Những đồ dùng chứa chì, trẻ em nên tránh xa
25/10/2022 | 08:27 AM
|
"Trẻ em Việt Nam không thể chờ đợi, hãy loại bỏ sơn chì ngay!" là thông điệp kêu gọi của các nhóm hành động vì sức khoẻ cộng đồng nhân dịp Tuần Lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì năm nay (23-29/10/2022).
“Nói không với nhiễm độc chì” là thông điệp chính của chiến dịch năm 2022 để nhắc nhở các tổ chức xã hội, ngành y tế, ngành công nghiệp và người dân về những rủi ro của việc phơi nhiễm chì và kêu gọi các bên cùng hành động.
Chì là một chất độc đã được công nhận là có tác hại đến sức khỏe con người, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa và máu. Các nghiên cứu khoa học từ lâu đã chỉ ra: Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì các em có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn vì chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.
Kể cả ở liều lượng thấp, chì vẫn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, dẫn đến giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi như giảm khả năng chú ý và gia tăng các hành vi chống đối xã hội, giảm khả năng học hành.
Phơi nhiễm chì cũng có thể gây tổn thương thận, cơ quan sinh sản, và hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng thiếu máu và tăng huyết áp. Các tác động đến thần kinh và hành vi của chì thường không thể khắc phục.
Thông điệp của các tổ chức hành động vì sức khỏe cộng đồng về nguy cơ nhiễm độc chì.
Hiện nay, các nguồn tiếp xúc với chì chủ yếu bao gồm ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác, nấu chảy, sản xuất và tái chế chì, và sử dụng chì trong nhiều loại sản phẩm. Hơn 3/4 lượng chì tiêu thụ trên toàn cầu dành cho việc sản xuất ắc quy axit-chì cho các loại phương tiện giao thông có động cơ.
Các sản phẩm có chứa chì khác bao gồm:
Bột màu, sơn, chất hàn, kính màu, kính pha lê chì, đạn dược, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi,
Một số mỹ phẩm như: phấn trang điểm mắt, mỹ phẩm dạng bột phấn có màu đỏ son hoặc cam-đỏ,
Các loại thuốc truyền thống được sử dụng ở các nước như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam,
Nước uống được cấp qua đường ống làm từ chì hoặc nối bằng chất hàn chì cũng có thể chứa chì.
Cảnh báo về các nguồn phơi nhiễm chì.
Theo bà Nguyễn Kim Thúy - Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED), ở Việt Nam có một số nghiên cứu về tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em, tập trung ở những trẻ sống ở vùng nguy cơ cao như làng nghề, khu sản xuất tái chế sản phẩm chứa chì, nghiên cứu về chì trong đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ em trong các trường mầm non.
Các nghiên cứu đã bước đầu cho thấy được bức tranh tổng quan về thực trạng nhiễm độc chì máu đối với những khu vực có nguy cơ cao khi tiếp xúc trực tiếp với chì.
Kêu gọi của các tổ chức quốc tế về giảm nguy cơ ô nhiễm chì trong cộng đồng.
Một số giải pháp phòng tránh nhiễm độc chì.
Tuần lễ Quốc tế Phòng chống nhiễm độc chì năm nay nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách cần bảo vệ sức khỏe của trẻ em thông qua hành động loại bỏ việc sử dụng sơn chì.
Ngay cả ở những quốc gia đã cấm sơn chì, những ngôi nhà cũ được sơn bằng sơn chì vẫn tiếp tục gây ra các vấn đề sức khỏe có liên quan đến chì cho hàng triệu trẻ em. Đó là lý do vì sao hành động loại bỏ sơn chì trên toàn cầu là cấp thiết - các loại sơn chì được bày bán hiện nay sẽ tiếp tục đe dọa sức khỏe của con em chúng ta trong nhiều thập kỷ tới./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Ngộ độc nhôm do dùng phèn chua liên tục chữa hôi nách nhiều năm
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp
- Sở Y tế Quảng Bình: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Bộ Quốc phòng tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp
- Cao Bằng: Phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp