Hôn mê, suy hô hấp vì ngộ độc khí CO từ máy phát điện
10/09/2024 | 09:22 AM
|
Sau cơn bão số 3, sáng ngày 9/9, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Đáng chú ý có 2 trường hợp ngộ độc khí CO trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch.
Cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do ngộ độc khí CO. |
Thông tin từ người nhà bệnh nhân, 3 bệnh nhân bị ngộ độc khí CO trong 1 gia đình (trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), độ tuổi từ 12 tuổi đến 27 tuổi, đều ngủ trong phòng kín qua đêm có máy phát điện.
Trong đó, một bệnh nhân nữ 24 tuổi và một bệnh nhi nam 12 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng, tiên lượng nguy kịch.
Qua khai thác thông tin bệnh lý, thăm khám các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc khí Co do máy phát điện thải ra, tiến hành cấp cứu bằng các phương pháp hồi sức tích cực, xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy...
Một trường hợp bệnh nhân 27 tuổi ngộ độc khí CO nhẹ, tiếp xúc tốt, không có biểu hiện suy hô hấp. Hiện tại, các bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Y học biển Việt Nam (tại Hải Phòng) để tiếp tục điều trị.
Ba trường hợp khác là trẻ nhỏ trong gia đình (trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) nhập viện với tình trạng choáng váng, đau đầu, khó thở, chóng mặt, được theo dõi điều trị ngộ độc khí CO do máy phát điện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy. Hiện tại tình trạng sức khỏe của các trẻ ổn định.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Mai, Khoa Thần kinh-Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp. Do đó, rất khó nhận biết được sự có mặt của chúng trong không khí. Khi hít phải, khí CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất oxy trong máu. Nạn nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực.
|
Bệnh nhân ngộ độc khí CO đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy. |
Ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…”.
Thời điểm sau cơn bão số 3 hoành hành gây sự cố mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt. Trước thực trạng nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí CO từ máy phát điện, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân sử dụng máy phát điện nên để ở phòng có luồng không khí lưu thông để khí thải thoát ra ngoài, không để trong phòng kín, hoặc máy phát nên để riêng biệt với khu phòng ở.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ…, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà. Đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.
Nguồn: nhandan.vn
Tin liên quan
- Thừa Thiên Huế ghi nhận 2 ca sốt rét ngoại lai
- Cần làm gì để phòng ngừa nhiễm phế cầu?
- Trung tâm Ung bướu Thái Bình chuyển mình nhờ chuyển giao nhiều kỹ thuật từ tuyến trên
- Hà Nội chuyển giao các trung tâm y tế về Ủy ban nhân dân cấp quận quản lý
- Phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u tuyến giáp “khủng” cho nữ bệnh nhân
- Thêm một em bé được thông tim can thiệp bào thai chào đời khoẻ mạnh
- Tiền Giang ghi nhận ca sốt xuất huyết tử vong đầu tiên trong năm 2024