MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TOÀN QUỐC

09/09/2022 | 15:29 PM

 | 

 

Từ đầu năm đến nay, công tác Cải cách thủ tục hành chính trên toàn quốc đã thu lại được nhiều kết quả, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong bộ máy hành chính nhà nước cũng như trong công tác đổi mới hành chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, theo số liệu thống kê từ Cổng dịch vụ công Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 1.064 quyết định công bố Thủ tục hành chính (TTHC) sửa đổi, bổ sung thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Tại thời điểm ngày 23/06/2022, có 3.997 TTHC thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.435 TTHC thực hiện tại địa phương và 1.633 TTHC thực hiện ở các cơ quan ngành dọc tại địa phương. Kết quả rà soát, đơn giản hóa quy định TTHC và các điều kiện kinh doanh đã có cải thiện. Cụ thể, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của 06 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/06/2022. Văn phòng Chính phủ đã cho ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc chức năng quản lý của 05 bộ, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương. Ngoài ra, việc cập nhật dữ liệu lên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh cũng đã được thường xuyên đôn đốc. Tính đến 15/06/2022, tổng số quy định đã cập nhật vào hệ thống là 12.488 quy định, trong đó có: 4.162 TTHC; 805 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 2.631 yêu cầu, điều kiện; 838 chế độ báo cáo; 79 thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 3.857 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt, trong tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch, thành lập Tổ công tác để chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến đầu tháng 6/2022, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án đã có cải thiện tích cực. Trong số 25 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên triển khai, Bộ Công an đã hoàn thành 8/11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được giao chủ trì; các bộ, ngành khác đã hoàn thành 13/14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; một số dịch vụ công triển khai đã bước đầu đạt một số kết quả tích cực, được dư luận đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Ngoài ra, tỷ lệ tiếp nhận và xử lý phản ảnh kiến nghị (PAKN) 6 tháng đầu năm đã đạt trên 65%, trong đó các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 10.453 phản ảnh kiến nghị, còn lại 3.652 PAKN đang xem xét, xử lý.

(555 từ)

                                                Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế

 

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHỈ SỐ HÀI LÒNG VỀ SỰ PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH NĂM 2021 VÀ GÓP Ý HOÀN THIỆN ĐỀ ÁN XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

 

Ngày 03 tháng 6 năm 2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 2340/BNV-CCHC gửi các bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc sử dụng kết quả Chỉ số cải cách hành chính 2021, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính 2021 và góp ý hoàn thiện Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính. Theo đó, về sử dụng kết quả SIPAS 2021 và PAR Index 2021, căn cứ vào các chỉ số đã công bố, các bộ, các tỉnh tổ chức thực hiện rà soát, phân tích kết quả thực hiện các nội dung cải cách hành chính, kết quả hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước dưới các hình thức phù hợp; xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao; có hình thức khen thưởng phù hợp đối với cá nhân, tổ chức đạt thành tích tốt trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, kết quả các chỉ số tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, tổ chức để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội đối với công tác cải cách hành chính.

Ban hành các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 và các văn bản khác có liên quan, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian tới.

Về hoàn thiện Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, các tỉnh đánh giá những ưu điểm, hạn chế, bất cập và có văn bản góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung của Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ để giúp cho công tác theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh ngày càng thiết thực, hiệu quả; kịp thời cập nhật các nội dung đánh giá mới, phù hợp với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đã được Chính phủ ban hành.



Tin liên quan