Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai

11/11/2022 | 15:44 PM

 | 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

 

Bộ Y tế nhận được công văn số 685/BDN ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai.

Bộ Y tế xin trả lời các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Kiến nghị Bộ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đối với đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người có công nuôi liệt sĩ,...) được thụ hưởng theo hướng cấp thẻ không thời hạn, vì đối tượng chính sách hưởng chế độ bảo hiểm y tế là trọn đời nên không cần quy định việc gia hạn hằng năm.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người có công nuôi liệt sĩ. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế có thời hạn đảm bảo cho việc quản lý đối tượng khi có sự thay đổi tăng, giảm đối tượng.

Việc cấp thẻ, quản lý dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Thẻ bảo hiểm y tế hiện nay không ghi “Giá trị thẻ ĐẾN”, mà được quản lý trên hệ thống Công nghệ thông tin và nhiều trường hợp đã được tích hợp vào Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, nên hầu hết các đối tượng, đặc biệt là đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người có công nuôi liệt sĩ,...) không phải gia hạn thẻ bảo hiểm y tế hằng năm như nội dung kiến nghị của cử tri.

2. Đề nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược làm đầu mối cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về công tác quản lý Dược để thuận tiện trong quá trình tra cứu cũng như xử lý các công tác nghiệp vụ có liên quan.

Thời gian qua, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã xây dựng hệ thống trực tuyến (https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index) để công bố trực tuyến tất cả các thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành, tất cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đều có thể tra cứu thuận tiện, hiện nay đang tiếp tục nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng liên thông dữ liệu với các hệ thống giải quyết hồ sơ trực tuyến nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời các thông tin thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành của thuốc.

Việc cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế đang được kết nối với hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia của Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công bố mỹ phẩm được thực hiện trực tuyến và trả kết quả bằng bản điện tử; Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố được lưu giữ trên hệ thống và các tổ chức, cá nhân đứng tên công bố, cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, người dân... có thể tra cứu tại địa chỉ https://dav.gov.vn/ (chọn “Dịch vụ công trực tuyến”, mục “Tiếp nhận công bố mỹ phẩm”).

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) cũng đang xem xét và đề xuất nâng cấp phần mềm để xây dựng thành hệ thống quản lý mỹ phẩm đảm bảo tính tổng thể Hệ thống dịch vụ công cấp độ 4 của Cục và đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong việc tiếp nhận, giải quyết công bố mỹ phẩm trong nước (tại Sở Y tế) và nhập khẩu (tại Cục Quản lý Dược) trong một hệ thống, thành dữ liệu quốc gia về mỹ phẩm.

Trang thông tin điện tử tổng hợp của Cục Quản lý Dược (https://dav.gov.vn/)  luôn cung cấp kịp thời các thông tin công bố, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm. Hệ thống ngân hàng dữ liệu ngành dược (https://drugbank.vn/) với thông tin, dữ liệu của 15.226 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin về thuốc, đáp ứng được các tiêu chí chính xác, đầy đủ. 

3. Đề nghị Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý ngành:

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo phân công trách nhiệm tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành hệ thống quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) về lĩnh vực an toàn thực phẩm, bao gồm 65 QCVN về sản phẩm thực phẩm, bao bì chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, giới hạn ô nhiễm vi sinh vật, kim loại nặng, độc tố vi nấm trong thực phẩm. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành các quy định về mức tối đa phụ gia thực phẩm, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các quy định về an toàn thực phẩm. Tra cứu nội dung chi tiết văn bản tại Website: https://vfa.gov.vn/van-ban.html. Như vậy, về cơ bản, Bộ Y tế đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy định về an toàn thực phẩm.

Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Thông tư của các Bộ ngành, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm theo thứ tự ưu tiên: (1) Tiêu chuẩn quốc gia; (2)  Tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), Tiêu chuẩn khu vực, Tiêu chuẩn nước ngoài; (3) Tiêu chuẩn nhà sản xuất.

 Trong giai đoạn năm 2021-2024, Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và ban hành các QCVN: Năm 2021-2022 xây dựng mới QCVN về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dự kiến ban hành trong năm 2022; Năm 2022-2024 thực hiện soát xét, sửa đổi Quy chuẩn QCVN 8-1:2011/BYT đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm, dự kiến ban hành trong năm 2024.

Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có trách nhiệm: (1) Xây dựng và ban hành Quy chuẩn đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương (tại Khoản 1, Điều 38 và Khoản 1, Điều 39); (2) Xây dựng quy định về mức giới hạn an toàn trong các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương và gửi Bộ Y tế ban hành (tại Khoản 2, Điều 38 và Khoản 2, Điều 39).

* Về nội dung kiến nghị để thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), đề nghị các bộ, ngành quản lý ngành cần có sự thống nhất trong việc quy định các giấy tờ pháp lý và thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP, cụ thể việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với hộ kinh doanh sản xuất thực phẩm: Các cơ sở sản xuất thực phẩm đăng ký giấy phép hộ kinh doanh được ngành Công Thương quy định miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong khi đó ngành Y tế và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phải cấp, do đó, khó khăn cho trong công tác quản lý đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên trong đó có mặt hàng của ngành Công Thương.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm và Điều 11, Điều 12 Nghi định số 15/2018/NĐ-CP Ngành Y tế và Nông nghiệp cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở “sản xuất nhỏ lẻ” (được hiểu là hộ kinh doanh sản xuất thực phẩm); Liên quan đến việc chưa thống nhất trong công tác cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với hộ kinh doanh sản xuất thực phẩm, Bộ Y tế - thường trực Ban chỉ đạo liên ngành TW về ATTP đã tổ chức cuộc họp với đại diện của 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Công Thương để trao đổi, thống nhất và đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn việc cấp cho cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ theo đúng quy định, đồng thời xem xét để trình sửa các văn bản pháp luật cho phù hợp với quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

* Đối với kiến nghị các bộ, ngành quản lý thống nhất hướng dẫn loại hình kinh doanh “Nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP” thuộc cơ quan quản lý chuyên ngành nào và thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật nào.

Theo Khoản 5 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin và bếp ăn tập thể; Theo quy định tại Khoản 6 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nên “Nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 thì các cơ sở trên không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng;

Điều 5 Chương II thuộc Điều 2 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có Nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể.

* Về kiến nghị về tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định các tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm trong trường hợp thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo. Đối với trường hợp cơ sở đã công bố áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hiện hành, tuy nhiên, sau khi đã công bố và lưu thông hàng hóa trên thị trường mà TCVN hoặc QCVN đã áp dụng bị thay thế thì cơ sở có phải công bố lại theo TCVN hoặc QCVN mới ban hành hay không.

Tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo. Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.

Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đã tự công bố sản phẩm áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hiện hành, tuy nhiên trong khi lưu thông hàng hóa trên thị trường, các QCVN và TCVN có sự thay đổi hoặc thay thế mới, tổ chức cá nhân sẽ thực hiện sản xuất, kinh doanh, tự công bố theo điều khoản chuyển tiếp nằm trong văn bản mới thay thế (nếu có) và thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm  theo quy định.

* Về kiến nghị các quy chuẩn, tiêu chuẩn được liệt kê tại mục IV, mẫu số 01 Phụ lục I Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ có bắt buộc áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm không vì theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì Quy chuẩn là bắt buộc áp dụng, tiêu chuẩn là khuyến khích áp dụng. Đề nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành quy định xử phạt đối với các trường hợp thực hiện cam kết ATTP.

Theo Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: (1) Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng; (2) Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Căn cứ Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018: “Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó”. Do đó, trường hợp tổ chức, cá nhân, kê khai quy chuẩn, tiêu chuẩn trong mục IV, mẫu số 01 Phụ lục I Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 thì phải áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã kê khai. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm cam kết an toàn thực phẩm thì xử phạt theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.


Thăm dò ý kiến