Bệnh rung chuyển nghề nghiệp (Thông tư liên bộ số 29-TTLB)

19/09/2022 | 15:34 PM

 | 

Với các biểu hiện như tê, đau nhức tay, dị cảm tay khi tiếp xúc nhiệt…rất ít người lao động ở Việt Nam biết rằng, đó là những dấu hiệu lâm sàng của chứng bệnh liên quan đến nghề nghiệp với tên gọi: Bệnh rung chuyển nghề nghiệp.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ – Bác sĩ Trịnh Hồng Lân – Trưởng khoa Sức khỏe Lao động, Bệnh nghề nghiệp, Viện Y tế công cộng TP. HCM để tìm hiểu thêm về căn bệnh này.

–  Thưa bác sĩ, hiện nay bệnh rung chuyển nghề nghiệp còn là một bệnh khá xa lạ đối với người lao động, bác sĩ có thể cho biết bệnh này thường gặp ở đối tượng lao động nào?

Bệnh rung chuyển nghề nghiệp cục bộ thường diễn ra ở đối tượng công nhân phải dùng các dụng cụ hơi nén cầm tay như búa, dùi, búa tán, ri vê, chày đục phá khuôn, đúc khuôn, máy khoan đá; sử dụng các máy chạy bằng động cơ nổ, loại cầm tay, như máy cưa, máy cắt cỏ; hay tiếp xúc với các vật gây rung chuyển theo đường tay khác như tời khoan dầu khí; mài nhẵn các vật kim loại (tì vật mài lên đá mài xoay tròn)… có tần số rung cao từ 15 Hz trở lên, biên độ hay vận tốc vượt quá giới hạn tối đa cho phép.

Các công nhân khi làm việc bằng những máy cầm tay gây rung mạnh như vậy, người công nhân phải có một sự cố gắng nhất định để giữ máy ở tư thế thích hợp, sự cố gắng này đòi hỏi các cơ bắp phải co bóp mạnh và thường xuyên. Sự căng hệ thống cơ tay tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền rung động tới toàn chi trên và vai, dẫn tới sự co rút cơ, phát sinh chuột rút và nặng hơn có thể bị teo cơ

.

–  Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể chia sẻ thêm về các loại bệnh rung chuyển nghề nghiệp và biểu hiện của bệnh?

Các nhà nghiên cứu đã chia những tổn thương xương khớp ở chứng bệnh này thành bốn loại chính: các tổn thương có hốc nhỏ: hầu hết ở xương cổ tay và thường là xương cá và xương bán nguyệt, các tổn thương này hay gặp nhất (40% các trường hợp) và là điển hình nhất. Lồi xương và dị vật: Dị vật nối khớp (thường ít gặp) là hiện tượng những mảnh xương nhỏ hoặc những mảnh sụn nằm ở trên đường liên khớp hoặc có khi có dạng hình cựa gà, hình gai làm cho mặt khớp bị biến dạng và chúng xuất hiện như những dị vật chưa bong ra khỏi khớp. Lồi xương và gai xương ở quanh khớp hay gập nhiều hơn và khu trú phần lớn ở khuỷu tay, hiếm thấy ở cổ tay.

Chúng thường xuất hiện dưới dạng là những cấu tạo xương nhỏ bám tréo vào ròng rọc và lõi cầu, có dạng hình dẹt hoặc mỏng mảnh, đôi khi là những u xương thực sự. Hiện tượng này được nhiều nhà nghiên cứu giải thích do sự bão hòa các gân của những cơ khớp xung quanh gần chỗ chúng bám vào xương. Hiện tượng yếu xương và biến dạng cấu trúc xương: Hiện tượng này thường được quan sát thấy ở khuỷu tay, phần dưới của xương cánh tay phình ra và dày thêm, toàn bộ hoặc từng phần bờ xương bị gồ ghề hoặc cấu trúc xương bị biến đổi (màng ngoài xương bị mất đi, hoặc bị cứng đặc).

 Còn phần ở xương cổ tay thì xương thuyền, xương cá và xương bán nguyệt có hiện tượng thay đổi hình dáng và cấu trúc của xương khá nhiều. Hiện tượng hoại tử xương bán nguyệt: là bệnh do chấn thương xương bán nguyệt, bệnh này có đặc trưng là xương bị thoái hóa gây ra vẹt khớp hoặc gai khớp đôi khi có thể gãy xương do lún. Hiện tượng này có thể xuất hiện sớm sau một chấn thương nặng hoặc cũng có thể xuất hiện sau một thời gian dài của một chấn thương nào đó mà không được để ý

.Ngoài những ảnh hưởng về xương và khớp, rung động cục bộ tần số cao còn gây ra những rối loạn mạch máu và vận máu.

 Theo thống kê của Seyring đã cho thấy: 4% công nhân có những rối loạn mạch máu sai hai năm làm việc tiếp xúc với rung cục bộ, tỷ lệ này tăng lên đột ngột tới 48% vào những năm thứ ba và đạt tới 61% sau 10 năm làm việc

.– Thưa bác sĩ, với những hậu quả do bệnh gây ra thì người lao động cần những biện pháp nào để phòng ngừa bệnh này?

Để phòng tránh và giảm nguy cơ bệnh rung chuyển nghề nghiệp, người lao động cần được trang bị những kiến thức cần thiết về những tác động của các loại dụng cụ lao động do họ sử dụng để chủ động quan tâm ngay từ khi mới xuất hiện các cảm giác chủ quan như đau, nhức, mỏi, tê khi vận động.

Ngoài ra, các đơn vị sản xuất cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp để có phương hướng điều trị, dự phòng và giám định đền bù mất khả năng lao động do bệnh nghiệp gây ra. Việc sủ dụng các bộ phận chống rung cho các thiết bị cần tay gây rung, trang thiết bị bảo hộ lao động thích hợp cũng là những biện pháp không thể thiếu trong bảo vệ và dự phòng sức khỏe nghề nghiệp.

Đối với các trường hợp bị tổn thương xương, khớp việc điều trị hầu như không có kết quả. Điều trị rối loạn vận mạch, thần kinh, cân cơ, có nhiều phương pháp như dùng thuốc giãn mạch, lý liệu pháp phục hồi chức năng…

Theo: ungphosuco.vn