Quy định mới nhất của Bộ Y tế về phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị thuộc ngành
02/10/2024 | 14:01 PM
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký ban hành Thông tư 17/2024/TT-BYT quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị ngành y tế.
Nguyên tắc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế
Thông tư này quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế gồm: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; dân số, sức khỏe sinh sản; các dịch vụ công khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Thông tư này không áp dụng đối với đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y tế thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Thông tư 17/2024/TT-BYT quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị ngành y tế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2024.
Theo Thông tư, việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế thực hiện theo quy định tại điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế thực hiện theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập
Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ
Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước gồm: nghiên cứu chiến lược, chính sách; thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các hoạt động sự nghiệp công phục vụ chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật;
Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính:
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Việc xác định mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế quy định tại khoản này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật có liên quan.
Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập:
Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Chính phủ;
Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập bởi chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cho biết Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2024. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Về trách nhiệm thi hành, Thông tư của Bộ Y tế nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được hướng dẫn hoặc xem xét, giải quyết.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Hơn 21.000 thầy thuốc trẻ tình nguyện khám bệnh cho trên 1 triệu lượt người dân
- Đáp ứng cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
- Giới trẻ được coi là đối tượng đích của các công ty thuốc lá
- Thiếu vaccine làm chậm tiến độ chống dịch đậu mùa khỉ ở Congo
- Canada: Thiếu niên nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người hiện đang trong tình trạng nguy kịch
- Bệnh nhân ghép tim xuyên Việt thứ 12 ở Huế xuất viện
- Nhiều cán bộ y tế đăng ký hiến tặng mô, tạng