Bộ Y tế họp Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ và sốt xuất huyết

18/08/2017 | 05:15 AM

 | 

Chiều ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát mùa mưa lũ, đặc biệt là sốt xuất huyết.

 

Mở đầu Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Mùa mưa lũ đến sẽ kéo theo các bệnh về đường ruột, đau mắt, da liễu, viêm màng não, viêm não, đặc biệt là sốt xuất huyết. Năm nay, do nền nhiệt gia tăng và miền Bắc nóng sớm nên sốt xuất huyết đến sớm và gia tăng".

Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM,… Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.699 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở quận Hoàng Mai, Đống Đa… Mặc dù vậy, tỷ lệ mắc bệnh của Hà Nội không cao so với các tỉnh thành trên cả nước.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do biến động dân cư mạnh mẽ giữa các vùng và thời tiết bất thường với mùa mưa đến sớm, kéo dài từ tháng 4. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, so với các quốc gia trong khu vực và quốc tế, Việt Nam có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân thấp, tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là loại bỏ các ổ loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, cần tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân để thực hiện, hạn chế dịch bệnh lây lan. Do đó, một trong những cách chống dịch tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng. Người dân cần tránh bị muỗi đốt, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, đối với các ca đã mắc bệnh, các bác sĩ nhất định phải cứu chữa ngay, hạn chế tử vong, không để dịch lan rộng. Bệnh nhân vào viện phải được khám chữa và điều trị kịp thời. Các cơ sở y tế không được để xảy ra tình trạng quá tải, phân tuyến điều trị hợp lý, tránh nằm ghép..

 

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và diệt bọ gậy. Ông Phu cho biết:  “Người dân đang rất chủ quan với bệnh, luôn cảm thấy đơn giản, vô can. Nhưng nếu bị sốt xuất huyết, bạn có thể tốn hàng triệu đồng điều trị. Có người đã tốn gần 30 triệu viện phí vì điều trị sốt xuất huyết, thậm chí số tiền còn lớn hơn nếu như xuất huyết não, xuất huyết nội tạng. Đã có 17 người tử vong vì căn bệnh mà nhiều người vẫn chủ quan này”.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng chỉ đạo: Về tình hình dịch phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó vì lý do thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, ngành y tế cần phải nỗ lực, tập trung, quyết liệt để kiểm soát tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong. Ngoài dịch sốt xuất huyết, các dịch bệnh dễ gặp trong mùa mưa lũ như: tả, lỵ, thương hàn, các bệnh da liễu, đau mắt đỏ, viêm não,… cũng cần được dự phòng và ngăn chặn ngay từ lú này, không để bệnh dịch bùng phát. 

Về nỗ lực dự phòng và khám chữa bệnh trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng đánh giá các những mô hình đã triển khai tại hai thành phố lớn nơi dịch bệnh đã diễn ra phức tạp như Hà Nội và Tp.HCM là rất tốt, tuy nhiên, về sốt xuất huyết, do ổ bọ gậy nguồn ngày càng đa dạng, từ ống nhựa, vỏ lon,… cũ mà người dân chủ quan không dọn cũng trở thành nơi muỗi đẻ trứng. Vì thế, để phòng chống dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng, cần tập trung tuyên truyền mạnh mẽ cho cộng đồng hiểu, nâng cao ý thức, chủ động diệt bọ gậy/lăng quăng. 

Về công tác dự phòng và truyền thông phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung quyết liệt hơn nữa cho công tác tuyên truyền phòng chống dịch, làm tốt các nội dung khuyến cáo, thông tin đầy đủ, dễ hiểu, phù hợp với người dân. Dự phòng cần đảm bảo cung cấp đủ các trang thiết bị, vật tư cần thiết trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương.

Về công tác thu dung, điều trị, Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện cần có phác đồ điều trị thống nhất ở cả 3 miền, có phân tuyến điều trị phù hợp giữa các tuyến, tránh trường hợp ghép giường, quá tải, lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị. Đặc biệt, phải đưa yếu tố vệ sinh trong môi trường khám chữa bệnh lên hàng đầu, quan tâm, đảm bảo có xà bông, nước sạch, nhà vệ sinh chất lượng cho người dân tại bệnh viện. 

Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa các ban, ngành, đoàn thể, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, … đã cùng sát cánh với ngành y tế trong thời gian qua trong công tác phòng chống dịch. Điều này là vô cùng cần thiết và Bộ trưởng kỳ vọng trong thời gian tới, sự phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể,… tiếp tục mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thành công.