Cử tri phản ánh: Trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có sự phát triển mạnh mẽ, số người tham gia đều tăng qua hàng năm

28/05/2020 | 08:00 AM

 | 

Cử tri phản ánh: Trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có sự phát triển mạnh mẽ, số người tham gia đều tăng qua hàng năm. Những đơn vị máu tiếp nhận đã góp phần quan trọng trong công tác cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đang gặp khó khăn do quy định tại Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện “Giấy chứng nhận có giá trị để truyền máu miễn phí bằng số lượng máu đã hiến, khi bản thân người hiến máu có nhu cầu sử dụng máu tại tất cả các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc” vì Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương thuộc xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng là cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Theo phản ánh của cử tri, mỗi năm Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương đã sử dụng nhiều đơn vị máu để điều trị cho người bệnh trong đó có cả những người bệnh đã tham gia hiến máu tình nguyện và có giấy chứng nhận hiến máu nhưng những người bệnh này lại không được sử dụng đơn vị máu của mình đã hiến do vướng quy định trên. Nhằm đảm bảo công bằng cho những người đã tham gia hiến máu khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, sửa đổi (Phú Thọ).

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Theo nội dung Công văn số 7957/BTC-HCSN ngày 13/6/2016 của Bộ Tài chính có nêu rõ “Ngày 14/9/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 182/2009/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, trong đó tại Điều 5. Bồi hoàn máu, thành phần máu đối với người hiến máu tình nguyện quy định “Người hiến máu tình nguyện trong trường hợp phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập, được miễn trả tiền máu, thành phần máu tối đa bằng số lượng máu, thành phần máu đã hiến theo Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Trường hợp người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thanh toán khoản kinh phí này cho cơ sở y tế công lập; trường hợp người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế thì ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế công lập khoản chi này theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành”.

Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh công lập (không phân biệt đơn vị đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên) được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí tương ứng với số lượng máy đã truyền cho người hiến máu tình nguyện, tối đa không quá số lượng máu mà người hiến máu tình nguyện đã hiến theo Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm tổng hợp kinh phí tương ứng với số máu đã truyền cho người hiến máu tình nguyện không tham gia bảo hiểm y tế gửi cơ quan chủ quan cấp trên thẩm định, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp để được bố trí dự toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Như vậy, với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (tư nhân và công lập) sẽ “có trách nhiệm tổng hợp kinh phí tương ứng với số máu đã truyền cho người hiến máu tình nguyện không tham gia bảo hiểm y tế gửi cơ quan chủ quan cấp trên thẩm định, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp để được bố trí dự toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành”.


Thăm dò ý kiến