Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương

11/11/2022 | 15:46 PM

 | 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

 

Bộ Y tế nhận được công văn số 685/BDN ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương.

Sau khi nghiên cứu các nội dung kiến nghị và rà soát văn bản liên quan, Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Về việc cử tri đề nghị nâng mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% lên 100% đối với thanh niên xung phong.

- Đảng và Nhà nước ta không ngừng quan tâm chăm lo đền ơn đáp nghĩa đối với người có công cách mạng trong đó có nhóm đối tượng thanh niên xung phong. Hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế về ưu đãi người có công ngày một hoàn thiện, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao, gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

- Hiện nay, chính sách bảo hiểm y tế đối với lực lượng thanh niên xung phong đã được quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.  

- Thời gian vừa qua, một số Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri đã có kiến nghị đề nghị nâng mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng Thanh niên xung phong. Đối với nội dung kiến nghị này, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh mức hưởng bảo hiểm y tế.

2. Về việc cử tri kiến nghị có chế độ động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19; Có cơ chế khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực y tế; sửa đổi chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng.

2.1. Về chế độ động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trình khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặc biệt là những cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch.

- Thực hiện Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; Hướng dẫn số 2611/HD-BTĐKT ngày 06/10/2021 của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương hướng dẫn khen thưởng cá tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19; Hướng dẫn số 121/HD-BTĐKT ngày 13/01/2021 của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương hướng dẫn về việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; Bộ Y tế đã Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua đặc biệt: “Toàn ngành Y tế đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ”. Hiện nay, Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế vẫn tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân theo đề xuất của các đơn vị.

 - Đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, cấp Bộ Y tế đối với các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt, tiêu biểu xuất sắc trực tiếp tham gia công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 tại tuyến đầu theo nguyên tắc “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý” căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

2.2. Về cơ chế khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực y tế

Trong giai đoạn vừa qua, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Hệ thống đào tạo nhân lực y tế đã có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước; đội ngũ nhân lực y tế ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn giỏi từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tất cả các tuyến y tế từ trung ương đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Cụ thể:

- Bộ Y tế đang cùng các cơ sở đào tạo nhân lực y tế triển khai chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với Khung trình độ Quốc gia Việt Nam và hội nhập quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng dựa trên năng lực. Tập trung nhiều vào đào tạo trình độ cao, phù hợp với nhu cầu cho phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp các kỹ thuật y tế cao, chuyên sâu đáp ứng sự thay đổi mô hình bệnh tật, các bệnh dịch và bệnh mới nổi trong tình hình mới và trong những năm tiếp theo. Tiếp tục đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ (đặt hàng của địa phương), đào tạo bác sĩ trẻ tình nguyện cho các tỉnh, vùng khó khăn ở phía bắc, miền trung, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; đào tạo đặc thù nhân lực y tế cho một số chuyên ngành khó tuyển như Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh. Dự án 585 đã đào tạo 354 bác sĩ trẻ có trình độ chuyên khoa cấp 1 và bàn giao về cho 85 huyện nghèo, khó khăn thuộc 22 tỉnh[1].

- Triển khai nhiều dự án, đề án khuyến khích đào tạo nhân lực y tế như: Dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET); Dự án Thí điểm đựa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Dự án 585); Hoạt động Đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn thuộc dự án số 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số” thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”;...

- Xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo liên tục nhân lực y tế trên toàn quốc phục vụ cho việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho cán bộ y tế, làm điều kiện để duy trì chứng chỉ hành nghề[2].

- Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đào tạo nhân lực y tế nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế, tiến tới hội nhập quốc tế[3].

- Xây dựng và trình Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia theo Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng mô hình các nước trên thế giới để đảm bảo chất lượng nhân lực đầu vào của hệ thống y tế và quản lý hoạt động hành nghề. Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng khó khăn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035”.

- Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp, cụ thể:

+ Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu đảm bảo và nâng cao chất lượng nhân lực y tế, tiến tới hội nhập quốc tế; chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với Khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế; hoàn thành xây dựng chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo khối ngành sức khỏe theo hướng dựa trên năng lực, phù hợp với từng lĩnh vực, chuyên ngành và trình độ đào tạo gắn với yêu cầu trong tình hình mới và nhu cầu sử dụng của hệ thống y tế.

+ Đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế; hoàn thành xây dựng hệ thống kiểm định chương trình đào tạo đặc thù trong đào tạo lĩnh vực sức khoẻ theo thông lệ quốc tế và triển khai có lộ trình phù hợp điều kiện Việt Nam.

+ Tiếp tục hoàn thiện chính sách về xác định vị trí việc làm, công nhận chức danh hành nghề, giảng dạy lâm sàng; chế độ đãi ngộ về lương, phụ cấp cho người giảng dạy, người học chuyên khoa, ... Xây dựng cơ chế tài chính về học bổng, học phí, kinh phí đào tạo, ... phù hợp với đặc thù đào tạo nhân lực y tế.

+ Đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng đủ số lượng cán bộ y tế các tuyến theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đặc biệt chú trọng và tăng cường đào tạo cán bộ y tế các chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Truyền nhiễm,... bằng nhiều hình thức đào tạo như: bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, đào tạo liên tục cán bộ y tế, đào tạo chuyển giao kỹ thuật...

+ Tiếp tục triển khai các đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; từng bước đảm bảo số lượng và chất lượng nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe dân tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.

2.3. Về sửa đổi chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế

- Để thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế nói chung và xã hội hóa các bệnh viện công lập nói riêng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, pháp luật về xã hội hóa, trong đó có lĩnh vực y tế[4], trên cơ sở đó Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã ban hành một số Thông tư, văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các quy định của Luật và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ, về xã hội hóa.

- Hiện nay, một số cơ sở y tế công lập đang thực hiện các hình thức xã hội hóa, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư: Vay vốn ngân hàng (Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đầu tư phát triển các tỉnh, thành phố, các ngân hàng thương mại), huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; liên doanh, liên kết trang thiết bị; thuê trang thiết bị, cơ sở hạ tầng; hợp tác với các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở (trong và ngoài đơn vị); nhà đầu tư xây dựng bệnh viện và hợp tác với bệnh viện công để quản lý, vận hành; bệnh viện công hỗ trợ về chuyên môn, cử viên chức, người lao động sang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân.

- Ngày 01/10/2020, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-BYT chấn chỉnh hoạt động liên doanh, liên kết, trong đó đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác xã hội hóa, việc liên doanh, liên kết để kịp thời phát hiện các bất hợp lý, tồn tại, phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra; khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót, vi phạm mà các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện chỉ ra và phải xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có). Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, thuê tài sản, đấu thầu đơn vị cung ứng dịch vụ công đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số.

2.4. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng.

- Việc đầu tư, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngày 05/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đã quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương, Chương trình mục tiêu y tế - dân số và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

- Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước, thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương, đơn vị và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện việc phân bổ nguồn lực của Chương trình.

- Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cho y tế cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

- Giải pháp về y tế cơ sở được đặt ra trong thời gian tới:

(1) Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng: Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn[5] nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới; trong đó đề xuất đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã; triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở nguồn vốn vay WB, ADB.

(2) Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của y tế cơ sở theo hướng không theo địa bàn hành chính mà theo cụm dân cư để gần dân, người dân dễ tiếp cận hơn.

(3) Tăng cường chính sách đãi ngộ: Xây dựng và cấp có thẩm quyền ban hành chế độ tiền lương, phụ cấp để đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ y tế y tế cơ sở.

(4) Nâng cao chất lượng chuyên môn: Tăng cường nhân lực cho bệnh viện, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, đặc biệt là vùng đô thị có mật độ dân số lớn; đổi mới chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên cho y tế cơ sở, trong đó chú trọng các kỹ năng sơ cấp cứu, điều trị hô hấp, các bệnh thông thường, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, không để bị động, lúng túng trong tình huống dịch bệnh bùng phát.

(5) Đổi mới cơ chế tài chính; tăng định mức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở; hoàn thiện và triển khai đầy đủ gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở được bảo hiểm y tế thanh toán; gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước chi trả; thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo định suất. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư cho y tế cơ sở; đẩy mạnh quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở.

(6) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: Xây dựng hệ thống thông tin y tế đảm bảo tính kết nối, liên thông, tích hợp để quản lý y tế cơ sở, khám chữa bệnh từ xa, quản lý sức khỏe người dân.

3. Về việc cử tri kiến nghị Bộ Y tế xem xét, sửa đổi định mức nhân lực tại trạm y tế cấp xã cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị và miền núi và hải đảo, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm, số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV; hiện đang xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ. Theo dự thảo, Thông tư sẽ hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp tối thiểu trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc các Bộ, ngành và địa phương. Do vậy, khi Thông tư được ban hành thì theo thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, căn cứ quy định và tình hình thực tế của địa phương để quyết định việc bố trí số lượng người làm việc cho các trạm y tế xã, phường trên địa bàn cho phù hợp.

4. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác quản lý thông tin quảng cáo thuốc trên Đài Truyền hình Việt Nam, tránh quảng cáo tràn lan, sai sự thật.

- Trong thời gian qua, công tác quản lý thông tin, quảng cáo thuốc còn gặp nhiều khó khăn bởi một số lý do như: Tính tuân thủ quy định về quảng cáo của một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể chưa cao; việc phối hợp của một số cơ quan truyền thông với cơ quan chức năng trong việc giám sát hoạt động quảng cáo thuốc chưa thật sự chặt chẽ; nhân lực làm công tác quản lý quảng cáo thuốc còn mỏng, thậm chí là rất mỏng cả ở Trung ương và địa phương dẫn đến hạn chế trong việc triển khai hoạt động thanh tra giám sát hậu mại về quảng cáo thuốc.

- Trước trình trạng trên, Bộ Y tế tế đã và đang triển khai thực hiện các biện pháp để tăng cường công tác quản lý thông tin, quảng cáo thuốc:

+ Triển khai thực hiện thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thuốc trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để tăng cường tính công khai, minh bạch và kết nối với Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Đồng thời, công bố toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc đã được cấp giấy xác nhận trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược (https://dav.gov.vn/tra-cuuthuoc.html) để cơ quan chức năng giám sát hậu mại hoạt động quảng cáo thuốc.

+ Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong giám sát hoạt động quảng cáo thuốc, ban hành nhiều văn bản[6] gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19 và gửi Google LLC, Facebook Inc đề nghị phối hợp trong việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm.

+ Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp (quản lý thị trường, công an kinh tế, các cơ quan truyền thông…) trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thuốc. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

+ Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản thông tin quảng cáo thuốc đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

[1] Mỗi năm trung bình có thêm gần 10.000 cán bộ có trình độ trên đại học; bổ sung trên 35.000 cán bộ có trình độ đại học, trên 34.000 cán bộ có trình độ cao đẳng và khoảng 8.000 cán bộ trình độ trung cấp. Tổng số cán bộ y tế tăng từ 441,4 nghìn người năm 2015 và khoảng 500 nghìn người năm 2020. Tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 7,2 năm 2011, 8,0 năm 2015 và 9,0 năm 2020. Cơ cấu trình độ chuyển biến theo hướng tích cực; trình độ từ đại học trở lên đạt 30,7%; cao đẳng đạt gần 23%; trung cấp đạt 8,3% và sơ cấp đạt 38%.

[2] Đến năm 2021, đã cấp mã cơ sở đào tạo liên tục cho các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp (mã A); các đơn vị trực thuộc Bộ, Hội nghề nghiệp (mã B) và các Sở Y tế các tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc (Mã C). Tổng số là 612 đơn vị đào tạo liên tục đã có mã số đào tạo liên tục.

[3] Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 Quy định về tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe; Luật Giáo dục năm 2019; Luật sửa đổi đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ…

[4] Điều 87 của Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật quản lý sử dụng tài sản công; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017; Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 15/12/2014.

[5](1) Đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã với tổng kinh phí dự kiến là 8.845 tỉ đồng.

(2) Chương trình MTQG về phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: Tổng kinh phí cho y tế dự kiến là 2.093,181 tỉ đồng (ngân sách trung ương: 1.496,692 tỉ đồng, gồm 455,433 tỉ đồng vốn đầu tư và 1.041,259 tỉ đồng vốn sự nghiệp; ngân sách địa phương: 596,489 tỉ đồng) để tăng cường công tác y tế cơ sở, cải thiện sức khỏe người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

(3) Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 2.050 tỉ đồng (tương đương 88,6 triệu USD) vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á; vốn trong nước đầu tư cho các địa phương thực hiện Chương trình, trong đó có nội dung tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, đầu tư xây mới 294 trạm y tế xã: 1.192 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo sửa chữa 260 trạm y tế xã: 321,2 tỷ đồng.

(4) Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Tổng kinh phí dự kiến 2.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương: 1.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp; ngân sách địa phương: 500 tỷ đồng vốn sự nghiệp; Vốn huy động hợp pháp khác: 500 tỷ đồng) để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

(5) Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở nguồn vốn WB với tổng vốn 126,25 triệu USD để đầu tư cho 13 tỉnh (trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, đầu tư xây mới 133 trạm y tế xã: 525,7 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo sửa chữa 308 trạm y tế xã: 477,7 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo sửa chữa 12 trung tâm y tế huyện: 137,3 tỷ đồng.

[6] Công văn số 419/ATTP-NĐTT ngày 15/3/2021; Công văn số 10228/QLD-PCTTr ngày 01/9/2021


Thăm dò ý kiến