Bệnh COVID-19 nghề nghiệp là gì?
01/07/2023 | 14:32 PM
|
Từ 1/4/2023, bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh nghề nghiệp thứ 35 được hưởng bảo hiểm xã hội.
Từ 1/4/2023, Thông tư 02/2023/TT-BYT ngày 9/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội chính thức có hiệu lực.
Thông tư 02/2023/TT-BYT đã bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Đối tượng áp dụng là người làm việc tại cơ sở y tế; trong phòng thí nghiệm, liên quan đến mẫu chứa virus SARS-CoV-2. Nhóm khác là những người làm việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 (như công việc trực tiếp trong các khu cách ly, hỗ trợ chăm sóc người bệnh tại nhà…).
Những đối tượng trên mắc COVID-19 trong quá trình lao động, từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày 31/3/2023, thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện.
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Ngoài ra, hàng tháng, người lao động bệnh nghề nghiệp nhận trợ cấp hàng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng được xác định mắc bệnh nghề nghiệp./.
Tin liên quan
- Ngộ độc nhôm do dùng phèn chua liên tục chữa hôi nách nhiều năm
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp
- Sở Y tế Quảng Bình: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Bộ Quốc phòng tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp
- Cao Bằng: Phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp