Thực trạng dinh dưỡng và sức khoẻ của trẻ học đường
19/01/2017 | 08:32 AM
Thực trạng dinh dưỡng và sức khoẻ của trẻ học đường
Phát triển thể lực kém:
Một cuộc điều tra thu thập các số đo nhân trắc lớn nhất từ trước tới nay, trên 14.000 trẻ học đường nông thôn trong các nước đang phát triển, bao gồm: Ghana, Tazania, Indonesia, ấn Độ và Việt Nam đã cho thấy: 51% học sinh ở vào tình trạng chiều cao thấp so với tuổi. (PCD, 1998).
Kết quả của cuộc điều tra trên 11.917 trẻ từ 0-15 tuổi ở các vùng nông thôn trong cả nước và 9.410 học sinh Hà nội cho thấy:
Chiều cao, cân nặng trẻ em luôn thấp hơn kích thước tham khảo NCHS (theo khuyến nghị của WHO). Tuổi càng cao thì khoảng cách càng rõ rệt.
Chiều cao và cân nặng của trẻ em Hà Nội hơn hẳn trẻ em nông thôn: tuổi càng lớn thì khoảng cách càng xa. Ví dụ: chiều cao trung bình của trẻ 5 tuổi Hà Nội cao hơn trẻ nông thôn 5 cm, đến 15 tuổi, khoảng cách này là 10 cm (Ha Huy Khoi,1985). Nghiên cứu gần đây theo dõi chiều sâu về sự phát triển trẻ em từ sơ sinh đến 18 tuổi của viện Dinh dưỡng trên 218 trẻ Hà Nội cho thấy: mức tăng cân của trẻ em Việt Nam trong 3 tháng đầu không khác với tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí còn cao hơn, nhưng sau đó kém dần (Lê Thị Họp, 1995, 2000) Có hai thời kỳ sự thua kém biểu hiện cao nhất: từ 6-12 tháng và 6-11 tuổi (lứa tuổi tiểu học) (Hà Huy Khôi, 1998) Điều này cho thấy, việc cải thiện dinh dưỡng không chỉ quan trọng ở những năm đầu, mà đó phải là một quá trình liên tục, trong đó những năm tuổi học đường cũng đóng vai trò thiết yếu, không kém tuổi tiền học đường.
Đói tạm thời
Mặc dù số trẻ tới trường hàng ngày bị đói chưa được xác định rõ, song đói tạm thời là một tình trạng khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Đói tạm thời trong số trẻ học đường thường xảy ra khi trẻ đến trường không ăn sáng. Đói sẽ làm giảm sự chú ý, ảnh hưởng tới kết quả học tập. Ngược lại, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng: hành vi của trẻ được cải thiện rõ rệt và tức thời sau khi trẻ được ăn hoặc uống giữa giờ (UNESCO, 1990).
Ở Việt nam, các số liệu nghiên cứu trong thập kỷ qua cho tới gần đây cho thấy, bữa ăn của trẻ lứa tuổi học đường phụ thuộc vào bữa ăn gia đình. Gần 80% dân số nước ta sống ở nông thôn nơi chưa có mạng lưới nhà ăn học đường cho bậc học này. Những năm qua mặc dù bữa ăn của người dân nông thôn đã có chiều hướng cải thiện hơn về mặt chất lượng, song nhìn chung thực phẩm chủ yếu vẫn là gạo, thức ăn động vật còn thấp, lượng sữa ăn vào chưa đáng kể, lượng rau dao động theo mùa; quả chín tiêu thụ hàng ngày cho bữa ăn rất ít. Bữa ăn gia đình mới đạt khoảng 84% nhu cầu năng lượng và 87% nhu cầu protein; nguồn prôtit động vật trong bữa ăn còn thấp, đặc biệt là chất béo ở vùng nông thôn rất thấp (chỉ 6-8% năng lượng khẩu phần, trong khi yêu cầu chiếm từ 20-25%). Trong khi đó, tình trạng thiếu đói ở một số địa phương vùng sâu, vùng khó khăn còn xảy ra. Mặt khác, do diễn biến thiên tai bất thường, nhiều vùng cũng đứng trước nguy cơ thiếu đói. Trẻ em tuổi đi học ở những vùng này gặp không ít khó khăn và tình trạng trẻ em đói bỏ học là một vấn đề cần quan tâm.
Thiếu vi chất dinh dưỡng:
Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển toàn vẹn về thể lực và trí tuệ của trẻ tuổi học đường. Các thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất và gây ảnh hưởng rõ rệt lên năng lực và thành tích học tập của trẻ học đường, bao gồm: i-ốt, sắt và vitamin A.
Thiếu I- ốt: Rối loạn do thiếu i-ốt gây hậu quả rõ rệt lên năng lực học tập của trẻ học đường, do gây giảm trí thông minh, suy giảm tâm thần vận động, giảm phát huy năng lực trí tuệ và gây đần độn. Khi bị thiếu i-ốt , một số cơ quan chức năng có nguy cơ bị ảnh hưởng sớm, như: thị lực, cơ quan điều tiết vận động sự nhìn, tốc độ dẫn truyền thông tin cũng có thể bị suy giảm. Trẻ sống trong các vùng thiếu i-ốt còn bị giảm thính lực. Người ta ước tính khoảng 680 triệu người trên thế giới bị thiếu hụt i-ốt, trong đó có 60 triệu trẻ em tuổi học đường. Còn ở Việt nam, đầu thập kỷ 90, thiếu i - ốt và bướu cổ khá phổ biến (Đặng Trần Duệ, Lê Mỹ, 1993) Điều tra dịch tễ học gần đây chỉ ra: tỷ lệ bướu cổ trong số học sinh Hà Nội là 9,9%, Hải phòng là 13,3%, Hải hưng 20,5%, Thái Bình 16,4% (Bộ Y tế, 2001). Như vậy, mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong những năm qua, thiếu i - ốt vẫn còn là vấn đề sức khoẻ quan trọng ở Việt nam mà lứa tuổi học đường là nhóm cần được quan tâm giải quyết.
Thiếu máu thiếu sắt: Thiếu máu thiếu sắt không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực, tới quá trình dậy thì bình thường của trẻ, mà còn làm giảm năng lực học tập của chúng. Trẻ lứa tuổi học đường bị thiếu dự trữ sắt thường có biểu hiện kém hoạt bát, giảm sự chú ý trong giờ học, dẫn tới kết quả học tập thấp. Những nơi thiếu máu thiếu sắt phổ biến, hậu quả của nó đang tác động trực tiếp làm giảm sút nghiêm trọng hiệu quả giáo dục.
Cuộc tổng điều tra toàn quốc năm 1995 đã xác nhận thiếu máu thiếu sắt có tầm quan trọng hàng đầu trong các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta. (Viện Dinh dưỡng, 1996). Gần đây, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em 15 - 19 tuổi bị thiếu máu là 28%. Những nỗ lực phòng chống thiếu máu dinh dưỡng trong thời gian qua mới chỉ tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi và bà mẹ có thai, trong khi trẻ lứa tuổi học đường và vị thành niên (là những nhóm cũng được coi có nguy cơ cao bị thiếu vi chất nói chung và nhất là thiếu máu thiếu sắt) chưa được quan tâm đầy đủ, mặc dù gần đây đã có một số nghiên cứu thí điểm bổ sung sắt/folat hàng tuần cho thanh nữ (WHO, Viện Dinh dưỡng 2003).
Thiếu vitamin A Biểu hiện nặng nhất của nó là gây mù loà và tử vong. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng làm giảm phát triển cơ thể, giảm miễn dịch dẫn tới dễ mắc nhiễm trùng hô hấp cấp, tiêu chảy. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có một công bố nào về tình trạng vitamin A cũng như ảnh hưởng của nó lên nhóm trẻ học đường, song chắc chắn thiếu vitamin A, thiếu sắt và có thể cả thiếu kẽm là các vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng rất cần quan tâm giải quyết ở đối tượng này.
Nhiễm giun đường ruột:
Mặc dù "gánh nặng" nhiễm giun, nhất là nhiễm giun Móc trở thành một cản trở lớn cho sự tiến bộ trong học tập của trẻ học đường do giảm chức năng nhận thức, giảm năng lực và thành tích học tập, song hậu quả của nó chưa được cộng đồng nhận thức một cách đầy đủ
Đã có nhiều công trình nghiên cứu điều tra tình hình nhiễm giun sán trong nhân dân nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng. Gần đây, viện Dinh Dưỡng phối hợp với viện SRKSTCT đã tiến hành một cuộc điều tra về tình trạng nhiễm giun trong 20 trường tiểu học, 5 huyện thuộc tỉnh Hà Nam cho thấy: tỷ lệ nhiễm giun đũa là 76% và tỷ lệ nhiễm giun tóc là 87%, tỷ lệ nhiễm bất kỳ loại giun nào là 96% (dao động 89-100%). Trong đó, 65% trẻ nhiễm một trong hai loại giun từ trung bình đến nặng. Những con số này đang chỉ ra: tình trạng nhiễm giun học đường ở Việt nam cần được giải quyết cấp bách trong thời gian tới, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, liên tục trong đó sự phối hợp các nguồn lực trở thành yếu tố nền tảng.
Thừa cân và béo phì:
Một trong những vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh hiện nay là hiện tượng gia tăng nhanh chóng của tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học sinh ở khu vực đô thị như Hà nội, TP Hồ Chí Minh, Hải phòng... Nếu như trước 1995, hầu như thừa cân, béo phì ở học sinh không đáng kể, đến năm 2001, tỷ lệ béo phì ở học sinh các trường nội thành thành phố HCM là 14%, ở Hà nội và Hải phòng là 8-10% (VDD, 2002). Gần đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở TP Hồ Chí Minh tăng trên 17% (Trung tâm DD TP HCM, 2003). Đây là bức tranh trái ngược với những gì phổ biến ở các vùng nông thôn song không có nghĩa là học sinh ở nông thôn không có nguy cơ thừa cân, béo phì. Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng tới học tập và hành vi của trẻ mà còn là cửa ngõ của các bệnh mạn tính không lây, thừa cân và béo phì càng xảy ra sớm thì nguy cơ mắc các bệnh này càng cao./.
Tin liên quan
- Phấn đấu 100% các quận, huyện, thị xã tổ chức chương trình bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước và dạy bơi cho trẻ em
- Ngăn chặn bạo lực học đường: Tăng cường tính chủ động
- Tai nạn thương tích ở trẻ em và cách đề phòng
- Nhân rộng mô hình hình cộng đồng an toàn
- Chung tay phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
- Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ bị bỏng nhiệt và chăm sóc vết bỏng đúng cách
- Thông tin chương trình hỗ trợ thải độc trì cho trẻ em và người lao động tái chế thôn Đông Mai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên