Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phục hồi bàn tay bị dập nát cho người bệnh bị tai nạn lao động
15/10/2024 | 13:59 PM
|
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa hồi sinh bàn tay phải cho người bệnh bị tai nạn lao động, cuốn tay vào máy xay thịt.
Bệnh nhân V.V.H (1985, Hải Phòng) gặp tai nạn nghiêm trọng khi bàn tay phải bị cuốn vào máy xay thịt trong khi lao động. Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân đeo găng tay khi đưa thịt vào máy, dẫn đến việc găng tay bị cuốn vào máy và kéo theo bàn tay của bệnh nhân.
Tai nạn xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng ngày 11/10/2024, sau đó bệnh nhân được đưa đến sơ cứu tại Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Do tình trạng tổn thương nặng nề vùng bàn tay, bệnh nhân đã được chuyển tiếp đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giờ thứ 4 sau tai nạn để tiến hành phẫu thuật.
Khi tiếp nhận, các bác sĩ ghi nhận bàn tay phải của bệnh nhân bị kẹt cứng trong máy xay thịt, phải tháo một phần bộ phận của máy để giải thoát bàn tay.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Minh thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Minh cùng kíp mổ đã thực hiện ca phẫu thuật nhằm cố gắng giữ lại tối đa chiều dài chi thể bị dập nát. Ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do phần bàn tay bị cuốn quá sâu vào máy, đặc biệt là các ngón tay của bàn tay phải.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các bác sĩ đã cố gắng bảo toàn được ngón cái và một phần ngón út của bệnh nhân. Bàn tay phải là tay thuận của bệnh nhân, việc mất đi một phần các ngón tay sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh hoạt và lao động sau này.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân cần trải qua quá trình phục hồi chức năng để cải thiện khả năng sử dụng bàn tay. Tuy chưa thể phục hồi hoàn toàn, nhưng nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, phần chi thể quan trọng nhất là ngón cái đã được bảo tồn, giúp bệnh nhân duy trì một phần chức năng cầm nắm.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh rằng, việc sử dụng các thiết bị máy móc nguy hiểm trong lao động phải hết sức cẩn trọng. Các tai nạn do máy móc như máy xay thịt, máy cắt cỏ hay máy xay sinh tố thường gây ra tổn thương nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mất chi thể.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, việc sơ cứu kịp thời và chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa là rất quan trọng để tăng cơ hội cứu chữa chi thể./.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Minh thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật.Tin liên quan
- Ăn nhầm lá hoa thủy tiên, 2 trẻ bị ngộ độc nặng
- Mỗi năm có hơn 1,1 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích
- Phú Thọ tăng cường phòng, chống bệnh dại
- Dùng huyết thanh kháng nọc điều trị thành công nữ sinh 15 tuổi bị rắn cắn
- Sau 2 tháng bị chó dại cắn, bé trai 11 tuổi tử vong vì chữa bằng thuốc nam
- Cảnh báo nát bàn tay, mất ngón tay vì pháo tự chế
- Đã tìm thấy 5 thi thể học sinh đuối nước ở Phú Thọ