TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH TRONG THỰC THI CÔNG VỤ

15/09/2022 | 15:30 PM

 | 

 

Ngày 15/9/2022, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, địa phương tham gia.

Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến, các bài tham luận với những nhận định và đề xuất trong đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Theo Bộ Nội vụ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kỷ luật, kỷ cương hành chính bước đầu đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật tại các cấp, các ngành; chủ trương cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã có tác động tích cực đến cách thức giải quyết công việc của cán bộ, công chức, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự phục vụ, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan chưa nghiêm. Việc triển khai nhiều văn bản, đề án được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều bộ, cơ quan, địa phương về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được quan tâm đúng mức. Trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chưa làm hết trách nhiệm; còn có tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói ít làm nhiều còn khá phổ biến. Trong nhiều ngành, lĩnh vực, còn tồn tại tình trạng cán bộ, công chức sách nhiễu, sách nhiễu, gây phiền hà, giải quyết công việc không đúng quy định, thiếu khách quan, công bằng khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 được đặt ra tại Nghị quyết số 161/2021/QH14 ngày 29/4/2021 của Quốc hội về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước là “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ”. Vì vậy, duy trì trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính đòi hỏi phải được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ để xây dựng một nền công vụ và đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ, phẩm chất thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cụ thể là:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức về thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, về văn hóa công vụ, đạo đức công vụ; trong đó tập trung quán triệt triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng và hệ thống Chính trị; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.

Hai là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và trách nhiệm trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đề cao trách nhiệm nêu gương và tinh thần gương mẫu của người đứng đầu; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính theo thẩm quyền quản lý. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; rà soát, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Bốn là, hoàn thiện quy định của pháp luật về thực hiện đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ và Quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Năm là, tăng cường thanh tra công vụ và kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc, kiểm tra những vấn đề đang được dư luận quan tâm như: Đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Sáu là, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân thông qua cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về kỷ luật, kỷ cương hành chính, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn.



Tin liên quan