Đánh giá kết quả sau một năm thực hiện chương trình

27/07/2010 | 05:00 AM

 | 

Xanh Pôn Hà nội là bệnh viện lớn chuyên sâu về chăm sóc bệnh nhân chấn thương. Hàng năm số bệnh nhân chấn thương đến phòng khám cấp cứu khoảng 56.000 bệnh nhân. Số phẫu thuật từ 6500-7000 bệnh nhân với thương tổn các loại từ nhẹ đến nặng.

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ MỘT NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC BỆNH NHÂN CHẤNTHƯƠNG

TẠI BỆNH VIỆN XANH PÔN HÀ NỘI

 

Xanh Pôn Hà nội là bệnh viện lớn chuyên sâu về chăm sóc bệnh nhân chấn thương. Hàng năm số bệnh nhân chấn thương đến phòng khám cấp cứu khoảng 56.000 bệnh nhân. Số phẫu thuật từ 6500-7000 bệnh nhân với thương tổn các loại từ nhẹ đến nặng.

Năm 2005, bệnh viện Xanh pôn được tổ chức Counterpart International (Hoa Kỳ) phối hợp với Bộ Y tế và chuyên gia của WHO triển khai đánh giá về năng lực chăm sóc bệnh nhân chấn thương dựa vào các tiêu chuẩn hướng dẫn chăm sóc chấn thương thiết yếu. Qua đánh giá một số hạn chế được tìm thấy như: thiếu hệ thống ghi chép và lưu trữ dữ liệu bệnh nhân; chưa áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá bệnh nhân chấn thương đang được thế giới sử dụng hiện nay như AIS, RTS, ISS…Việc kiểm thảo bệnh nhân tử vong có hiệu quả chưa cao, chưa chỉ ra được những tử vong có thể dự phòng được. Chưa có các tổng kết đánh giá cần thiết nên chưa đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết. Để giải quyết các tồn tại trên, bệnh viện Xanh Pôn đã triển khai thực hiện một chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân chấn thương trong năm 2007 với sự hỗ trợ của tổ chức Counterpart International nhằm mục đích giảm tỷ lệ tử vong và thương tật cho bệnh nhân chấn thương thông qua các can thiệp về mặt tổ chức, quản lý và điều hành chăm sóc chấn thương.

Mục tiêu cụ thể của chương trình bao gồm :

- Duy trì thực hiện một hệ thống ghi chép, lưu trữ dữ liệu về bệnh nhân chấn thương.

- Áp dụng các chỉ số đánh giá độ nặng bệnh nhân chấn thương theo tiêu chuẩn quốc tế như: RTS, AIS, ISS, TRISS.

- Thực hiện các hoạt động giám sát chất lượng chăm sóc như kiểm thảo bệnh nhân tử vong, bình bệnh án, bình đơn thuốc, theo dõi bệnh nhân sau điều trị, vv.

- Nghiên cứu giải phẫu bệnh lý nhằm phân tích nguyên nhân tử vong, so sánh đánh giá lâm sàng và giải phẫu bệnh lý.

Sau một năm thực hiện, từ tháng 3/2007-2/2008 triển khai các hoạt động trên, chương trình đã thu được những kết quả ban đầu.

Về đăng nhập, lưu trữ dữ liệu:

Với việc triển khai Chương trình nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân chấn thương, bệnh viện đã duy trì được hệ thống đăng nhập, lưu trữ dữ liệu bệnh nhân chấn thương do Cục Y tế dự phòng Việt Nam triển khai từ tháng 6 năm 2006. Phần mềm có tên “Báo cáo bệnh nhân chấn thương”, cung cấp đầy đủ các thông tin từ lý lịch bệnh nhân, nguyên nhân, thời gian chấn thương và nhiều thông số liên quan đến cấp cứu ban đầu như sơ cứu, vận chuyển.

Về tập huấn triển khai các chỉ số đánh giá BN chấn thương.

Có 9 khoa Ngoại đã áp dụng các chỉ số đánh giá bệnh nhân chấn thương. Sử dụng một cách hệ thống các chỉ tiêu đánh giá chấn thương (RTS, ISS, TRISS) cho 3.478 bệnh nhân nội trú và 10.578 bệnh nhân ngoại trú. Toàn bộ cán bộ khối Ngoại đều tham gia tập huấn và áp dụng được các chỉ số đánh giá chấn thương.

Về kết quả hoạt dộng giám sát: Kiểm thảo bệnh nhân tử vong 1 lần/tháng - đã phân tích nguyên nhân chấn thương, thái độ xử trí, kết quả chẩn đoán và xử trí. Đặc biệt đã áp dụng phương pháp Kiểm thảo tử vong một cách trung thực, thẳng thắn nhằm chỉ ra những khiếm khuyết và kết luận được trường hợp nào tử vong là không thể tránh khỏi, trường hợp nào là tử vong có thể tránh được nếu chăm sóc tốt hơn. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp cải thiện tổ chức, chuyên môn kỹ thuật và quản lý nhằm cải thiện chăm sóc tốt hơn. Hoạt động bình bệnh án, bình đơn thuốc cũng được thực hiện định kỳ 1 lần/tháng, đưa ra được các khuyến nghị cụ thể nhằm cải thiện chất lượng chuyên môn. Kiểm thảo tử vong được thực hiện trên 123 trường hợp trong vong 12 tháng thực hiện chương trình. trong đó bệnh nhân tử vong nội trú là 97 trường hợp và có 26 trường hợp tử vong trước khi đến phòng khám hoặc chết tại phòng khám cấp cứu.

Về kết quả nghiên cứu giải phẫu bệnh lý: Báo cáo thống kê liên quan đến bệnh nhân tử vong do chấn thương trong thời gian một năm thực hiện Chương trình, có so sánh với năm 2006.Phản hồi kết quả giải phẫu bệnh lý và trao đổi thông tin hai chiều với các khoa lâm sàng. số bệnh nhân tử vong có chẩn đoán phù hợp giữa lâm sàng và giải phẫu bệnh là 34/37 trường hợp, chiếm 92%. Số chẩn đoán chưa phù hợp giữa lâm sàng và giải phẫu bệnh là 3/37 trường hợp, chiếm 8%.

Việc áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân chấn thương tại bệnh viện Xanh-pôn đã đưa lại một số kết quả như sau:

- Tạo ra được hệ thống theo dõi bệnh nhân tai nạn thương tích dựa vào một phần mềm chuyên ngành. Qua phần mềm này có thể thu thập được nhiều dữ liệu và nghiên cứu đặc điểm bệnh nhân chấn thương trên nhiều khía cạnh.

- Áp dụng được các chỉ số đánh độ nặng và tiên lượng bệnh nhân chấn thương thực hiện trong khám chẩn đoán và điều trị cũng như đưa vào phần mềm theo dõi các chỉ số đánh giá độ nặng. Đây thực sự là một điểm mới của Chương trình. Nó tạo ra công cụ lượng giá cho bác sỹ trong lâm sàng và cho phục vụ thống kê và quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc chấn thương.

- Nhờ áp dụng các biện pháp giám sát chất lượng chăm sóc bệnh nhân mà có thể tìm ra đúng, đủ các hạn chế, nguyên nhân thành công và thất bại. Từ đó, rút ra những bài học và đưa ra các biện pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân chấn thương.

Một số đề xuất các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân chấn thương:

- Tăng cường các biện pháp can thiệp chuyên môn và quản lý nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong và tỷ lệ thương tật cho bệnh nhân chấn thương: Luôn có nhân lực bác sỹ và y tá có trang bị kiến thức và đánh giá được các chỉ số chấn thương tại phòng khám ngoại và hồi sức cấp cứu bố trí thêm các bác sỹ trực chuyên khoa, đặc biệt là chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật thần kinh luôn có mặt 24/24h, sẵn sàng can thiệp chuyên khoa nếu cần. Có đội ngũ nhân viên lẫy máu tại chỗ để xét nghiệm và đội ngũ nhân viên vận chuyển bệnh nhân đến cấp cứu và vào viện.

- Thay đổi hạ tầng: Chỉnh sửa mở rộng phòng khám cấp cứu ngoại và thay đổi luồng cấp cứu bệnh nhân. Tiếp tục trang bị các tủ đựng dụng cụ cấp cứu cần thiết. Tăng cường trang thiết bị: Chủ yếu là máy thở, monitoring tại hôi sức cấp cứu ngoại, trong tương lai gần sẽ trang bị thêm monitoring, máy điện tim cho phòng khám cấp cứu để theo dõi cấp cứu ban đầu.

- Thay đổi quy trình: Thêm quy trình đánh giá các chỉ số độ nặng bệnh nhân chấn thương tại phòng khám ngoại và hồi sức cấp cứu ngoại và được tiến hành thường quy do các bác sỹ phòng khám và các bác sỹ trực thực hiện. Y tá phòng khám vào sổ và được nhập dữ liệu vào phần mềm thống kê bệnh nhân chấn thương. Sử dụng các chỉ số này vào theo dõi tiên lượng và xử trí bệnh nhân chấn thương hàng ngày.

- Tăng cường chỉ đạo tuyến bằng cách phản hồi những khiếm khuyết trong chăm sóc trước nhập viện và vận chuyển từ tuyến trước lên tuyến trên. Tổ chức thêm những đợt tập huấn chuyên ngành cấp cứu chấn thương tại tuyến trước như bệnh viện Sóc Sơn tháng 1/2008, bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc tháng 2/2008, bệnh viện Đông Anh tháng 3/2008..

Chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân chấn thương qua 12 tháng thực hiện đã chứng tỏ hiệu quả của nó trên nhiều mặt nhằm mục đích giảm tỷ lệ tử vong và thương tật cho bệnh nhân chấn thương thông qua các can thiệp về mặt tổ chức, quản lý và điều hành chăm sóc chấn thương. Các hoạt động của chương trình đã thực hiện khá tốt các mục tiêu đã đề ra:

- Đã duy trì thường xuyên và có hiệu quả hệ thống ghi chép, lưu trữ dữ liệu về bệnh nhân chấn thương với nhiều thông số liên quan.

- Triển khai thành công, áp dụng một cách hệ thống các chỉ số chuẩn của thế giới về đánh giá bệnh nhân chấn thương như RTS, ISS, TRISS vào hoạt động xử trí điều trị bệnh nhân chấn thương.

- Thực hiện định kỳ và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giám sát chất lượng chăm sóc như kiểm thảo bệnh nhân tử vong, bình bệnh án, bình đơn thuốc, theo dõi bệnh nhân sau điều trị, vv.

- Bước đầu tăng tỷ lệ mổ tử thi và tận dụng kết quả mổ tử thi với việc phân tích sâu hơn, khách quan hơn các nguyên nhân tử vong, so sánh đánh giá lâm sàng và giải phẫu bệnh lý và đưa các thông tin này phản hồi và trao đổi với lâm sàng nhằm nâng nâng caô chất lượng xử trí và phẫu thuật bệnh nhân chấn thương.

Do tính hiệu quả cao, các hoạt động cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân chấn thương sẽ tiếp tục được duy trì và trở thành hoạt động thường quy của bệnh viện và sẽ được chỉ đạo giám sát của ban giám đốc và các khoa phòng. Chương trình cũng kêu gọi sự ủng hộ thường xuyên về nhiều mặt của các cấp và các tổ chức liên quan đã đóng góp cho sự thành công của chương trình này.

 

Theo báo cáo của BS.Cao Thái Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn

Tại Hội thảo chuyên đề về tăng cường năng lực chăm sócchấn thương
trước viện tại Hà Nội ngày 06/5/2010