Kiến tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu
11/10/2024 | 10:31 AM
|
Gần đây, thuật ngữ hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu được Bộ Y tế sử dụng trong bối cảnh khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân và cộng đồng. Việc sử dụng thuật ngữ hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu xuất phát từ những xu hướng chuyển đổi có tính chất toàn cầu, đòi hỏi mạng lưới chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam cần có những đổi mới phù hợp.
Nhờ được đầu tư xây mới, cán bộ y tế Trạm y tế xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La có điều kiện tốt hơn để chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
Trong tuyên ngôn Astana 2018 với nội dung "Tầm nhìn chăm sóc sức khỏe ban đầu trong thế kỷ 21", cộng đồng quốc tế đã đưa ra khái niệm mới về chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Theo đó, chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm ba thành tố liên quan chặt chẽ với nhau: đáp ứng nhu cầu sức khỏe thông qua chăm sóc toàn diện; giải quyết các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua các chính sách và hành động liên ngành; trao quyền cho cá nhân, gia đình và cộng đồng để tối ưu hóa sức khỏe của họ.
Trong ba thành tố của chăm sóc sức khỏe ban đầu nêu trên, nếu thành tố đầu tiên chủ yếu liên quan tới các can thiệp y tế (đòi hỏi đổi mới về mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu) thì hai thành tố sau liên quan chủ yếu tới việc huy động, giải phóng các tiềm năng con người và vật chất để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Khuyến khích sự tham gia của nhiều bên PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể được hiểu là một hệ thống hay mạng lưới mở, bao gồm các thành tố đa dạng (tổ chức, cơ quan nhà nước, các tổ chức phát triển quốc tế, các đối tác đa phương và song phương, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các tổ chức phi chính phủ và khối tư nhân…); có sự liên kết và tương tác linh hoạt với nhau thông qua cơ chế hợp tác cùng có lợi (đó có thể là lợi ích xã hội như cải thiện sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản; có thể là lợi ích kinh tế như tăng doanh thu, lợi nhuận; hay lợi ích sức khỏe), cùng hướng tới tầm nhìn và giá trị cốt lõi chung của hệ sinh thái là cải thiện sức khỏe thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Như vậy nội hàm cơ bản của hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu là mạng lưới mở (để tiếp tục dung nạp các thành tố mới) của các bên liên quan (không bó hẹp ở hệ thống công mà được mở rộng ra ngoài khu vực nhà nước và khối tư nhân) được vận hành nhờ sự tương tác linh hoạt giữa các bên liên quan thông qua cơ chế hợp tác gắn kết lợi ích (riêng) nhưng cùng hướng tới lợi ích chung.
Ngoài ra, với khái niệm hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu, người ta còn muốn nhấn mạnh tới khả năng tự điều chỉnh, liên tục đổi mới và hoàn thiện để thích ứng với những thay đổi ngoại cảnh của hệ sinh thái này.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện vẫn còn nhiều hạn chế liên quan việc khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan. Khái niệm phối kết hợp liên ngành cho chăm sóc sức khỏe thường chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là sự cộng tác giữa các ban, bộ, ngành trong hệ thống công mà chưa chú ý tới các thành tố ngoài công lập.
Mặt khác, khi nói tới huy động sự tham gia của mạng lưới ngoài công lập, chúng ta thường chỉ chú trọng khía cạnh huy động nguồn lực tài chính bổ sung mà chưa thấy được các tiềm năng khác có thể giải phóng, khai thác (ý tưởng, sáng kiến, bí quyết công nghệ, mạng lưới kết nối, hỗ trợ kỹ thuật…).
Bên cạnh đó, chúng ta thường thuyết phục sự tham gia các bên liên quan thông qua việc nhấn mạnh mục tiêu chung (tốt đẹp) các bên cần hướng tới (như cải thiện thực trạng sức khỏe của người dân) mà chưa quan tâm đúng mức tới việc phân tích những lợi ích tiềm năng của từng bên liên quan có thể đạt được.
Sự tham gia của khối tư nhân cho chăm sóc sức khỏe ban đầu rất hạn chế do cách nhìn nhận đây là phân đoạn thị trường kém hấp dẫn về lợi nhuận, sự hỗ trợ của tư nhân cho chăm sóc sức khỏe ban đầu thường có tính chất phong trào, tượng trưng (tài trợ một số sự kiện liên quan tới chăm sóc sức khỏe ban đầu) cho nên lúc có, lúc không; lúc nhiều lúc ít, hoàn toàn không bảo đảm tính liên tục, tính ổn định và khả năng duy trì bền vững.
Phát huy vai trò người dẫn dắt Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt trong hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu, bởi hai lý do cơ bản. Thứ nhất, chăm sóc sức khỏe ban đầu là dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, thiết yếu nhất mà Nhà nước có trách nhiệm (bổn phận) phải bảo đảm cho người dân. Thứ hai, Nhà nước có vị thế chiến lược (về pháp lý cũng như về tính chính danh) để thực hiện những hoạt động thiết yếu cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm: Việc hoạch định chính sách; huy động và điều phối nguồn lực; giám sát sự vận hành.
Từ phân tích đó, Nhà nước cần thực hiện vai trò của người định hướng (thông qua việc xác định tầm nhìn chung về chăm sóc sức khỏe ban đầu), người kiến tạo, bảo trợ (thông qua việc tạo không gian và cơ chế cho sự hợp tác cùng có lợi giữa các bên liên quan), và người theo dõi, kiểm soát sự vận hành của hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu (thông qua các quy định giám sát đánh giá, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan…).
Thời gian qua, Bộ Y tế đã xác định quyết tâm tìm tòi những cách tiếp cận mới mang tính sáng tạo nhưng tuyệt đối không nóng vội, không tham vọng. Việc triển khai thực hiện các mô hình mang tính sáng tạo cần được thực hiện thận trọng, có đánh giá tổng kết khoa học và có lộ trình thực hiện phù hợp.
Việc thuyết phục, huy động sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan nhằm kiến tạo một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu cần được thực hiện theo nguyên tắc phát triển từng bước (với phương châm chắt chiu từng bước đi nhỏ để tạo nên bước tiến lớn, chắt chiu từng kết quả nhỏ để tạo nên thành quả lớn, chắt chiu từng cơ hội nhỏ để tạo nên vận hội lớn), bắt đầu từ những mô hình hợp tác thực địa được minh chứng thành công để thuyết phục các đối tác tham gia.
Trong thời gian gần đây, Vụ Kế hoạch-Tài chính đã hợp tác với Tập đoàn Norvatis triển khai thực hiện thí điểm mô hình sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở.
Giai đoạn 1 (2019-2022): Thông qua sáng kiến hợp tác này, 281 nghìn người dân tại 7 tỉnh đã được cung cấp dịch vụ truyền thông giáo dục sức khỏe và khám sàng lọc nguy cơ tăng huyết áp và tiền đái tháo đường; 1.434 cán bộ y tế tuyến cơ sở đã được đào tạo nâng cao năng lực dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm.
Sáng kiến hợp tác đã phát huy hiệu quả rất cao trên thực địa, khắc phục được những hạn chế mà nhiều can thiệp quản lý các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở gặp phải tại nhiều địa phương.
Sáng kiến hợp tác đã bảo đảm hiệu quả mục tiêu "3 không": Không bỏ lọt đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm thông qua can thiệp sàng lọc chủ động và sàng lọc cơ hội; không bỏ sót đối tượng mắc các bệnh không lây nhiễm qua việc bảo đảm toàn bộ các đối tượng nghi ngờ qua sàng lọc đều được gửi tới dịch vụ chẩn đoán xác định; và không mất dấu bệnh nhân thông qua hệ thống thông tin 2 chiều hiệu quả giữa Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế cấp xã.
Giai đoạn 2 (2023-2024), từ những kết quả thành công trên thực địa của sáng kiến hợp tác giữa Vụ Kế hoạch-Tài chính và Tập đoàn Norvatis đã thuyết phục Ngân hàng Thế giới cùng tham gia hỗ trợ để tiếp tục mở rộng mô hình này trong khuôn khổ Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Hiện nay, mô hình này đang được Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) đánh giá về tính hiệu quả, sự phù hợp, đồng thời tiếp tục tham vấn các đối tác phát triển để tìm cơ hội mở rộng sự tham gia trong việc triển khai mô hình này trên quy mô lớn hơn.
Bên cạnh sự tham gia của các đối tác phát triển, cần có cơ chế khuyến khích để khối tư nhân có thể đạt được những lợi ích mong đợi khi tham gia hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu như tạo cơ hội xâm nhập phân đoạn thị trường mới hay mở rộng thị phần tại phân đoạn thị trường có sẵn.
Chẳng hạn, chính sách khuyến khích việc thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe (luyện tập thể chất, chế độ ăn uống lành mạnh…) có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân cung cấp các sản phầm hay dịch vụ có liên quan (như giày đi bộ, xe đạp, thiết bị luyện tập cá nhân, bể bơi, sản phẩm dinh dưỡng…).
Tất nhiên, thị phần chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp cho từng đơn vị sản phẩm (để bảo đảm sự tiếp cận cho số đông người dân), nhưng ngược lại, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ quy mô thị trường lớn hơn.
Nhưng có lẽ lớn hơn lợi nhuận là sự ghi nhận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong môi trường toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nỗ lực giảm tác động tiêu cực tới môi trường và nâng cao trách nhiệm xã hội đang được xem là xu thế toàn cầu và được coi là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp./.
Nguồn: Nhandan.vn
Tin liên quan
- Bộ trưởng Y tế đề xuất có Nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói về 'giữ chân' cán bộ y tế, quản lý thực phẩm chức năng
- TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10
- Thời gian xét nghiệm trung bình giảm từ 3 giờ còn 1 giờ
- Bộ Y tế yêu cầu 2 bệnh viện liên quan đến phản ánh 'bát nháo khám sức khoẻ' xác minh, xử lý sai phạm
- Chuyên gia chỉ nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt vẫn khiêm tốn
- Những thách thức trong quy định và thực thi chính sách về thuốc lá mới