Công văn số 227/DPMT–LĐ, ngày 16/2/2009 của CụcY tế dự phòng và môi trường

25/03/2009 | 05:00 AM

 | 

Về việc triển khai kế hoạch Phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2009

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG

VÀ MÔI TRƯỜNG

 

Số: 227/DPMT–LĐ

     V/vTriển khai kế hoạch Phòng chống

bệnh nghề nghiệp năm 2009

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Hà Nội, ngày 16tháng 02năm 2009

 

 

Kính gửi:

- Các Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Vệ sinh Y tế
công cộng TP Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang, Vệ sinh Dịch tễ
Tây Nguyên và Viện Giám định Y khoa TƯ;

- Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;

- Sở Y tế, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường
các tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí
Minh, Cần Thơ và Kiên Giang;

- Trường Đại học Y Hà Nội;

- Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội.

 

Thực hiện Quyết định số 233/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, An toàn lao động và Vệ sinh lao động đến năm 2010, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch Phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2007 – 2010 tại Quyết định số 4328/QĐ-BYT ngày 10/11/2007.

Ngày 26/11/2008, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã có công văn số 2244/DPMT–LĐ thông báo ngân sách dự kiến của các tỉnh triển khai hoạt động phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2009. Để triển khai kế hoạch Phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2009, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã xây dựng kế hoạch, nội dung và ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc với tổng kinh phí 6,4 tỷ. (Bản kế hoạch được gửi kèm theo). Một số nội dung chính trong kế hoạch cụ thể như sau:

1. Mục tiêu cụ thể năm 2009

1.1. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục và truyền thông.

1.2. Hoàn thiện và áp dụng mô hình can thiệp phòng chống các bệnh nghề nghiệp tại các tỉnh trọng điểm.

1.3. Nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ y tế lao động.

2. Nội dung hoạt động tập trung vào:

- Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cho người lao động, người sử dụng lao động và cán bộ y tế về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp thông qua xây dựng các tài liệu tuyên truyền, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như phóng sự, tin, bài viết, tổ chức Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động …

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế về giám sát môi trường, chẩn đoán, điều trị, giám định và phục hồi chức năng các bệnh nghề nghiệp;

- Triển khai thí điểm mô hình can thiệp phòng chống bệnh nghề nghiệp phổ biến bao gồm các bệnh bụi phổi, bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh da nghề nghiệp và bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp. Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết cho các địa phương.

- Mua bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác giám sát môi trường lao động, chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp (Lập danh mục các trang thiết bị cần bổ sung trên cơ sở danh mục trang thiết bị phòng khám bệnh nghề nghiệp quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BYT ngày 10/11/2006 về hướng dẫn khám bệnh nghề nghiệp và Tiêu chuẩn ngành số 52 TCN-CTYT 0029: 2004).

- Tăng cường công tác giám sát môi trường lao động, kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động.

3. Ngân sách phân bổ cho các địa phương: Được chuyển trực tiếp từ nguồn ngân sách Quốc gia về cho các tỉnh và các đơn vị với mã số của Chương trình Bảo hộ lao động, An toàn lao động, Vệ sinh lao động là 0013 và mã số của Dự án Phòng chống bệnh nghề nghiệp là 05.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết Chương trình Phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2009 và gửi về Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế, 135 Núi Trúc, Ba Đình – Hà Nội (số Fax: 043 7260 237) trước ngày 10/3/2009 để tổng hợp, theo dõi và báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Để đảm bảo hiệu quả các hoạt động tập huấn, kiểm tra, giám sát chung của Chương trình, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đề nghị các Viện xây dựng chi tiết các hoạt động tập huấn và chỉ đạo tuyến để thông báo cho tuyến tỉnh chuẩn bị.

 

 

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG

(đã ký)

Trần Thị Ngọc Lan