Nguy cơ chấn thương sọ não trẻ em và các biện pháp phòng chống

26/01/2011 | 05:00 AM

 | 

Tại Việt Nam từ năm 1976 đến nay, tử vong do tai nạn, ngộ độc, thương tích và các bệnh không lây nhiễm có xu hướng ngày càng tăng. Năm 1976 tử vong do tai nạn thương tích chỉ chiếm 2,23% tử vong do mọi nguyên nhân, năm 1986 tỷ lệ này là 6,1%, năm 1996 tỷ lệ này tăng lên 23,2%, đến năm 2006 là 25,15%.

Ở trẻ em dưới 19 tuổi, tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong. Theo thống kê báo cáo tử vong của ngành Y tế, trong 3 năm 2005-2007, một năm trung bình có 185.880 trường hợp trẻ em và vị thành niên trong độ tuổi 0-19 bị tai nạn thương tích. Trong đó, số tử vong trung bình một năm là 7.344 trường hợp. Trong tất cả các nguyên nhân gây tai nạn thương tích, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu (chỉ đứng sau đuối nước) với trung bình 1920 trường hợp một năm, chiếm tới 24-26% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Chấn thương sọ não do tai nạn giao thông và do ngã là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong và tàn tật ở trẻ em.

Theo thống kê từ năm 2006 đến năm 2008, trung bình mỗi năm có hơn có khoảng hơn 200.000 trẻ em bị thương tích và 7.000 trẻ dưới 19 tuổi tử vong do thương tích. Nguyên nhân chủ yếu là do đuối nước, tai nạn giao thông, tự tử. Trong đó tỷ suất mắc tai nạn thương tích trẻ em từ 0-19 tuổi cao nhất trong nhóm 15-19 tuổi. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, tai nạn giao thông chiếm 32,5% và 27,7%. Tỷ suất mắc và tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em tập trung chủ yếu ở nhóm 15-19 tuổi.

 

Kết quả giám sát tai nạn giao thông tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương năm 2009 cho thấy trong tổng số gần 144.000 người bị tai nạn giao thông đến cấp cứu, có hơn 36.000 trường hợp bị chấn thương sọ não chiếm 25,3% . Trong đó, trẻ dưới 19 tuổi bị tai nạn giao thông chiếm 22,6% và trên 65% là trẻ ở nhóm tuổi 15-19 tuổi. Hơn 800 trẻ dưới 19 tuổi bị chấn thương sọ não chiếm 25% trong tổng số bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nhóm trẻ từ 5-14 tuổi có tỷ lệ chấn thương sọ não cao hơn so với nhóm 0-4 và 15-19 tuổi với 27,3%
Hầu hết các yếu tố làm tăng nguy cơ bị tai nạn giao thông ở người lớn cũng là yếu tố nguy cơ đối với trẻ em ví dụ như phóng nhanh, uống rượu – lái xe, đội mũ bảo hiểm, các yếu tố liên quan đến an toàn phương tiện và đường đi cũng như khả năng sơ cấp cứu tại chỗ. Trong số các trường hợp chấn thương sọ não ở trẻ em, 34,5% trẻ từ 5-14 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Tỷ lệ này ở nhóm 15-19 tuổi là 22%. Báo cáo của bệnh viện Việt Đức năm 2009, cho thấy hầu hết các trường hợp có đội mũ bảo hiểm chỉ chấn thương sọ não nhẹ và số tử vong chủ yếu tập trung vào các trường hợp không đội mũ hoặc mũ bị vỡ do kém chất lượng.
Bên cạnh chấn thương sọ não do tai nạn giao thông còn nhiều trường hợp chấn thương sọ não ở trẻ do bị ngã. Khi bị ngã, trẻ càng nhỏ càng dễ bị chấn thương sọ não do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước. Hơn nữa trẻ em lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã.
Theo thống kê nguyên nhân tử vong trẻ em từ 0 đến 19 tuổi do tai nạn thương tích từ năm 2005 đến 2008 tỷ suất tử vong /100.,000 nguyên nhân do ngã dao động từ 0,4 đến 0,44. Mỗi năm có khoảng 130 trẻ tử vong do ngã. Ngã không phải nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở trẻ em nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tàn tật vĩnh viễn, đặc biệt là chấn thương sọ não và cột sống. Ở hầu hết các nước, ngã là thương tích thường gặp nhất ở các phòng cấp cứu của bệnh viện với tỷ lệ dao động từ 25-50%.          
Một số biện pháp phòng chống chấn thương sọ não do ngã ở trẻ em đã được triển khai trong phong trào cộng đồng an toàn như làm ngăn, tay vịn cầu thang, lan can hành lang, cũi giữ trẻ, không dùng xe tập đi và thiết kế các sân chơi an toàn cho trẻ.
Đội mũ bảo hiểm được coi là cách hiệu quả nhất để phòng chấn thương sọ não và tử vong khi bị tai nạn xe máy. Một số chiến lược phòng chống chấn thương sọ não do tai nạn giao thông ở trẻ em, cụ thể:

- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ về việc tham gia giao thông an toàn và đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, đúng cách khi tham gia giao thông. Hình thức: Tổ chức các chiến dịch truyền thông, các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, các phong trào phòng chống thương tích tại cộng đồng như cộng đồng an toàn.

- Tăng cường cưỡng chế thực thi các quy định về an toàn giao thông đặc biệt là quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông

- Ban hành các quy định về tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm cho trẻ em. Kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm cho trẻ em trên thị trường. Có các nghiên cứu sản xuất mũ bảo hiểm cho trẻ em đảm bảo chất lượng với giá thành phù hợp.

- Tiếp tục duy trì giám sát tai nạn giao thông tại các bệnh viện nhằm hỗ trợ đánh giá hiệu quả các biện pháp đã triển khai

- Nâng cao chất lượng sơ cấp cứu ban đầu tại hiện trường để giảm mức độ nặng của thương tích.