Cứu sống bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 sau gần 4 tháng điều trị tích cực

14/08/2014 | 01:37 AM

 | 

Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp tính nặng vì cúm A/H1N1, mọi phương pháp điều trị, kể cả thở máy đều không đáp ứng, diễn biến bệnh nhân ngày càng nặng, đe dọa tử vong đến 80%....

 14-8-14 thanhtuu 1.png
Bệnh nhân Trịnh Xuân Tư xuất viện trong niềm vui của cả bác sĩ, gia đình đã cứu chữa được ca bệnh nặng. Ảnh: H.Hải

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân Trịnh Xuân Tư (64 tuổi, Ninh Giang, Hải Dương) được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng viêm phổi có cúm A. 

Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, vào viện tỉnh với triệu chứng ho, húng hắng ho nhưng chỉ sau 1 ngày điều trị phổi đã viêm nặng, suy hô hấp cấp tính nặng, có suy giảm miễn dịch nặng và có nấm máu, bội nhiễm nấm phổi.

“Sau 3 ngày điều trị, tình trạng tổn thương phổi tiếp tục tăng lên, suy hô hấp nặng, diễn biến lâm sàng tiếp tục xấu, tiên lượng tử vong trên 80%. BV đã áp dụng các kỹ thuật thở máy cao cấp nhưng không đáp ứng. Vì vậy, các bác sĩ quyết định can thiệp bằng ECMO. Sau 11 ngày thở ECMO, phổi hồi phục 1 phần, BN được cai máy ECMO và tiếp thục thở máy, sau gần 20 ngày được cai máy thở”, BS Cấp cho biết.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với ca bệnh đầu tiên tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương được triển khai thành công bằng kỹ thuật ECMO  sẽ mở ra phương thức điều trị mới cho những bệnh nhân nặng do các bệnh truyền nhiễm trong tương lai. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà rất nhiều dịch bệnh đe dọa như cúm gia cầm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS CoV, thậm chí cả bệnh do vi rút Ebola nếu xâm nhập vào Việt Nam. Các thầy thuốc sẽ có thêm một vũ khí mới để cứu chữa những bệnh nhân tổn thương phổi nặng.

Theo BS Cấp, trong vụ dịch cúm A/H1N1 năm 2009, cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã có nhiều trung tâm hồi sức lớn trên thế giới triển khai kỹ thuật ECMO cứu sống thêm nhiều bệnh nhân cúm có tổn thương phổi nặng. 

 

Một nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân tổn thương phổi rất nặng, nếu thở máy thường quy thì chỉ cứu sống được 37% nhưng nếu triển khai ECMO thì có thể cứu sống tới 53%.

14-8-14 thanhtuu 2.png
Diễn biến bệnh nặng tiên lượng 80% là tử vong, cuối cùng bệnh nhân đã qua hiểm nguy, hoàn toàn khỏe mạnh, bình phục. Ảnh: H.Hải

Người nhà bệnh nhân Trịnh Xuân Tư chia sẻ, giai đoạn đầu khi bệnh nhân mới nhập viện, cả nhà cứ nghĩ ông không thể qua khỏi bởi lúc nào cũng trong tình trạng đe dọa tính mạng vì viêm phổi nặng, thở máy, nằm mê man trên giường bệnh. “Khi bác sĩ quyết định can thiệp bằng ECMO, cả nhà cũng rất lo lắng nhưng quyết tâm còn cơ hội thì còn thử. Thật may mắn, diễn biến bệnh tốt lên từng ngày, ông đã bình phục hoàn toàn. Gia đình rất xúc động trước sự chăm sóc, quan tâm đặc biệt của các y bác sĩ trước ca bệnh nặng này và đã cứu sống bố tôi”, con trai trưởng của bệnh nhân xúc động nói.


Thăm dò ý kiến