Điêmt tin y tế ngày 25/6/2018

25/06/2018 | 10:43 AM

 | 

I. THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

1. Hơn 1.500 người tham gia chạy và đi bộ “vì lá phổi khỏe mạnh”

Sáng 24-6, ngày hội chạy và đi bộ “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh” đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 1.500 người, trong đó có nhiều trẻ em và người khuyết tật.  

Hoạt động này do Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương và chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức, nhằm nâng cao kiến thức về sức khỏe cho người dân, đồng thời, kêu gọi ủng hộ cho Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. 

Mọi người tham gia có thể chạy, hoặc đi bộ 6 vòng, 3 vòng hoặc 1 vòng - theo đúng tiêu chí của chương trình là "Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh". Phần thi 6 vòng, tương đương 10km, dành cho những người chạy có nhiều kinh nghiệm.

Bên cạnh việc khuyến khích người dân vận động, chương trình còn muốn truyền tải thông điệp nâng cao nhận thức về bệnh lao. Tại nước ta, chỉ riêng trong năm 2016 đã có 13.000 người tử vong vì căn bệnh này - cao hơn rất nhiều số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít khi chú ý.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho đây là một sáng kiến tốt, có sức lan tỏa đến cộng đồng. Chuyển động chính là biện pháp rèn luyện sức khỏe và phòng, chống các bệnh không lây nhiễm một cách hữu hiệu nhất. Hiện nay, mạng lưới chuyên khoa lao vẫn đang phát hiện, điều trị cho hàng trăm nghìn người mới mắc lao và cứu chữa cho hàng chục nghìn người thoát chết vì bệnh lao mỗi năm, góp phần để bệnh lao ngày càng giảm nhanh ở nước ta.

Cũng trong sáng 24-6, lễ phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đã diễn ra, nhằm là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Từ nay đến ngày 29-6, người dân có thể nhắn tin gửi đến tổng đài 1402. Mỗi tin nhắn sẽ ủng hộ 18.000 đồng cho quỹ.

2. Người Sài Gòn thứ 2 tử vong vì cúm A/H1N1

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, đã có thêm một bệnh nhân nam tử vong do cúm A/H1N1 tại bệnh viện này.

Theo thông tin được bệnh viện đưa ra, bệnh nhân này bị suy thận mãn giai đoạn cuối, sức đề kháng giảm nên khi nhiễm cúm A H1N1 đã bị viêm phổi nặng và tử vong.Đây là bệnh nhân thứ hai tử vong ở TP.HCM vì cúm A H1N1.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ ngày 11/6 đến nay, tại Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi và điều trị tổng cộng 24 ca phát hiện có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng phù hợp dịch cúm A/H1N1 như cảm, ho, sốt. 

Hiện đã có 12 bệnh nhân được xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) xác định dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 8 bệnh nhân của Khoa Nội thận, còn lại là bệnh nhân của Khoa Khám bệnh và Khoa Cấp cứu.

Cả 12 ca dương tính đã được điều trị ổn định trong đó có 2 ca xuất viện, 6 ca điều trị  tại khoa Bệnh nhiệt Đới, 4 ca còn lại được chuyển đến Khoa Nội thận.

Bệnh viện đã làm việc với Viện Pasteur về công tác theo dõi và giám sát dịch. Thực hiện cách ly các bệnh nhân nghi ngờ, tăng cường công tác nhiễm khuẩn tại các khoa có bệnh nhân đang theo dõi, thực hiện tiêm phòng cúm cho nhân viên các khoa có nguy cơ cao và khuyến cáo người nhà bệnh nhân nên chích ngừa.

Trước đó, đầu tháng 6 một chùm bệnh cúm A/H1N1 lan rộng ở Bệnh viện Từ Dũ khiến 80 người nghi mắc bệnh phải cách ly. Bệnh viện sau đó phải lấy mẫu xét nghiệm, đề ra các phương pháp ngăn dịch lan rộng. Bệnh viện phải hoãn lịch mổ 4 ngày đề khử khuẩn toàn bệnh viện.Ngày 8/6, một bệnh nhân nữ đã tử vong vì cúm A/H1N1 khi đang chuyển cấp cứu từ bệnh viện Thủ Đức đến Chợ Rẫy.

3. Dịch bệnh "vào mùa" diễn biến phức tạp, khó lường

Thông thường vào thời điểm này hàng năm, các dịch bệnh mùa đông xuân như sởi, cúm mùa sẽ giảm số người mắc, còn các dịch bệnh như sốt xuất huyết (SXH), viêm não… bắt đầu “vào mùa”, song diễn biến dịch bệnh năm nay đang khá phức tạp.

Mấy tuần gần đây, số bệnh nhân mắc sởi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội tăng nhanh, ngược lại số mắc SXH tuy giảm mạnh nhưng nguy cơ bùng phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, sau một thời gian khá dài “yên ả” thì mới đây đã có bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1…

Dịch sởi, cúm mùa tăng vọt

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội hiện nay, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, diễn biến các dịch bệnh đều chưa có gì bất thường, vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, không vì thế mà được phép chủ quan bởi biểu đồ dịch bệnh có sự chuyển dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường.Đơn cử như bệnh sởi, hiện số mắc trên cả nước trong hơn 5 tháng đầu năm nay đã tăng gấp đôi so với số mắc của cả năm 2017 (647 ca so với 300 ca), Hà Nội lại là một trong hai địa phương ghi nhận số mắc sởi cao nhất. 

Đáng chú ý là, thông thường mọi năm, bệnh sởi thường ghi nhận nhiều vào thời điểm đông xuân sau đó giảm dần, thế nhưng năm nay, nếu như trong tháng 4 và đầu tháng 5 trên địa bàn Hà Nội chỉ ghi nhận trung bình 2-6 ca bệnh sởi/tuần thì trong tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6 lại ghi nhận số mắc tăng vọt, trung bình từ 10-18 ca sởi/tuần. Cao điểm từ ngày 4 đến 10-6, toàn thành phố ghi nhận tới 33 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 20 trường hợp dương tính với sởi. Lũy tích từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã có 275 trường hợp mắc sốt phát ban, trong đó có 148 trường hợp mắc sởi, tăng 2,5 lần so với tổng số mắc trong cả năm 2017 và chiếm tới 42% số ca mắc trên cả nước.

Một diễn biến đáng lo ngại nữa là có tới 1/3 số trẻ mắc sởi thời gian qua mới dưới 9 tháng tuổi, tức là chưa đến độ tuổi được tiêm chủng vaccine phòng sởi. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, là do bà mẹ không tiêm chủng vaccine sởi trước khi mang thai nên không có miễn dịch với bệnh sởi và không truyền miễn dịch sang cho con. Cũng vì thế, Bộ Y tế đã chỉ đạo nghiên cứu việc hạ độ tuổi tiêm vaccine sởi cho trẻ em từ 6 tháng tuổi (thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay) và dự kiến sẽ chính thức triển khai ngay từ quý IV năm 2018. Mặt khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1-4 tuổi tại 17 tỉnh có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi. 

Hiện số mắc sởi trên cả nước trong hơn 5 tháng đầu năm nay đã tăng gấp đôi so với số mắc của cả năm 2017 (647 ca so với 300 ca), Hà Nội lại là một trong hai địa phương ghi nhận số mắc sởi cao nhất. 

Tương tự như dịch sởi, dịch cúm A/H1N1 từng được gọi là cúm đại dịch nhưng vài năm gần đây đã trở thành cúm lưu hành như một loại cúm mùa thông thường tại Việt Nam.Tuy nhiên vừa qua, tại TP.HCM đã bất ngờ ghi nhận một ổ dịch cúm khiến gần 20 người mắc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiếp đến, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 1 bệnh nhân khác rơi vào trạng thái nguy kịch do mắc bệnh này, khiến người dân không khỏi lo lắng. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng vẫn ghi nhận rải rác ca bệnh. Đáng chú ý, kết quả giám sát viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực miền Bắc gần 3 tháng đầu năm 2018 do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện cho thấy 34% mẫu dương tính với virus cúm mùa, trong đó chủ yếu là cúm A/H1N1, tiếp đến là cúm B và A/H3N2.

Trước diễn biến có phần bất thường của cúm A/H1N1, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã khuyến cáo, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao và biến chứng nặng gồm: trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mãn tính. Do vậy, các đối tượng này cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng cúm đã được khuyến cáo như: chủ động tiêm vaccine phòng cúm, thường xuyên vệ sinh cá nhân, nơi ở, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp. Nếu có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.

Viêm não “vào mùa”, sốt xuất huyết vẫn đe dọa bùng phát 

Ở tuần đầu tiên của tháng 6 này, tại Hà Nội đã ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2018, là một bé gái 10 tuổi, ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 5 đến nay đã có khá nhiều bệnh nhân mắc viêm màng não, viêm não Nhật Bản vào điều trị. Có thời điểm tại Khoa Hồi sức, Truyền nhiễm của bệnh viện này có tới trên 30 ca viêm não nằm nội trú, một số trẻ mắc bệnh nặng, phải thở máy. Điểm chung của các bệnh nhi này là đa phần chưa được tiêm  vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi. Theo ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não. 

Riêng với viêm não Nhật Bản thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25 đến 35%). Ngoài ra, di chứng thần kinh sau khi mắc viêm não Nhật Bản như giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Các bậc phụ huynh nên lưu ý thực hiện đưa trẻ đi tiêm đầy đủ 3 mũi tiêm theo khuyến cáo (mũi 1 khi trẻ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 tiêm 1 năm sau khi tiêm mũi 2). Đồng thời, cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn tránh muỗi đốt; khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh Trung ương, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Với bệnh SXH, so với cùng thời điểm này năm trước, hiện số bệnh nhân được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh tới 90%. Tuy nhiên, với thời tiết đặc trưng mùa hè là nắng nóng kèm theo mưa nhiều, nhất là khi miền Bắc bước vào mùa mưa trong thời gian tới đây, nguy cơ bùng phát dịch SXH được dự báo rất khó lường. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội là nơi trọng điểm về SXH ở khu vực miền Bắc với trung bình từ 3.000 - 5.000 trường hợp mắc được ghi nhận hàng năm. Hiện tuy số mắc SXH ở mức thấp song các yếu tố nguy cơ để phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn hiện hữu. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng - là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ. Thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều lại là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp phòng chống dịch kịp thời. 

4. Tiêm bổ sung vắcxin sởi cho trẻ em tại 6 tỉnh có nguy cơ cao

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, vừa qua đơn vị này đã nhận được công văn của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc tiêm vắcxin sởi-rubella cho những vùng có nguy cơ cao.

Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có báo cáo gửi về Bộ Y tế về việc tại một số địa phương có số trường hợp mắc sởi cao trong 5 tháng đầu năm 2018. Trước tình hình trên, Viện đề xuất kế hoạch tiêm bổ sung vắcxin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại các địa phương có số trường hợp mắc sởi cao trong tháng Sáu này. 6 tỉnh trên gồm: Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu và Thanh Hóa.

Ông Phu cho hay, căn cứ Quyết định của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch hoạt động bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2018 của Dự án 2 – tiêm chủng mở rộng thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số, Bộ Y tế sẽ kịp thời giải quyết tình hình, không để dịch bệnh bùng phát mạnh.

Cục Y tế Dự phòng đề nghị Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Sở Y tế 6 tỉnh thực hiện tốt việc giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh, tiến hành cách ly triệt để nhằm hạn chế lây lan cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

5. Sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động

Thực trạng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác (ĐUCCK) ở Việt Nam đang ở mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ.

Theo Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác vừa được Bộ Y tế gửi Bộ Tư pháp thẩm định, thực trạng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác (ĐUCCK) ở Việt Nam đang ở mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ.

Bằng chứng từ các nghiên cứu, khảo sát thực tiễn cho thấy tình hình sử dụng rượu, bia và ĐUCCK ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm.

Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm đã lên tới 8,3 lít (năm 2016), tức là đã tăng tới 118% và tăng 30 bậc, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 nước (theo Báo cáo thực trạng toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới), trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể.

Nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi thì một người nam giới của Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (thống kê năm 2010). Mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới.

“Mức độ này sẽ còn gia tăng trong những năm tới nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để điều chỉnh kịp thời”, Tờ trình nêu rõ.

Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia và ĐUCCK trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Theo Bộ Y tế, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia và ĐUCCK là một vấn đề nghiêm trọng cần được kiểm soát chặt chẽ do các hệ lụy về sức khỏe - xã hội liên quan đến giới trẻ.

Đặc biệt, tỷ lệ có uống rượu, bia và ĐUCCK trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) rất cao với 47,5%. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi.

88,5% hộ gia đình có người uống rượu, bia và ĐUCCK trong 12 tháng qua, 80% có người uống rượu, bia và ĐUCCK trong 30 ngày qua; đặc biệt có 46% hộ gia đình có ít nhất một người uống ở mức nguy hại.

Cũng theo Bộ Y tế, rượu, bia và ĐUCCK là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (tức là trong tên bệnh đã có từ rượu, ví dụ như “loạn thần do rượu”).

Trên thế giới, mỗi năm rượu, bia và ĐUCCK là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong. Điều đó có nghĩa là cứ 10 giây lại có một người chết liên quan tới rượu, bia và ĐUCCK.

Rượu được xem là yếu tố nguy cơ thứ 5 gây tử vong và tàn tật sớm, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá gây ra.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và ĐUCCK. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 05 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần và hành vi, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.

Tờ trình của Bộ Y tế cũng cho hay, trung bình mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó khoảng 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia và ĐUCCK. Thông tin từ Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong 4 ngày tết Mậu Tuất 2018 có gần 500 ca tai nạn giao thông nhập viện, trong đó hơn 60% có liên quan đến sử dụng rượu, bia và ĐUCCK.

6. Vì sao tình trạng nghiện ma túy tổng hợp gia tăng?

Trong thời gian gần đây, bên cạnh những loại ma túy tổng hợp đã trở nên phổ biến như ketamine, methamphetamine, estacy… đã xuất hiện một số loại chất hướng thần mới (NPS) bị giới trẻ lạm dụng, điển hình là nhóm các chất cần sa tổng hợp (XLR-11) được tẩm ướp dạng thảo mộc (thường gọi là “cỏ Mỹ”), lá cây Khat (có chứa thành phần chất Cathinone)… 

Tác hại của loại ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng ai cũng biết nhưng vì sao tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp vẫn có xu hướng gia tăng”?.

Nguyên nhân sử dụng và các chất ma túy mới

Thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, ma túy tổng hợp được dùng ở Việt Nam chủ yếu là ATS (Amphetamine Type Stimulants) và ectasy Ketamin, cần sa và cần sa tổng hợp. Loại ma túy này thường được gọi với tên "lóng" là: đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên, yaba, cỏ Mỹ…

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, việc sử dụng ma túy tổng hợp và chất hướng thần mới (NPS) đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại cho người sử dụng, gia đình và cộng đồng.

Người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng nhiều và không ít người đã trở thành bệnh nhântâm thần vì sử dụng lâu ngày. Nguy hiểm hơn, loại ma túy này còn để lại những hậu quả vô cùng tàn tệ cho sức khỏe người nghiện...

Khi sử dụng nhiều và thường xuyên, người sử dụng có nhiều thay đổi bất thường về qui luật sinh hoạt và làm việc theo chiều hướng xấu.

Trong đó có việc thay đổi tính nết hành vi theo hướng tiêu cực, hay cáu gắt, cục tính, xấu tính, hay quên, chóng quên, nói lắp, mạch tư duy lộn xộn hay lẫn lộn giữa hiện tại, quá khứ và tương lai hoặc bị cuốn quá sâu vào một việc cụ thể nào đó như: tháo lắp sửa chữa đồ đạc, nghe nhạc chơi game v.v...

Giai đoạn nặng hơn thường nghe thấy, nhìn thấy hay nói và hành động theo những điều không có thật theo motip ghen tuông và ám ảnh bị hại (ảo thanh, ảo giác và hoang tưởng).

Khi sử dụng lâu ngày, người nghiện amphetamin sẽ bị loạn thần với các biểu hiện như nhiều ảo thị (sinh động, nhiều màu sắc, cấp diễn và ảo thanh), xuất hiện cá cảo giác, các hoang tưởng thường gặp như hoang tưởng liên hệ, bị truy hại (còn gọi là “ngáo đá”) nên có thể dẫn đến hành vi giết người không ghê tay.

Ngoài việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, người sử dụng ma túy tổng hợp và NPS còn bị ảo giác, rối loạn tâm thần, gây nên những hành vi vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội.

Cũng theo phân tích của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an thì nguyên nhân đầu tiên, quan trọng dẫn đến các thanh, thiếu niên lạm dụng chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp là do thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, nhiều gia đình không có thời gian để gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm; theo dõi các diễn biến tâm lý con. Cùng với đó là sự tò mò, đua đòi của một bộ phận thanh, thiếu niên.

Một số ban đầu không có chủ định sử dụng những chất đó, nhưng do những lời kích bác của bạn bè và để chứng tỏ cho bạn bè thấy mình bản lĩnh, anh hùng nên đã sử dụng nó một cách vô tư.

Một số trẻ khác lại thấy tò mò không biết các chất gây nghiện đó mùi vị như thế nào nên muốn thử cho biết.Chính sự tò mò và thiếu hiểu biết đã gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc về sau.

Bên cạnh đó, quan niệm của một bộ phận giới trẻ hiện nay cho rằng phải sử dụng ma túy tổng hợp mới sành điệu, thời thượng và nhận thức sai lầm rằng sử dụng ma túy tổng hợp chỉ tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn tức thời, không gây nghiện nên sử dụng rất an toàn.

Mặt khác, do ma túy tổng hợp rất dễ thử, dễ sử dụng và phù hợp với không khí vui vẻ, sôi động tại các điểm vui chơi, giải trí của giới trẻ như các quán bar, karaoke, vũ trường.

Nguyên nhân thứ tư, phải kể đến là về mặt khách quan, Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc, là một trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn trên thế giới; hai nước có nhiều hoạt động giao thương, buôn bán, du lịch qua lại lẫn nhau rất thuận tiện nên các đối tượng mua bán trái phép ma túy đã triệt để lợi dụng để hoạt động.

Cùng với đó là giá ma túy tổng hợp, nhất là ma túy đá vào Việt Nam đã giảm rất nhiều trong những năm gần đây cũng là một nguyên nhân cho việc sử dụng lan rộng (nếu như cách đây 5 năm, giá ma túy đá khoảng 1 tỷ VNĐ/ kg thì nay chỉ còn khoảng 150-200 triệu VNĐ/ kg).

Có thể cai nghiện được ma túy tổng hợp và các loại ma túy mới?

Tại Hội thảo khoa học công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần trên địa bàn TP Hà Nội,  Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Doãn Phương và Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ: Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng ma túy tổng hợp mới với nhiều thành phần, dạng bào chế cũng như nhiều tên gọi khác nhau.

Thông thường các dạng bào chế gồm hỗn hợp nhiều chất khác nhau nên gây khó khăn cho việc xác định cụ thể thành phần, hàm lượng. Mặt khác, các đối tượng thường sử dụng nhiều loại chất khác nhau, dẫn tới bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, pha trộn lẫn nhau.

Trong khi đó trạng thái cai các chất ma túy này là khá mờ nhạt, dẫn tới quan niệm sai lầm cho rằng sử dụng các chất ma túy mới là không gây nghiện giống như các chất dạng thuốc phiện.

Các đối tượng có thể lạm dụng một cách không thường xuyên, tuy nhiên hậu quả về mặt tâm thần như các triệu chứng loạn thần, trầm cảm, tự sát, kích động… là rất nặng nề cho bản thân đối tượng sử dụng cũng như gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Hiện nay, chưa có một phương pháp cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán xác định nghiện các chất ma túy mới này. Các phương pháp phát hiện các chất ma túy này hiện nay chủ yếu được xác định qua định tính nồng độ trong nước tiểu.

Mặc dù vậy, một kết quả dương tính với chất chỉ phản ánh đối tượng có thể đã sử dụng chất trong vài ngày gần đây, không có ý nghĩa khẳng định đối tượng nghiện chất ma túy.

Hơn nữa, số lượng các chất có thể phát hiện cũng là hữu hạn (ketamin, thuốc lắc, cần sa và opiate). Do vậy, việc xác định các rối loạn tâm thần do sử dụng các chất ma túy tổng hợp chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng cũng như từ lời khai của đối tượng sử dụng chất.

Trong khi đó, việc điều trị nghiện amphetamin và các chất dạng amphetamin) hiện nay rất khó khăn. Bởi tuy sự lệ thuộc vào cơ thể ở nghiện Amphetamine không nặng nề như nghiện chất ma túy khác…) song việc tái nghiện vẫn rất phổ biến vì tác động tâm thần của thuốc rất mạnh và được củng cố sau mỗi lần sử dụng, do vậy gây ra hiện tượng “đói chất ma túy” thường diễn ra trong não người nghiện.

Để giúp người nghiện vượt qua hội chứng cai và duy trì chống tái nghiện cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị (hóa dược, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp gia đình, liệu pháp nhóm, liệu pháp lao động tái thích ứng tại cộng đồng…).

Cần thiết lập mối quan hệ điều trị sau cai để giúp bệnh nhân giải quyết các rối loạn trầm cảm và nhân cách… thường tồn tại rất lâu về sau... Việc điều trị trạng thái nhiễm độc Amphetaminh và các rối loạn thần gặp rất nhiều khó khăn.

Nói về khó khăn trong quản lý, phòng ngừa và điều trị rối loạn do sử dụng ma túy mới,  Bác sỹ CKII. Ngô Hùng Lâm, TS, Bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: Các loại ma túy mới khi sử dụng gây nhiều rối loạn, trong đó rối loạn về tâm thần.

Triệu chứng rối loạn tâm thần rất phong phú và giống triệu chứng nhiều loại bệnh tâm thần khác nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường hợp không biết được tiền sử sử dụng chất ma túy của người bệnh.

Các đối tượng sử dụng ma túy thường giấu hành vi sử dụng của mình (dấu hiệu phủ nhận) gây khó khăn trong chẩn đoán các rối loạn do sử dụng các chất ma túy này.

Một số loại ma túy mới chưa có các xét nghiệm nhanh để xác định, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam còn hạn chế về phương tiện, tài chính trong việc xét nghiệm xác định chất ma túy của đối tượng sử dụng.

7. Bệnh viện Nhi TƯ phẫu thuật miễn phí cho hai bệnh nhi mà tại Mỹ chi phí lên tới hơn 5 tỉ đồng

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi TƯ đã phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não cho 2 bệnh nhân động kinh bắt đầu giai đoạn kháng thuốc.

Ngày 21/6, các bác sĩ của Khoa ngoại Thần kinh - Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp cùng chuyên gia là các giáo sư, bác sĩ thần kinh Bệnh viện đại học Alabama (Mỹ) tiến hành phẫu thuật kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não cho 2 bệnh nhi mắc động kinh nặng đã chuyển sang giai đoạn kháng thuốc.

Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Nam Thắng – phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cho biết, bệnh nhi là cháu Lê Quang H (31 tháng tuổi ở Bắc Ninh) và Nguyễn Thị Như Q (13 tuổi) đã điều trị động kinh trong nhiều năm nhưng không có tiến triển, bệnh ngày càng nặng, chuyển sang giai đoạn kháng thuốc.

Sau khi xác định được vùng sinh động kinh, các bác sĩ đánh giá phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não là biện pháp tốt nhất đối với 2 bệnh nhi trong lúc này.

Bác sĩ Thắng cho biết, phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não là phương pháp phẫu thuật đặt các tấm có chứa điện cực trên bề mặt vỏ não, nhằm tiếp cận gần nhất với ổ phát sóng động kinh để ghi lại các sóng điện não, tránh được nhược điểm của điện não đồ da đầu chỉ xác định là có sóng bất thường của cả 1 vùng.

Khi phát hiện bất thường về sóng điện não (sóng động kinh), các bác sĩ có thể xác định vùng nào cần phẫu thuật cắt bỏ hoặc các vùng chưa cắt liệu còn bất thường hay không.

“Cháu H được mổ cắt liên kết ¼ bán cầu.Nếu không có kỹ thuật này chúng tôi phải cắt bán cầu chức năng, như vậy sẽ để lại nhiều khiếm khuyết về phát triển tinh thần và vận động.Cắt ¼ bán cầu đỡ gây khiếm khuyết về tinh thần và vận động, do đó đây là kỹ thuật tối ưu nhất” – BS Thắng chia sẻ.

Trường hợp thứ 2 là cháu Nguyễn Thị Như Q (13 tuổi) bị động kinh ở khoảng giữa của 2 bán cầu, phải kết hợp đặt điện cực bề mặt trong mổ và giữa khe 2 liên bán cầu.Kỹ thuật này rất phức tạp, đòi hỏi người làm chuyên biệt vì khe nhỏ, yêu cầu độ chính xác cao.

Mỗi ca phẫu thuật kéo dài gần 8 tiếng do các bác sĩ của Khoa ngoại Thần kinh phối hợp với Đoàn chuyên gia về thần kinh của Bệnh viện đại học Alabama (Mỹ) thực hiện.

Cũng theo bác sĩ Thắng, chi phí cho một ca phẫu thuật tương tự ở Mỹ có giá 250 nghìn USD (chưa kể tiền thuốc), tuy nhiên cả 2 bệnh nhi này đều được phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hiện bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho khoảng 30 ca bệnh động kinh khó, trong đó có khoảng 4-5 ca đã được phẫu thuật thành công. Việc ứng dụng kỹ thuật mới trong phẫu thuật bệnh động kinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã mở ra nhiều hy vọng cho các bệnh nhân động kinh nặng kháng thuốc.

Trong 5 năm vừa qua, Trường ĐH Alabama và Bệnh viện Nhi Trung ương đã có nhiều hợp tác trao đổi kinh nghiệm, hợp tác chuyên môn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ trang thiết bị y tế.

Điều này đóng góp đáng kể vào việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế, cũng như cơ sở vật chất, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

8. Nghệ An: Cứu sống cụ bà bị ong vò vẽ đốt nguy kịch

Bị hàng trăm con ong vò vẽ đốt, cụ bà được phát hiện và đưa đi cấp cứu khi người đã tím tái, nguy kịch, không bắt được mạch.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Vui, Giám đốc phòng khám đa khoa Đoàn Kết (đóng tại 32, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết, sáng 23/6, Phòng khám này tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Thị È (79 tuổi, trú xóm Sơn Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) bị ong vò vẽ đốt rất nặng.

Người nhà cụ È cho biết, khoảng 9h sáng cùng ngày, cụ È lên khu rừng trồng keo để cắt cỏ cho trâu của gia đình. Lúc di chuyển để cắt cỏ, cụ È vô tình đạp trúng tổ ong vò vẽ.Lúc này, đàn ong rừng bay vây quanh, tấn công cụ È. Cụ È chỉ kịp la lên kêu con, cháu lên cứu rồi ngất xỉu tại chỗ.

Sau khi bị đàn ong đốt, cụ È được người nhà đưa đến Phòng khám đa khoa Đoàn Kết, để cấp cứu trong tình trạng người tím tái, ngừng tim, ngừng thở, không bắt được mạch.

Qua thăm khám, xác định bệnh nhân ngộ độc do bị ong đốt, nguy kịch đến tính mạng. Phòng khám đã tập trung nhân lực, trang thiết bị y tế để cấp cứu cho bệnh nhân.

Sau một thời gian tích cực cứu chữa, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tim đã đập bình thường, huyết áp ổn định. Tuy nhiên, hiện do cụ È tuổi cao nên sức còn yếu và đang được các bác sĩ theo dõi, tiếp tục chăm sóc.

9. Phản ứng có hại liên quan đến thuốc chứa hoạt chất chymotrypsin

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết trong gần 8 năm qua có sự gia tăng lớn về phản ứng có hại của thuốc (ADR), nhiều báo cáo nghiêm trọng liên quan đến các chế phẩm của hoạt chất chymotrypsin (alpha - chymotrypsin) tại VN.

Từ 2010 - 2017 mỗi năm ghi nhận 11 - 57 báo cáo ADR liên quan đến các chế phẩm trên, trong đó tỷ lệ phản ứng phản vệ/sốc phản vệ chiếm 18 - 41,7%. Riêng 5 tháng đầu năm nay đã có 13 báo cáo ADR liên quan đến chymotrypsin. Dược thư quốc gia 2015 cũng đã khuyến cáo về khả năng gặp dị ứng nặng, có thể gây sốc phản vệ (là phản ứng dị ứng nặng có thể xảy ra trong vòng vài phút, có thể gây tử vong) sau khi tiêm bắp thuốc chứa chymotrypsin (alpha - chymotrypsin).

Để đảm bảo sử dụng an toàn các thuốc chứa chymotrypsin dùng đường, Cục Quản lý dược đề nghị các bệnh viện, viện có giường bệnh thuộc Bộ Y tế, các sở y tế thông báo đến các có sở khám chữa bệnh trên địa bàn cần tuân thủ chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, liều dùng của thuốc, chú ý tương tác thuốc khi kê đơn thuốc có chứa chymotrypsin (alpha - chymotrypsin); chỉ sử dụng thuốc khi đã khám sàng lọc phân loại bệnh nhân, tránh sử dụng thuốc tiêm có chứa chymotrypsin cho những đối tượng bệnh nhân có nguy cơ cao xảy ra ADR phản vệ/sốc phản vệ; tăng cường tuân thủ quy trình tiêm thuốc có chứa chymotrypsi.

10. Cung ứng thuốc điều trị cấp cứu phản vệ

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn số 11337/QLD - KD gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị cấp cứu phản vệ.

Công văn nêu rõ, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc Histamin 1mg/ml và Glucagon (tiêm) sử dụng trong điều trị cấp cứu phản vệ, Cục Quản lý dược đề nghị các công ty báo cáo về việc triển khai các nội dung theo yêu cầu để đảm bảo nguồn cung (báo cáo trước ngày 30.6); xem xét nhu cầu sử dụng hai thuốc trên của các sở y tế, các bệnh viện để kịp thời liên hệ đặt hàng với các nhà cung ứng, sản xuất thuốc tại nước ngoài và thực hiện các thủ tục theo quy định để sớm nhập khẩu các thuốc về VN.

Theo Cục Quản lý dược, thuốc Histamin 1mg/ml (dung dịch tiêm) và Glucagon (tiêm) chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu tại VN tuy nhiên đã được cấp phép nhập khẩu theo nhu cầu điều trị đặc biệt của từng bệnh viện. Để đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời cho việc phòng và cấp cứu sốc phản vệ, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tổng hợp nhu cầu cần thiết dự trữ trong năm 2018 của các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực tế rà soát và báo cáo số lượng cần thiết được dự trữ trong năm 2018 tại chính cơ sở và gửi nhu cầu về Cục Quản lý dược.

11. Bác sĩ đục xương chỉnh khuỷu tay vẹo cho cậu bé 12 tuổi

Bé trai ngã lúc 5 tuổi, đến khi tháo bột thì tay trái bị cong vẹo ở khuỷu, 7 năm sau bác sĩ mới phẫu thuật chỉnh lại xương.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp, khoa Chấn thương Chỉnh hình Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP HCM, khám cho bé, nhận định phải phẫu thuật sớm để điều trị khuỷu tay vẹo tránh nguy cơ thoái hóa khớp và cải thiện khả năng vận động hàng ngày.

Bác sĩ quyết định đục xương để chỉnh trục, sau đó bó bột khuỷu tay. Sau phẫu thuật, tay trái của bệnh nhi hết vẹo hoàn toàn mà không mất tầm hoạt động khuỷu tay.

Bác sĩ Tiếp cho biết, phẫu thuật chỉnh vẹo khuỷu tay ở trẻ nhỏ trong độ tuổi 7-8 là thích hợp nhất, vì độ tuổi này mặt khớp chưa biến dạng nên khi phẫu thuật sẽ dễ dàng hơn và nhanh lành vết thương. 

Bác sĩ Tiếp khuyến cáo, trẻ nhỏ thường hiếu động chơi đùa, leo trèo, chạy nhảy nên dễ xảy ra tai nạn. Gãy vùng khuỷu tay là thường gặp nhất. Phụ huynh cần đưa trẻ đến các bệnh viện lớn chuyên khoa để điều trị kịp thời.

12. Dùng xi măng kháng sinh chữa lành khớp háng nhiễm trùng sau 14 lần mổ

Sau 14 lần phẫu thuật điều trị nhiễm trùng khớp háng không thành công, bác sĩ đã dùng kĩ thuật đặt xi măng kháng sinh để cứu chân bệnh nhân.

Ông Đinh Thành Học (42 tuổi, quê Phú Yên) trải qua 14 lần phẫu thuật điều trị nhiễm trùng khớp háng song không thành công.Người đàn ông tìm đến Bệnh viện Sài Gòn - ITO với hy vọng mong manh chữa lành đôi chân.Trước đó, ông Học đã được thay khớp háng nhân tạo bên trái, tuy nhiên bị nhiễm trùng rất nặng sau phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thống, cố vấn chuyên môn của bệnh viện, cho hay ca của ông Học phức tạp vì số lần phẫu thuật điều trị quá nhiều.Qua thăm khám, bác sĩ đi đến quyết định lựa chọn kỹ thuật đặt xi măng kháng sinh - đây là kỹ thuật còn khá mới tại Việt Nam.

Ê-kíp đã chia làm 2 lần phẫu thuật, lần 1 mổ cắt lọc và đặt kháng sinh cho bệnh nhân.Lần 2 thực hiện phẫu thuật thay lại khớp nhân tạo toàn phần bên trái kho phần mềm khớp háng tiến triển tốt.

Sau phẫu thuật, phần khớp nhiễm trùng của bệnh nhân đã hồi phục tốt, bệnh nhân sẽ sớm phục hồi chức năng khớp.Người đàn ông hiện có thể đứng, đi lại trong phòng bệnh.

Bác sĩ Thống chia sẻ thêm phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo hiện rất phổ biến ở Việt Nam.Mỗi năm, hàng ngàn bệnh nhân có bệnh lý khớp háng sớm lấy lại được chức năng vận động của khớp sau mổ, mang đến sự hồi phục chức năng đi lại và nâng cao chất lượng cuộc sống.Tuy nhiên, phẫu thuật nào cũng có tỷ lệ rủi ro và phẫu thuật thay khớp cũng không ngoại lệ.

Để xử lý nhiễm trùng sau mổ thay khớp thật sự là cơn ác mộng cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bởi xử lý nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp không phải là điều dễ dàng, phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc và những nguy cơ khác.Theo các nghiên cứu, tỷ lệ thành công trong xử lý nhiễm trùng đạt trên 90% nếu người bệnh kiên trì và bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp.

13. Cứu thai nhi 39 tuần tuổi bị dây rốn thắt nút, quấn cổ

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản ở Cần Thơ đã mổ khẩn cấp cho sản phụ, cứu thai nhi 39 tuần tuổi bị dây rốn thắt nút, quấn cổ. 

Chiều 22/6, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ khám thai cho sản phụ thai phụ Trần Thị G. (29 tuổi ở quận Bình Thủy, Cần Thơ). Tại đây, bác sĩ phát hiện thai nhi nhiều dấu hiệu bất thường. Bác sĩ chẩn đoán ban đầu thai kỳ ở tuần 39, ngôi đầu chưa chuyển dạ, giảm tiểu cầu. Qua siêu âm Doppler và theo dõi biểu đồ tim thai bằng máy các bác sĩ phát hiện tình trạng bất thường nên tiến hành chỉ định mổ bắt thai cấp cứu.

Sau 1 giờ, ê-kíp phẫu thuật đã mổ bắt con thành công, bé gái cân nặng 3,3 kg chào đời với dây rốn thắt nút một vòng và quấn cổ một vòng. Sau sinh, bé gái được da kề da với mẹ nhằm duy trì thân nhiệt, ổn định sức khỏe. Hiện tại, sức khỏe mẹ con đã ổn định và được tiếp tục được theo dõi.

Bác sĩ Vũ Đăng Khoa, Trưởng khoa Sản cho biết, tình trạng dây rốn thắt nút chiếm tỷ lệ 0,3-2,2% của các ca sinh. Tỷ lệ tử vong của các thai nhi có dây rốn thắt nút tăng gấp 4 lần so với thai nhi bình thường. Trường hợp của sản phụ G. xảy ra đột ngột, nếu không kịp thời phát hiện thai nhi có thể sẽ tử vong trong vòng vài giờ.

Theo bác sĩ Khoa, dây rốn thắt nút trong tử cung rất khó phát hiện trong quá trình khám thai. Đa số trường hợp đã báo cáo thì thai nhi đều tử vong trong bụng mẹ. Khi sản phụ chưa chuyển dạ, siêu âm động mạch rốn và động mạch não thai nhi, đo biểu đồ tim thai có thể phát hiện suy thai để kịp thời cấp cứu.

Các bác sĩ khuyến cáo, để giảm những biến chứng nguy hiểm của thắt nút dây rốn, sản phụ nên theo dõi cử động thai mỗi ngày, đặc biệt trong những tuần cuối thai kỳ. Bà bầu khám định kỳ để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện cử động thai ít hoặc yếu. Tuân thủ lịch khám thai định kỳ đúng hẹn rất quan trọng, nhất là gần đến ngày dự sinh.

14. Khoa học Việt ứng dụng nano hỗ trợ điều trị ung thư

Với nhiều thành phần hoạt chất vượt trội, phức hệ nano mới sẽ giúp phòng và hỗ trợ điều trị ung thư, nâng cao thể trạng người bệnh. 

Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát triển và ứng dụng công nghệ nano vào nghiên cứu thành công quy trình điều chế, tạo hệ dẫn thuốc phức hệ Nano Extra XFGC.

TS Nguyễn Duy Nhứt, chủ nhiệm đề tài cho biết, phức hệ Nano mới có thành phần hoạt chất chứa Fucoidan sulfate hóa cao, phân tử lượng thấp kết hợp với ba loại dược liệu khác là curcumin trong củ nghệ vàng, tam thất và xáo tam phân - những thảo dược có chứa chất làm ức chế, ngăn cản sự phát triển của khối u.

Fucoidan sulfate hóa cao, phân tử lượng thấp (STF) đã được các nhà khoa học chứng minh là có độ hấp thu và hoạt tính cao hơn gấp nhiều lần so với Fucoidan thông thường. Ngoài tác dụng dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư, Fucoidan còn giúp điều hòa đường huyết, mỡ máu, huyết áp, giảm nguy cơ tai biến và đột quỵ do chống hình thành cục máu đông trong lòng mạch.

"Curcumin trong nghệ vàng dùng trực tiếp thường khó tan trong nước và hấp thu kém. Nhưng với phức hệ nano vừa chế tạo sẽ giúp độ tan của curcumin tăng lên hàng nghìn lần, giúp tăng hiệu quả tác động lên tế bào ung thư", tiến sĩ Nhứt nói.

Xáo tam phân là cây thuốc mọc chủ yếu ở phía Nam. Theo công trình nghiên cứu của Bộ Y tế công bố tháng 6/2013, thảo dược này có một số thành phần hỗ trợ điều trị các bệnh xơ gan, viêm gan B, ung thư gan, u đại tràng, ung thư vú, u nang buồng trứng và u xơ tử cung...

Một hoạt chất khác trong phức hệ Nano Extra XFGC là tam thất. Rất nhiều công trình đã tìm ra tác dụng của Saponin ở dịch chiết tam thất, đó là giảm tình trạng mệt mỏi do hóa trị, ức chế quá trình xâm lấn và di căn của khối u, kích hoạt quá trình tự sát của tế bào ung thư. 

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam chế tạo thành công phức hệ nano. Nghiên cứu được giới khoa học đánh giá là bước đột phá mới trong ứng dụng công nghệ nano để sản xuất sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị ung thư, nâng cao thể trạng người bệnh và giảm độc tính hóa xạ trị.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 trường hợp mắc ung thư mới và hơn 70.000 người chết vì ung thư. Mỗi kết quả nghiên cứu mới trong dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư ứng dụng vào cuộc sống sẽ đem lại niềm hy vọng cho người bệnh.

15. Gần 400 người dân được khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí

Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và Hen phế quản (HPQ), vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho 400 người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Mặc dù đây là hoạt động thường niên của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án Phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản nhưng năm nay buổi khám vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của người dân không chỉ ở khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận mà còn thu hút thêm rất nhiều người dân từ các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung.

Tại buổi khám, PGS.TS Phan Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Mặc dù rất đông bệnh nhân đến khám, nhưng do công tác tổ chức tốt, thông tin buổi khám được tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, người dân được thực hiện đăng ký khám qua điện thoại, email trước nên buổi khám đã diễn ra trong không khí trật tự, không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, thời gian chờ đợi tới lượt khám không quá lâu, từ đó hiệu quả khám sàng lọc và phát hiện bệnh cũng được nâng cao.

“Người dân tới khám đều được các bác sĩ khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp. Tất cả bệnh nhân phát hiện mới mắc COPD, hen phế quản đều được Chương trình của Dự án cấp phát thuốc miễn phí và đưa vào quản lý ngoại trú”, PGS. Phan Thu Phương nói.

Sau một ngày làm việc hiệu quả, tập thể các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai đã khám cho 395 người dân, đo chức năng hô hấp cho 389 người, phát hiện 273 người mắc COPD và HPQ, trong đó: 164 bệnh nhân mắc COPD, 98 bệnh nhân mắc HPQ, 11 bệnh nhân mắc ACO (hội chứng Hen chồng lấp COPD).

Tất cả 273 bệnh nhân mắc bệnh đều được phát thuốc miễn phí, tư vấn điều trị đồng thời được theo dõi, quản lý tại phòng quản lý của bệnh viện Bạch Mai hoặc phòng quản lý tại địa phương.

16. 'Kỳ tích' hiến tạng ở Bệnh viện Việt Đức

Trước đây, mỗi năm chỉ có từ 4 đến 5 trường hợp người chết não hiến tặng mô tạng. Tuy nhiên, chỉ trong 1 tháng vừa qua đã có tới 4 người chết não hiến tạng. 3/4 ca ghép gan tối cấp, 2/4 ca ghép tim xuyên Việt, tám quả thận được ghép cho bệnh nhân suy thận,... đó là những phép màu mà các bác sỹ Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện thành công, viết thêm những kỳ tích mới cho nền y học ghép mô tạng ở Việt Nam. 

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, trung bình một năm tại bệnh viện ghi nhận khoảng 1.000 bệnh nhân tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có 5-6 bệnh nhân chết não/ngày nhưng mỗi năm chỉ có 4-5 trường hợp chết não hiến tặng mô tạng.

Điều đáng ngạc nhiên là chỉ trong gần 1 tháng (từ ngày 16/5 đến ngày 13/6/2018) đã có 4 người chết não hiến tặng mô tạng cho 16 bệnh nhân (gồm 8 quả thận, 4 lá gan, 4 quả tim), trong đó có 2 quả tim được vận chuyển từ Hà Nội vào BV Trung ương Huế để ghép cho 2 bệnh nhân. Hiện, 2/3 số bệnh nhân được ghép tạng đã xuất viện. “Đây là con số kỷ lục với chúng tôi khi có tới bốn người hiến tạng chết não chỉ trong chưa đầy một tháng. Tín hiệu trên cho thấy, quan niệm của người dân về việc hiến tạng hiện nay đã có sự thay đổi, họ đã nhận thấy nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng với cộng đồng”, GS Giang chia sẻ.

Là một trong 4 bệnh nhân được ghép gan từ nguồn hiến tạng của người chết não tại BV Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân Đỗ Hải T (65 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ bản thân cảm thấy rất hạnh phúc như được sống cuộc đời thứ hai để làm những gì mình chưa thực hiện. 

“Bác sĩ thông báo tôi chỉ sống được bằng từng ngày, vì từ năm 2005, tôi được chẩn đoán viêm gan virus, bệnh nặng thêm dẫn tới xơ gan. Bởi vậy khi nhận được tin có người hiến gan, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng, hân hoan và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống. Trước khi mổ tôi như một ngọn đèn có thể tắt bất cứ lúc nào, người mệt mỏi, da vàng, chỉ nằm một chỗ, phải truyền máu để duy trì sự sống.Sau khi ghép tỉnh dậy tôi đã khóc, khóc vì mình được sống lại lần nữa.Tôi cảm thấy cơ thể của mình rất khác biệt, ba ngày sau ghép da và mắt không còn vàng”, bệnh nhân T tâm sự.

Cùng chung niềm vui, anh N.P.T, 40 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội, phát hiện mắc viêm gan virus B năm 2010, anh cũng kiên trì đi khám và dùng thuốc suốt 4 năm. Tuy nhiên do thấy sức khỏe tốt, không có biểu hiện gì, anh bỏ điều trị thuốc kháng virus, bệnh tiến triển nặng hơn. Bác sĩ chẩn đoán anh bị xơ gan giai đoạn 4, suy gan, chức năng gan hầu như không còn. Chia sẻ cảm xúc sau khi ca ghép thành công, người nhà bệnh nhân cho biết, gia đình cảm thấy quá hạnh phúc và may mắn vì hơn một tháng chờ đợi, anh T đã được ghép gan trong khi nhiều người mắc bệnh nan y như anh vẫn không có tạng để ghép.

Sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của hàng trăm bác sĩ

Chia sẻ thêm về việc ghép tạng, GS Trần Bình Giang cho biết: “Việc ghép tạng phải đạt yêu cầu cao nhất, đó là hòa hợp miễn dịch với người được ghép. Do đó, các bác sĩ cần tới sự hỗ trợ của Trung tâm điều phối về ghép tạng - nơi có các máy móc, các công cụ tính toán kết quả phù hợp nhất, bệnh nhân có khả năng ghép tạng thành công cao nhất để cứu chữa. Tuy vậy, vẫn có trường hợp khi tạng đến nơi, bệnh nhân không ghép được vì các lý do khác nhau. Do đó, chúng tôi phải tính toán chuẩn bị danh tính và địa chỉ bệnh nhân phù hợp tiếp theo để chuyển tạng đến đó ghép, tránh làm lãng phí nguồn tạng hiến. Thông thường, nếu có 1 quả tim ghép, chúng tôi sẽ chuẩn bị danh sách khoảng 2 bệnh nhân để phòng ngừa xảy ra các tình huống không thuận lợi”. 

Theo GS Giang, vấn đề khó khăn lớn nhất của ngành ghép tạng hiện nay, là việc nguồn tạng hiến luôn khan hiếm. Số lượng người hiến, cho tạng hiện nay dù đã nhiều hơn trước nhưng so với nhu cầu vẫn còn rất rất ít. Đơn cử như tại BV Việt Đức, mỗi ngày có 4-6 bệnh nhân chết não do tai nạn giao thông nhưng gần chục năm qua, chỉ có 40 người chết não hiến tạng. Trong khi đó, 1 người chết não, nếu họ tình nguyện hiến tạng trước đó sẽ có thể cứu giúp được rất nhiều người khi họ có thể cho đi 2 quả thận, 2 lá gan, 2 lá phổi, 1 quả tim, 2 giác mạc, gân, cơ và van tim.

“Với ghép thận, ghép gan, có thể lấy từ người hiến sống nhưng chúng tôi không khuyến khích điều này.Mong muốn của chúng tôi vẫn là nhận tạng từ người hiến chết não.Y học đã chứng minh, khi chết não tức là bệnh nhân đã chết, không thể sống lại.Tại Việt Nam, quy trình đánh giá chết não rất chặt chẽ và trải qua nhiều khâu hơn so với nhiều nước trên thế giới”, GS Giang nhấn mạnh.

Với việc làm chủ kỹ thuật ghép tạng, GS Trần Bình Giang cho biết, 16 ca ghép tạng vừa qua đều thực hiện suôn sẻ, thời gian mổ rút ngắn hơn, việc truyền máu giống như các ca mổ thông thường, bệnh nhân hồi phục nhanh và đặc biệt là sự phối hợp giữa các đơn vị ngày càng nhịp nhàng hơn, hình thành mạng lưới đơn vị ghép tạng. Hầu như các ca mổ được rút ngắn thời gian truyền máu, một số ca ghép gan chỉ còn truyền 1- 2 đơn vị máu.Thời gian thở máy sau mổ rút ngắn còn 3- 4 giờ đồng hồ.Đặc biệt, bệnh nhân có thể xuất viện sớm, từ 10 ngày sau mổ, không cần nằm dài cả tháng như trước. 

Có thể thấy, trình độ ghép tạng của nền y học Việt Nam hiện không thua kém so với thế giới. Thậm chí, tại BV Việt Đức có những ca hiến ghép tạng từ người cho chết não được triển khai khẩn cấp ngay trong đêm, bệnh viện đã tiến hành cùng lúc 5 bàn mổ lấy và ghép tạng, đồng thời huy động hơn 100 nhân viên y tế tham gia. Đối với 16 ca ghép kỷ lục trong một tháng qua, có ba ca tiến hành ghép cấp cứu, 2/4 số ca thực hiện vào ban đêm và 1/4 số ca thực hiện vào ngày nghỉ.Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức điều phối, chia sẻ nguồn tạng cho những bệnh viện khác trên cả nước.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng BV Hữu nghị Việt Đức cho biết thêm, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau ghép tại BV Việt Đức tiệm cận với thế giới. Từ năm 2010 đến nay, đã có 40 bệnh nhân chết não hiến tạng tại BV Việt Đức. Đã có hàng trăm bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối đã được ghép tạng thành công từ người hiến chết não. So với thế giới, tỉ lệ sống sau ghép tạng của Việt Nam tương đương, thậm chí cao hơn. Đơn cử, tỷ lệ người ghép gan có thể sống từ sau 5 năm là 75% và sau 10 năm là 68%.

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

17. Phát hiện loại virus mới truyền sang người qua muỗi vằn

 Một cậu bé 16 tuổi được xác định là người đầu tiên trên thế giới bị nhiễm bệnh do virus truyền qua muỗi trước đó chỉ có ở động vật.

Theo công bố từ Viện Mầm bệnh Phát sinh của Đại học Florida, Mỹ, đây là bệnh nhân đầu tiên được chính thức xác nhận mắc virus Keystone do muỗi vằn Florida truyền bệnh.

Cậu bé 16 tuổi xuất hiện triệu chứng mẩn ngứa và sốt nặng khi đi cắm trại vào mùa hè năm 2016. Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân có thể là do côn trùng cắn, nhưng mọi xét nghiệm đều không tìm ra các loại virus hiện hành.

Tiến sĩ Glenn Morris của Đại học Florida cho biết: “Chúng tôi không biết chuyện gì đang diễn ra. Chúng tôi áp dụng mọi biện pháp xét nghiệm theo quy chuẩn, nhưng phải mất tới một năm rưỡi mới phát hiện ra đây là virus gì”.

Virus Keystone được phát hiện ở Mỹ năm 1964 nhưng chỉ xuất hiện trong quần thể động vật vùng duyên hải từ Texas đến vịnh Chesapeake.Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa có biện pháp nào để xét nghiệm virus Keystone trên người.

Loại virus này có thể gây mẩn ngứa toàn thân và sốt. Tuy nhiên, theo giáo sư John Lednicky của Đại học Florida, Keystone nằm trong nhóm virus “có khả năng gây viêm não cho nhiều loài, trong đó có con người”. Ông cho biết: “Dù virus này chưa từng được tìm thấy ở con người, có thể nhiều người khác cũng đã nhiễm bệnh”.

Theo tiến sĩ Morris, người dân vùng Florida và các vùng khác cần thận trọng và đề phòng loại virus này, nhất là trong mùa hè khi khí hậu nóng ẩm khiến muỗi phát triển và sinh sôi nhiều.

18. Mỹ: Hơn 70 hành khách trên du thuyền bị nhiễm norovirus viêm dạ dày

Hơn 70 hành khách trên một du thuyền của hãng Holland America Line bị nghi nhiễm norovirus, một loại virus gây viêm dạ dày và đường ruột cấp tính, sau khi xảy ra đợt bùng phạt bệnh này tại bang Alaska, miền Tây Bắc nước Mỹ.

Truyền thông địa phương dẫn thông báo của Holland America Line xác nhận sự việc xảy ra trên du thuyền Zaandam do hãng này quản lý. Theo đó, 73 hành khách, trong tổng số 2.000 hành khách và nhân viên trên du thuyền, bị mắc bệnh viêm đường ruột cấp tính do norovirus. 

Ngay sau khi chiếc du thuyền Zaandam cập cảng ở thành phố Juneau, thủ phủ Alaska, nhân viên của du thuyền này đã được cách ly với những người nhiễm bệnh. Toàn bộ thiết bị trên du thuyền đã được tẩy trùng nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Bệnh do norovirus  thường xảy ra do tiếp xúc trực tiếp  hoặc gián tiếp với nguồn bệnh trong cộng đồng, những khu vực tập trung đông người. Những người mắc norovirus thường có triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, hoặc có trường hợp bị sốt hay đau đầu. 

Theo Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), đây là lần thứ 6 xảy ra đợt bùng phát phát bệnh do norovirus trên du thuyền trong năm nay và là đợt bùng phát thứ hai ghi nhận được tại Alaska. Hồi năm ngoái, 36 người đã bị mắc norovirus trên chiếc du thuyền Silver Shadow có hành trình qua các địa điểm tại Alaska như Dutch Harbor, Kodiak và Homer.​ 


Thăm dò ý kiến