BÀI VIẾT A+ A A- "Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ VI - 2015": GS.TS. NGUYỄN TRƯỜNG SƠN - CỐNG HIẾN HẾT MÌNH CHO NGÀNH Y HỌC BIỂN VIỆT NAM

18/09/2015 | 06:36 AM

 | 

Với mong muồn, khát khao ngay khi còn là một sinh viên y khoa, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam đã nguyện công hiến trọn đời cho công tác nghiên cứu y học biển - một lĩnh vực còn rất mới tại Việt Nam. Ông là một trong số người đặt nền móng cho ngành Y học biển nước nhà và là Trưởng Khoa Y học biển Trường Đại học Y Dược Hải Phòng; Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam, thành viên Hội Y học biển Quốc tế và thành viên Hội đồng khoa học Y học biển Quốc tế.
GS.TS. Nguyễn Trường Sơn tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ VI năm 2015

GS.TS Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1955, tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam. Ngay khi còn đi học, người học trò tên Sơn đã ấp ủ mơ ước trở thành người thầy thuốc để chữa bệnh cho mọi người. Mong ước cùng với sự nỗ lực vượt bậc đã giúp ông hoàn thành ước mơ của mình. Năm 1973, ông đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội với số điểm rất cao. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp, ông đứng trước hai sự lưa chọn ở lại Hà Nội hoặc về cơ sở hai của Trường ở Hải Phòng. Ông đã chọn về với thành phố biển mà sau này ông cho đó là cái duyên số của ông với ngành Y học biển Việt Nam. Lý giải về “cái duyên nghiệp” của mình, ông cho biết: “tôi là một trong số 17 cán bộ, giáo viên đầu tiên về xây dựng cơ sở II, đến năm 1985 trở thành Phân hiệu của Trường đại học Y Hà Nội và đến năm 1998 trở thành Trường Đại học Y Hải Phòng. Từ một Tổ trưởng Bộ môn sinh lý học (1980) đến năm 1999 Trưởng Bộ môn Y học biển và nay là Trưởng Khoa Y học biển. Từ năm 1980 đến năm 1994 được   giao nhiệm vụ xây dựng Khoa Chẩn đoán chức năng (Bệnh viện Việt - Tiệp, Hải Phòng) nhằm tạo điều kiện cho sinh viên vừa học tập vừa thực hành và giữ chức vụ Trưởng Khoa cho đến năm 1994 trở về Trường xây dựng Trung tâm Y học và môi trường biển của Trường và chuyên ngành Y học biển. Trước khi về Hải Phòng, tôi được GS. Lê Thành Uyên, người thày có rất nhiều ảnh hưởng tới sự nghiệp khoa học của tôi sau này định hướng cho một số vấn đề, trong đó có gợi ý đến công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng biển - một chuyên ngành ở các quốc gia có biển đã có từ lâu nhưng ở nước ta thì chưa. Tôi đã đi theo con đường đó, tập trung nghiên cứu chuyên ngành y học biển, một ngành mới của nền y học Việt Nam”. Năm 1988, ông được cử đi học sau Đại học chuyên ngành Y học Biển tại Viện Y học Biển và Nhiệt đới nước Cộng hòa Ba Lan. Tại đây, ông đã không ngừng học tập, tìm hiểu và nghiên cứu. Khi về nước ông đã đề xuất và tham mưu với Trường Đại học Y Hải Phòng thành lập Đơn vị đầu tiên Nghiên cứu về Y học Biển. Đây được xem là bước ngoặt có tính chiến lược về mặt cơ sở lý luận cũng như phát triển nguồn lực về y học biển sau này.

Năm 2001, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 930/2001/QĐ-BYT về việc thành lập Viện Y học biển trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở Trung tâm Y học và Môi trường biển - Đại học Y Hải Phòng. GS.TS. Nguyễn Trường Sơn được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng, phụ trách Viện, Quản lý Điều hành Viện Y học Biển. Đến năm 2003, Viện Y học biển Việt Nam đã chính thức được xác định là Viện sự nghiệp y tế trong Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan chỉ đạo tuyến, chuyên khoa cao nhất của Ngành. Tháng 10/2003, Viện được Bộ Y tế phê duyệt Dự án xây dựng mới Viện với đầy đủ các Phòng chức năng và các Khoa chuyên môn đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ Bộ giao. Năm 2004 GS.TS. Nguyễn Trường Sơn chính thức được bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam. Dù ở trên cương vị quản lý hay nhà khoa học, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn đã có những đóng góp to lớn cho chuyên ngành Y học biển Việt Nam.

Trong vai trò một nhà khoa học - thầy thuốc, từ năm 1980 đến nay, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn đã có trên 100 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế; 36 đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, thành phố và cơ sở đã được công bố và nghiệm thu. Trong đó, ông tập trung nghiên cứu chuyên sâu vào các vấn đề nhằm phát triển chuyên ngành Y học biển như: Y học Hàng hải; Y học thủy sản; Y học du lịch biển; Y học dưới nước và cao áp, Y học dầu khí xa bờ; Y học hải đảo và vùng duyên hải; Y học môi trường biển; Dịch tễ học đường biển; Ứng dụng Tele-Medicine trong cấp cứu và phòng chống thảm họa biển. Trong đó, Y học hàng hải chủ yếu là nghiên cứu về các chứng bệnh như say sóng, rối loạn tâm thần kinh của người đi biển dài ngày. Nói tới những đề tài này, ông rất tâm đắc và chia sẻ: tôi và đồng sự đã nghiên cứu nhiều về cơ chế say sóng qua biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng say sóng. Trong đó, nhóm có ba đối tượng say sóng khác nhau là: không say sóng bẩm sinh, say sóng bẩm sinh và sau sóng trung gian. Từ đó, tôi đã có nhiều hướng nghiên cứu và đề tài có ý nghĩa thực tiễn. Ngoài ra, về y học thủy sản chủ yếu là nghiên cứu về môi trường, bệnh nghề nghiệp thường thấy. Y học du lịch biển thì khá quen thuộc, chủ yếu là đối tượng cấp cứu tai nạn. Bên cạnh đó là một số hướng nghiên cứu môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc một số bệnh lý mang tính đặc thù liên quan đến y học dầu khí xa bờ cũng như y học hải đảo và ven biển. Một trong những lĩnh vực  y học biển được Ông đặc biệt quan tâm là lĩnh vực Y học dưới nước và cao áp và các ứng dụng của nó trong việc điều trị rất có hiệu quả nhiều loại bệnh lý khác nhau ở lâm sàng như cấp cứu các tai biến lặn biển của ngư dân, của những người lặn biển khác, cấp cứu các trường hợp ngộ độc các loại khí độc như CO2, CO, tắc mạch do bóng khí, tai biến mạch não, vết thương, vết loét khó liền, hoại thư sinh hơi…Phương pháp này hiện nay đang được triển khai ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn còn nghiên cứu về phát triển tổ chức mạng lưới cơ sở y tế biển, đảo, đáp ứng yêu cầu cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho người lao động và nhân dân trên biển, đảo. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về y tế biển; Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách về y tế biển - đảo.

Trên cương vị lãnh đạo Viện Y học Biển Việt Nam từ ngày đầu thành lập cho đến nay, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn đã giúp cho Viện phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Từ những ngày đầu thành lập Viện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến nay, Viện y học Biển Việt Nam đã có một cơ sở khang trang, được trang bị hiện đại. Viện có 07 Phòng chức năng, 08 Khoa chuyên môn và 2 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Đào tạo Y học biển, Trung tâm tiếp nhận, cấp cứu, khám và điều trị các bệnh đặc thù cho các lao động và nhân dân trên biển, đảo. Tổng số cán bộ nhân viên, viên chức: 163 người; trong đó 01 Giáo sư, tiến sĩ; 01 Tiến sĩ, 01 bác sĩ chuyên khoa II, 03 NCS, 22 thạc sỹ và bác sĩ chuyên khoa I; 2 bác sĩ nội trú... Viện đã triển khai và hoàn thành xuất sắc các đề tài nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khoa học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động biển. Năm 2012, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Y học biển đã cùng các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế và các viện nghiên cứu khác tham gia và là đơn vị thường trực của Ban soạn thảo Đề án “Phát triển y tế biển đảo đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt ngày 7/2/2013. Hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu cấp Bộ, đề tài cấp Thành phố và cấp cơ sở về lĩnh vực Y học biển. Tất cả các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học biển đều được áp dụng thực tiễn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho công đồng lao động và dân cư trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Ông cũng đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường lao động trên biển đến sự phát sinh bệnh tật đặc thù của người lao động, qua đó đề xuất các giải pháp khả thi để đảm bảo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các lao động và người dân khu vực biển, đảo đạt hiệu quả cao nhất. Lĩnh vực y học cao áp lâm sàng (ôxy cao áp) cũng được Viện nghiên cứu sâu và đã triển khai áp dụng trong việc điều trị cấp cứu cho người bị tai nạn lặn biển và đuối nước, cũng như hàng loạt các bệnh nội, ngoại khoa khác với thành công ngoài dự tính như cấp cứu ngộ độc CO, CO2, ngộ độc khói cháy, tai biến mạch não, bỏng, vết loét ngoại khoa và đái tháo đường... Mới đây, Viện đã cấp cứu, điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân bị hôn mê do tai biến nhồi máu não bằng phương pháp trị liệu ô xy cao áp (HBOT). Đối với người dân vùng biển, Viện Viện Y học Biển đã là một điểm tựa vững chắc trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Không chỉ là một nhà khoa học giỏi nghề, tận tụy; một nhà quản lý năng động, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn còn tích cực trong công tác giảng dạy, đào tạo bác sĩ trẻ, tham gia hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho nhiều sinh viên, cán bộ trẻ, trong đó rất nhiều em đã đạt các giải thưởng tiêu biểu trong các Hội nghị Khoa học tuổi trẻ ở các trường Y - Dược trên toàn quốc, tham gia biên soạn chương trình tài liệu và trực tiếp giảng dạy môn Y học biển cho các sĩ quan hàng hải và thuyền viên Việt Nam, đào tạo nhiều lớp chuyên khoa định hướng sau tốt nghiệp về y học biển cho cả ba miền, chương trình có sự phối hợp với các giảng viên của Cộng hòa Pháp, Tây Ban Nha. Ông đã hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh cho các học viên Học viện Quân y, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Đại học Y Hải Phòng, và hàng chục luận văn thạc sỹ và bác sỹ chuyên khoa cấp II, hầu hết các luận văn, luận án trên hầu hết đều được thực hiện  tại Viện Y học biển…

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, những đóng góp to lớn cho chuyên ngành Y học biển, ông đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hàng chục bằng khen của các bộ, ngành, huy chương vì sự nghiệp sức khỏe nhân dân, vì sự nghiệp giáo dục, vì sự nghiệp khoa học, kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển tâm lý giáo dục Việt Nam, vì sự nghiệp an ninh và năm 2013 được công nhận là Chiến sỹ thi đua toàn quốc và là cá nhân điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ VI.


Thăm dò ý kiến