XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ, CHÍNH PHỦ SỐ MANG YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

20/07/2023 | 09:39 AM

 | 

Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”. Trên tinh thần đó, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, xác định rõ biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2023/QĐ-TTg ngày 5/4/2023 về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Tính đến ngày 20/6/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 6 năm 2023 là 21.790.042 giao dịch; trong 06 tháng đầu năm 2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP đạt 276.938.860 giao dịch, trung bình hàng ngày có khoảng 1,38 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,35 tỷ giao dịch. Đến nay, đã hỗ trợ hoàn thành kết nối CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 23 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương.

Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội.

Tính đến ngày 22/5/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 35.898.836 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.696.362 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định, 4.905.771 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 8.810.207 dữ liệu đăng ký kết hôn; 5.441.461 dữ liệu đăng ký khai tử và 9.718.669 dữ liệu khác. Đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai cấp địa phương với nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các bộ ngành, địa phương (từ tháng 7/2021).

Về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cơ quan nhà nước: Trong 06 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục khoảng 3,6 triệu văn bản, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến nay đã có hơn 23 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả, tính đến 19/7/2023, Hệ thống đã phục vụ 75 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.676 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 576 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thực hiện với trọng tâm là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Trong 6 tháng đầu năm, Cổng DVCQG đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng. (Riêng trong quý II/2023, Cổng DVCQG đã có trên 2,23 triệu tài khoản đăng ký, trên 28 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 5,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, trên 6,15 nghìn hồ sơ trực tuyến, trên 3,83 triệu giao dịch thanh toán với số tiền hơn 1,5 nghìn tỷ đồng).

Tính đến 19/7/2023, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cổng DVCQG đã cung cấp hơn 4.400 DVCTT; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 315 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.

 

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ