Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn

11/11/2022 | 15:39 PM

 | 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

 

Bộ Y tế nhận được Công văn số 685/BDN ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn.

 

Kiến nghị số 01:  Đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh trường hợp chuyển tuyến “từ tuyến tỉnh lên tuyến trung ương” để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng phải chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Bảo hiểm y tế thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, về mức đóng, mức hưởng bảo hiểm y tế được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn, được tính toán dựa vào khả năng đóng góp của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 đã mở rộng so với quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014. Về việc bổ sung thanh toán bảo hiểm y tế chi phí vận chuyển người bệnh trường hợp chuyển tuyến từ tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương, cần căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Bộ Y tế xin tiếp thu kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cơ quan liên quan nghiên cứu cụ thể vấn đề này trên nguyên tắc bảo đảm khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.

Kiến nghị số 02: Cử tri cho rằng đơn vị thực hiện giám định thanh quyết toán BHYT vừa quản lý Quỹ BHYT vừa thực hiện giám định thanh toán là chưa phù hợp. Đề nghị xem xét thành lập cơ quan giám định độc lập để giám sát việc thực hiện khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ quỹ BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Hiện nay cơ chế quản lý tài chính công được áp dụng ở Việt Nam và nhiều nước là cơ quan giám định, kiểm soát chi (thanh toán) độc lập với hoạt động chi trả và quyết toán. Do hiện nay Quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội do Hội đồng Quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch và Tổ chức bảo hiểm y tế (bao gồm cả cơ quan giám định, quyết toán, chi trả) thuộc Tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ tài chính do Nhà nước thay mặt nhân dân quản lý nên áp dụng các định chế chặt chẽ, do vậy, việc thành lập cơ quan giám định độc lập (tương tự kiểm toán độc lập, thẩm định giá độc lập) ngoài nhà nước là vấn đề rất mới, cần nghiên cứu kỹ vấn đề này. Bộ Y tế xin tiếp thu kiến nghị cử tri và sẽ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét; đồng thời đề nghị cư tri tiếp tục kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập, khách quan, kịp thời của việc giám định, chi trả, thanh toán vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh có bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh và Quỹ bảo hiểm y tế.

Kiến nghị số 03: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành chức năng sớm thực hiện chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người dân các xã an toàn khu cách mạng với mức hưởng 100%.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công, ngày 24/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP 17/10/2018 của Chính phủ, trong đó có chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân các xã an toàn khu (ATK), vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP 17/10/2018 của Chính phủ. Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP 17/10/2018 của Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai đánh giá tác động, xin ý kiến của các đối tượng, rà soát các đối tượng ngoài nhóm nhân dân các xã ATK cách mạng, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Y tế....

Đến nay, Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ; dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2022.

Kiến nghị số 04: Đề nghị sửa quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thành:“Tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm sẽ bằng tổng số chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh trong năm sau khi hệ thống giám định BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh xác định tính đúng và hợp lý của các hồ sơ bệnh án” để đảm bảo chính xác.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

- Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có quy định Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế”.

- Sau 3 năm thực hiện, Bộ Y tế nhận thấy có sự không đồng nhất giữa quy định về tổng mức thanh toán và các quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo giá dịch vụ được quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm y tế; sự không hợp lý về nguyên lý kinh tế y tế của quy định về tổng mức thanh toán trong phương thức thanh toán theo giá dịch vụ; phản ánh của các địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh về các khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế; đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng tới chi phí khám chữa bệnh thực tế cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã sử dụng cho người tham gia bảo hiểm y tế từ năm 2021.

Do đó để khắc phục những vướng mắc trên, đến nay, Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; đã xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ; dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2022.

Kiến nghị số 05: Đề nghị rà soát và bổ sung, mở rộng danh mục các loại thuốc chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả để đáp ứng nhu cầu điều trị và đảm bảo quyền lợi, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Với mục tiêu hướng đến thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ Y tế luôn tập trung vào việc xây dựng chính sách bảo hiểm y tế, đặc biệt gói quyền lợi bảo hiểm y tế về thuốc ngày càng đa dạng nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh, thu hút ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm y tế.

          Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp. Trong những trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được thuốc để điều trị cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần chuyển người bệnh đến các cơ sở cung ứng đầy đủ thuốc và điều kiện để điều trị cho người bệnh, nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện nay, Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế được quy định tại Thông tư số 30/2019/TT-BYT ngày 30/10/2019 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế và Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Về cơ bản, Danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị ở các chuyên khoa trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền.

- Về danh mục thuốc tân dược, so với Thông tư số 40/2014/TT-BYT, Thông tư số 30/2018/TT-BYT được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư thuốc 01/2020/TT-BYT và Thông tư số 20/2020/TT-BYT danh mục thuốc được sử dụng và thanh toán bảo hiểm y tế tại tuyến xã, bao gồm 326 thuốc. Danh mục này bao gồm hầu hết các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới và của Việt Nam.

- Về Danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về Danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện có 229 chế phẩm (tăng 102 chế phẩm) và 349 vị thuốc (tăng 49 vị thuốc) so với Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện có khoa Y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.

Như vậy, danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị đầy đủ ở các chuyên khoa, cả trong lĩnh tân dược và thuốc y học cổ truyền. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung Thông tư ban hành Danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời phải phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Kiến nghị số 06: Đề nghị Bộ xem xét tích hợp Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 50/2014/TT-BYT ngày 26/12/2014 quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật thành một văn bản để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thuận tiện trong việc tra cứu xây dựng hồ sơ theo đúng quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BYT ngày 03/4/2015 quy định chi tiết điều kiện, thủ tục cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, trong xây dựng danh mục kỹ thuật cần có mã tương đương đầy đủ để thanh quyết toán bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương hoàn thiện Thông tư Danh mục kỹ thuật, quy định phân loại phẫu thuật thủ thuật và định mức nhân lực đối với từng ca thuật thủ thuật trong khám, chữa bệnh theo ý kiến góp ý của các hội đồng chuyên môn của các chuyên khoa, chuyên ngành và các Bộ, ngành, địa phương để sớm ban hành triển khai áp dụng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các cơ sở y tế.

 Kiến nghị số 07:  Đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn phân tuyến đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Phòng khám đa khoa để xác định cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh được xác định là cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội, không phụ thuộc vào Thông tư 40 nêu trên.

Kiến nghị số 08:  Đề nghị xem xét tăng mức phụ cấp trực cho cán bộ y tế tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch do mức chi tại Quyết định này không còn phù hợp, chưa tương xứng với mức độ trách nhiệm, cường độ làm việc của cán bộ y tế tại các cơ sở công lập.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

- Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 107/NQ-TW; ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; trong đó nêu rõ: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách tiền lương hiện hành”.

          Do đó, Bộ Y tế không đề nghị triển khai sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch (thay thế Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Tuy nhiên căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khỏe của nhân dân, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 (thay thế Nghị quyết số 37/NQ-CP), trong đó có nâng mức phụ cấp chống dịch tăng từ 1,5 - 2 lần tùy theo từng đối tượng trực tiếp, tiếp xúc người bệnh, bệnh phẩm, nguy cơ lây nhiễm cao khi tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị quyết quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch: Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2021;  Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV;  Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Kiến nghị số 9: Đề nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về Quản lý trang thiết bị y tế theo thẩm quyền được giao để các đơn vị có cơ sở thực hiện.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Triển khai thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về Quản lý trang thiết bị y tế, đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị định: (1) Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 quy định mẫu văn bản, báo cáo thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; (2)    Thông tư số 05/2022/TT-BYT ngày 01/8/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; (3) Thông tư số 06/2022/TT-BYT ngày 01/8/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Kiến nghị số 10: Đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng, tránh tình trạng giá thực phẩm chức năng bị đẩy lên cao.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

- Các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật[1]. Các cơ sở có thực phẩm chức năng trước khi tiến hành quảng cáo phải được thẩm định nội dung, các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được phát hành quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định. Như vậy, về hệ thống pháp luật đã đầy đủ.

- Liên quan đến quản lý hoạt động quảng cáo, gồm Bộ Y tế (cơ quan quản lý cơ sở có sản phẩm thực phẩm), Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý phương tiện quảng cáo), Bộ Công Thương (cơ quan quản lý các sàn thương mại điện tử) cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Về cơ bản ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân về cơ bản đã được nâng cao. Các báo, đài Trung ương nhìn chung đã tuân thủ tốt quy định về quảng cáo thực phẩm; thực hiện chỉ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số đài truyền hình địa phương, đặc biệt các trang mạng xã hội vẫn xảy ra tình trạng quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung, quảng cáo không đúng với nội dung đã được thẩm định, sử dụng hình ảnh bác sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng.

- Ngày 11/01/2021 Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã có Công văn số 35/ATTPPCTTR gửi Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an phối hợp trong công tác quản lý về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và Công văn số 26/ATTPPCTTR gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trong đó tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là xử lý vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng, mạng xã hội, youtube v.v…công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

- Thời gian vừa qua, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo và công khai kết quả xử lý trên trang vfa.gov.vn. Ngoài ra, Bộ Y tế thường xuyên phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, cảnh báo về an toàn thực phẩm trên trang vfa.gov.vn, đồng thời khuyến cáo cho người tiêu dùng biết: Không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có tác dụng chữa bệnh; Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

 Kiến nghị số 11: Đề nghị sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ Y tế đã triển khai đánh giá kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014, trên cơ sở đó xây dựng Bộ tiêu chí cho giai đoạn mới, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2022. Bộ Y tế đã có văn bản số 949/BYT-KH-TC ngày 09/02/2021 gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổ chức đánh giá và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí và nêu rõ trong giai đoạn chưa ban hành bộ tiêu chí mới: "tiếp tục thực hiện các nội dung trong Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã ban hành tại Quyết định 4667/QĐ-BYT cho đến khi Bộ Y tế có hướng dẫn mới".

 

 

[1] (1) Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

(2) Luật Quảng cáo số 16/2012/QH 13 ban hành ngày 21/6/2012;

(3) Nghị định số 15/ 2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

(4) Nghị định số 181/ 2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, (sau đây gọi tắt là Nghị định số 181/2013/NĐ-CP);

(5) Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định này thay thế Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP và Nghị định 115/2018/NĐ-CP;

(6) Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2021;

(7) Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo;

(8) Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06/12/2013, quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ – CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng Cáo;

(9) Thông tư số 09/2015/TT- BYT, ngày 25 tháng 5 năm 2015, hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.


Thăm dò ý kiến