Yêu cầu vệ sinh trong quy hoạch, thiết kế trường học

19/01/2017 | 08:23 AM

 | 

Yêu cầu vệ sinh trong quy hoạch, thiết kế trường học

1. Các yêu cầu vệ sinh trong quy hoạch trường học

- Trường phải gần nơi sinh sống của học sinh, phạm vi phục vụ của trường phụ thuộc vào cấp học, điều kiện khí hậu, địa hình nơi xây dựng trường.

Nhà trường phải được xây dựng ở nơi thuận tiện cho việc đi học của học sinh. Khoảng cách lớn nhất từ nhà tới trường đảm bảo sao cho học sinh đi bộ trong thời gian từ 20-30 phút. Yêu cầu khoảng cách từ nhà tới trường cụ thể như sau:

-         Không quá 1.000m đối với học sinh tiểu học

-         Không quá 1.500m đối với học sinh trung học cơ sở

-         Không quá 3.000m đối với học sinh trung học phổ thông.

Riêng đối với miền núi, khoảng cách từ nhà đến trường không quá 2.000m đối với học sinh tiểu học và không quá 3.000m đối với học sinh trung học cơ sở.

Tăng khoảng cách từ nhà đến trường sẽ ảnh hưởng đến chế độ hàng ngày của học sinh, ảnh hưởng đến thời gian chuẩn bị bài. Mặt khác, đi bộ nhiều làm học sinh mỏi mệt, dẫn đến khả năng học tập giảm sút.

Tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi khi xây dựng trường hoặc khi tiếp nhận học sinh cần đặc biệt lưu ý không để tình trạng học sinh phải đi đò, đi thuyền qua sông đến trường nhằm hạn chế rủi ro đuối nước có thể xảy ra.

- Trường phải nằm xa các nhà máy, xí nghiệp và các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bởi các chất thải rắn, khí, tiếng ồn, điện từ trường, xa các trục đường giao thông lớn, có mật độ xe cộ qua lại cao, xa chợ hoặc các trung tâm thương mại…đảm bảo cho môi trường trường học nằm trong các giới hạn tiêu chuẩn cho phép.

Đối với những địa bàn có nhà máy, xí nghiệp công nghiệp thì phải chọn địa điểm xây dựng sao cho giữa trường và nhà máy, xí nghiệp công nghiệp có một khoảng cách an toàn. Trường phải được xây dựng ở nơi đầu hướng gió chủ đạo, cách các nhà máy, xí nghiệp có mức độ độc hại loại 1 ít nhất là 1.000 m, loại 2: 500m, loại 3: 300m, loại 4: 100m, loại 5: 50 m.

Trường học không nên xây dựng sát đường giao thông lớn, giữa trường và đường giao thông phải có hành lang cây xanh bảo vệ để chắn khói bụi và tiếng ồn. Cổng trường phải được bố trí thuận lợi để học sinh có thể ra vào nhanh chóng, không nên mở ra đường giao thông lớn để tránh ách tắc giao thông và hạn chế tai nạn thương tích cho học sinh khi tới trường.

- Diện tích của trường phải đủ lớn để có thể tiến hành bố trí, xây dựng khu phòng học, khu thí nghiệm, khu thể thao, trồng cây phủ xanh theo tiêu chuẩn quy định.

Diện tích trường phụ thuộc vào số lượng học sinh. Số lượng học sinh càng nhiều thì diện tích trường càng phải lớn. Xác định số lượng học sinh cho mỗi trường dựa vào nhiều yếu tố như số lượng trẻ em của địa bàn phục vụ trong độ tuổi đến trường, tỷ lệ học sinh đến trường theo từng cấp học và đội ngũ giáo viên...), những biến động dân số (quy hoạch khu dân cư, tỷ lệ gia tăng dân số, di dân, nhập cư...).

Nghiên cứu về vệ sinh trường học cho thấy, xây dựng các trường lớn có một số ưu thế như tiết kiệm kinh phí, thuận tiện cho việc tổ chức các chương trình giáo dục trong nhà trường. Nhưng về mặt vệ sinh, xây dựng các trường nhỏ có nhiều ưu điểm hơn. Số lượng học sinh của trường càng lớn thì tỷ lệ bệnh tật càng cao, các căn bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hơn, các yêu cầu vệ sinh (chế độ học tập, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tiếng ồn) rất khó được đảm bảo. Điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Theo nghiên cứu của Trung tâm bảo vệ sức khỏe học sinh (Viện hàn lâm Y học Nga) thì trong các trường có số lượng học sinh trên 1.800 em, tỷ lệ mắc các bệnh cấp tính tăng gấp khoảng 2 lần, giảm huyết áp và đau đầu tăng gấp 2 – 3 lần. Đối với các lớp mẫu giáo, khi tăng số lượng trẻ em lên từ 140 - 320 em, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng lên gấp 1,5 lần. Người ta khuyến cáo số lượng học sinh ở các trường thành phố không vượt quá 1.000 em, ở nông thôn không vượt quá 500 em.

Diện tích của trường được tính toán căn cứ vào quy định về diện tích trung bình cho 1 học sinh, không dưới 6 m2 đối với thành phố và không dưới 10 m2 đối với các trường ở nông thôn, miền núi. 

2. Yêu cầu vệ sinh trong thiết kế và xây dựng trường học

2.1. Yêu cầu chung

Việc thiết kế, xây dựng trường học phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

- Đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác giáo dục, đào tạo trong nhà trường. Nhà trường cần phải có đầy đủ các phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng bổ trợ khác, đảm bảo yêu cầu về kích thước, trang thiết bị và tiện lợi cho việc sắp xếp bố trí trang thiết bị trong phòng học.

- Đảm bảo điều kiện tối ưu cho việc giáo dục thể chất cho học sinh. Nhà trường cần phải có sân chơi bãi tập hoặc phòng thể thao cho học sinh theo kích thước quy định, tạo điều kiện cho học sinh có thể tập luyện thể thao chính khoá cũng như ngoại khoá.

- Đối với các trường có học sinh bán trú, cần phải có cơ sở để đảm bảo tốt khâu tổ chức ăn uống cho học sinh, có đủ diện tích để bố trí bếp, phòng ăn cho học sinh.

- Đảm bảo tốt ánh sáng tự nhiên và nhân tạo trong các phòng học. Đảm bảo bố trí hợp lý cho các toà nhà và hướng lấy ánh sáng cho các phòng học có tính đến khả năng bị che chắn ánh sáng của các toà nhà xung quanh trường. Diện tích cửa sổ lấy ánh sáng đạt tiêu chuẩn, tổ chức chiếu sáng nhân tạo hợp lý (số lượng đèn, loại đèn, bố trí sắp xếp đèn…).

- Đảm bảo được sự thông thoáng trong từng phòng học.

- Đảm bảo đầy đủ nước uống, nước sinh hoạt cho học sinh, nhà ăn và các công trình vệ sinh.           

- Mặt bằng của nhà trường được chia thành 3 khu vực chính là: khu vực trồng cây xanh, khu vực sân chơi, bãi tập và khu vực xây dựng các công trình.

Khu vực trồng cây xanh chiếm tỷ lệ từ 20-40% tổng diện tích. Cây xanh nên trồng xung quanh theo chu vi trường để chắn bụi, chắn ồn. Ngoài ra có thể trồng cây trên sân trường để tạo thêm bóng mát. Các loại cây trồng trong trường phải là cây tạo nhiều bóng mát về mùa hè, đảm bảo cự ly đến các lớp học để không ảnh hưởng đến chiếu sáng, không gây nguy hiểm cho học sinh.

Khu vực sân chơi bãi tập, chiếm từ 40-50% tổng diện tích. Sân chơi là nơi vui chơi, nghỉ ngơi của học sinh trong thời gian chuyển giờ. Sân chơi phải bố trí các lối đi sao cho học sinh ra vào thuận tiện trong giờ ra chơi. Do diện tích chật hẹp, nhiều trường đã sử dụng sân chơi làm nơi học thể dục chính khóa cho học sinh nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến các lớp khác do tiếng ồn. Nhà trường nên bố trí bãi tập riêng cho học sinh học các giờ thể dục hạn chế tiếng ồn đến các lớp học.         

Khu vực xây dựng chiếm từ 20-30% tổng diện tích, chia thành khu vực học tập, làm việc và phục vụ, bao gồm:

- Các phòng cơ bản: phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành - lao động, phòng thể thao....

- Các phòng hỗ trợ: thư viện, phòng hoạt động đoàn - đội, phòng để dụng cụ và thiết bị thí nghiệm- thực hành, nhà ăn và căng tin, nhà vệ sinh v.v...

- Các phòng công vụ: phòng ban giám hiệu, phòng họp và nghỉ ngơi cho giáo viên, phòng y tế.

Tòa nhà bố trí phòng học cho học sinh được ưu tiên xây dựng ở vị trí tốt nhất, đảm bảo cho hướng lấy ánh sáng chính vào các phòng học là hướng nam hoặc đông nam. Do điều kiện chật hẹp, nên cho phép các trường ở các thành phố lớn có thể xây nhà nhiều tầng. Tuy nhiên, trường học nhiều tầng có hạn chế làm cho học sinh mất nhiều thời gian đi xuống sân chơi trong giờ giải lao. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chuyên môn cho thấy, sau khi leo thang bộ lên tầng 4, tầng 5, các chỉ số của hệ tim mạch và hô hấp ở những học sinh khỏe mạnh có những thay đổi đáng kể, thời gian phục hồi kéo dài đến 6 - 7 phút. Khi leo bộ lên tầng 3, những biến đổi này biểu hiện ít hơn, thời gian phục hồi chỉ kéo dài từ 3 - 4 phút (Diachkova N. G; Terenchieva G.V.). Do vậy người ta khuyến cáo nên xây dựng các tòa nhà 3 tầng (đối với các trường ở thành phố) và từ 1-2 tầng đối với các trường ở nông thôn. Trong điều kiện phải tiết kiệm diện tích xây dựng đối với các trường lớn có thể xây dựng trường học 4 - 5 tầng. Nhưng trên các tầng 4 -5 chỉ sắp xếp các phòng chức năng mà học sinh ít phải lui tới như phòng thí nghiệm, thư viện...

Mỗi tòa nhà nên có từ 3 - 4 lối đi để học sinh dễ ra vào trong thời gian giải lao, nhanh chóng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn hoặc sử dụng trong trường hợp cách ly khi có dịch.

2.2. Các phòng học.

Phòng học là một thành phần quan trọng nhất của trường học. Phần lớn thời gian học tập ở trường học sinh có mặt tại đây . Vì vậy cần phải đặc biệt chú ý khi tiến hành thiết kế và xây dựng các phòng học. Hình dáng và kích thước phòng học được xác định xuất phát từ đặc điểm học tập của học sinh, nhu cầu của cơ thể học sinh đối với không gian để hít thở và thuận tiện cho việc sắp xếp bàn ghế và đồ dùng cho học tập.

- Hình dáng phòng học tốt nhất là hình chữ nhật, bố trí hướng lấy ánh sáng chính từ phía không có hành lang, để có thể tạo cho ánh sáng chiếu lên bàn học sinh từ bên trái.

Những khảo sát gần đây cho thấy, hoạt động thị giác thuận lợi nhất trong điều kiện góc nhìn lớn hơn 30o. Hiển nhiên góc nhìn nhỏ nhất đối với những học sinh ngồi ở phía ngoài hoặc trong cùng của hai dãy bàn đầu. Để đảm bảo góc nhìn của học sinh tới bảng không nhỏ hơn 30 - 35o thì giữa bàn đầu và bảng phải có một khoảng cách hợp lý.

Theo các nhà vệ sinh trường học Nga thì tỷ lệ các cạnh của lớp học hợp lý là 3 : 4, trong đó chiều ngang lớp học từ khoảng 6 - 6,5 m, chiều dài lớp học khoảng từ 8 - 8,5 m. Yêu cầu về diện tích lớp học tối thiểu cho 1 học sinh từ 1,1 đến 1,25 m2. Lớp học tiêu chuẩn, với chiều dài 8,5 m, chiều rộng 6,5 m có thể bố trí được 3 dãy bàn đôi và mỗi dãy 7 bộ bàn ghế với tổng cộng là 42 chỗ ngồi. Cự ly giữa các dãy bàn, giữa bàn và tường và giữa bàn đầu tới bảng đảm bảo cho học sinh ra vào thuận lợi, tập thể dục tại chỗ và tầm nhìn lên bảng hợp lý.

Nếu như phòng học hẹp, khó có thể xếp đủ bàn ghế cho học sinh trong lớp mà vẫn đảm bảo được khoảng cách giữa các hàng và các dãy bàn. Nếu như chiều ngang quá lớn thì ánh sáng tự nhiên sẽ kém ở giữa phòng học hoặc dãy bàn trong cùng nếu cửa sổ chỉ mở về một phía. Nếu chiều dài quá lớn, khoảng cách từ học sinh ngồi ở bàn cuối cùng tới bảng sẽ lớn hơn 8m, học sinh sẽ không nhìn rõ chữ viết trên bảng, dẫn tới căng thẳng thị giác. Các kiến trúc sư cũng đưa ra thiết kế lớp học có hình dáng khác như lớp học hình vuông và lớp học theo chiều ngang. Trong những lớp học như thế, những học sinh ngồi phía ngoài hoặc trong cùng của dãy bàn đầu tiên sẽ phải nhìn lên bảng dưới một góc rất nhỏ (<30o). Điều đó dẫn tới những căng thẳng thị giác, tư thế ngồi học không đúng và làm cho học sinh nhanh bị mỏi mệt. Những rối loạn chức năng thị giác biểu hiện rõ rệt ở học sinh học trong các lớp học theo chiều ngang. Vì thế kiểu thiết kế lớp học này không được chấp nhận.

- Chiều cao phòng học: chiều cao hợp lý sẽ làm cho phòng học thông thoáng, kết hợp với cửa thông gió và quạt dễ đáp ứng các yêu cầu về vi khí hậu.

Chiều cao phòng học không được nhỏ hơn 3,6 m

- Cửa sổ phòng học: cần phải có diện tích đủ lớn để đảm bảo chiếu sáng tự nhiên tốt. Cửa sổ phải có cửa kính và cửa chớp để chắn nắng che mưa. Cửa sổ lớp học càng lớn thì hiệu quả chiếu sáng càng cao, song diện tích cửa sổ không thể không có giới hạn do yêu cầu về mặt kết cấu. Hình dáng cửa sổ tốt nhất là hình chữ nhật, không nên xây cửa sổ hình ô van hoặc gô tích. Tỷ lệ chiều cao mép trên cửa sổ và chiều ngang phòng không nhỏ hơn 1/2, khoảng cách giữa 2 cửa sổ từ 50-90 cm.

- Màu sơn của phòng học có ảnh hưởng tới cường độ chiếu sáng trong phòng học. Tường nên sơn màu vàng nhạt, trần sơn màu trắng. Tường sơn màu sáng có thể làm tăng cường độ chiếu sáng trong phòng học lên 20 - 30% nhờ ánh sáng phản xạ.

2.3. Các phòng thí nghiệm

Phòng thí nghiệm bao gồm các phòng thí nghiệm vật lý, hóa học, sinh học... Tại đây, học sinh tiến hành các thí nghiệm với các trang thiết bị tùy theo môn học. Để quá trình thực hành được thuận tiện và bố trí các thiết bị, diện tích phòng thí nghiệm phải đủ lớn. Diện tích chung của mỗi phòng từ 66-70 m2, đảm bảo diện tích cho mỗi học sinh từ 1,65 đến 1,75 m2.

Các đường dẫn điện, các ổ cắm, khí đốt phải đảm bảo an toàn cho học sinh khi tiến hành thí nghiệm.

2.4. Phòng y tế

- Mỗi trường học cần phải có 1 phòng y tế, diện tích từ 12 - 15 m2.

- Nếu trường có học sinh nội trú và bán trú, thì bên cạnh phòng y tế phải có phòng cách ly để lưu và theo dõi học sinh bị ốm.

2.5. Các công trình vệ sinh và cung cấp nước sạch

2.5.1. Cung cấp nước sạch

Nguồn nước sạch sử dụng trong trường có thể là nước máy, nước giếng khơi, giếng khoan.. để cung cấp nước sạch cho học sinh tắm rửa. Nếu dùng nước máy, thì 200 học sinh có 1 vòi nước. Nếu dùng nước giếng thì trữ lượng nước giếng phải đủ từ 4 - 6 lít cho 1 học sinh trong một ca học.

Đối với các trường có học sinh nội trú và bán trú, nước sạch phải được cung cấp đầy đủ cho học sinh sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt. Dung lượng nước bình quân cho mỗi học sinh trong 24 giờ cần 100 đến 150 lít.

2.5.2. Các công trình vệ sinh

Nhà tiêu:

Hiện nay có nhiều loại nhà tiêu có thể áp dụng để xây dựng trong trường học như nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu 2 ngăn hợp vệ sinh, nhà tiêu thấm dội...tùy theo địa điểm và hoàn cảnh của từng trường mà áp dụng.

- Ở các thành phố, thị trấn, thị xã (có điện, nước) nên xây dựng các nhà tiêu tự hoại

- Ở các vùng nông thôn, đồng bằng, vùng sâu nếu không có điều kiện xây dựng nhà tiêu tự hoại thì nên xây dựng nhà tiêu hai ngăn hoặc thấm dội.

Nhà tiểu xây dựng cho nam nữ, cho giáo viên và học sinh riêng biệt. Theo tiêu chuẩn hiện nay, trung bình từ 100 đến 200 học sinh mỗi ca học có 1 hố xí và 50 học sinh có 1m hố tiểu. Đối với trường có học sinh nội trú hoặc bán trú thì cứ 25 học sinh có 1 hố xí và 1 hố tiểu.

Đối với các trường học xây nhiều tầng, thì trên mỗi tầng nên có khu vực vệ sinh riêng. Nếu sử dụng bệ xí và bồn đái riêng cho nam thì có thể tham khảo tiêu chuẩn của Nga là 1 bệ xí + 1 bồn đái cho 40 học sinh nam, 1 bệ xí cho 30 học sinh nữ.

Trong khu vực vệ sinh phải có vòi nước hoặc thùng đựng nước để học sinh rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Hệ thống thoát nước thải: Nhà trường cần phải xây dựng hệ thống cống rãnh kín để dẫn nước mưa, nước thải từ trường vào hệ thống thoát nước chung​