SẠM DA NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH XĂNG DẦU VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

24/08/2008 | 05:00 AM

 | 

Bệnh sạm da nghề nghiệp là một trong 25 bệnh nghề nghiệp được Nhà nước bảo hiểm. Bệnh xuất hiện nhiều ở một số ngành nghề như xây dựng, luyện than cốc, đặc biệt là ngành xăng dầu.

SẠM DA NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH XĂNG DẦU

VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

Cục Y tế dự phòng và Môi trường

Bệnh sạm da nghề nghiệp là một trong 25 bệnh nghề nghiệp được Nhà nước bảo hiểm. Bệnh xuất hiện nhiều ở một số ngành nghề như xây dựng, luyện than cốc, đặc biệt là ngành xăng dầu. Thực hiện kế hoạch tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã chỉ đạo Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường tiến hành hoạt động “Điều tra thực trạng và yếu tố nguy cơ bệnh sạm da nghề nghiệp”.

Hoạt động đã được tiến hành ở ba công ty là Công ty Xăng dầu khu vực I (Hà Nội), Công ty Xăng dầu khu vực II (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Hà Tây). Đối tượng nghiên cứu là 1100 công nhân làm việc tiếp xúc trực tiếp với xăng, dầu có thời gian công tác từ 5 năm trở lên. Các đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn, khám lâm sàng và làm xét nghiệm đo liều sinh học để xác định các trường hợp sạm da nghề nghiệp.

Kết quả hoạt động cho thấy:

- Về nhận thức, hầu hết người công nhân đều thấy được tác hại của xăng dầu đối với sức khỏe (98,7%), có tới 98,9% người công nhân cho rằng xăng dầu có thể gây ra bệnh nghề nghiệp và 97,9% công nhân cho răng xăng dầu có thể gây ra bệnh sạm da nghề nghiệp.

- Ý thức về sử dụng trang thiết bị phòng hộ cá nhân trong khi làm việc: có 67,9% công nhân sử dụng khẩu trang, 57,5% công nhân sử dụng găng tay và 35,5% công nhân sử dụng khăn che mặt.

- Về tỷ lệ hiện mắc bệnh sạm da nghề nghiệp chung (năm 2007) là 17,6%, trong đó số công nhân là nam giới chiếm 19,4%, số công nhân là nữ giới chiếm 15,3%. Số công nhân có tuổi nghề từ 11 năm trở lên thì bị mắc bệnh sạm da nghề nghiệp nhiều (92,5%) trong tổng số công nhân bị mắc bệnh sạm da nghề nghiệp.

Từ kết quả của Hoạt động, đểthực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đặc biệt là bệnh sạm da nghề nghiệp,cần tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

1/ Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở sản xuất kinh doanh làm thay đổi nhận thức và hành vi của người sử dụng lao động, người lao động.

2/ Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhỏ người lao động sử dụng đầy đủ và đúng qui cách các trang bị phòng hộ cá nhân, nhằm bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

3/ Cần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ người lao động và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.