.6 tháng ghi nhận 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cả nước ghi nhận 4.114 trường hợp phản ứng thông thường và 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Theo đó, về phản ứng thông thường sau tiêm chủng, ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ như sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm; sốt dưới 39 độ C cả trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng gồm 27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) và 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ.

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắc xin trong TCMR ghi nhận tại 12 tỉnh, thành phố bao gồm Ninh Bình (01), Phú Thọ (07), Bắc Giang (03), Thanh Hóa (05), Hà Nội (02) và Hải Dương (1), Sơn La (01), Đắc Lắc (01), Bình Định (01), Hậu Giang (01), Cần Thơ (01) và Bà Rịa - Vũng Tàu (03) gồm 25 trường hợp hồi phục và 02 trường hợp tử vong.

Cũng theo báo cáo này, trong 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng có 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem (17 trường hợp sau tiêm vắc xin Quinvaxem - OPV và 01 trường hợp sau tiêm vắc xin Quinvaxem - OPV - Rotarix) trên tổng số 2.551.051 liều vắc xin Quinvaxem, 3.615.000 liều vắc xin OPV và 6.802 liều vắc xin Rotarix đã sử dụng. Tỷ lệ phản vệ sau tiêm vắc xin Quinvaxem là thấp hơn so với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới.

07 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin VGB và 01 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin BCG trên tổng số 687.545 liều vắc xin VGB và 1.403.000 liều vắc xin BCG đã sử dụng.

"Các trường hợp này đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh họp đánh giá và kết luận, ghi nhận 24 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ (13%), 21 trường hợp phản vệ/phản ứng quá mẫn sau tiêm chủng (70%) và 05 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng không rõ nguyên nhân (17%). Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình"- đại diện Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh. (450)

 

9.Lúng túng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Liên tiếp các vụ tai nạn nghi có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua. Gần nhất là vụ 3 du khách nhập viện sau khi ăn khuya, hậu quả là 2 người tử vong.

 Dù vụ việc vẫn đang chờ các cơ quan chuyên môn điều tra, kết luận cuối cùng, tuy nhiên vấn đề quản lý chất lượng ATVSTP một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động. Qua 1 tuần điều trị tích cực, anh Đặng Ngọc Vạn (Nghệ An), nạn nhân trong vụ 3 du khách tử vong khi đi du lịch tại Đà Nẵng (ngày 16-9) đã hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên, nỗi đau mất vợ con khó nguôi ngoai. Theo lời anh Vạn, trước khi sự việc xảy ra, ngày 15-9, vợ chồng anh cùng đoàn đã đi tham quan Hội An. Tại đây, gia đình anh ăn cơm gà rồi quay về khách sạn trên đường Hồ Nghinh (Đà Nẵng). Khuya cùng ngày, vợ chồng anh Vạn tách đoàn dạo chơi và đi ăn mì Quảng, khi trở về khách sạn thì đau đớn dữ dội. Sáng 16-9, gia đình anh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ do nghi ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, con trai 3 tuổi của anh đã tử vong trên đường đến bệnh viện, sau đó vợ anh cũng tử vong, còn anh Vạn trong tình trạng nguy kịch. Nghi án về ngộ độc thức ăn khiến nhiều người lo lắng. Du khách ngộ độc thức ăn không phải là câu chuyện mới ở Đà Nẵng. Thống kê cho thấy, năm 2017, trên địa bàn thành phố đã diễn ra nhiều vụ ngộ độc liên quan đến ATVSTP. Điển hình, vụ 9 du khách trong đoàn 50 người từ tỉnh Quảng Ninh du lịch Đà Nẵng bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại một nhà hàng ở Đà Nẵng (tháng 9-2017). Hậu quả, nhiều người bị đau bụng, buồn nôn phải nhập viện. Đặc biệt, trước đó, cuối tháng 7-2017, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) cũng đã tiếp nhận 46 bệnh nhân là du khách đến từ Lào, nhập viện với biểu hiện ngộ độc thực phẩm như: đau bụng, đau đầu, sốt, nôn ói... sau khi ăn uống tại một nhà hàng trên địa bàn Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 46 người đều ngộ độc thức ăn, có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc. Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm là do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn. Đây là nguyên nhân rất dễ xảy ra nếu như các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống lơ là trong việc đảm bảo ATVSTP trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn bị nhiễm độc từ chính việc sử dụng các thực phẩm không an toàn do còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Dù vậy, cốt lõi nhất là kiểm tra chất lượng ATVSTP tại nguồn là vấn đề đáng lo ngại  “Tháng 8-2017 Sở Y tế đã công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh ATVSTP, kể từ đó đến nay, số cuộc gọi về đường dây nóng phản ánh chất lượng ATVSTP tăng lên khá nhiều, điều đó chứng tỏ vấn đề này vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại”, ông Hồng nhìn nhận. Nguy cơ tiềm ẩn  Có thể khẳng định, kiểm soát, quản lý ATVSTP không hề đơn giản, nhất là kiểm soát việc sử dụng chất cấm, chất bảo quản, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi hay chất phụ gia có thành phần không cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm… làm tăng nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, chế biến, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ theo đúng quy định; nhiều loại thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường không qua kiểm duyệt của cơ quan thú y. Chưa kể, ngày càng có nhiều thực phẩm ở nước ngoài và ngoại tỉnh nhập khiến cho công tác quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, lực lượng kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm tại các chợ rất ít, chủ yếu là kiêm nhiệm, kiểm tra chủ yếu bằng mắt thường, test nhanh. Còn ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, thừa nhận, bên cạnh nguồn nhân lực còn thiếu và yếu thì việc kiểm tra, kiểm soát các vấn đề về thực phẩm thời gian qua cũng chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, các dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm ngày càng nở rộ tràn lan. Nhiều chủ cơ sở vì lợi nhuận chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc để chế biến, nấu nướng chưa tuân thủ theo đúng quy định... dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn xảy ra ngộ độc thực phẩm. Theo ông Nguyễn Tấn Hải, hiện 3 lĩnh vực chính liên quan trực tiếp đến chất lượng ATVSTP chính là dịch vụ ăn uống; sản xuất, chế biến thực phẩm và kinh doanh thực phẩm. Đây là loại hình dịch vụ nhiều và phức tạp, thường là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 27.000 cơ sở đang được quản lý. “Vụ nghi ngộ độc khiến 2 mẹ con du khách bị tử vong mới đây, dù chưa có kết quả khẳng định là bị ngộ độc thực phẩm hay nhiễm độc, việc này phải chờ kết quả kết luận điều tra cuối cùng. Tuy nhiên, điều đó khiến chúng tôi cũng cảnh giác hơn với việc đảm bảo ATVSTP. Còn trong tai nạn trên, nếu nạn nhân thực sự bị ngộ độc thực phẩm thì sau khi có kết quả kết luận chính thức, chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết để không làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh cũng như môi trường du lịch của thành phố”, ông Nguyễn Tấn Hải quả quyết. (1080)

 

 

10.Thuốc đông dược thần tiên chữa bách bệnh làm từ... tân dược

 Ngày 25/9, thông tin từ Sở Y tế Đắk Nông xác nhận đơn vị vừa nhận được kết quả kiểm nghiệm hai mẫu thuốc đông dược nhãn hiệu Sư tử lớn bán trái phép tại hai tiệm thuốc Tây xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Y tế), trong hai mẫu thuốc nhãn hiệu Sư tử lớn và mẫu số hiệu 092414343 đều có chứa ba thành phần tân dược, bao gồm: Paracetamol, Dethamethason và Berberin.

Việc sử dụng các loại thuốc có các tân dược này đều phải theo chỉ định của bác sỹ sau khi thăm khám trực tiếp bệnh nhân. Việc lưu hành và sử dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng với nhiều bệnh lý khác nhau tại xã Đắk Sắk như thời gian qua là vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, theo ngành Y tế, việc sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Dethamethason dễ gây ra các tác dụng phụ như phù, tăng cân, đau dạ dày. Sử dụng lâu dài có thể gây ra các tai biến về xương.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Sở đã có công văn gửi các đơn vị liên quan yêu cầu tăng cường quản lý thuốc. Sở Y tế lưu ý các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa địa bàn tỉnh tuyệt đối không kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả mạo, thuốc không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sở chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trước đó, đầu tháng 8/2018, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 cơ sở bán thuốc tại xã Đắk Sắk, nơi có một số người dân phản ánh đã bán loại thuốc với tên gọi “thuốc thần tiên”, “thuốc y học cổ truyền Campuchia” không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các chủ cơ sở này hoàn toàn không nắm rõ được nguồn gốc, xuất xứ và không xuất trình được các giấy tờ liên quan nhưng vẫn quảng cáo là thuốc chữa bách bệnh.

Đoàn đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cơ sở nêu trên đồng thời thu hồi giấy phép kinh doanh, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời gian 3 tháng.(440)

 

11.Hàng loạt chất độc trong thuốc lá, chuyên gia kêu gọi tăng thuế để giảm người hút

 Chắc hẳn nhiều người sẽ "rùng mình" khi biết thực sự trong thuốc lá có đến hơn 7000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư được điểm danh như: chất tẩy trong sơn móng tay; chất tẩy sàn nhà, vệ sinh; thuốc trừ sâu; hóa chất dùng trong thuốc diệt chuột; hóa chất ướp xác...

Tốn tiền, rước bệnh vào người vì thuốc lá

Tại hội nghị cung cấp thông tin về phòng chống tác hại của thuốc lá cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tổ chức Healbridge Canada tại Việt Nam tổ chức sáng 25/9, Ths.BS Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO lại một lần nữa nhấn mạnh những tác hại kinh hoàng của khói thuốc.

Bởi trong thuốc lá chứa cả "tổ hợp" chất hóa học, với hơn 7000 hóa chất, trong đó có tới 69 loại hóa chất gây ung thư do các chất khó trong khói thuốc như: axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, CO (khí thải ô tô), Methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.

Thuốc là là hung thủ gây ra 11 loại ung thư khác nhau là ung thư họng, hầu họng, thực quản, phổi- khí quản- phế quản, bạch cầu cấp, dạ dày, tụy, thận- niệu quản, đại tràng, cổ tử cung, bàng quang. Đặc biệt, thuốc lá chịu trách nhiệm gây ra hơn 70% các ca ung thư phổi. Cứ 100 ca thì có đến 75 ca mắc do thuốc lá.

Đáng nói, các chất độc này không chỉ gây hại cho người hút thuốc, mà những người ngồi xung quanh, phải hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh tương tự người hút.

Tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh như hút thuốc lá chủ động. Nó làm tăng nguy cơ ung thư phổi hợp đồng bằng 30% (ung thư phổi tế bào nhỏ bằng 300%) và bệnh tim mạch vành 25%. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ.

Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thường bị mắc các bệnh về đường hô hấp; và các triệu chứng như thở khò khè và khó thở. Cũng có những nghiên cứu cho thấy liên kết giữa việc tiếp xúc của trẻ với khói thuốc lá và khả năng học tập, triệu chứng tăng động giảm tập trung, hen suyễn, u lympho, bệnh bạch cầu và các bệnh dị ứng như viêm mũi, viêm da và dị ứng thực phẩm.

Theo WHO, Trên toàn cầu, hút thuốc thụ động giết chết hơn 600,000 người không hút thuốc vào năm 2010. Trong đó, phụ nữ chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số người trưởng thành không hút thuốc tử vong. Bệnh thiếu máu cục bộ tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, hen suyễn và ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất của người chết liên quan đến khói thuốc lá.

Thuốc lá gây nhiều tác hại, nhưng mỗi năm, người dân Việt Nam bỏ ra số tiền hơn 31 tỷ đồng để mua thuốc lá. Cùng với đó, sẽ mất thêm 24.000 tỷ đồng (tương đương gần 1% tổng GDP cả nước 2011) là tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra bao gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Tăng thuế, giảm tỉ lệ hút thuốc

Để giảm tỉ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm gánh nặng cho sức khỏe, kinh tế và góp phần tăng thu ngân sách, các chuyên gia khẳng định tăng thuế là giải pháp hiệu quả chiếm 60% trong trong tổng số các giải pháp, nhằm giảm sức mua thuốc lá, qua đó giảm người hút, ngăn ngừa bệnh tật.

"Nếu áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 VNĐ/bao thuốc, khi đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể từ 45,3% xuống 39,0% (2020) và giúp phòng tránh được 900.000 ca tử vong sớm trong tương lai. WHO đã chứng minh, tăng thuế ở mức làm giá thực của thuốc lá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển, và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo", BS Lâm nói.

Trong khi đó, hiện nay Việt Nam hiện áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở mức 70% giá xuất xưởng. Và nếu tính theo giá bán lẻ, mức thuế này chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%).

Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ít nhất ở mức 5.000 đồng/bao thuốc để có thể giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến năm 2020.

Kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng cũng cho thấy đề xuất tăng mạnh thuế thuốc lá được người dân ủng hộ. Một nghiên cứu khác do trường Đại học thương mại phối hợp với tổ chức HealthBridge Canada thực hiện khảo sát ý kiến của gần 600 thanh thiếu niên độ tuổi 13-24 cho thấy: đa số thanh thiếu niên nhận định giá thuốc lá hiện đang ở mức rẻ và trung bình (76,2%) và ủng hộ việc tăng thuế để tăng giá thuốc lá (83.5%).(1065)

 

 

12.Đề xuất tăng thuế với thuốc lá để giảm người hút

Ước tính, mỗi năm Việt Nam có hơn 40 nghìn ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên 70 nghìn ca mỗi năm vào thời điểm 2030, nếu chúng ta không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Do đó, Bộ Y tế đề xuất, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức hai nghìn đồng/bao bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành. Qua đó, có thể giảm 3% tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới, giúp tránh được 300 nghìn ca tử vong sớm do thuốc lá trong tương lai.

Thuốc lá: Tiêu dùng cao

Theo thông tin từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ chín trên thế giới về số người hút thuốc lá. Nước ta cũng nằm trong nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam rất cao, với 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc. Trung bình, cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh - thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 là 24,3%.

Còn theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành ở Việt Nam 2015 (GATS 2015), Việt Nam đã và đang chịu gánh nặng bệnh tật và kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá. Năm 2015, tổng số tiền người dân trong nước bỏ ra mua thuốc lá lên tới 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta phải chi trả 24 nghìn tỷ đồng cho tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm chỉ riêng cho năm nhóm bệnh do thuốc lá gây ra. Đó là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim..

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm có hơn 40 nghìn ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam, con số này sẽ tăng lên thành 70 nghìn ca mỗi năm vào thời điểm 2030, nếu nước ta không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Vì mục tiêu 39%

Theo mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác tại thuốc lá đến năm 2020, sẽ phải giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới xuống còn 39% vào năm 2020, tương đương mức giảm 6,3% so với năm 2015.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi là dự thảo Luật) đề xuất, từ thời điểm 1-1-2020, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hỗn hợp, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu; 15.000 đồng/điếu xì gà.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá) cho hay, Bộ Y tế ủng hộ đề xuất tăng thuế TTĐB thuốc lá với phương án bổ sung thuế tuyệt đối của Bộ Tài chính. Bởi theo bà Hương, thuế tuyệt đối có tác động lên giá bán một cách chắc chắn hơn, tránh được hiện tượng chuyển giá của nhà sản xuất, giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, giảm các sản phẩm thuốc lá giá siêu rẻ. Đề xuất tăng thuế này cũng đem lại những tác động tích cực hơn với lĩnh vực y tế công cộng. Cụ thể như, giảm tỷ lệ hút thuốc nhiều hơn, tăng hiệu quả ngăn ngừa sử dụng thuốc lá của thanh - thiếu niên và người có thu nhập thấp.

Bà Hương cũng kiến nghị, với phương án chỉ bổ sung thuế suất tuyệt đối 1.000 đồng/bao như đề xuất của dự thảo Luật hiện nay, theo tính toán từ chuyên gia kinh tế của WHO và Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, nguồn thu của Chính phủ sẽ tăng gần 4.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc sẽ chỉ giảm được 1,5% vào năm 2020, còn rất thấp so với mục tiêu giảm 6,3% của Chính phủ. Vì vậy, mức thuế này còn xa mới có thể đạt được mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.

Còn nếu từ thời điểm 1-1-2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao. Với mức thuế tăng này, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới có thể giảm 3%, cộng với thêm 3% tỷ lệ giảm hút thuốc do các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá khác sẽ giúp đạt mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, sẽ tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 6.300 tỷ/năm. Lợi ích lớn hơn là tránh được 300 nghìn ca tử vong sớm do thuốc lá gây ra. Đây là phương án được đánh giá cao, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. (930)

 

13.Lình xình dự án BOT khu dịch vụ 200 giường trong Bệnh viện Đa khoa Cà Mau

 Tháng 7-2014, Sở Y Tế Cà Mau và Công ty dịch vụ 200 giường ký hợp đồng BOT đầu tư xây dựng khu dịch vụ 200 giường trong khuôn viên BVĐK Cà Mau. Theo ông Bùi Đức Văn, Giám đốc BVĐK Cà Mau, qua bốn năm thực hiện xảy ra nhiều lình xình,  hoạt động không hiệu quả.

 Phương thức hoạt động theo thỏa thuận thì công ty dịch vụ 200 giường có trách nhiệm cung ứng dịch vụ giường bệnh và thu giá dịch vụ giường bệnh. Còn dịch vụ khám chữa bệnh do BVĐK Cà Mau Cà Mau điều hành. Theo đó, BVĐK Cà Mau Cà Mau bố trí 22 nhân sự (trong đó có 3 bác sĩ). Phân chia lợi nhuận (dựa trên tổng danh thu sau thuế) theo tỷ lệ 9:1 (công ty dịch vụ 200 gường hưởng: 9, BVĐK Cà Mau hưởng: 1). Cụ thể: Từ năm 2014 đến 2016, công ty chỉ trả lợi nhuận cho bênh viện được khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, từ năm 2018 đến nay chưa trả đồng nào. Ngoài ra, khi kiểm tra thì Sở y tế kiểm tra phát hiện công ty dịch vụ 200 giường phải nộp thêm cho bệnh viện số tiền trên 2 tỷ đồng (vào cuối năm 2016) nhưng đến nay công ty vẫn chưa thực hiện.  

Ngoài ra, thời gian qua khi bệnh nhân nằm tại khu dịch vụ 200 gường bị thu trùng tiền giường (do công ty dịch vụ 200 giường thu sai). Vấn đề này, người dân đã phản ánh nhưng đến nay số tiền thu trùng vẫn chưa trả lại bệnh nhân. Đáng chú ý là việc ký hợp đồng BOT là do Sở y tế ký còn Bệnh viện Đa khoa Cà Mau chỉ là đơn vị thực hiện. Công ty dịch vụ 200 gường chỉ cung cấp giường bệnh còn đội ngũ y tế thì do bệnh viện đảm nhận. Do đó, công ty dịch vụ 200 giống như cung ứng phòng trọ nhưng lại không thực hiện đúng như hợp đồng, gây khó khăn cho hoạt động bệnh viện.  (354)

 

14.Trẻ bị thối tai, hỏng tai do cha mẹ tự điều trị viêm tai giữa

Với trẻ nhỏ, các bệnh lý về tai mũi họng rất phổ biến. Do sức đề kháng của trẻ còn yếu, điều kiện thời tiết cực đoan cùng nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh về tai mũi họng.

Con bị biến chứng thối tai vì mẹ kiên quyết không dùng kháng sinh

Trong các bệnh lý về tai mũi họng ở trẻ, phổ biến nhất là viêm tai giữa, viêm VA và viêm amidan. Đây không phải những bệnh lý phức tạp, khó điều trị nhưng nếu để thành mãn tính có thể dẫn tới một số biến chứng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ.

Bé Thảo Nguyên, 16 tháng tuổi, Mễ Trì, Hà Nội nhập viện do bị viêm tai xương chũm cấp hai bên, biến chứng liệt mặt ngoại biên trái, phải nhập viện để mổ cấp cứu xương chũm trái và đặt ống thông khí hai bên... Trước đó, bố mẹ bé không biết con bị viêm tai giữa mà chỉ rửa mũi, kết quả bé bị viêm tai biến chứng nặng nề.

Bé Hà Thị Hoa, 3 tuổi, ở Thái Bình hay chảy nước mũi xanh kèm ho. Khi khám ở bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm tai giữa và kê kháng sinh, nhưng chị không cho con dùng mà tự mua thuốc bào chế riêng chữa bệnh cho con.

Cho đến khi tai bé có dịch mủ chảy, bé quấy khóc và kêu đau tai chị mới vội vã đứa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tai nặng dẫn đến chảy mủ, may mắn là mủ chưa chảy vào tai trong gây biến chứng nguy hiểm.

Với bệnh viêm tai giữa, PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn – Chủ tịch Hội tai mũi họng Hà Nội, Nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, những biến chứng do điều trị sai lầm bệnh viêm tai giữa không phải hiếm, thậm chí có những trẻ đã bị thối tai, hỏng tai do cha mẹ tự điều trị cho con.

Viêm tai giữa, viêm VA và viêm Amidan mạn tính chữa thế nào cho khỏi?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.

Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII).

PGS Sơn cho biết, nhiều trẻ bố mẹ áp dụng cách thổi thuốc vào tai trẻ, khiến dịch viêm tai ứ lại không thoát được cũng gây ra thối tai. BS Sơn khuyến cáo, các bậc phụ huynh tuyệt đối không thổi các thuốc bột hay thuốc đông y nào vào tai khi trẻ bị viêm tai giữa.

Còn với viêm VA và viêm Amidan, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương,  Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết với những trường hợp mãn tính và phù hợp, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nạo VA và viêm Amidan bằng dao plasma. 

Công nghệ plasma cắt amidan giúp bảo vệ các niêm mạc khỏe mạnh, điều trị hiệu quả và triệt để, nâng cao tính an toàn trong thủ thuật.

Tại sao lựa chọn công nghệ plasma để thực hiện phẫu thuật cắt Amidan và nạo VA: Công nghệ plasma là phương pháp sử dụng kỹ thuật đầu dò thông minh cùng với nguồn nhiệt thấp plasma kết hợp với kính soi điện tử hiện đại, tiến hành truy tìm, đánh tan ổ dịch và tế bào viêm nhiễm. Đây được xem là kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả cao.

Khác với những phương pháp truyền thống, phẫu thuật bằng dao plasma chỉ mất khoảng 30 phút cho mỗi ca phẫu thuật do lưỡi dao plasma dẹt và thiết diện mỏng nên thao tác cắt, đốt nhanh hơn. Bên cạnh đó, lưỡi dao có thể bẻ cong được nên bác sĩ thao tác dễ dàng hơn trong phẫu trường hẹp.

Theo PGS. TS Hoài An, người được phẫu thuật bằng phương pháp này cũng hồi phục sức khỏe rất nhanh, sau phẫu thuật vẫn có thể ăn lỏng và ra viện trong vòng 24 giờ giúp cho cuộc sống, công việc hay học tập không bị ảnh hưởng. Tỷ lệ thành công được đảm bảo cao nhất, rất ít khi xảy ra sự cố y khoa với phương pháp này.(861)

 

15.Cảnh giác với bệnh ruột quay bất toàn khi trẻ nôn trớ nhiều

Ruột quay bất toàn là một bệnh lý bẩm sinh dễ bị nhầm lẫn với nôn chu kỳ, trào ngược dạ dày thực quản... nên các bậc phụ huynh không nên chủ quan với việc con mình có những biểu hiện như đau bụng, nôn trớ.

Từ tháng 4-2017 tới nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 33 bệnh nhân mắc ruột quay bất toàn. Trong đó, hầu hết các bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi, kết quả điều trị tới thời điểm hiện tại là khả quan về cả sức khỏe và thẩm mỹ. Một số bệnh nhân còn lại, do phát hiện quá muộn, ruột hoại tử quá nhiều nên các bác sĩ buộc phải mổ mở để tháo xoắn, cắt ghép cứu những phần ruột sống còn lại. Ruột quay bất toàn là bệnh lý bẩm sinh, có trẻ biểu hiện rõ nét, có trẻ lại biểu hiện thoáng qua như đau bụng, nôn trớ nên dễ bị nhầm lẫn với dẫn tới việc bệnh không được phát hiện kịp thời, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy hiểm tính mạng vì ruột quay bất toàn

ThS.BS Vũ Mạnh Hoàn, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, anh vừa xử lý một ca ruột quay bất toàn rất nguy hiểm. Bệnh nhân chỉ mới ba ngày tuổi T.B.M (Nam Định) xuất hiện triệu chứng nôn dịch xanh, dịch vàng và đi ngoài phân máu. Đặc biệt, trẻ bú tới đâu là nôn trớ tới đó. Tại bệnh viện tuyến dưới, cháu được chẩn đoán viêm ruột và điều trị nội khoa, tuy nhiên, tình hình không cải thiện và ngày càng trầm trọng. Khi chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi trong tình trạng kích thích, mất nước nên vật vã, quấy khóc. Bên cạnh đó, trẻ chướng bụng, đặt xông dạ dày ra dịch xanh, thăm hậu môn thấy phân đen lẫn máu cũ.

Sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán cháu M. không phải bị viêm ruột thông thường mà mắc phải căn bệnh “ruột quay bất toàn”, nguy hiểm tới tính mạng. Căn bệnh này làm mạc treo chung của ruột bị hẹp, khiến ruột non xoắn chặt lại.

Khi tiến hành phẫu thuật, phần ruột của cháu M. bị xoắn toàn bộ dẫn tới phù nề, tím ngắt và hoại tử. Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật lần 1 để cắt các phần ruột non bị hoại tử hoàn toàn.

Sau đó hai ngày, ca mổ lần 2 được tiến hành để kiểm tra, cắt đoạn ruột hoại tử, làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi. Các bác sĩ thực hiện ca mổ lần 3 (sau đó hai tuần) để nối lại ruột cho cháu M. Bệnh nhi đã phải cắt bỏ 80cm ruột, phần ruột được cứu sống chỉ còn lại non nửa, khoảng 70cm.

Theo BS Vũ Mạnh Hoàn, dù trẻ phải trải qua ba lần phẫu thuật nhưng cứu sống được cháu cũng đã là điều vô cùng may mắn. Trường hợp cháu M, nếu nhập viện muộn hơn một vài ngày, tình trạng hoại tử ruột trầm trọng hơn thì các bác sĩ khó lòng cứu chữa.

Cũng tương tự như cháu M, cháu N.M.T (sinh năm 2006, TP Hải Phòng) nôn trớ từ nhỏ nên còi cọc, gầy yếu hơn bạn bè cùng trang lứa. Cháu thi thoảng xuất hiện cơn đau bụng nhưng chỉ thoảng qua. Thấy con gái có biểu hiện lạ, gia đình cháu T đã đưa con đi khám chữa nhiều nơi, khi thì được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, khi lại chẩn đoán là nôn chu kỳ.

Theo đuổi chạy chữa suốt 5-6 năm nhưng cháu T vẫn không hề thuyên giảm mà tình trạng bệnh vẫn tiếp tục xấu đi. Trong một lần vô tình chụp cắt lớp ổ bụng, bác sĩ phát hiện trẻ xoắn ruột và sau đó được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Tại đây, cháu T cũng được chẩn đoán mắc phải bệnh ruột quay bất toàn và ngay lập tức được phẫu thuật nội soi tháo gỡ phần ruột xoắn. Do vòng xoắn thắt không chặt nên may mắn, bệnh nhi không bị hoại tử ruột.

Những dấu hiệu không thể bỏ qua của ruột quay bất toàn

BS Vũ Mạnh Toàn cho biết, ruột quay bất toàn là kết quả của sự xoay và cố định không hoàn toàn của ruột, xảy ra trong thời kỳ phát triển của bào thai. Vì một lý do nào đó quá trình xoay sinh lý của ruột ở thai nhi bị dừng lại bất thường, dẫn tới nguy cơ tắc, xoắn tá tràng ở thể mạn tính và cấp tính.

Đây là một dị tật tương đối ít gặp của đường tiêu hoá. Lâm sàng thường biểu hiện ở sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có thể âm thầm không triệu chứng đến khi tình trạng xoắn ruột xảy ra.

Theo một nghiên cứu nước ngoài, tỷ lệ mắc bệnh ruột quay bất toàn khá lớn, lên tới 1/500 trẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn được xem là căn bệnh hiếm gặp. Nguyên nhân có thể là do bệnh khó chẩn đoán, phát hiện. Khi trẻ mắc bệnh, có thể có những biểu hiện rầm rộ, cấp tính như nôn dịch xanh, dịch vàng, bụng chướng, đi ngoài phân máu, nhưng cũng có khi lại chỉ đau bụng thoảng qua, chán ăn, thường xuyên nôn trớ…

Ruột quay bất toàn cũng dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh nội khoa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, nôn chu kỳ, điều đó dẫn tới nhiều nguy cơ, điển hình nhất là trẻ có thể bị hoại tử ruột nghiêm trọng dẫn tới tử vong.

BS Hoàn khuyến cáo, khi trẻ có những biểu hiện trên, việc đầu tiên là phải loại trừ các nguyên nhân ngoại khoa, trong đó có bệnh ruột quay bất toàn trước khi xử lý nội khoa. Căn bệnh này có thể dễ dàng xác định nếu các bác sĩ lâm sàng hiểu và nghĩ tới bệnh, tiến hành chụp lưu thông đường tiêu hóa với thuốc cản quang, siêu âm, cắt lớp.

Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa cho biết, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đường tiêu hóa, khiến trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, bệnh nhi mắc ruột quay bất toàn có thể tử vong do ruột xoắn tắc dẫn đến hoại tử nặng nề. Việc phát hiện sớm căn bệnh này cũng có ý nghĩa trong việc phẫu thuật cho bệnh nhân.(1141)

 

16.“Choáng” với ống máu xét nghiệm toàn mỡ là chính

Bức ảnh đại diện chính là một ống máu xét nghiệm được lấy ra từ một bệnh nhân ở khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai. Bức ảnh cho thấy, có đến hơn nửa hình màu trắng trong ống máu và chỉ còn lại một phần ở dưới là máu của bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện vì viêm tụy cấp do mỡ máu.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu đang tăng lên nhanh chóng chiếm 70% số ca viêm tụy cấp nhập viện tại khoa Hồi sức tích cực…

Ngoài nguyên nhân chính do rượu thì nguyên nhân cũng đáng lo ngại nhất hiện nay gây ra viêm tụy cấp là do tăng lipid máu (triglycerides) hay còn gọi là mỡ máu.

“Có những bệnh nhân nhập viện bác sĩ lọc máu phải thay màng lọc thường xuyên vì trong máu có quá nhiều mỡ gây tắc cả màng lọc. Có bệnh nhân lấy ra được một xi lanh máu để làm xét nghiệm thì chỉ khoảng 1/2 lắng ở phía dưới là máu còn lại toàn bộ ở trên là mỡ”. GS. Bình cho hay.

Theo đó, GS. Bình cảnh báo với kiểu sống mà nhiều người vẫn coi là bình thường như thói quen uống rượu bia quá nhiều, nhậu nhẹt triền miên, ăn quá nhiều chất đạm, chất béo và chất dinh dưỡng nhưng lại lười vận động, ra khỏi nhà là trèo lên xe máy, xe hơi là một trong những nguyên nhân của bệnh viêm tụy cấp rất đáng lo ngại hiện nay.

Tuyến tụy được ví như một “lão quản gia” trung thành và cần mẫn. Nó là một phần của hệ tiêu hóa và hệ thống nội tiết. Tuyến Tuỵ có kích thước hết tầm khoảng hơn 15cm) hình chữ nhật và cong cong giống chữ J. Nó như một hệ thống ống dẫn thần kỳ để ổn định sức khoẻ, nó đa năng ở chỗ vừa là tuyến nội tiết và ngoại tiết.

Chính vì chức năng đặc thù là tách dinh dưỡng từ thức ăn nên tuỵ được tạo hoá bố trí nằm ngay sau dạ dày. Tuỵ hỗ trợ tiêu hoá bằng cách tiết ra một loại chất lỏng diệu kỳ với thành phần là: Nước, Natri HydroCacbonat (NaHCO3) và men (Enzim) để tiêu hoá thức ăn

Có thể hình dung việc chiếm lĩnh dinh dưỡng từ thức ăn được mô tả như sau: NaHCO3 sẽ làm Axit trong bao tử được trung hoà, để Enzim với các thành phần được “phân định” chức năng nhiệm vụ rõ rang như Lipase phân giải các chất béo, Protease phân giải Protein và Amylase phân giải CacbonHydrat tạo ra đường…

Tụy còn có một nhiệm vụ tối quan trọng khác đó là cân bằng lượng đường trong máu. Vì sao phải cân bằng đường trong máu?. Nếu có quà nhiều nhiều hay quá ít nồng độ đường trong máu đều nguy hiểm đến tính mạng. Nên tuyến Tuỵ có chức năng kiểm soát tình trạng này.

Vậy nên, sau khi ăn một bữa tiệc linh đình thì đường trong máu tất yếu tăng cao. Để xử lý và cân bằng đường trong máu, Tuỵ sử dụng 2 hoocmon có tên: Insulin và Glucagon, hai hoocmon này luôn luôn phải đảm bảo sự cân bằng . Nếu tụy bị viêm thì mất công bằng trong phân bổ 2 chất này, nghĩa là sự cân bằng lành mạnh bị phá huỷ. Isulin giảm hoặc mất hẳn khi ấy đái tháo đường xuất hiện, và đó là lý do người tiểu đường luôn có chỉ số Glucagon cao hơn. Cơ thể lúc này bị rối loạn trong việc hấp thụ chất.

“Không chỉ gây viêm tụy, các thói quen ăn nhiều, lười vận động cũng đang làm các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, huyết khối tắc mạch,...) hay đái tháo đường gia tăng một cách nhanh chóng. Vì vậy hiện nay chúng ta có điều kiện sống tốt hơn nhưng nếu chúng ta không biết điều chỉnh lối sống cho phù hợp thì chỉ làm hại cho chính chúng ta mà thôi"- GS. Bình khuyến cáo.

Vì thế, một lời khuyên như "chuyện thường ở phố huyện“ là duy trì một chế độ ăn lành mạnh, ít đường, ít chất béo, hạn chế tối đa bia rượu và uống nhiều nước và vận động hàng ngày sẽ giúp chúng ta khỏe hơn. (788)

 

 

17.Một bệnh nhi bị tắc ruột do nuốt 9 viên bi vào ổ bụng

Chiều 24.9, thông tin từ Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, trước đó 2 ngày, BV đã tiếp nhận và mổ cấp cứu thành công cho bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn do nuốt 9 viên bi vào trong ổ bụng từ 4 tuần trước.

Theo đó, thông tin từ bệnh nhân cung cấp, cách đây khoảng 4 tuần trong khi chơi đùa với bạn bè, bệnh nhân đã nuốt 9 viên bi vào trong ổ bụng. Do sợ bị mắng nên bé không giám nói với bố mẹ. Sau đó bé thường xuyên bị đau bụng, bố mẹ đưa đi khám tại phòng khám gần nhà thì được chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa và cho thuốc uống nhưng không đỡ.

Đến sáng 22.9, bệnh nhi được người nhà đưa đến Khoa Cấp cứu BV quận Thủ Đức do đau bụng nhiều, bụng chướng và nôn ói. Sau khi khám, chụp Xquang, siêu âm và CT MRI…, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột do dị vật, cần chuyển mổ cấp cứu gấp.

Trong khi tiến hành can thiệp mổ, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc ruột do 9 viên bi nam châm bằng sắt nằm ở 2 khoang ruột khác nhau. Một khoang chứa 7 viên và khoang còn lại chứa 2 viên. Hai nhóm viên bi bị nam châm hút 2 đoạn ruột lại với nhau gây tắc ruột hoàn toàn và gây hoại tử ruột.

Các bác sĩ BV quận Thủ Đức phải tiến hành cắt một đoạn ruột để lấy 9 viên bi ra, loại bỏ phần ruột bị hoạt tử và khâu nối lại ruột. Sau 3 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.

Hiện tại, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, có thể đi lại bình thường, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Mai Hóa - Trưởng khoa Ngoại tổng quát cho biết thêm: “Đây là trường hợp bệnh rất nguy hiểm do bệnh nhân nuốt phải tới 9 viên bi mà không nói với ai. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm trùng do thủng ruột gây nhiễm trùng ổ bụng có thể dẫn tới tử vong”. (390)

 

18.Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh (xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) đã có bước tiến đáng kể trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tăng cường liên kết trong chẩn đoán, điều trị và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), phục vụ nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.

Mới đây bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau khớp gối do ngã, vào viện trong tình trạng đau và lỏng lẻo khớp, hạn chế đi lại, bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước và sau khớp gối thành công. Bệnh nhân Lê Văn Đoàn, 32 tuổi, ở xã Thành Thọ (Thạch Thành) chia sẻ: Tôi bị tai nạn lao động gãy cả 2 chân do cột điện đè lên và đã được phẫu thuật nội soi chân phải nối dây chằng chéo trước tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lần mổ thứ 2 này tôi lựa chọn Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh vì được giới thiệu ở đây có bác sĩ nội trú giỏi trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, môi trường bệnh viện lại thoáng đãng, không phải nằm ghép, sau phẫu thuật tôi được các y, bác sĩ chăm sóc rất tận tình, tôi khá là hài lòng.

Ông Hoàng Văn Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh cho biết: Trước đây, gặp những trường hợp khó như thế này, bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nhằm nâng cao chất lượng KCB, bệnh viện đã quan tâm thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư nhiều trang thiết bị, vật tư y tế hiện đại hỗ trợ tích cực cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh của bác sĩ, như: Hệ thống chụp CT Scanner, cộng hưởng từ, máy siêu âm 4D, Xquang số hóa, sinh hóa, xét nghiệm miễn dịch tự động, máy mổ pha co, hệ thống sinh hiển vi khám và phẫu thuật mắt... Bên cạnh đó, bệnh viện còn thường xuyên cộng tác với các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương trong chẩn đoán, điều trị và chuyển giao nhiều kỹ thuật y tế. Nhờ vậy, năng lực KCB và trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng cao, nhiều kỹ thuật khó, như phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, thay khớp háng, gối, thay chỏm xương đùi, phẫu thuật kết hợp xương, tán sỏi laze ngược dòng... đã được triển khai thực hiện thành công, tạo được niềm tin với người bệnh. 

Nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực, hiệu quả KCB là điều kiện quan trọng để bệnh viện mở rộng quy mô, thu hút ngày càng đông bệnh nhân. Từ chỗ ban đầu mới có 100 giường bệnh, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, số giường bệnh của bệnh viện đã tăng lên 300 giường. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, bệnh viện đã khám cho 72.500 lượt người, tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2016 và điều trị nội trú cho 13.200 bệnh nhân.  

Những kết quả tích cực trong công tác khám và điều trị cùng với sự hài lòng, tin tưởng của người bệnh chính là động lực quan trọng để tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh tiếp tục nỗ lực, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ KCB tin cậy của nhân dân. (625)

 

19.Gắp mảnh đạn xuyên thấu ngực bé gái 7 tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật nội soi cấp cứu gắp thành công mảnh đạn găm xuyên ngực bụng cho bé gái 7 tuổi.

Ngày 25.9, tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho hay: Ngày 21.9, bé Phạm Thị Thu H (7 tuổi ở huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) khi đang chơi thì bị đạn từ súng hơi bắn xuyên lưng vào vùng ngực trái.

Bệnh nhi được cấp cứu trong tình trạng tỉnh, khóc nhiều, sau lưng trái có 1 vết thương tròn kích thước 0,5 cm gây đau tức, khó thở.

Kết quả chụp chiếu cho thấy, trong lồng ngực trái bệnh nhi có một dị vật kim loại kèm theo nhiều máu trong khoang màng phổi trái, tổn thương nhu mô phổi. Bệnh nhi được chuyển thẳng phòng mổ cấp cứu để lấy mảnh đạn, cầm máu tổn thương và dẫn lưu màng phổi trái bằng phương pháp nội soi lồng ngực.

Kíp cấp cứu đã phẫu thuật thành công. Sau khi hút sạch máu trong màng phổi, mảnh đạn được các phẫu thuật viên tìm thấy và khéo léo gắp ra ngoài, đồng thời xử trí cầm máu các tổn thương gây chảy máu trong vùng ngực.  

Hiện sức khoẻ bệnh nhi tiến triển tích cực, phục hồi nhanh, không còn khó thở tức ngực và đã ăn uống được bình thường. (236)

 

20.Bác sĩ 2 bệnh viện hợp sức cứu sản phụ băng huyết sau sinh

Sau khi sinh bé trai 3,8 kg, sản phụ 35 tuổi bị xuất huyết âm đạo. Bác sĩ bệnh viện quận 9 đã phối hợp với bác sĩ bệnh viện Nhân Dân Gia Định cứu sống sản phụ.

Đức Duy - / Thứ Tư, ngày 26/09/2018 - 06:19

Sản phụ N.N.D. (35 tuổi) được gia đình đưa tới bệnh viện quận 9 (TP HCM) trong tình trạng thai đủ tháng, có dấu hiệu chuyển dạ sinh. Một ngày sau, sản phụ sinh thường bé trai 3,8 kg và xổ nhau bình thường.

Tuy nhiên, 30 phút sau, máu vẫn chảy từ âm đạo sản phụ nên các bác sĩ xử trí thêm thuốc co tử cung, nhưng tình trạng xuất huyết không giảm, tử cung có dấu hiệu gò kém, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân băng huyết sau sinh con lần hai, nghi đờ tử cung.

Lúc này bác sĩ trực của BV quận 9 đã kích hoạt báo động đỏ nội viện và xử trí cấp cứu truyền hồng cầu lắng, dịch truyền chống sốc, đặt bóng chèn âm đạo. Lãnh đạo bệnh viện cũng kích hoạt báo động đỏ liên viện đến bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

Kíp bác sĩ khoa sản BV Nhân dân Gia Định có mặt, mang theo 6 đơn vị hồng cầu lắng nhóm máu O, 4 đơn vị huyết thanh tươi đông lạnh và 4 đơn vị kết tủa lạnh.

Bác sĩ 2 bệnh viện thống nhất chẩn đoán sản phụ bị băng huyết sau sinh do đờ tử cung/thai lần 2, con to, tổng lượng máu mất ước lượng 1200ml và quyết định mổ cấp cứu cắt tử cung chừa 2 phần phụ.

Sản phụ vừa trải qua phẫu thuật vừa được hồi sức tích cực, truyền hồng cầu lắng, huyết thanh tươi, kết tủa lạnh, dịch cao phân tử, dung dịch điện giải. Sau mổ bệnh nhân tỉnh táo, vết mổ khô, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới. (336)

 

II.THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

20.41.000 ca mắc sởi ở Châu Âu, Việt Nam nên làm gì để phòng tránh?

Riêng trong 6 tháng đầu năm tại các nước châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đang cảnh báo sự gia tăng đáng kể dịch bệnh sởi tại các nước châu Âu trong nửa đầu năm 2018. Riêng trong 6 tháng đầu năm tại các nước châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong. Số trường hợp ghi nhận mắc trong 6 tháng đầu năm 2018 đã cao hơn số mắc trong 12 tháng của từng năm trong 10 năm qua. 7 quốc gia có số mắc cao nhất với trên 1.000 trường hợp mắc gồm: Ucraina, Grudia, Italia, Nga, Serbia, Pháp, Hy Lạp. Trong đó Ucraina có số trường hợp mắc cao nhất với 28.000 trường hợp mắc, Serbia có số trường hợp tử vong cao nhất với 14 trường hợp tử vong. Đặc biệt việc ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga), điều này dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này. 

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Tiêm vắc xin sởi là một biện pháp hiệu quả phòng bệnh sởi.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân dịch sởi gia tăng tại các nước châu Âu là do tỷ lệ bảo phủ vắc xin sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước. Năm 2017, tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi toàn châu Âu đạt tỷ lệ trung bình là 90%, trong khi một số nước đạt trên 95% thì còn nhiều nước mới đạt tỷ lệ dưới 70%. Tỷ lệ này đặc biệt thấp tại Ucraina với tỷ lệ tiêm vắc xin sởi 31% vào năm 2016. 

Theo WHO, để phòng xảy ra ổ dịch sởi, việc tiêm vắc xin sởi phải đạt tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc xin sởi hàng năm ở tất cả các cộng đồng. Tiến sĩ Nedret Emiroglu, Giám đốc Đơn vị Đáp ứng khẩn cấp về y tế và các bệnh truyền nhiễm của WHO khu vực châu Âu cho rằng “Tình trạng này chứng tỏ rằng tất cả mọi người chưa được tiêm phòng sởi đều có nguy cơ mắc sởi, bất kể họ sống ở đâu, mỗi nước đều phải tiếp tục thúc đẩy tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin sởi và không để trình trạng trống tiêm chủng, kể cả những nước đã đạt thành tựu loại trừ bệnh sởi”. Hiện nay, WHO đang yêu cầu tất cả các nước châu Âu rà soát lại tỷ lệ tiêm vắc xin sởi kể cả các nước đã công bố loại trừ bệnh sởi để thực hiện các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho các khu vực chưa đạt yêu cầu. 

Ở nước ta, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng. 

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: 

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. 

3. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. (789)

 

21.Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh lần đầu đón bệnh nhân đến khám bệnh bằng trực thăng

Khi biết Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu, phía người bệnh đã đồng ý nhập viện bằng trực thăng. Chi phí cho chuyến đi là 2.500 USD/giờ bay và do phía người bệnh thanh toán. Ngày 25-9, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh (Campuchia) thông tin, lần đầu tiên đón bệnh nhân đến Bệnh viện khám bệnh bằng máy bay trực thăng.

Bệnh nhân là một nhà sư (69 tuổi, ở tỉnh Takeo) bị ho ra máu kéo dài khoảng 2 tháng, đã khám và điều trị ở nhiều bệnh viện của Campuchia nhưng không thuyên giản. Ngày 23-9, người bệnh cảm thấy khó thở, sốt nhẹ và mệt mỏi, muốn chuyển đến khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh. Trước khi đến, thân nhân của nhà sư đã gọi điện thoại hỏi trước về phương tiện chẩn đoán, về trình độ bác sĩ. Ngoài ra, vì khoảng cách từ tỉnh Takeo đi Phnom Penh là 80km, nếu di chuyển bằng xe cấp cứu phải mất hơn 2 giờ, trong khi di chuyển bằng trực thăng chỉ mất 15 phút nên thân nhân của nhà sư này đã hỏi bệnh viện có sân đáp trực thăng hay không. Khi biết Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu, phía người bệnh đã đồng ý nhập viện bằng trực thăng. Chi phí cho chuyến đi là 2.500 USD/giờ bay và do phía người bệnh thanh toán. “Sau khi nhận được thông tin, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh đã huy động ê kip vận chuyển bệnh lên tầng 4 của bệnh viện (là sân đáp máy bay trực thăng). 30 phút sau đó, chiếc trực thăng chở người bệnh xuất hiện trên bầu trời. Đội ngũ y bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám và hội chẩn. Hiện sức khỏe nhà sư đã ổn định, cần thực hiện thêm nhiều xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác bệnh.”- bác sĩ Tùng thông tin. (347)

 

22.Uống bột nghệ coi chừng viêm gan

 Nhiều người cho rằng nghệ, giống như nhiều loại thảo dược khác, là khá vô hại. Nhưng theo một báo cáo mới đây, nghệ có thể gây ra một số tác động bất ngờ đối với cơ thể, đặc biệt là gan.

Báo cáo, được công bố hồi đầu tháng trên tờ BMJ Case Reports, đã mô tả chi tiết trường hợp một bệnh nhân nữ 71 tuổi phát triển bệnh viêm gan tự miễn sau khi uống bột nghệ để bồi bổ sức khỏe tim mạch.

Tám tháng sau khi bắt đầu uống, xét nghiệm máu cho thấy bà bị tăng men gan, chỉ dấu cho thấy gan có vấn đề. Bà được chẩn đoán viêm gan tự miễn, một loại bệnh viêm gan, nhưng các bác sĩ không biết nguyên nhân là gì.

Sau 3 tháng theo dõi, bệnh nhân mới nói cho các bác sĩ biết rằng bà đã ngừng uống bột nghệ sau khi đọc thấy trên mạng rằng nó có thể gây ra vấn đề về gan. (Trước đó bà ấy không nói với bác sĩ là đang uống bột nghệ). Sau khi ngừng uống, men gan của bệnh nhân đã giảm đi, cho thấy bột nghệ có thể là thủ phạm.

"Vì các triệu chứng bắt đầu khi bệnh nhân bắt đầu uống bột nghệ và chấm dứt khi bệnh nhân không uống nữa, trong khi tất cả các loại thuốc men khác không thay đổi, có thể thấy khá rõ là tình trạng bệnh của bệnh nhân có liên quan đến việc uống bột nghệ", BS. Janet Funk, giảng viên Đại học Arizona (Mỹ) nói.

"Ngoài ra, khi xem xét mô gan bị tổn thương, chúng tôi có thể thấy có gì đó ở những vùng bị tổn thương trông giống như nghệ", bà nói, "mặc dù chúng tôi không thể chứng minh điều này với sự chắc chắn tuyệt đối”. Curcumin, thành phần hoạt chất của nghệ, phát huỳnh quang, và các tế bào viêm trên sinh thiết gan của bệnh nhân đã “nuốt” những vật liệu lạ "chứa chất huỳnh quang với các đặc tính huỳnh quang phù hợp với curcumin".

Nghệ là một loại cây có củ cùng họ với gừng, và đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trong ẩm thực Ấn Độ. Thành phần hoạt chất chính của nghệ là curcumin, có màu vàng và thường được sử dụng để nhuộm màu thực phẩm và mỹ phẩm. Hiện nay ở Mỹ, nghệ thường được bán dưới dạng củ, bột làm gia vị, dạng viên thực phẩm chức năng, hoặc thậm chí còn là một thành phần của một loại latte giải khát rất thời thượng và sặc sỡ.

Nghệ cũng được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ để điều trị một loạt các vấn đề về sức khỏe như các vấn đề về hô hấp, bệnh thấp, đau và mệt mỏi. Theo NCCIH, nghệ thường được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng, với quảng cáo là có thể tác động tích cực đến viêm, viêm khớp, và dạ dày, da, gan, và các vấn đề túi mật. Tuy nhiên, nhiều lợi ích sức khỏe của nghệ đã bị phóng đại, trong khi tác dụng khác vẫn chưa có kết luận.

Nhưng nghệ có thể thực sự gây ra vấn đề sức khỏe?

Theo NCCIH, nghệ là "nói chung được xem là an toàn" khi uống hoặc đắp lên da, nhưng liều cao hoặc sử dụng lâu dài có thể dẫn đến những vấn đề tiêu hóa.

Trước đây cũng đã có những báo cáo liên hệ nghệ với các vấn đề về gan và thận. Trong nghiên cứu trên BMJ, các tác giả đã phân tích 20 nghiên cứu trước đây về sử dụng bột nghệ hàng ngày (bao gồm dữ liệu của 526 bệnh nhân), tất cả đều uống ít nhất một tháng và thấy rằng 5% số đối tượng trong các nghiên cứu này phát triển những vấn đề về gan, bao gồm men gan và bilirubin bất thường. Tuy nhiên, những kết quả này không nhất thiết chỉ ra rằng chức năng gan của người tham gia đã thực sự bị suy giảm hoặc kết quả xét nghiệm bất thường là hệ quả trực tiếp của việc uống nghệ. Điều quan trọng cần nhớ là đại đa số những người tham gia trong các nghiên cứu này không phát triển các vấn đề về gan.

Cũng chưa rõ liệu bản thân nghệ hay một chất khác trong chế phẩm bổ sung có thể gây ra những vấn đề này. "Bản thân nghệ có thể gây ra vấn đề, hoặc sự tương tác giữa nghệ hoặc các thành phần khác có trong bột nghệ (như piperine, có thể làm thay đổi chuyển hóa của các thuốc khác) với các thuốc được dùng đồng thời cũng có thể dẫn đến vấn đề". BS. Funk nói.

Nói chung nên thận trọng khi uống bất kì chế phẩm bổ sung nào, kể cả nghệ.

Đó là vì các thực phẩm chức năng không được FDA quản lý giống như các loại thuốc, mà các công ty sản xuất sẽ chịu trách nhiệm đánh giá độ an toàn cũng như ghi nhãn sản phẩm trước khi đưa ra thị trường

“Hiện có rất nhiều người uống các loại thực phẩm chức năng chưa thực sự được quản lý nghiêm ngặt hoặc nghiên cứu kỹ”, Steven Flamm, Giám đốc y khoa của chương trình ghép gan tại Bệnh viện Northwestern Memorial, nói. "Mọi người thường nghĩ rằng nếu một thứ gì đó không cần đơn bác sĩ thì nó sẽ an toàn và hiệu quả, nhưng điều đó không đúng".

Một vấn đề với việc thiếu quy định nghiêm ngặt là rất khó để nói có bao nhiêu curcumin trong một sản phẩm nghệ, Anurag Maheshwari, bác sĩ chuyên khoa gan tại Trung tâm bệnh gan mật, Trung tâm y tế Mercy, nói.

“Nghệ đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một phụ gia thực phẩm ở châu Á và được biết là rất an toàn để sử dụng - bao gồm cả với gan”, BS. Maheshwari nói. Nhưng có sự khác biệt giữa việc sử dụng nghệ như một loại gia vị trong cà ri và dùng nó như một thực phẩm chức năng, thường chứa nồng độ cao hơn nhiều. Mặc dù vậy, nghệ vẫn thường được kê đơn trong y học cổ truyền với liều cao để chữa ho và cảm lạnh và “không thấy có bất kỳ đặc tính độc cho gan nào”.

Vì vậy, vấn đề với bệnh nhân cụ thể này có thể là các thành phần khác trong các thực phẩm chức năng tương tác với gan hoặc với các thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng.

Bạn không nhất thiết phải ngừng dùng thực phẩm chức năng, nhưng cần hỏi bác sĩ về chúng.

Nếu bạn đã có vấn đề về gan, có lẽ bạn nên cảnh giác với các chế phẩm bổ sung bột nghệ, mặc dù mức độ lo ngại còn chưa rõ. Nếu có vấn đề về gan, bạn nên nói với bác sĩ nếu định uống bột nghệ và xem xét kiểm tra chức năng gan định kỳ.

"Nói chung, tôi lo ngại về những người sử dụng mà không có ý kiến bác sĩ", BS. Flamm nói. Một số có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng, và điều đó có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe không lường trước.

Nếu có thể, cũng nên mang theo các loại thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng khi đi khám bác sĩ để họ có thể kiểm tra xem liệu có bất kỳ thành phần nào được liệt kê có thể gây ra vấn đề cho bạn hay không​

Thăm dò ý kiến