ĐỔI MỚI THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI TỈNH NGHỆ AN[1]

26/09/2022 | 15:37 PM

 | 

 

 

Với quyết tâm đổi mới trong thực hiện cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Trong năm qua, chỉ số cải cách hành chính (Par index) tăng 1 bậc, xếp hạng 17/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) tăng 13 bậc, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (Papi) giữ nguyên thứ hạng 15/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất. Một số kết quả cụ thể trong cải cách hành chính của tỉnh là:

- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 100% Bộ phận Một cửa thuộc cấp huyện, cấp xã (21 huyện, thành phố, thị xã và 460 xã, phường, thị trấn) được kiện toàn, tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính;

- Việc số hoá hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được thực hiện nghiêm túc, đạt tỷ lệ 90% hồ sơ được tiếp nhận; việc số hoá hồ sơ tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã đang được UBND các cấp chỉ đạo triển khai nhằm đáp ứng mục tiêu năm 2022 đó là tỷ lệ 50% ở cấp huyện và 30% ở cấp xã; Việc số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực đã được các Sở, ban, ngành cấp tỉnh quan tâm thực hiện với: 37.767 hồ sơ; số hóa hồ sơ người có công với 179.795 hồ sơ; số hóa hồ sơ đăng ký khai sinh ở cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh với 858.133 hồ sơ;

- Hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh thành Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh theo đúng yêu cầu và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Đến nay, Hệ thống đã cung cấp 1.939 dịch vụ công, trong đó có: 919 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 318 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 702 dịch vụ công mức độ 2;

- Các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc đồng bộ, liên kết tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với tài khoản của Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo mã số định danh tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp để hình thành một tài khoản thống nhất; toàn tỉnh có 20 Sở, ban, ngành; 21 huyện, thành phố, thị xã và 100% các đơn vị sự nghiệp triển khai chữ ký số với 4.000 chứng thư số được cấp;

- Đã hoàn thành việc xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu LGSP: Thử nghiệm thành công các API kết nối LGSP - NGSP (Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội, cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách Bộ Tài chính) và đã chuẩn bị cho việc tích hợp các dịch vụ dùng chung khác vào hệ thống;

 - Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Đánh giá kết quả hoạt động sau một năm đi vào hoạt động, Trung tâm có giải pháp đã gộp các quầy tiếp nhận hồ sơ đối với các Sở, ban, ngành có số lượng hồ sơ phát sinh ít để thực hiện tiếp nhận hồ sơ luân phiên theo tuần tránh lãng phí nguồn nhân lực và không làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận hồ sơ; triển khai trả kết quả giải quyết TTHC tập trung; phối hợp với Ngân hàng thu phí, lệ phí tập trung; ký thoả thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh để triển khai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ TTHC ở 571 điểm Bưu điện văn hoá ở cấp huyện và cấp xã (Đạt tỷ lệ 100%);

- Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các lớp tập huấn nghiệp vụ số hoá cho Lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức Bộ phận Một cửa các các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, biên soạn Sổ tay, tờ gấp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện thủ tục hành chính cấp phát cho cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC, cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa các cấp và cá nhân, tổ chức đến thực hiện thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại cơ quan, địa phương và số hoá kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực mới được thực hiện chủ yếu ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên địa bàn tỉnh còn thấp (tỷ lệ 5,8%, trong đó chủ yếu tập trung hồ sơ được tiếp nhận ở cấp tỉnh); Chưa triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và nâng cao chất lượng, hiệu quả đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; ưu tiên dành nguồn lực cho đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức; tăng cường kiểm tra chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo đúng yêu cầu của Quyết định số 486/QĐ-TTg và Nghị định số 107/2022/NĐ-CP; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hiệu quả của việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thông tin rộng rãi kết quả hoạt động của Bộ phận Một cửa, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia giám sát hoạt động cải cách thủ tục hành chính.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa các cấp. Xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân trong giải quyết TTHC.

Năm là, tiếp tục rà soát, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo đủ diện tích và các điều kiện cần thiết khác theo quy định phục vụ cho đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

 

[1] Hội nghị đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, Văn phòng Chính phủ ngày 15/9/2022



Tin liên quan