Ninh Bình đẩy mạnh thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
16/07/2023 | 16:10 PM
|
Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 được tổ chức triển khai trên toàn quốc với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Qua ba năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, Chương trình đã được các Bộ ngành, địa phương nỗ lực triển khai, từng bước phát huy được hiệu quả.
Đến nay, phần lớn các địa phương (54/63 tỉnh thành phố) có báo cáo đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg. Việc phê duyệt kế hoạch là cơ sở để địa phương phân bổ kinh phí thực hiện và triển khai các hoạt động của Chương trình và là tiền đề để triển khai trong giai đoạn tới.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, Bộ Y tế kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, đầu tư cho ngành y tế địa phương để củng cố nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động trong giai đoạn tới. Chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người lao động và quan trắc môi trường lao động để quản lý tốt các yếu tố nguy hiểm, độc hại tại nơi làm việc; nâng cao ý thức phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động tới các cấp, các ngành; đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Xây dựng kế hoạch, đề xuất ngân sách và ban hành để tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động Phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030. Chỉ đạo các cơ sở lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, đặc biệt tập trung rà soát, chỉ đạo đối với các cơ sở lao động có yếu tố có hại, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Tăng cường chỉ đạo các hoạt động phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý về tuân thủ pháp luật an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời chỉ đạo Sở Lao động thương binh và xã hội phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các chủ cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về lĩnh vực vệ sinh lao động nói chung và thực hiện quan trắc môi trường lao động nói riêng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong cải thiện môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định tại Điều 86 Luật An toàn vệ sinh lao động. Chỉ đạo Ban Quản lý các khu kinh tế/khu công nghiệp/khu chế xuất đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong phạm vi quản lý.
Thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Bộ Y tế; ngày 05/5, UBND tỉnh ban hành văn bản số 325/UBND-VP6 giao các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo trên và Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 06/4/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình, đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, đúng quy định của pháp luật có liên quan; thường xuyên tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị kịp thời rà roát, đề xuất các nhiệm vụ còn thiếu (nếu có), giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh./.
Nguồn: https://ninhbinh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/ninh-binh-day-manh-thuc-hien-chuong-trinh-cham-soc-va-nang-cao-suc-khoe-nguoi-lao-dong-phong-cho-313224
Tin liên quan
- Ngộ độc nhôm do dùng phèn chua liên tục chữa hôi nách nhiều năm
- Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?
- Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội năm 2024
- Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp
- Sở Y tế Quảng Bình: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Bộ Quốc phòng tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp
- Cao Bằng: Phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp