Bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất của mangan (Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH)
31/08/2022 | 09:53 AM
|
Bệnh Nhiễm độc Mangan nghề nghiệp thường được phát hiện ở người lao động phải làm việc nhiều trong môi trường có bụi, hơi mangan hoặc hợp chất mangan ở nồng độ cao quá giới hạn cho phép (MnO2 là 0,0003mg/l).
1. Những công việc có thể gây bệnh:
– Thường gặp ở một số ngành nghề như: hàn điện, hàn các điện cực bằng sắt và mangan. Khai thác quặng: các thao tác tạo nên nồng độ bụi nhỏ mịn cao nhất và nguy hiểm nhất là khoan, đập nhỏ quặng, bắn mìn, nhất là khoan bằng hơi nén qua các vỉa đá của quặng. Trong quy trình khai thác, nhiễm độc thường xảy ra ở công nhân xay, nghiền, sàng và sấy khô.
– Trong công nghiệp luyện sắt thép, hơi khói bốc lên khi quặng Mn nóng chảy có hàm lượng Mn cao nên cực kỳ độc hại.
– Nhiễm độc mangan xuất hiện sau một thời gian tiếp xúc nghề nghiệp với bụi hay hơi bioxyt man gan từ 2 năm cho tới trên 20 năm.
2. Biểu hiện của bệnh:
– Các triệu chứng về thần kinh rõ rệt nhất và là chủ yếu. Lúc đầu thường là nhức đầu, suy nhược, ngủ kém, rối loạn thăng bằng, dáng đi vụng về, ngượng ngập. ở giai đoạn bệnh phát triển sẽ có những triệu chứng giống hội chứng Packinson, run tay nhẹ còn làm được việc, nhưng sau đó run nặng, bệnh nặng thêm, không lao động và tự phục vụ được.
– Việc phát hiện bệnh sớm cũng chỉ chủ yếu dựa vào các triệu chứng như: nhức đầu, ngủ kém, dáng đi ngập ngừng.
– Nhiễm độc mangan có thể gặp ở nhiều thể. Thể phổ biến nhất là thể thần kinh. Ngoài ra, còn gặp các rối loạn nội tiết, huyết học, tiêu hoá, các tổn thương gan, thận, phổi, mũi họng.
3. Cách phòng chống:
– Biện pháp kỹ thuật: tổ chức hệ thống thông hút gió, hút bụi và hơi khí độc tại nguồn phát sinh. Trong mỏ mangan phải thay thế khoan khô bằng khoan ướt. Loại trừ bụi và hơi khí mangan ra khỏi môi trường lao động…
– Biện pháp y tế: khám tuyển để loại những người có tổn thương ở hệ thần kinh, phổi, rối loạn ở máu hay các cơ quan bài tiết không để họ tiếp xúc với mangan. Khám định kỳ : 6 tháng/lần đối với công nhân làm việc dưới hầm lò, sử dụng khoan máy, xay nghiền, sàng… 1năm/lần đối với công nhân làm việc ở nơi tiếp xúc với mangan.
– Tổ chức lao động hợp lý: tại các mỏ mangan nhất là đối với thợ khoan, cần tổ chức chuyển ca sang làm việc một thời gian ở nơi không phải tiếp xúc với mangan giúp cho quá trình giải độc tự nhiên tiến hành có hiệu quả hơn.
– Đối với cá nhân: sử dụng trang bị bảo vệ đường hô hấp (như mặt nạ) trong từng thời gian ngắn khi tiếp xúc nguy hiểm với mangan. Thực hiện vệ sinh cá nhân, sau lao động phải tắm rửa, thay quần áo lao động và cấm ăn uống tại nơi lao động./.
Theo: Trung tâm Ứng phó sự cố an toàn môi trường
Tin liên quan
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Ngộ độc nhôm do dùng phèn chua liên tục chữa hôi nách nhiều năm
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?
- Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp
- Danh sách 35 nhóm bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2023
- Bổ sung COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
- Từ ngày 1/3 tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện độc hại