CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM BỤI SILSÍC BẢO VỆ SỨC KHOẺ NGƯỜI LAO ĐỘNG
30/07/2008 | 05:00 AM
Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi silíc chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Bệnh gây nên bởi sự hít thở phải bụi có chứa tinh thể dioxyt silíc, thông thường nhất là thạch anh.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM BỤISILSÍC
BẢO VỆ SỨC KHOẺ NGƯỜI LAO ĐỘNG
ThS.. Đinh Xuân Ngôn
Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường
Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi silíc chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Bệnh gây nên bởi sự hít thở phải bụi có chứa tinh thể dioxyt silíc, thông thường nhất là thạch anh. Người lao động làm việc trong các ngành, nghề có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi silíc là khai thác mỏ, đào đường hầm, sản xuất vật liệu xây dựng, đúc, làm công việc mài mòn (phun cát), đồ gốm, khai thác khoáng sản và làm thuỷ tinh. Cho đến nay, bệnh bụi phổi silíc vẫn là bệnh không chữa được nên biện pháp dự phòng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Dưới đây là một số biện pháp dự phòng cơ bản, tuỳ từng ngành nghề, công việc, điều kiện sản xuất mà có thể áp dụng biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khoẻ người lao động.
Các biện pháp kỹ thuật làm giảm ô nhiễm bụi
-Biện pháp thay thế: thay thế những nguyên liệu độc hại bằng những nguyên liệu ít hoặc không độc hại.Có thể thay thế cát silíc bằng olivine (Mg, Fe)2SiO4 ít độc hại hơn.
-Thay đổi quy trình sản xuất để hạn chế phát sinh bụi. Cơ giới hoá, tự động hoá để tránh tiếp xúc với bụi.
-Biện pháp thông khí: bao gồm thông khí chung (đưa không khí sạch vào để hoà loãng không khí bị ô nhiễm rồi sau đó hút không khí bị pha loãng đó ra bằng quạt hút) và thông khí hút cục bộ (hút bụi bằng một chụp hút rồi đẩy không khí có chứa bụi ra ngoài qua các ống dẫn bằng quạt đẩy).
-Biện pháp cách ly: những nguồn phát sinh nhiều bụi được che chắn, cách ly để hạn chế bụi phát tán ra các công đoạn, bộ phận khác.
-Biện pháp làm ẩm: những nơi bụi nhiều (bộ phận xay, nghiền, khoan, ...) nếu điều kiện kỹ thuật cho phép có thể phun nước, tưới ẩm nguyên, vật liệu; dùng quạt phun sương làm ẩm không khí nhằm làm giảm nồng độ bụi môi trường.
Biện pháp hành chính
-Tổ chức dây chuyền sản xuất hợp lý. Bố trí nơi làm việc gọn gàng, ngăn nắp. Làm vệ sinh mặt bằng sản xuất thường xuyên.
-Tổ chức các lớp về vệ sinh an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động, khuyến cáo các tác hại do bụi silíc gây ra và các biện pháp bảo vệ.
-Thường xuyên kiểm tra môi trường lao động. .Đo nồng độ bụi, đặc biệt là nồng độ bụi hô hấp. Phân tích hàm lượng silíc tự do trong bụi.
Biện pháp cá nhân
-Đeo khẩu trang ngăn bụi (loại có hiệu suất lọc bụi hô hấp cao ). Nơi làm việc có nồng độ bụi và hàm lượng silíc tự do trong bụi cao thì phải sử dụng bán mặt nạ hoặc mặt nạ lọc bụi .
Biện pháp y tế
-Tổ chức khám tuyển công nhân vào lao động trong những ngành nghề tiếp xúc với bụi nhiều theo đúng những tiêu chuẩn khám tuyển đã qui định.
-Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng năm. Những bộ phận sản xuất mà công nhân phải tiếp xúc với bụi nhiều và hàm lượng silíc trong bụi cao thì phải khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần, khám phát hiện sớm bệnh bụi phổi silíc nghề nghiệp.
Trong các biện pháp trên, các biện pháp kỹ thuật là mong muốn nhất và hiệu quả nhất, có thể kiểm soát được ô nhiễm bụi tại nguồn để làm giảm tiếp xúc cho người lao động. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thực hiện được các biện pháp này bởi các lý do về kinh tế, kỹ thuật và điều kiện sản xuất.
Ở nước ta hiện nay, biện pháp cá nhân sử dụng khẩu trang chống bụi được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên hiệu quả ngăn bụi của khẩu trang cần phải xem xét bởi người lao động chủ yếu sử dụng khẩu trang bằng vải thông thường hoặc màn xô. Ưu điểm của các loại khẩu trang này là giá thành rẻ, trở lực hô hấp thấp, có thể sử dụng được nhiều lần nhưng hiệu suất lọc bụi không cao. Một số loại khẩu trang nhập ngoại hoặc sản xuất trong nước có hiệu suất lọc bụi cao thì giá thành lại đắt (15-20.000đồng/chiếc), chỉ sử dụng được một lần hoặc trở lực hô hấp cao gây khó thở cho người lao động khi làm việc thể lực nặng nhọc. Để sử dụng khẩu trang có hiệu quả, cần nghiên cứu để lựa chọn loại khẩu trang thích hợp cho mỗi loại ngành nghề.
Những người làm công tác y học lao động, trong quá trình giám sát, đánh giá môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ đề xuất, khuyến nghị các biện pháp dự phòng phù hợp, khả thi cho từng cơ sở sản xuất để bảo vệ sức khoẻ người lao động.
Tin liên quan
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Ngộ độc nhôm do dùng phèn chua liên tục chữa hôi nách nhiều năm
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?
- Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp
- Danh sách 35 nhóm bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2023
- Bổ sung COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
- Từ ngày 1/3 tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện độc hại