Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp, chế tài mạnh hơn nữa đối với những trường hợp vi phạm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (Đà Nẵng).

28/05/2020 | 07:54 AM

 | 

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp, chế tài mạnh hơn nữa đối với những trường hợp vi phạm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (Đà Nẵng).

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Hiện nay, chế tài về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã cơ bản đầy đủ, đối với một số hành vi vi phạm, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy GMP, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; Xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, để giảm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của địa phương, Bộ Y tế cũng đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng các văn bản và chính sách pháp luật. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nói riêng đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Thời gian tới, Bộ Y tế cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt đang thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận huyện xã phường của 09 tỉnh/thành phố theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.


Thăm dò ý kiến