Việt Nam có tỷ lệ tai nạn thương tích trẻ em cao
19/01/2017 | 08:17 AM
Tai nạn thương tích trẻ em ở nước ta rất cao so với các nước Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Tai nạn thương tích cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và có thể kéo dài hết cuộc đời.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”, ngày 25/5 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức.
Tai nạn thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi năm trên toàn thế giới có 900.000 ca trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ em tử vong mỗi ngày, mỗi giờ có hơn 100 trẻ em tử vong.
Ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2014, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng và mỗi ngày có hàng chục gia đình chịu mất mát, đau thương vì sự ra đi của con em họ do tai nạn thương tích. Tai nạn thương tích cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và có thể kéo dài hết cuộc đời.
Tình hình tai nạn thương tích trẻ em ở nước ta vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em là do tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều địa phương chưa coi trọng việc phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em trong khi môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích.
Chỉ trong hơn 10 ngày đầu tháng 5 đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm gây tử vong nhiều học sinh điển hình như các vụ 3 học sinh lớp 1 chết đuối dưới kênh ngày 6/5 tại Long An, 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4/5 tại Khánh Hòa,3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8/5 tại Nam Định…
Việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em ở một đất nước có bờ biển dài, nhiều sông suối, kênh hồ là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em thì cần thiết phải thực hiện mô hình chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Đáng chú ý là việc thành lập được Ban phối hợp liên ngành ở địa phương để giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương, khi phát hiện trẻ em cần bảo vệ hoặc có hoàn cảnh khó khăn, ban này sẽ phân loại các nguyên nhân để có hình thức hỗ trợ phù hợp...
Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 28/5 sắp tới tại Quảng Ninh./.
Tin liên quan
- Phấn đấu 100% các quận, huyện, thị xã tổ chức chương trình bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước và dạy bơi cho trẻ em
- Ngăn chặn bạo lực học đường: Tăng cường tính chủ động
- Tai nạn thương tích ở trẻ em và cách đề phòng
- Nhân rộng mô hình hình cộng đồng an toàn
- Chung tay phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
- Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ bị bỏng nhiệt và chăm sóc vết bỏng đúng cách
- Thông tin chương trình hỗ trợ thải độc trì cho trẻ em và người lao động tái chế thôn Đông Mai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên