Bộ Y tế quyết liệt nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

13/05/2021 | 16:34 PM

 | 

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có quy mô dân số hơn 17 triệu người, nhưng cách đây không lâu chưa có phòng xét nghiệm nào. Nhận thấy đây là điểm yếu có thể ảnh hưởng xấu tới những nỗ lực phòng, chống COVID-19 nên Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ cả về trang thiết bị, nhân lực, chuyên môn, kỹ thuật. Đến nay khu vực này đã có 25 phòng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, với công suất 29.000 mẫu/ngày.

Do dịch bệnh COVID-19 có đặc tính lây lan nhanh, thậm chí có những người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không/chưa có biểu hiện lâm sàng, do đó biện pháp phát hiện bằng xét nghiệm là vấn đề khoa học, y học bằng chứng để khoanh vùng, dập dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải thiết lập mạng lưới xét nghiệm nhanh, đầy đủ của cả nước, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ công tác phòng chống dịch, với vai trò được giao là đơn vị chuyên môn chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã ngay lập tức rà soát, kiểm tra thực trạng của các tỉnh và có phương án hỗ trợ phù hợp.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô dân số hiện là hơn 17 triệu người, từ chỗ chưa có phòng xét nghiệm nào, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt và sự hỗ trợ toàn diện của Bộ Y tế cả về trang thiết bị, nhân lực, chuyên môn, kỹ thuật, đến nay khu vực này đã có 25 phòng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, với công suất 29.000 mẫu/ ngày.

Trong hệ thống mạng lưới này, các tỉnh, thành phố có tính chất trung tâm, đầu mối của khu vực như Cần Thơ và Kiên Giang, mỗi địa phương đã có 4 phòng xét nghiệm SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long vận hành thử hệ thống xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR.   Ảnh: Báo Tin tức

So với quy định của Bộ Y tế là 1.000 mẫu/ ngày trên 1 triệu dân, với công suất xét nghiệm hiện nay của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đáp ứng được nhu cầu giám sát, trong trường hợp nhu cầu tăng cao có sự hỗ trợ của  các đơn vị tuyến cuối và trung ương, trong đó có Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.

Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, thực hiện chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 cho tỉnh vào cuối tháng 4/2021, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã cử các chuyên gia đến hỗ trợ, chia sẻ về chuyên môn, kỹ thuật cho các cán bộ chuyên ngành xét nghiệm của tỉnh Vĩnh Long.

Với sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hiện tỉnh Vĩnh Long đã đưa vào hoạt động phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại BVĐK Vĩnh Long có khả năng đáp ứng 1.000 mẫu/ngày, đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm cho CDC Vĩnh Long thông qua việc thiết lập tại đây 1 phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng có công suất 1.000 mẫu/ngày

Như vậy, hiện tại Vĩnh Long có thể thực hiện được quy mô 2.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2/ ngày, đạt mức yêu cầu của Bộ Y tế (1.000 mẫu/1 triệu dân).

Đây là điều kiện thiết thực góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại tỉnh, giúp đẩy nhanh việc sàng lọc các trường hợp nguy cơ, để Vĩnh Long kịp thời, triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 hiệu quả hơn, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống dịch của Chính phủ.

Đối với vấn đề xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin: Bộ Y tế đã chỉ đạo tổng thể đánh giá, rà soát lại và đã ban hành nhiều chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch. Bộ Y tế cũng đã có những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm COVID-19, sử dụng nhiều loại sinh phẩm và nhiều cách thức tiếp cận, như sử dụng kháng nguyên nhanh trong sàng lọc, sử dụng gộp mẫu ở mức độ nhiều mẫu, sử dụng kháng thể…

Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo việc rà soát lại tất cả những người đã nhập cảnh trong thời gian qua, những người hoạt động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, tiến hành xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể ở những người này để đánh giá và tìm kiếm nguồn lây.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng công suất xét nghiệm, chỉ tính riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay đã thực hiện 306.138 mẫu xét nghiệm, trong đó ghi nhận 643 ca dương tính. Đối với các địa phương, Bộ Y tế cũng đã và liên tục yêu cầu phải đảm bảo nâng công suất xét nghiệm. Cuối tuần này Bộ Y sẽ tổ chức tập huấn tiếp tục về công tác xét nghiệm để nâng cao năng lực xét nghiệm trên toàn tuyến.

Đến nay, toàn quốc có 175 phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó, có 125 phòng đủ năng lực xét nghiệm khẳng định./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến