Thông tin y tế 13 - 16/10/2020

16/10/2020 | 09:01 AM

 | 

1. Năm 2020, tiêm chủng tại Nghệ An gặp khó khăn gì?

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020 của ngành y tế Nghệ An vừa tổ chức, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An (CDC Nghệ An) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác tiêm chủng của Nghệ An 9 tháng đầu năm đạt 65,8% (đáp ứng tiến độ), song tỉ lệ tại các địa phương là không đồng đều, nhiều địa phương đạt tỉ lệ thấp...

Tỉ lệ tiêm chủng không đồng đều

Theo CDC Nghệ An, các đơn vị có tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh thấp gồm Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Diễn Châu (mặt bằng của tỉnh đảm bảo 82% nhưng các đơn vị này dưới 60%)... Các đơn vị có tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ thấp gồm Cửa Lò (51,97%), Tương Dương (53,92%). So với mục tiêu đặt ra là tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh cần đạt 95%, tiêm phòng đầy đủ đạt 90%, các loại tiêm phòng khác phải đạt trên 90% trở lên, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

BS. Vi Xuân Chiến - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên công tác tiêm chủng năm 2020 đã phải triển khai trễ hơn 1 tháng. Trên địa bàn, số lượng bố mẹ bỏ lại con nhỏ nhờ ông bà nuôi để đi làm ăn xa là rất nhiều. Bên cạnh đó, ở một số bản vùng sâu, vùng xa còn có tình trạng người dân sinh con tại nhà mà không đưa đến TTYT cho nên việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh không được đáp ứng kịp thời. Theo quy định, việc sinh nở hiện không còn được thực hiện ở trạm y tế (TYT) mà phải được thực hiện ở cơ sở y tế có phòng sinh, tuy nhiên thực tế vẫn có trường hợp “cấp cứu” sinh tại trạm. Do TYT lại không chuẩn bị sẵn vắc-xin nên việc tiêm cho trẻ sơ sinh phụ thuộc vào việc cán bộ y tế phải ra TTYT huyện để lấy với các tác động thời tiết, đường xá đi lại.

“Nguyên nhân tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B thấp còn do việc thông tuyến BHYT, sản phụ đến sinh tại các cơ sở y tế ngoài địa bàn huyện. Tại cơ sở y tế sản phụ sinh, trẻ sơ sinh đã được tiêm vắc-xin. Song vì lý do nào đó, công tác cập nhật thông tin lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia của cơ sở y tế, nơi sản phụ sinh và việc tiếp nhận thông tin ở TYT xã không ăn khớp nên trẻ đã được tiêm nhưng lại chưa được thống kê”, BS. Vi Văn Chiến cho hay.

Công tác thống kê, cập nhật thông tin không chính xác, kịp thời đang được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc “kéo lùi” tỉ lệ tiêm chủng ở các địa phương. BS. Lê Quang Trung - Phó Giám đốc TTYT huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, tỉ lệ tiêm chủng thực của huyện Quế Phong trong 9 tháng đầu năm là cao hơn. Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ là 83,3%, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh là 79%. Nguyên nhân là do các cán bộ chuyên trách ở xã, thị trấn cao tuổi, chưa quen việc cập nhật số liệu lên phần mềm, báo cáo qua hệ thống. Hiện nay, Trung tâm đang yêu cầu những cán bộ này ra học, đào tạo lại ở nội dung này.

BS. Hoàng Khắc Tú - Phó Giám đốc TTYT thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho hay: Tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh thấp là do việc dự báo tỉ lệ sinh của thị xã năm 2020 (số trẻ sinh năm 2019x1,5 lần) chưa chính xác, dự kiến sinh trên 900 nhưng thực tế chỉ có mới 500 trẻ ra đời. Còn với tiêm chủng đầy đủ ở Cửa Lò có rất đông phụ huynh đưa trẻ lên tiêm ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại TP. Vinh, song các cơ sở này lại không cập nhật lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia nên TTYT, TYT không thể theo sát được chính xác số liệu để báo cáo.

Một chuyên gia y tế cho biết thêm về nguyên nhân: Khi địa phương nào xuất hiện ca tiêm vắc-xin viêm gan B gặp phản ứng phụ, thông thường bệnh viện ở địa phương đó lại “e dè” khi tiêm cho trẻ. Ở miền núi, các TTYT vẫn thường “ngại” khi thiết lập các điểm tiêm lưu động tại bản, xã do sợ xảy ra phản ứng mạnh, tai biến không thể cấp cứu, xử lý kịp thời.

Tăng cường rà soát, đưa điểm tiêm gần dân

BS. Nguyễn Trọng Di - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC Nghệ An cho hay: Một trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, khi mắc bệnh, ngoài việc tốn nhiều chi phí để điều trị, trẻ còn gặp phải những biến chứng nặng, thậm chí là trẻ bị tử vong. Nhiều TTYT hiện vẫn chưa làm tốt công tác thống kê, báo cáo số liệu tiêm chủng. Việc thống kê, báo cáo thiếu chính xác cũng nguy hại không kém việc trẻ chưa được tiêm chủng. Thống kê, báo cáo giúp cho việc thực hiện tiêm chủng chính xác đến từng trẻ, từng mũi tiêm; giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ công tác phòng bệnh. Nếu hoạt động này không được thực hiện chính xác, đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá độ bao phủ tỉ lệ tiêm chủng, gây khó khăn trong việc dự báo, phòng chống dịch bệnh nếu xảy ra.

Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An mới đây đã chỉ đạo rõ tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020: Giải pháp quan trọng để nâng tỉ lệ tiêm chủng cần được thực hiện là TTYT, TYT cần tính toán thiết lập các điểm tiêm chủng gần với người dân hơn thay vì chỉ tổ chức tiêm ở TYT mà đưa về tiêm ở các cụm bản. TTYT cần hỗ trợ bác sĩ về tăng cường chuyên môn ở các điểm tiêm này. (13.10.2020, 1108)

2. “Lá chắn” bảo vệ sức khỏe nhân dân

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, bên cạnh nâng cao chất lượng điều trị, công tác phòng chống dịch bệnh, được ngành y tế Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Nhiều biện pháp khống chế dịch bệnh được triển khai, góp phần bảo vệ tốt sức khỏe người dân, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.

Đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương có đường biên giới với nước bạn Lào, có cảng biển nước sâu Vũng Áng, nhiều khu công nghiệp lớn tập trung các chuyên gia nước ngoài nhưng tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt và chặt chẽ. Chính nhờ yếu tố này mà Hà Tĩnh đã đảm bảo được mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, cán bộ nhân viên y tế từ tỉnh đến địa phương đã tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, góp phần cùng cả nước từng bước khống chế dịch bệnh.

TS. Nguyễn Lương Tâm - GĐ CDC Hà Tĩnh (đứng thứ 3 từ phải qua) thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Ngay từ sớm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) Hà Tĩnh đã kiện toàn 3 đội cơ động phòng chống dịch, tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 của ngành y tế, của tỉnh theo từng thời điểm và diễn biến của dịch. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn giám sát dịch COVID-19 cho cán bộ y tế tuyến huyện, thành phố, thị xã và toàn bộ cơ sở y tế trong toàn tỉnh.

TS. Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc TTKSBT Hà Tĩnh kể lại: Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh có 4 ca mắc COVID-19, cả 4 trường hợp đều là ca bệnh xâm nhập, là những người nhập cảnh từ Thái Lan và được cách ly, bao vây kịp thời, không có ca lẫy nhiễm và lây lan ra cộng đồng. Có được thành công này, chúng tôi nhận được sự ủng hộ và quan tâm rất lớn của tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành, đặc biệt là lực lượng Bộ đội biên phòng, công an đã đồng hành với ngành y tế giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ là “lá chắn” bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nói đến vất vả của cán bộ y tế dự phòng, không thể không nhắc đến cán bộ Khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế thuộc TTKSBT Hà Tĩnh. Đơn vị này có 2 bộ phận là Kiểm dịch y tế đường bộ (Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo) và Kiểm dịch y tế đường thủy (Kiểm dịch Cảng).

Là một trong những khoa chuyên môn thuộc tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc trung tâm, Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế đã tham mưu và triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, tập trung cao độ về nhân lực, vật tư, trang thiết bị cần thiết đảm bảo tất cả hành khách nhập cảnh, xuất cảnh qua biên giới và cảng biển đều được giám sát y tế, mỗi ngày thực hiện phân luồng, đo thân nhiệt, xử lý khử khuẩn phương tiện, khai báo y tế, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho hàng ngàn người làm thủ tục xuất nhập cảnh, hàng trăm phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu. Kiểm tra, giám sát 100% phương tiện nhập cảnh và xử lý vệ sinh phương tiện, hàng hóa theo quy định. Từ việc giám sát y tế, các cán bộ Khoa Kiểm dịch y tế đã khám phối hợp với các lực lượng chức năng lập danh sách phân luồng và phân các đối tượng phải cách ly y tế về các địa điểm cách ly theo quy định.

Hà Tĩnh là một trong số ít các địa phương được Bộ Y tế cho xét nghiệm COVID-19 sớm trong cả nước và được cấp phép đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR. Có được điều này là do lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh đã có tầm nhìn và dự báo được sự phức tạp của dịch nên ngay từ sớm, Khoa Cận lâm sàng của trung tâm đã được củng cố và đầu tư sớm. Cử cán bộ đi đào tạo tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, mời chuyên gia về tại đơn vị hướng dẫn để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR; xây dựng và chuẩn hóa phòng xét nghiệm khẳng định COVID-19 đạt chuẩn an toàn sinh học cấp II, có hệ thống áp lực âm, có đầy đủ trang thiết bị để vận hành từ khâu pha MIX, tách chiết virus, chạy PCR.

Xây dựng các bài giảng về kỹ thuật lấy mẫu, hướng dẫn An toàn sinh học để tổ chức 2 lớp tập huấn cho toàn bộ các cán bộ tham gia lấy mẫu của các tuyến bệnh viện và tuyến YTDP trong toàn tỉnh, từ đó xây dựng các quy trình chuẩn về lấy, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm nghi COVID-19 cho toàn tỉnh thực hiện.

Khi trung tâm được phép triển khai xét nghiệm COVID-19 với số lượng mẫu yêu cầu xét nghiệm quá nhiều, tập thể khoa phải gồng mình thay nhau vừa đi lấy mẫu tại các cơ sở, vừa làm xét nghiệm tại khoa. Mỗi người phải làm việc 20 tiếng đồng hồ/ngày, không có ngày nghỉ để đạt được số mẫu XN mong muốn và có kết quả sớm nhất có thể. Những ngày cao điểm, khoa làm xét nghiệm được 465 mẫu/ngày và lấy hơn 1.000 mẫu/ngày. Với áp lực công việc cao, nhiều hôm khoa phải xử lý, chạy mẫu đến 2- 3 giờ sáng để kịp trả lời kết quả ngày hôm sau. Số mẫu đối chiếu với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là 40 mẫu trùng khớp kết quả tương đồng, độ chính xác tuyệt đối, không xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

TS. Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc TTKSBT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng người làm y tế dự phòng phải theo dõi sâu sát dịch bệnh nói chung, không được lơ là, chủ quan. Hay nói cách khác, dự phòng phải luôn đi trước. Công tác y tế dự phòng nói chung và công tác phòng chống dịch nói riêng là vô cùng quan trọng, đóng vai trò là phòng tuyến vững chãi bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy có nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cán bộ y tế dự phòng khống chế tốt được nguồn lây, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Nhiều năm liền Hà Tĩnh không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Có được kết quả này, công tác phòng bệnh đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân bởi ý thức phòng bệnh của mỗi người đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng. (13.10.2020, 1261)

3. Cong vẹo cột sống ở tuổi học đường

Cột sống chính là phần trụ cột để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Nó tạo thành bộ khung nâng đỡ cơ thể, tạo cho con người có dáng đứng thẳng, bảo vệ tủy sống và các cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Theo nghiên cứu gần đây của Cục Quản lý môi trường y tế và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (năm 2019), tỉ lệ học sinh phổ thông bị mắc cong vẹo cột sống là 7,4%, tăng theo cấp học; tỉ lệ học sinh nữ bị cong vẹo cột sống cao hơn so với học sinh nam.

Tác hại của cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau lưng; hạn chế vận động của hệ thống cơ xương. Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến quá trình sinh đẻ của trẻ em nữ khi trưởng thành.

Nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống, trong đó 90% trường hợp cong vẹo cột sống là không rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học đã xác định được một số nguyên nhân gây cong vẹo cột sống là do bệnh cơ, do bệnh thần kinh, do những bất thường bẩm sinh của đốt sống và cột sống, do loạn dưỡng xương, do chấn thương...

Cong vẹo cột sống ở trường học thường phát sinh do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; chiếu sáng kém, bắt buộc học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết hoặc học nghề); do các tư thế xấu (đi, đứng, ngồi không đúng tư thế); cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi... Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn có thể do trẻ mắc các bệnh liên quan đến cột sống, thể trạng học sinh kém do ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương) hoặc do ngồi, đi đứng quá sớm.

Cần phát hiện sớm cong vẹo cột sống

Cán bộ y tế trường học, cha mẹ học sinh có thể khám sàng lọc cho học sinh và con em mình bằng những kỹ thuật đơn giản và dễ thực hiện.

Vẹo cột sống

Nơi khám phải bằng phẳng, đủ ánh sáng để người khám nhìn rõ. Cho học sinh cởi bớt quần áo, làm sao phần thân và hai chân để hở, tháo bỏ giày dép, đứng thẳng, hai gót chân chụm vào nhau.

Người khám ngồi trên ghế, cách lưng học sinh 0,5m với tư thế ngồi có thể nhìn vào chính giữa lưng và nhìn đều hai nửa cơ thể bên phải và bên trái cột sống.

Người khám quan sát hai bờ vai, hai mỏm xương bả vai, hai tam giác eo, mào chậu, hai thăn lưng. Trong trường hợp bị vẹo cột sống, người khám có thể nhìn thấy những bất thường như: vai cao vai thấp, hai vai dốc không đều; Xương bả vai nhô ra, bên cao bên thấp, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; Hai tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp; Hai mào chậu không cân đối, bên thấp bên cao. Trường hợp này có thể do chân dài chân ngắn dẫn đến lệch trọng tâm cơ thể và vẹo cột sống do tư thế; Để quan sát hai thăn lưng, người khám cho học sinh cúi xuống (hai tay duỗi thẳng, úp hai lòng bàn tay vào nhau và kẹp vào đầu gối hoặc chống hai bàn tay xuống ghế). Nếu có vẹo cột sống thì hai thăn lưng không cân đối, bên cao bên thấp hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoáy vặn, xương sườn lồi lên.

Cho học sinh cúi xuống, người khám dùng ngón tay miết dọc theo các gai đốt sống hoặc dùng bút, thỏi son đánh dấu các gai đốt sống. Sau đó, cho học sinh đứng thẳng, quan sát các điểm đánh dấu. Trong trường hợp bị vẹo cột sống, các đốt sống ít nhiều bị xoay vặn làm cho các gai đốt sống bị lệch, các điểm đánh dấu không nằm trên một đường thẳng mà bị lệch sang phải hoặc sang trái.

Cong cột sống

Người khám quan sát tư thế đứng bình thường của học sinh từ trái qua phải hoặc từ phải qua trái. Nếu bình thường, tư thế học sinh ngay ngắn, thân người được giữ thẳng, đầu ngẩng, hai bờ vai cân đối, bụng hơi căng, chân thẳng. Nếu bị gù thì lưng học sinh tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ. Nếu bị so vai, đầu ngả về phía trước, hai vai chùng xuống. Nếu côt sống giảm độ cong sinh lý (bẹt) thì có tư thế lưng thẳng, bụng xệ.

Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám chẩn đoán xác định và được tư vấn về các biện pháp dự phòng và điều trị kịp thời. (14/10/2020, 1007)

4. Bộ Y tế ban hành kế hoạch mới ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế

Bộ Y tế vừa Ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế, giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế, giai đoạn 2021 - 2025 được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các cơ sở y tế khác có hoạt động xét nghiệm vi sinh, hoạt động phát sinh chất thải lây nhiễm (sau đây viết tắt là cơ sở y tế) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý chất thải y tế.

Kế hoạch này không áp dụng đối với các sự cố môi trường do chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm, chất thải phóng xạ.

Mục đích của kế hoạch là phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải y tế. Chủ động ứng phó, ngăn chặn, xử lý kịp thời sự cố môi trường do chất thải y tế. Xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế, bảo đảm tính kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Kế hoạch nêu rõ, sự cố môi trường do chất thải y tế là sự cố rò rỉ, rơi vãi, tràn đổ, hỏng thiết bị xử lý chất thải, nước thải y tế, khí thải (từ phòng xét nghiệm vi sinh) làm phát tán chất thải lây nhiễm ra môi trường trong quá trình quản lý chất thải y tế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng.

Có 5 tình huống sự cố môi trường do chất thải y tế:

- Sự cố loại 1: Sự cố rò rỉ dịch thải, rơi vãi chất thải trong hoạt động chuyên môn y tế, thu gom chất thải từ nơi phát sinh về khu lưu giữ hoặc tại khu lưu giữ, xử lý chất thải trong cơ sở y tế.

- Sự cố loại 2: Sự cố hỏng thiết bị xử lý chất thải rắn y tế gây ùn ứ chất thải lây nhiễm trong cơ sở y tế; hỏng hệ thống xử lý nước thải y tế làm phát thải nước thải y tế chưa được xử lý ra môi trường.

- Sự cố loại 3: Sự cố hỏng hệ thống xử lý khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, làm phát thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc hỏng hệ thống lọc khí thải từ các phòng xét nghiệm, làm phát tán vi khuẩn, vi rút ra môi trường trong quá trình hoạt động tại các cơ sở y tế.

- Sự cố loại 4: Sự cố làm rơi vãi, phát tán chất thải lây nhiễm trong quá trình vận chuyển chất thải lây nhiễm từ các cơ sở y tế trong cụm về bệnh viện xử lý chất thải cho cụm để xử lý khi xảy ra tai nạn trên đường vận chuyển chất thải.

- Sự cố loại 5: Sự cố do lũ lụt xảy ra trong khu vực gây ngập, úng, làm phát tán chất thải lây nhiễm, nước thải y tế ra môi trường nước.

Các giải pháp được đề ra gồm: Xây dựng, ban hành các hướng dẫn về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế.

Kiểm tra, giám sát. Đào tạo, nâng cao năng lực, truyền thông về công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế.

Đảm bảo lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế... (14/10/2020, 677)

5. Nhóm kỹ sư Việt Nam sáng tạo cáng y tế áp lực âm tặng bệnh viện

Vượt qua 2000 dự án từ 79 quốc gia trên thế giới, cáng y tế áp lực âm made in Việt Nam do các kỹ sư của Đại học Bách Khoa Hà Nội sáng tạo đã nhận được tài trợ của Quỹ ứng phó với COVID-19, thuộc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Thành quả đầu tiên của nhóm nghiên cứu đã tặng cho Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Sáng ngày 14/10/2020 Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao tặng những chiếc cáng y tế áp lực âm đầu tiên tới bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Đây là một trong 4 sáng kiến của Việt Nam đã vượt qua gần 2.000 dự án từ 79 quốc gia trên thế giới để nhận được tài trợ của quỹ ứng phó COVID-19 thuộc tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) trị giá 1 triệu USD.

Dự án nghiên cứu, thiết kế và chế tạo cáng y tế cách ly áp suất âm cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 được khởi xướng bởi một nhóm gồm 5 nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ý tưởng về một chiếc cáng y tế cách ly áp suất âm được nảy sinh từ mong muốn của nhóm nghiên cứu trong việc hỗ trợ các nhân viên y tế và cộng đồng tránh khỏi các nguy cơ lây nhiễm chéo khi di chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19. Chiếc cáng đặc biệt này tạo ra một chiếc "mặt nạ" ngăn giữa không gian nhiễm khuẩn nơi bệnh nhân nằm với không gian bên ngoài.

Tại lễ Trao cáng y tế áp lực âm của nhóm nghiên cứu cho Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ- Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: "Đây là món quà quý đối với chúng tôi trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch COVID-19. Trong đợt bùng phát dịch gần đây tại miền Trung, hơn 50 nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã tham gia hỗ trợ y tế miền Trung. Trong quá trình đó, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị không thuộc lĩnh vực y tế, đó là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu .... Họ  đã sản xuất và hỗ trợ cho các y bác sĩ chúng tôi những thiết bị thiết yếu trong công tác chống dịch, chúng tôi rất biết ơn vì điều đó. Sản phẩm này sẽ được Khoa cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận sử dụng, và trong quá trình sử dụng các bác sĩ sẽ tiếp tục đóng góp  cho các nhà khoa học hoàn thiện sản phẩm hơn nữa".

Ông Jean-Marc Lavest, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương  của AUF chia sẻ, Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có 9 dự án được lựa chọn thì có tới 4 dự án là của các nhóm nghiên cứu từ Việt Nam. Với sản phẩm này, người Việt Nam lại cho thế giới thấy sức sáng tạo không ngừng của mình.

Ông Jean-Marc Lavest nhận định: "Tại nhiều quốc gia, vai trò của trường đại học chưa được đánh giá đúng mức. Với nhiệm vụ thúc đẩy các sáng kiến nghiên cứu và đổi mới của các trường đại học, chúng tôi cho rằng Đại học thực sự là động lực phát triển của xã hội, có thể tham gia cung cấp giải pháp cho các thách thức toàn cầu. Đóng góp thiết thực của những dự án được chúng tôi lựa chọn tài trợ trong khuôn khổ quỹ ứng phó COVID-19 là minh chứng sống động cho vai trò của khối Đại học trong sự phát triển toàn cầu."

Phát biểu tại lễ Trao cáng áp lực âm cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, chúng tôi rất vui và cảm ơn vì nhận được sự hỗ trợ của cả xã hội trong cuộc chiến chống COVID-19. Sự hỗ trợ lần này là niềm mơ ước của chúng tôi từ lâu. Chúng tôi từng trải qua nhiều tiếng đồng hồ bên bệnh nhân COVID-19 để chăm sóc họ, đặc biệt trải qua hàng chục tiếng bay đón công dân từ Guinea về... Các thiết bị này giúp đảm bảo an toàn cho chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ.

PGS.TS. Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trưởng dự án cho biết, bệnh viện- nơi tập trung rất nhiều người bệnh và luôn là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Virus với kích thước rất nhỏ phần lớn nằm trên các giọt dịch bay lơ lửng trong không khí nên nguy cơ lây nhiễm chéo của các cán bộ y tế là rất cao.

"Với chiếc cáng áp lực âm, tất cả không khí phải đi qua màng lọc hiệu suất cao mới ra ngoài được. Vì vậy không khí quanh cáng vận chuyển bệnh nhân hoàn toàn là không khí sạch. Cáng cũng được thiết kế khéo léo nhằm đem lại cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu, thoải mái. Để có thể cho ra đời được một sản phẩm hoàn thiện trong thời gian gấp rút 3 tháng, nhóm nghiên cứu đã nhận được rất nhiều tư vấn về chuyên môn từ các bác sỹ thuộc bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế thuộc Bộ Y tế", PGS.TS. Phan Trung Nghĩa chia sẻ.

Về vật liệu, nhóm dự án đặt mục tiêu làm ra một sản phẩm thiết thực, từ những vật liệu đơn giản, giá thành rẻ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, dễ sử dụng, phù hợp với người Việt Nam và có khả năng tái sử dụng. (14/10/2020, 1028)

6. Bộ Y tế: Bảo đảm cấp cứu, điều trị, phòng chống dịch bệnh trong mưa lũ ở miền

Để chủ động ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ lụt tại khu vực Trung Bộ còn diễn biến hết sức phức tạp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung rà soát các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để bảo đảm công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn.

Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ lụt và bão số 7, sáng ngày 14/10, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công điện số 1625/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh đến Phú Yên và các Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung về việc triển khai công tác y tế ứng phó mưa, lũ lụt và bão số 7.

Công điện cho biết, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 14/10/2020, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Từ sáng 14/10, trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng vùng ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14-16/10 khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Để chủ động ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ lụt tại khu vực Trung Bộ còn diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Y tế (Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu các vụ/cục, cơ quan Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ lụt, đặc biệt là cơn bão số 7 để bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để bảo đảm công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn.

Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng, chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân khi cần. Triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Khẩn trương khắc phục các cơ sở y tế bị ngập (vệ sinh, điện, nước sạch...) để sớm đưa vào khám bệnh, chữa bệnh.

Duy trì chế độ trực các đội cấp cứu cơ động; các tổ đội cơ động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và các đơn vị y tế khác, chủ động phối hợp với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương, để thống nhất phương án hỗ trợ, cấp cứu, điều trị các nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hướng, tổn thất do thiên tai, đặc biệt là sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.

Các cơ sở y tế rà soát lượng dự trữ thuốc, hóa chất và vật tư y tế kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư cần thiết.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu và khả năng bảo đảm y tế của địa phương và đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ khi vượt quá khả năng của địa phương (qua các vụ/cục chuyên môn và Văn phòng thường trực BCH Phòng chống thiên tai Bộ Y tế; ĐT: 024.62732027; fax 024.62732207, Email: pcthbyt@gmail.com ) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ quyết định; (15.10.2020, 881)

7. Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhiều y bác sĩ, trung tâm tim mạch hàng đầu thế giới sẽ tham dự đại hội, trong khuôn khổ chương trình, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ tổ chức các khóa đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ và điều dưỡng viên cả nước là những điểm mới của kỳ đại hội năm nay.

Chiều ngày 14/10, Hội tim mạch học Việt Nam đã tổ chức họp báo thông báo Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17. Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 16-18/10  với chủ đề “Tim mạch trong kỷ nguyên mới- Biến thách thức thành cơ hội”.  Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay Hội Tim mạch Việt Nam đã quyết định tổ chức Đại hội và Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 dưới hình thức trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Họp báo Đại hội tim mạch Toàn quốc lần thứ 17

Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế ở 4 phân hội lớn trong nước và 5 hiệp hội và bệnh viện quốc tế tham dự.  Thông qua 108 báo cáo viên là các Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch học trên toàn thế giới, Hội tim mạch sẽ mang tới 10 kênh hội thảo trực tuyến phát liên tục với hơn 12 kênh đào tạo liên tục cùng 91 phiên báo cáo khoa học. Các kênh đào tạo liên tục là điểm mới của kỳ đại hội lần này, sẽ đem đến cơ hội cho hàng trăm y bác sĩ, điều dưỡng tuyến y tế cơ sở có cơ hội được  đào tạo với các chuyên gia hàng đầu về tim mạch.

Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.  Tổ chức Y tế thế giới  ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân tích luỹ ngày một nhiều. Hiện Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hoá.

Tuy nhiên dịch bệnh COVID-19  đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức với việc các quốc gia áp dụng các biện pháp phong toả và hạn chế , việc chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh trong dó có bệnh lý tim mạch của người dân cũng bị ảnh hưởng, người dân hạn chế đi  khám bệnh.

Theo PGS. TS Phạm Mạnh Hùng,  Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Quốc gia, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, theo thống kê tại Mỹ, trong 6 tháng đầu xảy ra đại dịch COVID-19, số bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim ở Mỹ giảm 30% so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ tử vong lại tăng lên. “Tại Việt Nam mặc dù chưa có thống kê, nhưng theo các bác sĩ số bệnh nhân đến khám bệnh nói chung và bệnh tim mạch nói riêng tại các cơ sở y tế đã giảm đáng kể”, PGS Hùng nói.  Nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi tâm lý mà ngại đi khám bệnh.  Dịch bệnh COVID-19  đang  đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, nhưng  với phương châm  biến những thách thức đó thành cơ hội, Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 17 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

PGS. TS Phạm Mạnh Hùng  cho rằng: “Việc  hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giúp các y bác sĩ ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Việt Nam  cũng có thể tiếp cận được. Các y bác sĩ tuyến cơ sở  có cơ hội được tiếp cận với các y bác sĩ đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực tim mạch. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thông qua  các bài giảng, trao đổi  trực tuyến với chúng ta”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Tổng thư ký Hội tim mạch học Quốc gia cho rằng, tại Đại hội, các báo cáo viên từ châu Âu, Mỹ, khu vực ASEAN … sẽ tham gia các phiên họp trực tuyến và cung cấp các bài báo cáo mô phỏng giống y phiên họp trực tiếp.  Các đại biểu tham gia hội nghị có thể vào trang web chính thức của Đại hội,  để lựa chọn các kênh để  tham gia trực tiếp vào các phiên họp.

Hội tim mạch là một trong những hội đầu tiên ứng dụng nền tảng họp trực tuyến đề tiến hành một kỳ Đại hội với quy mô lớn, kết nối hàng nghìn chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch ở trong và ngoài nước.  Đại hội sẽ mang đến các bài báo cáo với nhiều chủ đề được quan tâm trong lĩnh vực tim mạch như tăng huyết áp, tim bẩm sinh, suy tim….. Đây là cơ hội giúp các y bác sĩ trao đổi, cập nhật, và đào tạo những kiến thức mới  nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh lý tim mạch, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng trên khắp cả nước. (15.10.2020, 960)

8. Rửa tay thường xuyên giúp phòng ngừa COVID-19 và giảm 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp

Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp dự phòng COVID-19 có hiệu quả, chi phí thấp, và có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên với xà bông/xà phòng/dung dịch rửa tay khô... có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp.

Từ ngày 8/10 - 15/10/2020, Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI Việt Nam) phối hợp với Sở Y Tế và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Ninh tổ chức tuần lễ rửa tay nhằm hưởng ứng ngày thế giới rửa tay với xà phòng 15/10 tại các nhà máy trên địa bàn, tiếp cận hơn 15.000 công nhân.

Trong hai giai đoạn của cuộc chiến với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực quản lý và triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như dự thảo mở cửa đường bay quốc tế, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn.

Chính vì vậy, các biện pháp dự phòng cá nhân cần được duy trì để ngăn ngừa dịch bệnh. Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp dự phòng COVID-19 có hiệu quả, chi phí thấp, và có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên với xà bông/xà phòng/dung dịch rửa tay khô... có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp.

Tuần lễ rửa tay hưởng ứng ngày thế giới rửa tay với xà phòng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà máy và công nhân với số lượng tiếp cận khoảng 15.000 người tham gia thông qua các kênh truyền thông và 4.000 người tham gia trực tiếp tại sự kiện với những hoạt động ý nghĩa như ghi dấu tay cam kết rửa tay với xà phòng, hướng dẫn thực hành rửa tay với thiết bị rửa tay di dộng và trao tặng các sản phẩm dự phòng như dung dịch rửa tay khô, khẩu trang cho người tham dự.

Chương trình là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng” (viết tắt là PEPHER) do Bộ phát triển quốc tế Anh (DFID) và các đối tác đồng tài trợ, được PSI Việt Nam thực hiện trên 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên với mục tiêu  nâng cao kiến thức và áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng; tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân để giảm thiểu ca mắc COVID-19 thông qua việc đẩy mạnh các biện pháp dự phòng và củng cố hệ thống giám sát quốc gia. Dự án dự kiến tiếp cận khoảng 6.5 triệu người, bao gồm các y bác sĩ, dược sĩ tại các cơ sở y tế tư nhân và người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tới khám chữa bệnh hoặc mua thuốc.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Giám đốc PSI Việt Nam chia sẻ, PSI nhận thấy chuỗi sự kiện này là cơ hội tốt để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các thói quen vệ sinh đơn giản nhưng có ý nghĩa cao trong công tác dự phòng dịch bệnh. Đây cũng là một trong những thông điệp mà dự án PEPHER muốn truyền tải tới cộng đồng. Và chúng tôi cũng rất vui khi thấy các cá nhân cũng như đối tác khối tư nhân đã có những hành động thiết thực, chung tay cùng chính phủ trong cuộc chiến với dịch COVID-19.

Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) là tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1970, hiện diện tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2005, PSI đã sử dụng các kỹ thuật tiếp thị xã hội để cải thiện các hành vi sức khỏe liên quan đến nước và vệ sinh an toàn, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, lao, HIV / AIDS, viêm gan C, sốt rét và sức khỏe sinh sản... (15.10.2020, 784)

9. Chuyển mùa, trẻ mắc viêm đường hô hấp tăng đột biến

Thời tiết lạnh như hiện nay tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, nhất là cúm, bệnh đường hô hấp...

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời tiết lạnh, ẩm thấp thường kèm với nguy cơ cao mắc bệnh cảm lạnh hoặc cúm. Đây là đợt cao điểm của các chứng bệnh như viêm họng, ho và sổ mũi.

Virus tồn tại và sinh sôi nảy nở nhanh chóng ở điều kiện nhiệt độ thấp gây ra sự bội nhiễm cho con người. Thêm vào đó, thời tiết lạnh hơn có thể làm giảm phản ứng miễn dịch, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mắc bệnh ở người - nhất là ở trẻ nhỏ.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp tăng đột biến, tập trung ở nhóm tuổi từ 1 - 3 tuổi.

Phần lớn trẻ nhập viện với bệnh cảnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi họng, phế quản, viêm phổi. Căn nguyên gây bệnh thường gặp là virus theo mùa như cúm A, virus hợp bào hô hấp... Trên cơ địa trẻ bị nhiễm những loại virus này, thì dễ xảy ra hiện tượng bội nhiễm kèm theo.

Bác sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Số bệnh nhân đông nên chúng tôi, phần lớn các ca bệnh ở trẻ lây qua đường hô hấp nên chúng tôi điều trị, cách ly tại 2 cơ sở tại Giải Phóng và Kim Chung, Đông Anh.

Trong số này, đa phần là đều không nặng, chỉ điều trị căn nguyên. Tuy nhiên, có một số trường hợp phải can thiệp thở máy, dùng kháng sinh liều cao.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp. Ảnh: D.Hải.

Theo bác sĩ Đặng Thị Thúy, các bệnh đường hô hấp ở trẻ mắc phải xử trí không quá phức tạp, kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý trẻ sẽ mau khỏi bệnh. Với các trường hợp trẻ không được chăm sóc, điều trị viêm phổi kịp thời, trẻ có thể bị bội nhiễm kèm theo, nhiễm khuẩn huyết... khiến bệnh lâu khỏi, thời gian nằm viện dài ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

“Từ tình trạng ban đầu chỉ đơn giản là ứ đọng đờm dãi, các cháu có thể bị bội nhiễm viêm tai giữa, bội nhiễm viêm phế quản phổi, và thậm chí là tình trạng nặng hơn như nhiễm khuẩn huyết.... Do đó, cha mẹ không tự ý điều trị cho con” - BS Thúy cho hay.

Để phòng các bệnh đường hô hấp, bác sĩ Đặng Thị Thúy khuyến cáo: Cha mẹ cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ.

Chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, tránh tụ tập đông người. Người lớn cần hướng dẫn trẻ rửa tay và thậm chí là rửa đồ chơi của trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi.

Các virus gây bệnh đường hô hấp lây lan qua giọt bắn. Vì vậy, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Hạn chế tối đa việc người lớn hôn má trẻ vì có thể lây bệnh.

Nếu trẻ ốm nên cách ly chăm sóc tại gia đình, việc này sẽ giúp chăm sóc trẻ tốt hơn và tránh lây lan cho người khác.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Rất nhiều người không hề biết rằng, chỉ cần vài biện pháp đơn giản có thể ngăn ngừa ốm vô cùng hiệu quả. Bất kì ai cũng không nên chủ quan với sức khỏe của mình khi trời lạnh.

Cần biết cách bảo vệ, giữ gìn sức khỏe, giữ ấm cơ thể, ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Hạn chế ăn đồ ăn lạnh dễ khiến cơ thể bị lạnh.

Phải rửa tay thường xuyên bởi virus lây từ người sang người và rửa tay có thể ngăn chặn sự lây lan.

Vệ sinh cá nhân hàng ngày nhưng phải ở nơi kín gió và có thiết bị sưởi hoặc ủ ấm để tránh nhiễm lạnh. Tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh; rèn luyện sức khỏe hàng ngày...

Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh để tránh nguy cơ bị trúng gió, cảm lạnh.

Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. (16.10.2020, 807)

10. Ngành y tế Quảng Bình khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ

Do nước lũ lớn gây ngập lụt diện rộng và sau khi lũ đi qua, nguy cơ dịch bệnh và thiếu nước sinh hoạt đang đe dọa cuộc sống của rất nhiều người dân trên địa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Ngay sau khi lũ rút, lực lượng y tế địa phương đã nhanh chóng tập trung ngay về các địa bàn cơ sở, nơi dễ xảy ra dịch bệnh sau lũ.

Tại vùng rốn lũ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lúc này, mọi con đường vào xã đều lầy lội bùn đất, rác thải và nước lũ vẫn còn đọng lại. Khó ai có thể hình dung được rằng nơi đây chỉ mấy ngày trước gần như toàn xã đều bị nhấn chìm trong lũ. Và cuộc sống của người dân lúc này còn bừa bộn và đầy rẫy những thiếu thốn trong mưa lũ. Mất điện, thiếu nước sạch, thực phẩm, vệ sinh môi trường ô nhiễm khiến người dân nơi đây vốn đã khó khăn nay càng thêm khó khăn hơn. Lúc này, thứ đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây là dịch bệnh và thiếu nguồn nước sinh hoạt.

Theo thống kê, trên địa bàn các huyện Minh Hóa, có 545 hộ dân bị ngập, 331 giếng nước bị nước lũ tràn vào và một số trạm y tế bị lũ chia cắt hoàn toàn... Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều cố gắng duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đồng thời di chuyển trang thiết bị, thuốc, hóa chất... đến nơi an toàn, không để thiệt hại lớn về mặt tài sản do lũ, lụt.

Tại đây, lực lượng y tế địa phương cùng phối hợp với người dân vừa triển khai công tác khắc phục hậu quả bão lũ, đồng thời tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường nơi sinh sống với phương châm nước rút đến đâu phun hóa chất, xử lý nguồn nước đến đó.

Trước đó, ngành y tế Quảng Bình đã cấp một cơ số thuốc phòng chống lụt bão cho Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa, 10.000 viên paracetamol 0,5g; 1.000 viên clarithromycin 250mg; 1.000 viên cotriseptol 480ml; 400 chai glucose 5% 500ml; 2.000 viên vitamin 3B;  500 ống natri clorid 0,9%10ml; 200 ống natri clorid 0,9% 50ml; 400 chai ringer lactat 500ml. Ngay sau khi nước rút, ngành y tế cũng đã cử nhiều đoàn công tác về trực tiếp chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở khắc phục hậu quả cơn bão số 6 và hướng dẫn người dân xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt.

BS. Nguyễn Tuấn Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa, Quảng Bình cho biết: Ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã cử trực tiếp cán bộ về tại các vùng trọng điểm kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các trạm y tế triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ; đồng thời hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt cách xử lý vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã xuất 20.000 viên cloramin B; 5.000 viên aquatas để xử lý cho hơn 500 hộ dân, trong đó trên 300 giếng bị ngập trong lũ. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch và cấp cho các trạm y tế có nguy cơ ngập lũ cao các cơ số thuốc, hóa chất để xử lý nguồn nước, phục vụ công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh giúp cho người dân có kiến thức cơ bản trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe, hạn chế các loại dịch bệnh dễ phát sinh sau mưa, lũ.

Mặc dù dịch bệnh chưa xảy ra sau lũ lụt, nhưng với điều kiện môi trường và thời tiết hiện nay khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất dễ xảy ra. Hiện nay, với tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế Quảng Bình đã và đang tích cực chỉ đạo lực lượng y tế địa phương tăng cường các hoạt động giám sát dịch tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời cử cán bộ y tế về tận cơ sở để giúp dân làm sạch môi trường, khử trùng nguồn nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện sớm để xử lý triệt để các điểm dịch. Đặc biệt, chủ động chuẩn bị các cơ số thuốc, vật tư, hóa chất sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. (16.10.2020, 819)

11. Dịch COVID-19: Quản lý chặt người nhập cảnh trong khu cách ly tập trung

Ngày 15/10/2020, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi Công điện số 1640/CĐ-BCĐ đến Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Tăng cường quản lý người nhập cảnh trong các khu cách ly tập trung.

Theo đó, Ban Chỉ đạo nhận định, trong thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 là các chuyên gia từ Liên Bang Nga, Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên việc quản lý các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là vấn đề thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với các chuyên gia tại các cơ sở cách ly chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số địa phương.

Việc quản lý các trường hợp nhập cảnh còn lỏng lẻo, có hiện tượng người từ bên ngoài vẫn có thể vào khu cách ly và tiếp xúc với người đang cách ly dẫn đến nguy cơ làm lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương mục tiêu kép của Chính phủ và thành quả phòng chống dịch của cả nước.

Để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh, đặc biệt là đối với các trường hợp là chuyên gia vào Việt Nam làm việc, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan ra cộng đồng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.

Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 trước khi làm thủ tục nhập cảnh đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo đúng các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.

Đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh không để lây nhiễm trong thời gian thực hiện cách ly và tại các cơ sở cách ly, đặc biệt lưu ý không cho phép người không có nhiệm vụ vào khu vực cách ly và tiếp xúc với người đang thực hiện cách ly, người đang cách ly không được ra khỏi khu cách ly và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Sau khi kết thúc thời gian thực hiện cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và yêu cầu các trường hợp nhập cảnh hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân. (16.10.2020, 531)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến