NHẬN ĐỊNH MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ NGUYÊN NHÂN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 6 BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ

16/11/2023 | 04:20 AM

 | 

  1.  

Báo cáo tại phiên họp thứ 6 ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Ban chỉ đạo nhận định: Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; tính đến nay, vẫn còn 12 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành.

Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương.

Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời; việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hình thức, chưa thực chất, chưa hiệu quả, tình trạng công chức nộp hồ sơ trực tuyến thay cho công dân diễn ra khá phổ biến.

Việc tổ chức, vận hành Bộ phận Một cửa các cấp nhiều nơi còn chưa đúng quy định, đặc biệt là cấp xã. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng... Kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm, còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài quy định ở một số cơ quan, đơn vị.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nguyên nhân:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính ở một số nơi còn hạn chế, chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới; người đứng đầu ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Một số nơi còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Phương pháp tổ chức triển khai thực hiện chưa có nhiều giải pháp tập trung, quyết liệt. Một số bộ, ngành, địa phương đặt ra mục tiêu cải cách hành chính còn định tính nên rất khó đánh giá đúng hiệu quả và trách nhiệm của cơ quan, tập thể, cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện. Quá trình triển khai còn lúng túng; một số nơi quyết tâm chưa cao hoặc còn hình thức, không hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi còn hạn chế, chưa đồng đều và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính đối với cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn, tính công khai minh bạch của nền hành chính còn nhiều thách thức, một bộ phận cán bộ, công chức suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, gây bất bình trong nhân dân.

 

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ



Tin liên quan